HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam anh hùng

Đăng lúc: 14:09:21 04/03/2021 (GMT+7)490 lượt xem

 Đào Thị Kim Thanh- Phó Trưởng khoa NNN&PL 
Nguyễn Thị Yến - Giảng viên Khoa NN&PL
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với sự đóng góp, cống hiến của phụ nữ qua các thời kỳ, các giai đoạn.
Ngót 2000 năm trước (Năm 40 sau Công nguyên) cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng đã nổ ra và âm vang của cuộc khởi nghĩa cùng sự hy sinh lẫm liệt của các nữ anh hùng dân tộc còn vang vọng mãi tới hôm nay và muôn đời sau.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa là phụ nữ, người lãnh đạo khởi nghĩa là phụ nữ, xưng vương dựng nước là phụ nữ. Chưa có một dân tộc nào, một quốc gia nào phụ nữ có được vinh quang như vậy.
“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng to, chém cá kình ở biển Đông...”. Đó là câu nói nổi tiếng của nữ tướng Triệu Thị Trinh - người con gái quê Thanh anh hùng để đến ngày hôm nay núi Nưa vẫn còn đó với sắc hoa đào tươi thắm mỗi dịp xuân sang. “Muốn coi lên núi mà coi, coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh còng”. Tên tuổi của người anh hùng dân tộc theo câu hát ru đi vào giấc ngủ của mỗi người con dân đất Việt từ thưở còn nằm nôi.
Hình dáng hiên ngang bất khuất của của người con gái đất đỏ anh hùng Võ Thị Sáu đã làm chùn bước chân quân xâm lược. Trong mỗi chúng ta chắc hẳn vẫn khắc sâu câu nói: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; “Đánh. Còn cái lai quần cũng đánh” của người phụ nữ có cái tên bình dị: Út Tịch. Hay câu nói chân tình của mẹ Suốt quê hương Quảng Bình chang chang cồn cát đã được nhà thơ Tố Hữu tả lại: “Rằng tôi chút phận già nua, chống chèo xin cứ thi đua đến cùng”. Những suy nghĩ, hành động tưởng như giản dị, bình thường mà vô cùng vĩ đại của những người phụ nữ Việt Nam khi đất nước có giặc xâm lăng đã tạo nên sức mạnh để quân thù phải khiếp sợ và góp phần cùng cả dân tộc đánh thắng Đế quốc Mỹ, đưa đất nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những cống hiến, đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thành một luận điểm mang tính khái quát nhất, đầy đủ nhất: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” và Người đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ hội nhập Quốc tế, vượt qua những khó khăn, dũng cảm đối mặt với những thách thức của thời kỳ mới, giai đoạn cách mạng mới phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Một lẫn nữa, phụ nữ đã chứng minh bản lĩnh, phẩm chất và khả năng to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, trong các ngành nghề chuyên môn, các cơ quan nghiên cứu khoa học số lao nữ chiếm tỷ lệ cao. Nhiều phụ nữ tiêu biểu tham gia các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Chính quyền, đoàn thể các ngành, các cấp và ở những cương vị quan trọng như: Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch nước; người đứng đầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương. Bên cạnh đó là đội ngũ nữ các doanh nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã cùng cả nước bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, sự lớn mạnh và trưởng thành của Nhà trường với bề dày lịch sử gần 72 năm qua luôn có sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của đội ngũ nữ cán bộ, viên chức qua các thời kỳ trong mọi lĩnh vực hoạt động: Giảng dạy; Nghiên cứu khoa học; Tổng kết thực tiễn; Phục vụ giảng dạy; các hoạt động phong trào quần chúng… Trên khắp các vùng, miền quê hương của tỉnh Thanh Hóa, ở đâu có lớp do Trường Chính trị đào tạo, bồi dưỡng, ở đó có dấu chân phụ nữ Nhà trường. Năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ các sở ban, ngành, đoàn thể (Đặc biệt là cấp cơ sở và cấp huyện) đảm bảo đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua các giai đoạn, luôn có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Tổng kết giai đoạn 2010 - 2020 cho thấy đội ngũ nữ cán bộ, viên chức Nhà trường đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến nay 100% nữ viên chức đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn về mọi mặt. Trong đó hơn 90% nữ giảng viên đạt trên chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị (Trong đó có những nữ giảng viên đạt đến học vị tiến sĩ). Nữ chiếm tỷ lệ cao trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của nhà trường.
