NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Phát triển văn hóa đọc cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 15:27:05 23/03/2018 (GMT+7)1322 lượt xem

  
                               ThS. Đỗ Phương Anh - Phó Trưởng P.NCKH-TT-TL
 
1. Sự cần thiết phát triển văn hóa đọc cho đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Văn hóa đọc là một bộ phận của văn hóa – là một trong những động lực để hình thành  nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ  để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Hiện tại, có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa đọc, nhưng với cách hiểu chung nhất văn hóa đọc đều phản ánh, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như PGS.TS, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở”. Điều đó cho thấy, xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong xã hội là vấn đề hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với một con người, đặc biệt là lao động tri thức.
Đối với Giảng viên Trường Chính trị, đây là một bộ phận trong đội ngũ trí thức của tỉnh nhà. Sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ này trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia vào các tổ chức, các diễn đàn của trí thức góp phần quan trọng xây dựng Thanh Hóa ngày càng phát triển. Phát triển văn hóa đọc giúp cho giảng viên có ý thức tự thân trong việc tích lũy tri thức, có khả năng tiếp nhận tối đa nội dung tài liệu đọc, quan trọng nhất là vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân. Trước những yêu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Tỉnh, đòi hỏi đội ngũ giảng viênTrường Chính trị thực sự giỏi về giáo dục chính trị và thực hành chính trị; có tố chất, am hiểu về lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm...Điều đó, đặt ra yêu cầu Nhà trường tiếp tục phát triển và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ giảng viên, nhất là quan tâm bồi dưỡng năng lực tư duy lý luận và kỹ năng thực tiễn Do vậy,phát triển văn hóa đọc cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị là biện pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, đồng thời là yêu cầu khách quan và cần thiết hiện nay.
Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của đọc sách và văn hóa đọc, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá luôn chú trọng đẩy mạnh việc phát triển văn hoá đọc sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, giảng viên trong toàn trường như: Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức.Nhà trường đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động tuyên tuyền sách tới đội ngũ cán bộ, giảng viên; trưng bày, triễn lãm sách nhân các ngày lễ lớn; tổ chức chương trình giao lưu với bạn đọc thư viện, giới thiệu sách tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng đến vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc cho đội ngũ giảng viên, với các nhiều hình thức, như: mời Diễn giả nói chuyện chuyên đề về sách và văn hóa đọc; Tọa đàm về kỹ năng đọc sách và lựa chọn sách; tổ chức hoạt động trao đổi về sách trong Câu lạc bộ giảng viên trẻ của giảng viên nhà trường. Các hoạt động trên đã tạo hiệu ứng tích cực giúp cho đội ngũ giảng viên nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc; kỹ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin tri thức phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu. Ban Giám hiệu rất quan tâm tới chất lượng công tác thông tin tư, liệu. Hằng năm Nhà trường dành một khoản kinh phí từ 20 triệu đến 30 triệu đồng để bổ sung các đầu sách với nhiều thể loại: Văn học, Sách Kinh điển, Lịch sử, Văn hóa – giáo dục, sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý; chú trọng đến chất lượng của trang thông tin điện tử của Nhà trường đầu tư, trang bị khá đầy đủ thiết bị cho thư viện…Việc xuất bản các ấn phẩm đọc như: tài liệu bồi dưỡng, sách tham khảo, chuyên khảo, nội san, sách phát triển kỹ năng… được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Tập san “Nghiên cứu Lý luận và thực tiễn” được phát hành 4 số/ năm (8.000 cuốn) phục vụ cho cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp xã theo đúng định kỳ với nội dung thiết thực tăng cường các bài viết trao đổi những kinh nghiệm và cách làm hay trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở; xuất bản 09 cuốn sách với số lượng hơn 20.000 cuốn. Giảng viên Nhà trường có nhiều bài đăng Tập san, báo, tạp chí Trung ương và địa phương…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay so với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, vấn đề phát triển văn hóa đọc trong toàn trường còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Đó là: Cơ chế chính sách cho phát triển văn hóa đọc chưa hoàn thiện; thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các bộ phận trong nhà trường; Nguồn lực thông tin còn hạn chế chưa đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của bạn đọc, nhất là chưa cung cấp đầy đủ những tư liệu, tài liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Số lượt giảng viên đến thư viện đọc sách còn khiêm tốn. Một số giảng viên chưa thực sự chú trọng đến việc hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách
2. Giải pháp phát triển văn hóa đọc cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới
Để phát triển văn hóa đọc trong Nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học đòi hỏi Nhà trường cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, xác lập cơ chế, trách nhiệm về phát triển văn hóa đọc cho đội ngũ giảng viên
Trước mắt, Nhà trường cần xây dựng Chương trình phát triển văn hóa đọc theo từng giai đoạn tạo cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho việc phối hợp giữa các khoa, phòng; xác định trách nhiệm của các chủ thể; tạo ra sự thống nhất đồng bộ trong tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, Nhà trường cũng cần xây dựng định hướng đọc, tổ chức các hoạt động, diễn đàn để cán bộ, giảng viên, học viên trao đổi, cảm nhận, vận dụng sách vào giảng dạy, nghiên cứu và đời sống.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện
Trường Chính trị cần đẩy mạnh việc phối hợp với các thư viện trong tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoặc tập huấn về nghiệp vụ thư viện thời đại công nghệ thông tin đối với cán bộ thư viện, các nhà quản lý thư viện nhằm phục vụ tốt hơn đối với người đọc bởi “thư viện tốt nhất là thư viện làm hài lòng độc giả nhất”.  Bên cạnh đó, Nhà trường phải tổ chức khảo sát nhu cầu đọc, tham khảo của giảng viên để kịp thời bổ sung thể loại sách; tăng số lượng cho mỗi đầu sách. Mặt khác, Nhà trường cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn học liệu điện tử, số hóa toàn bộ nội dung tài liệu phục vụ khai thác dữ liệu số tóm tắt và toàn văn phục vụ tra cứu  đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.
