NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Những đổi mới trong công tác phối hợp giữa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa với các địa phương góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 09:21:27 18/11/2019 (GMT+7)1610 lượt xem

ThS. Dương Thị Bảo Anh 
Trưởng Phòng QLĐT & NCKH
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn nghiệp vụvề công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Có thể khẳng định rằng,trong những năm qua, bám sát chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; tranh thủ sự chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm của UBND tỉnh và các ban, sở, ngành trong tỉnh; đồng hành với sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, nhà trường đã chủ động đổi mới công tác phối hợpvới các địa phương trên địa bàn tỉnh trong tổ chức, quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng với nhiều nét nổi bật:
Thứ nhất, đổi mới phối hợptrong công tác tuyển sinh, mở lớp
Hằng năm, ngay từ đầu năm học, Nhà trường chủ động phối hợp với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và lãnh đạo các huyện thực hiện tuyển sinh mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính bảo đảm phương châm: đúng, đủ, rõ (đúng về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình; đủ về hồ sơ, số lượng; rõ về nguồn quy hoạch). Điểm nổi bật là, Trường đã thống nhất phối hợp tuyển sinh để đa dạng hóa các loại hình lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (trong kế hoạch, ngoài kế hoạch), phân chia các nhóm lớp, thời gian học phù hợp với các nhóm đối tượng học viên. Từ đó, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức có thể lựa chọn hình thức học phù hợp; đáp ứng kịp thời nhu cầu lớn về đào tạo Trung cấp lý luận chính trị- hành chính làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác cán bộ.
Mặt khác, Nhà trường đã chủ động cùng với các địa phương, cơ quan, đơn vị tuyển sinh mở các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính ngoài kế hoạch học tại huyện vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần để đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.
Đặc biệt, trong năm 2019, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ, Nhà trường đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố điều tra, khảo sát nhu cầu và thống nhất tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy cấp huyện và các chức danh chủ chốt. Theo đó, đối tượng học viên tham gia là cán bộ được quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025; 2021- 2016. Việc phối hợp mở lớp đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện và thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hoá thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”.
Thứ hai, đổi mới phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong xây dựng chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
Trong những năm gần đây, thực hiện phương châm đào tạo “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, Nhà trường đã đổi mới trong phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và thống nhất về phương thức tổ chức thực hiện.Cụ thể:
- Đối với việc xây dựng nội dung chương trình: Các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị được thực hiện theo quy định về chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhưng để tăng kiến thức thực tiễn cho học viên, nhà trường đã chủ động biên soạn và đưa Phần học tình hình nhiệm vụ địa phương vào thực hiện. Đồng thời, bổ sung các chuyên đề như: Kỹ năng quản lý mục tiêu, thái độ; Cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng phong cách làm việc Hồ Chí Minh; Quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và những vấn đề đặt ra ở Thanh Hóa hiện nay. Những đổi mới của nhà trường giúp học viên nhận thức đúng đắn thái độ, trách nhiệm khi tham gia học tập và góp phần giúp học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Riêng các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn, trên cơ sở tranh thủ chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh uỷ, nhà trường đãthực hiện phối hợp với huyện để xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng.Các chuyên đề tập trung vào thực hiện 3 mục tiêu của trương trình đó là: hệ thống hoá và nâng cao kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối của Đảng; phát triển tư duy về lãnh đạo quản lý và kiến thức thực tiễn cho người học. Trong quá trình thực hiện, tuỳ thuộc vào điều kiện, yêu cầu cụ thể của từng huyện có thể điều chỉnh, bổ sung một số chuyên đề thực tiễn cho phù hợp, giao Phó Hiệu trưởng vàlãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học thống nhất với huyện.Trên cơ sở đó, chỉ đạo thực hiện biên soạn tài liệu phục vụ lớp học một cách kỹ lưỡng.
- Đối với phương thức tổ chức thực hiện: Nhà trường chủ động phối hợp, mời báo cáo viên là các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành có kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn về lãnh đạo quản lý tham gia giảng dạy, trao đổi một số chuyên đề, trong đó tập trung vào các chủ đề: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và những vấn đề đang đặt ra và cách thức giải quyết trên địa bàn huyện (đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính); trao đổi các chuyên đề về: Xử lý tình huống chính trị, xung đột xã hội; Kỹ năng ban hành và quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp huyện; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị huyện,… (đối với các lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp huyện). Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng mà còn tạo diễn đàn trao đổi, thông qua đó, lãnh đạo huyện nắm bắt kịp thời năng lực, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ được cử đi học.
