Niềm vui Nông thôn mới trên quê hương hiếu học Hoằng Hóa
Đăng lúc: 15:54:08 18/03/2021 (GMT+7)836 lượt xem
ThS. Nguyễn Thị Phương
Khoa Lý luận cơ sở
Khoa Lý luận cơ sở
Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa - nổi tiếng là mảnh đất khoa bảng của xứ Thanh địa linh, nhân kiệt. Qua các triều đại phong kiến, huyện có 28 người đỗ tiến sĩ được ghi danh ở Quốc Tử Giám; là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng với 16 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và 78 di tích cấp tỉnh, là huyện khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất tỉnh Thanh Hóa (24/7/1945), trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội có 26 tập thể và 24 cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động tiêu biểu như Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường, Trung đội Nữ dân quân Hoằng Hải. Đây là hành trang, niềm tự hào của người dân huyện Hoằng Hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt, trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa đã nỗ lực, đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đạt được kết quả đáng tự hào trong thời gian vừa qua và làm tiền đề để địa phương phát triển trong những năm tới.
Mặc dù, khi triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) xuất phát điểm của huyện thấp, năm 2011 nông nghiệp chiếm tỉ trọng tới 45%, công nghiêp - xây dựng mới đạt 30% và dịch vụ - thương mại 25% trong cơ cấu kinh tế của huyện; thu nhập bình quân đầu người ở mức 13,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 17,49%, số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện chỉ đạt 6,7 tiêu chí /xã, văn hóa xã hội chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, huy động tốt các nguồn lực trong và ngoài huyện đã làm nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM.
Huyện ủy, UBND huyện xác định thực hiện XDNTMlà giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng ở địa phương. Cho nên, Huyện ủy, UBND huyện đã quyết tâm, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện với nhiều biện pháp, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương Hoằng Hóa.
Ngay khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của Chính phủ, huyện Hoằng Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình XDNTM từ huyện đến thôn; rà soát thực trạng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, qua đó có cái nhìn tổng quan nhất để định hướng cho công tác xây dựng quy hoạch, lập đề án XDNTM. Đặc biệt, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã xác định Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM là chương trình trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo.
Hằng năm, nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện đều đưa các chỉ tiêu về XDNTM gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND, Ban chỉ đạo chương trình XDNTM đã ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, như: Chỉ thị số 01-CT/HU ngày 9-11-2010 của Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy về XDNTM; Chỉ thị số 28-CT/HU ngày 22-10-2014 của BTV Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong XDNTM; các kế hoạch tập huấn kiến thức XDNTM; thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất... và nhiều loại văn bản chỉ đạo khác. Từ đó, tập trung chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và quyết liệt bằng nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong toàn huyện cùng nhau thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” và “Huy động hợp lý sức dân để chăm lo cho dân”. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện luôn tuân thủ nguyên tắc “Tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau” và các chương trình, kế hoạch cụ thể của các tổ chức trong hệ thống chính trị, có sự phân công trách nhiệm cho tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu một cách cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp; xác định người nông dân là chủ thể của XDNTM. Chú trọng việc ban hành cơ chế, chính sách kích cầu, tạo động lực để phát triển, cụ thể như: Nghị quyết số 25/2012/NQ-HĐND về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ mục tiêu XDNTM giai đoạn 2012-2015 quy định các xã đạt chuẩn từ 14 tiêu chí trở lên được hỗ trợ 1 tỷ đồng; các xã hoàn thành 3 tiêu chí trở lên/năm, thuộc nhóm tiêu chí số: 2, 3, 6, 10, 11, 15, 17 được hỗ trợ 500 triệu đồng; các xã về đích NTM được thưởng 1 tỷ đồng. Nghị quyết số 44/2013/NQ-HĐND huyện, với nội dung: Đến năm 2015 các xã hoàn thành 16 tiêu chí NTM được hỗ trợ 200 triệu đồng. Đến năm 2015 các xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM (hoặc 18 tiêu chí NTM nếu không quy hoạch chợ nông thôn) được hỗ trợ 700 triệu đồng. Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đối với các xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM được hỗ trợ 300 triệu đồng và các chính sách hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xã chuẩn quốc gia về y tế, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, hỗ trợ các trò chơi, trò diễn dân gian, bảo tồn văn hóa truyền thống; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như mua máy cấy, máy gieo hạt, sản xuất mạ khay đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; hỗ trợ du nhập nghề mới, hỗ trợ mua máy móc cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Những chính sách này đã trở thành động lực thu hút đầu tư, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng trong toàn huyện. Ngoài ra, huyện còn quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình mới, nhất là các mô hình sản xuất để triển khai nhân rộng…
Về với mảnh đất hiếu học trong tiết trời se se lạnh, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy nông thôn Hoằng Hóa bây giờ không còn cách biệt nhiều so với thành thị. Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, giao thông sạch đẹp. Nếu có ai đó trở lại Hoằng Hóa sau nhiều năm xa cách, hẳn sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay vượt bậc của quê hương. Bức tranh NTM hiện hữu những ngôi nhà cao tầng, những khu dân cư sạch đẹp, gọn gàng và cả những cung đường trải nhựa như phố thị, trường học, trạm y tế rộng rãi, khang trang. Các khu nhà văn hóa thôn chiều nào cũng rộn ràng tiếng reo hò, cổ vũ thể thao. Đêm đến, khắp nơi tỏa ánh điện, bừng sáng làng quê… Xây dựng NTM thật sự là “đòn bẩy” không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, mức độ thụ hưởng của người dân. Điều đáng mừng hơn nữa là sau gần 10 năm XDNTM, nhận thức của cán bộ và nhân dân đã chuyển đổi theo hướng từ tư duy coi chương trình là một dự án đầu tư của nhà nước sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính, chủ thể của chương trình là người dân nông thôn, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, huy động được cả xã hội chung sức XDNTM.
