NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố góp phần củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong giai đoạn mới

Đăng lúc: 16:34:21 21/02/2023 (GMT+7)1647 lượt xem

 Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, việc tiếp tục thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu ở địa phương nói chung và nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn nói riêng là chủ trương đúng đắn.
 
Picture1.jpg
Hội nghị tổng kết mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn
tại xã Hoàng Trinh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá   
 
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh nhiều giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, có giải pháp tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn và thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố (sau đây gọi tắt là trưởng thôn) hoặc trưởng ban công tác mặt trận. Đây là một chủ trương đúng đắn  phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, cơ sở nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ chi bộ thôn, tổ dân phố.
Thôn, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản; tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ khác ở địa phương. Thôn là cánh tay nối dài của chính quyền cấp xã và chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền cấp xã. Hiện nay, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của thôn có 03 chức danh gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận (theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”). Các chức danh này có vị trí, vai trò hết sức quan trọng ở cộng đồng dân cư.
Bí thư chi bộ, trưởng thôn là những người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc ở thôn. Trong điều kiện hiện nay, khi tất cả các địa phương đang triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, vấn đề quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, thực hiện vệ sinh môi trường, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng….thì vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy dân chủ, xây dựng cộng đồng thôn đoàn kết, thống nhất thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương là trách nhiệm rất lớn. Vì vậy, việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất, nhanh chóng, kịp thời trong mọi vấn đề của đời sống cộng đồng dân cư là việc làm hết sức cần thiết.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lưc, hiệu quả”, tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện quyết tâm chính trị ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, cơ sở thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập các thôn và nhất thể hóa các chức danh theo quy định, trong đó có nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn và đạt được những kết quả quan trọng góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tính đến thời điểm sau Đại hội các chi bộ ((tháng 9/2022), số lượng bí thư đồng thời là trưởng thôn có 1466/4352 chi bộ (đạt 33,7%); có 2.780/4.352 chi bộ thực hiện chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công các mặt trận (đạt 63,9%). Thực tiễn thực hiện mô hình này đã phát huy hiệu quả nhất định, đội ngũ bí thư kiêm trưởng thôn đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các họat động thực tiễn ở cộng đồng trong xây dựng thôn sạch đẹp, văn minh, đoàn kết toàn dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Điều đó khẳng định việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn còn có những vấn đề bất cập nhất định, đó là:
- Trong hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước, mặc dù đã có những quy định về người hoạt động không chuyên trách ở cấp cơ sở nhưng để xác định rõ thế nào là những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố đến nay vẫn chưa thống nhất. Điều đó dẫn đến việc xác định địa vị pháp lý, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, thời gian làm việc, cơ sở đánh giá hiệu quả công tác, chế độ, chính sách,… của nhóm đối tượng này cũng chưa cụ thể, rõ ràng.
- Việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố đòi hỏi phải lựa chọn những nhân tố thực sự có năng lực, uy tín, sức khỏe và tinh thần trách nhiệm cao, trong khi đó đa số đảng viên có uy tín, năng lực, kinh nghiệm công tác thì tuổi cao, sức khỏe hạn chế. Một bộ phận đảng viên trẻ, có sức khỏe nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm công tác cũng như khả năng tập hợp vận động trong chi bộ và nhân dân. Do đó, việc lựa chọn nhân sự đáp ứng được “hai vai” không dễ dàng. Trong khi đó, đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được hình thành từ nhiều nguồn nên chưa đảm bảo chuẩn hóa về trình độ, năng lực, chưa được bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra với khối lượng và yêu cầu, nhiệm vụ mới ở cộng đồng dân cư.
- Nhiều thôn rộng, địa hình phức tạp, dân số đông, cơ cấu dân cư đa dạng, đặc biệt là những nơi sau sáp nhập, khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn. Chế độ, chính sách tuy đã được quan tâm, cải thiện song chưa thực sự phù hợp, chưa tạo được động lực cho bí thư kiêm trưởng thôn chuyên tâm công tác; chưa tạo được động lực để thu hút nguồn nhân lực tham gia công việc ở thôn (đảm nhận các chức danh ở thôn), nhất là nguồn trẻ. 
d1.jpg
Hội thảo khoa học “Tổng kết thực tiễn thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ
kiêm trưởng khu phố, thôn trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn”
 