          Bên cạnh việc đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện các chuyên đề, trong chương trình các lớp còn tổ chức toạ đàm, hội thảo khoa học để làm sâu sắc thêm kiến thức lý luận và thực tiễn. Đây thực sự là diễn đàn bổ ích để học viên tiếp tục rèn luyện các kỹ năng tư duy, phân tích, tổng hợp; ngoài ra, nhà trường phối hợp với huyện tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa học viên đi nghiên cứu thực tế, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong, ngoài tỉnh. Riêng đối với các lớp nguồn, nhà trường đã nghiên cứu đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiên cứu thực tế thông qua mô hình nghiên cứu tư vấn và nghiên cứu trao đổi, học tập kinh nghiệm. Điểm nổi bật của mô hình này là giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của các địa phương đi sâu sát cơ sở, nắm được dân sinh, thấu hiểu dân tình, tổng hợp được dân ý và quan trọng hơn là qua đó xây dựng được văn hoá lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ biết lắng nghe dân nói, biết nói dân hiểu và biết làm cho dân tin.
Thứ ba, đổi mới phối hợp trong công tác quản lý, phục vụ học viên
Trong những năm gần đây nhà trường tập trung vào xây dựng mô hình học tập 3 không (không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp rèn luyện khoa học) nhằm góp phần xây dựng tác phong, hình ảnh đẹp của học viên và cũng là xây dựng môi trường học tập giàu tính Đảng. Thực hiện việc này, bên cạnh việc chủ động ban hành Quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giờ giấc ra vào lớp, hằng năm, nhà trường tổ chức hội nghị giao ban công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với các địa phương mở lớp, tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp đổi mới đồng bộ, tăng cường sự phối hợp giữa hai bên nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo.
Riêng các lớp bồi dưỡng, đặc biệt là lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp uỷ cấp huyện, nhà trường phối hợp, tư vấn cho huyện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo lớp học và Ban Quản lý lớp học. Đối với Ban Chỉ đạo thành phần gồm có Trưởng Ban là đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Phó Trưởng ban là đồng chí Phó Hiệu trưởng nhà trường, thành viên còn lại là các đồng chí Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo và Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đối với Ban Quản lý lớp học, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo – Giám đốc Trung tâm làm trưởng ban, có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo trực tiếp thực hiện quản lý lớp học, thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo đến đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Huyện uỷ. Hơn nữa, Nhà trường tư vấn cho huyện tổ chức mô hình quản lý lớp học theo phương thức làm biển tên kèm theo chức vụ, đơn vị công tác của học viên để giúp cho công tác quản lý và quá trình tương tác giữa giảng viên với học viên được thuận lợi, đồng thời tạo sự trang trọng cho lớp học. Từ hiệu quả đem lại, hiện nay mô hình này đã được các huyện áp dụng cho các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các lớp bồi dưỡng khác, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho các địa phương.
Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, nhà trường còn phối hợp với các địa phương trong việc nâng cao chất lượng phục vụ để tạo ra môi trường, không gian giảng dạy, học tập tốt nhất cho giáo viên và học viên. Theo đó, đã phối hợp với các địa phương liên kết đào tạo, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cho phòng học, nước uống, giáo trình, sổ ghi chép cho học viên; nơi ăn ở thoáng mát cho giáo viên… Hiện nay, gần như 100% phòng học tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị đã được trang bị đầy đủ loa, đài, máy chiếu, điều hoà nhiệt độ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giờ giảng.
          Thứ tư, đổi mới phối hợp trong công tác kiểm tra, đánh giá
Kiên trì thực hiện định hướng lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá kết quả dạy - học của giảng viên và học viên là khâu đột phá.Nhà trường đã thực hiện đổi mới cách thức đánh giá theo hướng từ chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình.Theo đó, ngoài việc phải hoàn thành các bài thi hết môn, thi tốt nghiệp cuối khoá, học viên còn phải viết bài thu hoạch nghiên cứu thực tế, viết bài tham luận tại các buổi toạ đàm hội thảo, hàng tháng, tổ chức cho các lớp bình xét danh hiệu học viên gương mẫu… Cùng với đó, trong khoá học, nhà trường thực hiện gửi 02 lần nhận xét đánh giá tình hình học tập và rèn luyện của học viên, giúp lãnh đạo địa phương, đơn vị nắm bắt kịp thời tình hình học tập và rèn luyện của cán bộ được cử đi học; đồng thời, lấy kết quả xếp loại cán bộ, công chức của địa phương, đơn vị làm tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả học tập, rèn luyện cuối khoá của học viên.
Đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, những học viên thuộc diện được viết khoá luận sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp với vị trí việc làm, tập trung nghiên cứu những vấn đề khó khăn, vướng mắc ở cơ quan, đơn vị đang đặt ra. Khi nộp khoá luận phải kèm theo bản nhận xét của giảng viên hướng dẫn và người đứng đầu cơ quan, đơn vị cử đi học. Đồng thời, nhà trường tổ chức cho học viên  báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng, mời thành viên Ban chỉ đạo lớp học là các đồng chí Thường vụ Huyện ủy tham gia ban giám khảo. Qua đó, tạo cơ hội để học viên được trình bày kết quả học tập, thể hiện năng lực nghiên cứu và khả năng thuyết trình của mình sau một khoá học trước lãnh đạo huyện; đồng thời, giúp tăng cường thông tin, trao đổi giữa lãnh đạo huyện, nhà trường và cán bộ tham gia học tập.
