NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Một minh chứng về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đăng lúc: 10:47:26 27/04/2018 (GMT+7)9274 lượt xem

 ThS. Lê Ái Bình
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là một cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam - một nước nhỏ yếu lạc hậu với đế quốc Mỹ –  một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự đứng hàng đầu thế giới tư bản. Trải qua 21 năm (1954-1975) kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Thực tế lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, thành quả đạt được ấy là tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó trực tiếp là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Trong khi miền Bắc nước ta đã được giải phóng, thì ở miền Nam đế quốc Mỹ nhảy vào thay thế Pháp với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự của Mỹ. Khó khăn lớn của cách mạng nước ta lúc bấy giờ không phải chỉ là chúng ta phải đối phó với một kẻ thù mạnh hơn chúng ta rất nhiều về tiềm lực kinh tế và quân sự mà còn chịu tác động của cả tình hình thế giới. Một số nước muốn nước ta giữ nguyên hiện trạng cách mạng hai miền, không muốn chiến tranh vũ trang với đế quốc Mỹ. Hơn thế nữa, trong hệ thống XHCN xuất hiện các khuynh hướng của chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sô vanh...

          Với tinh thần trung thành vô hạn với Tổ quốc, với lợi ích dân tộc và nhân dân, kiên định lập trường cách mạng, Đảng đã đánh giá bản chất, âm mưu, hành động của kẻ thù và sự tương quan lực lượng. Với quan điểm cách mạng và khoa học, bám sát thực tế của tình hình chiến trường trong nước, khu vực và thế giới, tin tưởng sức mạnh to lớn của nhân dân, tại Hội nghị Trung ương 15 khóa II (01/1959), Đảng hoạch định được đường lối kháng chiến chống Mỹ một cách toàn diện và cơ bản. Như việc xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn tay sai thống trị Ngô Đình Diệm, thực hiện độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Đồng thời khẳng định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành giành chính quyền về tay nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 15 là một dấu mốc lịch sử thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong những thời điểm khó khăn của cách mạng để đề ra đường lối kháng chiến chống Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế lịch sử, đáp ứng nguyện vọng của nhân dânvàđã là ngọn lửa làm bùng lên cao trào Đồng Khởi đầu năm 1960, tạo nên bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam. Tiếp đến Đại hội III (1960), Đảng đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược chung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới và xác định cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược là: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược này có quan hệ mật thiết, tác động, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là “độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc”. Trong đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò“quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta”[[1]], còn cách mạng miền Nam “có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”[[2]].  Đây là nét độc đáo chưa có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng về vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn hai mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính từ sự sáng tạo đó, cách mạng giải quyết được hàng loạt các mối quan hệ trong chiến tranh cách mạng, đã động viên, tập hợp sức mạnh của chủ nghĩa xã hội cùng sức mạnh chủ nghĩa yêu nước của dân tộc; của hậu phương và tiền tuyến. Đồng thời, kết hợp được lợi ích cơ bản của dân tộc ta với mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó đã tạo được đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Cùng với đường lối cách mạng đúng đắn, trong quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến, Đảng cũng đã thực hiện tổng hợp các phương pháp cách mạng và nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân. Nhất là kiên định phương pháp cách mạng bạo lực với hai lực lượng chủ yếu là lực lượng quần chúng và lực lượng vũ trang; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kiên trì thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công một cách sáng tạo, linh hoạt. Chiến lược tiến công được thực hiện với phương châm: "đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, kéo địch xuống thang từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27-01-1973), quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, cục diện chiến trường chuyển biến có lợi cho quân dân ta. Nắm vững thời cơ chiến lược được mở ra sau gần hai mươi năm chiến đấu, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khoá III (7-1973) đã khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong thời gian sớm nhất. Đến giữa năm 1974, những điều kiện cho việc giải phóng miền Nam đã chín muồi, từ ngày 8-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Bộ chính trị họp và ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam  trong 2 năm (1975-1976) và dự kiến nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay năm 1975.  Khi thời cơ đến, lập tức Đảng ta chỉ đạo quân dân ta mở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng giành thắng lợi; tiếp đến là giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển tới đỉnh cao. Đưa nhân tố bảo đảm thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân; phát huy sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, trong đó, các binh đoàn chủ lực giữ vai trò nòng cốt trong các chiến dịch. Chính nhờ nắm vững quy luật chiến tranh, vận dụng và thực hiện sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân của Đảng, chúng ta đã từng bước chuyển hoá cục diện chiến trường theo hướng có lợi, luôn đánh địch trên thế mạnh, thế chủ động, thế bất ngờ; đã kết hợp chặt chẽ các nhân tố "thế, lực, thời, mưu" trong từng trận đánh, từng chiến dịch một cách linh hoạt. Đây là cơ sở để Đảng ta kiên trì thực hiện phương châm chiến lược: đánh đổ từng bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta, tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó trực tiếp là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”[3].

Phát huy những thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1975 đến nay, Đảng ta luôn kiên định đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng với tinh thần tự phê bình và phê bình trước những sai lầm, khuyết điểm, Đảng đã đề ra và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đó là kết quả vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin vào thực tiễn, điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Theo đó đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, một lần nữa khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước ta không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập mà cả trong phát triển đất nước theo mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Hiện nay, khi các thế lực thù địch đang tiếp tục thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta với nhiều phương thức, thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc hòng hạ thấp và phủ nhận vai trò  lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Để mãi mãi xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình trong chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, đòi hỏi Đảng cần phải tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

 

[1] .Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H2002, t21, tr.510

[2] .Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H2002, t21, tr.511

[3] .Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H2002, t32, tr.472

Số lượt truy cập
Hôm nay:
2140
Hôm qua:
1933
Tuần này:
4073
Tháng này:
40654
Tất cả:
4.339.191