Kết quả đạt được là đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, thu nhập giữa các xã trong huyện tương đối đồng đều, diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi rõ nét. Bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn huyện năm 2020 đạt 48,2 triệu đồng/người (gấp 4 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 0,38% (giảm 17,11% so với năm 2011). Thu nhập cao hơn, đời sống nâng lên, người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và đời sống tinh thần. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,2% (năm 2020). Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 78,8%; phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh, tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 30% số hộ, tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục, thể thao đạt 37,69% dân số. Từ đó, người dân đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng huyện nhà. Hoằng Hóa hoàn tất huyện NTM với tổng nguồn vốn được huy động là 9.747.311 triệu đồng. Xã nào cũng có người dân hiến đất, góp công làm đường bằng ngày công lao động, mạnh thường quân là những con em xa quê nhiệt tình ủng hộ các công trình. Theo thống kê, Nhân dân tham gia đóng góp để xây dựng công trình công cộng tiền mặt 106.554 triệu đồng, 212.128 ngày công lao động (chiếm 1,30%); Nhân dân hiến đất, xây dựng nhà cửa, chỉnh trang vườn tạp, con em xa quê ủng hộ: 3.498.103 triệu đồng, chiếm 35,89%.
Kinh tế liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ nông sản, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 143,1 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2011; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đã có bước đột phá lớn trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của huyện1.
Truyền thống hiếu học và văn hóa của quê hương được duy trì và ngày càng phát triển, có 127/130 trường từ Mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục luôn đứng trong tốp dẫn đầu của tỉnh; chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được cải thiện; số lao động có việc làm thường xuyên và số lao động được đào tạo liên tục tăng qua các năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm 8,5 lần so với năm 2011; các di tích lịch sử văn hóa được tôn tạo và phát huy, tệ nạn xã hội được kiểm soát và đẩy lùi, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng phát triển.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc phát triển mạnh; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; trên địa bàn không có trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; lực lượng công an, quân sự ngày càng được nâng cao về chất lượng và trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được xây dựng vững mạnh toàn diện; đội ngũ cán bộ công chức luôn được đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận, chuyên môn và thực tiễn, hoạt động tích cực, gần dân, sát dân hơn đã làm nòng cốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đạt trong thời gian 10 năm XDNTM, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Theo đó, đến hết năm 2019, huyện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí huyện NTM. Hết năm 2020, có 02 xã được công nhận xã NTM nâng cao, 01 xã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Vì vậy, huyện Hoằng Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 công nhận huyện Hoằng Hoá đạt chuẩn NTM năm 2019; tiếp đó, ngày 2/11/2020, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1909/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 cho huyện Hoằng Hoá và tổ chức lễ đón nhận vào ngày 27/12/2020.
Từ những kết quả nêu trên có thể rút ra một số kinh nghiệm trong việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hoằng Hóa như sau:
Một là,sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của chính quyền, mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị phải quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, gây dựng được phong trào "toàn dân chung sức xây dựng NTM", xây dựng NTM phải bằng tư duy tiến bộ, hành động thực tiễn, hiệu quả và thiết thực, nói phải đi đôi với làm là nhân tố quyết định đến thắng lợi của chương trình.
Hai là, phải làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mục đích ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu làm gương trong xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tranh thủ các chương trình, dự án lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới.
Ba là, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương hằng năm và trong từng giai đoạn nếu tách rời sẽ làm suy giảm và phân tán sự lãnh đạo, khó có thể huy động và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
Bốn là, căn cứ vào thực tiễn, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, dân trí và phong trào của từng xã, từng thôn để xây dựng kế hoạch cụ thể không dập khuôn, máy móc. Biết sắp xếp, quy hoạch xây dựng với tầm nhìn dài hạn, đồng thời kiên quyết, kiên trì thực hiện quy hoạch để giữ vững không gian kiến trúc có nét đẹp riêng. Chọn những mục tiêu trọng tâm để có chính sách hỗ trợ kích cầu hợp lý.
Năm là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, minh bạch trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, uốn nắn ngay những lệch lạc để XDNTM không trở thành điểm nóng, không để chính quyền xa dân mà phải hướng đến phục vụ nhân dân tốt hơn thông qua sự hài lòng của người dân.
Với những kết quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình XDNTM, chúng tôi tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chủ động, sáng tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 là huyện tốp đầu của tỉnh và trở thành thị xã trước năm 2030.
Chú thích:
1. Báo cáokết quả xây dựng Nông thôn mới đến năm 2019 huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóá, Số: 14 /BC-UBND ngày 21/01/2020.
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
529
Hôm qua:
2301
Tuần này:
5151
Tháng này:
13072
Tất cả:
5.105.581