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, việc tiếp tục thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu ở địa phương nói chung và nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn nói riêng là chủ trương đúng đắn. Đặc biệt thực hiện Kế hoạch hành động số 91-KH/TU ngày 05/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW), từ thực tiễn những năm qua, để tiếp tục thực hiện mô hình nhất thể hóa bí thư đồng thời là trưởng thôn thì cần tháo gỡ và thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn cho chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
Nghị quyết số 21-NQ/TW xác định “thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận”, theo đó, thuật ngữ “đồng thời” thay thế cho từ ‘kiêm” trước đây. Điều này cho thấy vai trò của chức danh bí thư, trưởng thôn theo quy định này được đề cao, với hai vai phải được coi trọng và thực hiện tốt như nhau; thực tiễn thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, những địa phương đã quyết tâm thực hiện mô hình này đều cho thấy hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo: tập trung, thống nhất, kịp thời, giải quyết được nhanh gọn những vấn đề phát sinh ngay từ cộng đồng dân cư, góp phần ổn định an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh và giúp nhân dân phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhiệm kỳ 2022-2025, 2025-2027 ở những địa phương có điều kiện (ở những địa phương xây dựng được nguồn nhân sự để chọn cử người có năng lực đồng đều để gánh vác cả hai vai; ở những nơi có quy mô dân số dưới 250 hộ dân; địa phương có điều kiện hỗ trợ phương tiện làm, viêc như: máy tính, loa truyền thanh, văn phòng phẩm…). Bên cạnh đó, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo nguồn cho chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn qua cách thức: (1) từ sinh viên tốt nghiệp đại học; (2) từ bộ đội xuất ngũ; (3) từ đảng viên trẻ đang sản xuất kinh doanh có lòng nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm.
Hai là, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng cho bí thư chi bộ, trưởng thôn.
Nhiều năm qua, việc bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho bí thư chi bộ, trưởng thôn không được quan tâm thực hiện. Nhiều đồng chí làm theo kinh nghiệm vì không được đào tạo, bồi dưỡng bài bản dẫn đến việc thực hiện hai vai gặp nhiều khó khăn, chất lượng, hiệu quả công việc thấp. Trong khi đó, với vị trí công tác là bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn cần am hiển kiến thức về công tác đảng, kiến thức pháp luật, có phương pháp công tác khoa học. Vì vậy, phải thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho bí thư chi bộ việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho bí thư chi bộ, trưởng thôn về công đảng, về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, về chức trách, nhiệm vụ, về kỹ năng vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao phảm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm cho các chức danh này.
Ba là, tổ chức các đoàn nghiên cứu thực tế.
Các địa phương cần nghiên cứu tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế, tham quan thực tế các mô hình hay, các điển hình tiên tiến trong lãnh đạo công tác đảng, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội … nhằm góp phần nâng cao chất lượng cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố.
Bốn là, quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng
Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng; động viên kịp thời những bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện cácnhiệm vụ ở thôn, bản, tổ dân phố, vì thực tiễn rất nhiều địa phương chưa có bất cứ hình thức biểu dương khen thưởng nào đối với những bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố hoàn thành tốt nhiệm, vì vậy cũng phần nào hạn chế động lực làm việc của đội ngũ này.
Năm là, về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
- Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố. Theo đó, đề nghị Chính phủsửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24 tháng 4 năm 2019 về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” theo hướng bổ sung những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Đề nghị nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố để đảm bảo tương xứng với khối lượng công việc ở thôn, bản, tổ dân phố hiện nay. Cụ thể là nâng mức hưởng phụ cấp chức danh kiêm nhiệm theo hướng từ 50% lên 70% hoặc được hưởng 100% phụ cấp chức danh kiêm nhiệm nhằm khuyến khích, động viên bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn yên tâm cống hiến; thu hút người trẻ tuổi có năng lực, tâm huyết tham gia công việc của thôn, tổ dân phố, tạo nguồn kế cận.
- Đề nghị HĐND các huyện, thị, thành phố nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại thôn, bản, tổ dân phố (mỗi tháng hỗ trợ từ 300 - 500 ngìn đồng/tháng cho chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Cách làm này đã có một số địa phương thực hiện).
Như vậy, thực tiễn những năm qua cho thấy, việc tiếp tục thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng. Đội ngũ bí thư kiêm trưởng thôn, tổ dân phố đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các họat động thực tiễn ở cộng đồng trong xây dựng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tư, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, tạo diện mạo mới, sức sống mới trong đời sống cộng đồng các khu dân cư cả ở thành thị và nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trong tình hình hiện nay./.
ThS. Trần Thị ngọc Diệp
 Phó Hiệu trưởng
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
82
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12264
Tháng này:
58638
Tất cả:
4.423.518