         Đối với lớp cán bộ dự nguồn, trong chương trình bồi dưỡng, học viên viết 02 bài thu hoạch và 01 đề án gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình ở địa phương, đơn vị như: Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các lĩnh vực trong đời sống xã hội; công tác giải phóng mặt bằng; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính nhà nước...Nhà trường phối hợp với huyện lựa chọn và tổ chức cho 10% học viên tiêu biểu thực hiện báo cáo đề án trước Hội đồng. Thành viên Hội đồng giám khảo bao gồm một đồng chí trong ban Giám hiệu, đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Thưởng trực Huyện uỷ và đồng chí Trưởng Ban tổ chức. Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa, tạo diễn đàn để lãnh đạo huyện và các học viên trao đổi, luận bàn về giải pháp và cách thức thực hiện để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên địa bàn huyện.
Thứ năm, phối hợp trong đổi mới công tác thi đua khen thưởng
Thực hiện Quyết định số 488-QĐ/UBND ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quy định các tiêu chí kiểu mẫu và trình tự, thủ tục xét, công nhận các danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước giai đoạn 2014 – 2020. Đồng thời để tạo động lực cũng như biểu dương tinh thần, trách nhiệm trong học tập và rèn luyện của từng học viên và của tập thể lớp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong phối hợp với các địa phương để tôn vinh học viên gương mẫu và lớp học kiểu mẫu. Cụ thể:
- Đối với các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính không tập trung mở tại huyện, hàng tháng, nhà trường phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị theo dõi, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của học viên để lựa chọn, tôn vinh 01 học viên gương mẫu. Định kỳ 3 tháng 1 lần, tiến hành biểu dương, trao giấy chứng nhận và phần thưởng trong buổi chào cờ đầu kỳ học.
- Đối với các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp huyện, do đặc thù lớp học được thành lập theo quyết định của Thường trực Huyện uỷ, nên Nhà trường cung cấp kết quả học tập của học viên về huyện. Căn cứ kết quả học tập do Nhà trường cung cấp và kết quả rèn luyện do Ban quản lý lớp học theo dõi, lớp tổ chức họp và bình xét, lựa chọn 10% học viên tiêu biểu để lãnh đạo huyện khen thưởng trong lễ bế giảng. Nét nổi bật trong thực hiện công tác thi đua khen thưởng ở các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp huyện, đó là, Nhà trường phối hợp với Ban chỉ đạo lớp học để lựa chọn, tôn vinh danh hiệu lớp học kiểu mẫu và lớp học kiểu mẫu tiêu biểu. Theo đó, về phía huyện, trên cơ sở bộ tiêu chí về lớp học kiểu mẫu và lớp học kiểu mẫu tiêu biểu, Ban cán sự và Ban quản lý lớp đề xuất với Nhà trường để được công nhận danh hiệu phù hợp. Ban chỉ đạo lớp học xem xét thống nhất gửi văn bản về Ban Giám hiệu nhà trường;đồng thời, về phía Nhà trường, Ban Giám hiệu giao Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa họctổ chức lấy ý kiến đánh giá của giảng viên trực tiếp giảng dạy, trình Ban Giám hiệu ra quyết định công nhận tập thể lớp kiểu mẫu hoặc kiểu mẫu tiêu biểu.
Có thể khẳng định rằng, với những đổi mới trong công tác phối hợp như đã nêu trên đã góp phần tạo sức lan tỏa trong công tác tổ chức, quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố cũng như các địa phương mở lớp. Số lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng. Chỉ tính đến hết tháng 10 năm 2019, ngoài thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho 42 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 26 lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, 21 lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng, công chức cấp xã, Nhà trường còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thành công 24 lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp uỷ và các chức danh chủ chốt cấp huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 và 2021 – 2026. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không ngừng nâng lên, được học viên và địa phương ghi nhận. Chỉ tính riêng các lớp nguồn (đây là loại hình bồi dưỡng đòi hỏi rất cao về chất lượng giảng dạy và quản lý phục vụ), qua lấy ý kiến phản hồi của học viên về thái độ trách nhiệm, kiến thức và phương pháp giảng dạy của giảng viên, cho thấy trên 95% số phiếu đánh giá tốt và rất tốt về phương pháp giảng dạy. Các chuyên đề được 85% học viên đánh giá là thiết thực và rất thiết thực. Công tác phục vụ được thực hiện với tinh thần cao nhất, tận tình, chu đáo, đáp ứng sự hài lòng của học viên. Từ đó, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Nhà trường ngày càng được nâng cao, có sức lan tỏa tốt đẹp trong toàn hệ thống và các địa phương trong tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành Trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có chất lượng cao trong khu vực và của cả nước nói riêng, hướng tới xây dng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá vào năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 nói chung./.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3887
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12705
Tháng này:
62862
Tất cả:
4.361.399