Trong hoạt động thư viện, cán bộ thư viện là “chiếc cầu nối” giữa bạn đọc với thư viện và tài liệu, hướng dẫn cho các đối tượng bạn đọc để họ có thể khai thác được nguồn thông tin, tài liệu tốt nhất có trong thư việngóp phần giáo dục, hình thành và nâng cao văn hóa đọc cá nhân, cũng như các kỹ năng đọc. Để đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cầnnâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông tin thư viện, chú trọng đào tạo một số kỹ năng mới bên cạnh các kiến thức chuyên môn như kỹ năng nhận dạng đúng các yêu cầu tin, kỹ năng truy cập thông tin hiệu quả, kỹ năng đánh giá thông tin và nguồn tin, khả năng tra cứu thông tin trên mạng, sử dụng thành thạo các công cụ tham khảo, bao quát được các nguồn tin, kỹ năng có thể chuyển đổi như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, suy nghĩ cố phân tích, làm việc nhóm, các kỳ năng này cho phép người học có khả năng học suốt đời và thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của công nghệ thông tin và môi trường làm việc.Đồng thời, nhà trường lập kế hoạch phát triển toàn diện cho các cán bộ thư viện nhằm phát huy năng lực sáng tạo và yêu nghề của họ, cụ thể: tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thư viện tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn, đóng góp các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hóa đọc cho bạn đọc.
Cán bộ thư viện nhà trường cần phải năng động hơn, hướng đến những nhu cầu của bạn đọc, thậm chí cần phải đưa các chiến lược marketing vào trong hoạt động thông tin - thư viện để thu hút nhiều người đến với thư viện. Cần phải xây dựng một môi trường đọc sách lý tưởng, rộng rãi thoáng mát. Phải làm thế nào để bạn đọc luôn cảm thấy thư viện là nơi mà mình luôn được chào đón, là địa chỉ mà mọi người luôn muốn tìm đến.
Ba là, mở rộng và phát triển môi trường văn hóa đọc  
Nhà trường cần thường xuyên đặt ra các yêu cầu cao trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học qua đó, buộc cán bộ, giảng viên phải đọc. Bởi trong quá trình nghiên cứu, luận giải và giải quyết các vấn đề khoa học đặt ra đòi hỏi mỗi giảng viên phải tìm đọc, nghiên cứu các nguồn tài liệu, tranh thủ các ý kiến các chuyên gia. Chính trong quá trình đó giúp cho mỗi giảng viên xây dựng được thói quen, phương pháp đọc sách có hiệu quả góp phần nâng cao văn hóa đọc của bản thân và tập thể.Ngoài đọc giáo trình, sách tham khảo liên quan đến chuyên môn, giảng viên cần đọc các loại sách về kỹ năng lãnh đạo quản lý; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; sách về lịch sử, văn hóa, xã hội làm giàu thêm vốn kiến thức xã hội cho giảng viên.
Nhà trường cần đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền như: Triển lãm sách, báo, tạp chí; tổ chức hội nghị bạn đọc; thi đọc sách, thuyết trình, giới thiệu về sách; đổi mới mô hình phục vụ bằng cách triển khai mô hình phục vụ lưu động (Phục vụ tài liệu đến tận tay bạn đọc); phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong phát triển văn hóa đọc. Đoàn thanh niên, Câu lạc bộ giảng viên trẻ, Chi Hội Luật gia, Hội Cựu Chiến binh Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần liên kết hoạt động với Thư viện trong các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách cũng như phổ biến thông tin đến với bạn đọc. Đối với thư viện, việc quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức hoạt động của mình. Vì vậy, các tổ chức đoàn thể  với hình thức hoạt động đa dạng và tích cực sẽ là nguồn nhân lực hữu ích trong công tác tổ chức hoạt động của thư viện như giới thiệu sách mới, Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, Hội chợ sách, triển lãm, hội nghị, hội thảo về sách và đọc sách,... Thông qua các hoạt động này nhằm kích thích hứng thú đọc và sở thích đọc sách của thành viên. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng hoạt động này thường xuyên cần có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí của Nhà trường.
Bốn là, xây dựng và đa dạng hóa nguồn lực thông tin.
Nhà trường phải xây dựng nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo. Trong đó, tập trung bổ sung các thể loại tài liệu như: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Chủ nghĩa Mác – Lê nin tư tưởng Hồ Chí Minh; Các văn kiện Đảng, Nghị quyết của Trung ương và địa phương. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập số phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Nhà trường nên chú trọng tới vấn đề xây dựng bộ sưu tập số về các tài liệu về sách chính trị; sách kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Tiếp tục trang bị, nâng cấp đường truyền kết nối Internet phục vụ hiệu quả cho quá trình tìm kiếm và khai thác thông tin phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường.
 Chúng tôi tin tường rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự quan tâm của Ban Giám hiệu Nhà trường; với tinh thần nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Nhà trường, nhất định Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các các hoạt động phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chất lượng đội ngũ cán bộ./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1818
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11996
Tháng này:
58370
Tất cả:
4.423.250