Ở mỗi cương vị công tác của mình, nữ cán bộ, viên chức luôn nỗ lực cố gắng hết mình thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Trên cương vị là cán bộ quản lý, các đồng chí nữ cán bộ đã làm tốt chức năng chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, của Chi ủy, Khoa chuyên môn, Phòng chức năng; và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong công tác chỉ đạo chuyên môn, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các Khoa, Phòng đã rất chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên trong đó đặc biệt là đội ngũ  viên chức nữ; thường xuyên quan tâm giúp đỡ đội ngũ nữ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường.
Trong công tác giảng dạy, đội ngũ nữ giảng viên đã không ngừng cố gắng, vượt qua khó khăn, rào cản trong cuộc sống luôn tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức, bám sát thực tiễn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Hằng năm, trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia đội ngũ nữ giảng viên luôn là lực lượng nòng cốt tham gia và đạt kết quả tốt. Đến nay có tới 90% nữ giảng viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp; trong đó có nhiều đồng chí nữ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
Trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đội ngũ nữ giảng viên đã nỗ lực cố gắng ở nhiều phương diện, cấp độ, mức độ khác nhau nhằm phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy, ứng dụng vào thực tiễn công tác đào tạo bồi dưỡng của Nhà trường góp phần vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương trong tỉnh. Có nhiều đồng chí đã được Ban Giám hiệu tin tưởng giao làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học; viết bài trên các báo, tạp chí; tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; Chủ biên, tham gia biên soạn, viết sách, tài liệu nghiên cứu. Các sản phẩm khoa học đều được thẩm định, nghiệm thu và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
Đội ngũ nữ cán bộ ở các phòng chức năng đã không ngừng nỗ lực, miệt mài trong công tác phục vụ; tham gia các khâu, quy trình của công tác đào tạo bồi dưỡng; chăm lo đời sống cán bộ, viên chức nhà trường; bảo vệ, xây dựng môi trường cảnh quan Nhà trường xanh, sạch, đẹp góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Nhà trường.
Bên cạnh đó, đội ngũ nữ cán bộ, viên chức nhà trường luôn hoàn thành chức năng “làm vợ, làm mẹ” xứng đáng danh hiệu “Hai giỏi” trong thời kỳ đổi mới.
Chúng ta đã bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21- thế kỷ của tri thức, của hội nhập quốc tế; thế kỷ mà bình đẳng giới là một trong những vấn đề được quan tâm mang tính toàn cầu. Để tiến kịp sự phát triển của thời đại, ngay từ Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Đối với phụ nữ thực hiện chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn, có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành”. Theo yêu cầu về công tác cán bộ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XIX đề ra, nhiệm vụ của các trường chính trị trong cả nước nói chung, của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng ngày càng nhiều và phải đảm nhận trọng trách lớn trước Đảng bộ và nhân dân. Từ đó, yêu cầu đòi hỏi nhà trường nói chung, nữ cán bộ viên chức nói riêng cần làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trên cơ sở quy định của nhà nước cần có cơ chế cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ nữ cán bộ, viên chức phát huy được năng lực, khả năng tham gia hoạt động chuyên môn. Đảng ủy cần có quy hoạch cán bộ nữ lâu dài đảm bảo tính kế thừa, phát triển bền vững.
Hai là, bản thân đội ngũ cán bộ, viên chức nữ cần nỗ lực, cố gắng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tranh thủ sự giúp đỡ ủng hộ của gia đình, người thân tiếp tục phấn đấu không ngừng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Ba là, Công đoàn nhà trường, các tổ chức đoàn thể đặc biệt Ban nữ công phát huy hết vai trò đại diên, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động nói chung, phụ nữ nói riêng; động viên, khích lệ mọi mặt để tạo động lực tinh thần cho nữ cán bộ, viên chức nhà trường yên tâm công tác, phát triển toàn diện.
Chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống hàng ngàn năm của phụ nữ Việt Nam, với lịch sử vẻ vang của Thanh Hóa quê hương Bà Triệu, kế thừa truyền thống phụ nữ Trường Chính trị tỉnh Thanh hóa hơn 71 năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo, quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn và các tổ chức đoàn thể, nữ cán bộ, viên chức Nhà trường sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, trau dồi phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt việc trường, việc nước, việc xã hội, việc gia đình, mãi mãi xứng danh phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”, cùng với tập thể xây dựng Nhà trường trong sạch, vững mạnh, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 để từng bước góp phần đưa Thanh Hóa đến năm 2030 “trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại” và đến năm 2045 “là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” như Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 Bộ Chính trị khóa XII đã xác định./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
438
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10616
Tháng này:
56990
Tất cả:
4.421.870