HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Đăng lúc: 10:04:03 08/02/2021 (GMT+7)14752 lượt xem

ThS. Lê Ái Bình
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định sự lựa chọn dứt khoát của Nhân dân Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo đúng đắn của phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững vai trò lãnh đạo và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.  Nhân tố quyết định đảm bảo cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi đó là Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong quá trình hoạch định đường lối và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, tuy vắn tắt, nhưng đã thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đảng đã đánh giá đặc điểm, tính chất xã hội Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX, chỉ rõ những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là việc đánh giá đúng đắn thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc để xác định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, đồng thời xác định phương pháp, nhiệm vụ và lực lượng của cách mạng để thực hiện đường lối chiến lược và sách lược đã đề ra. Trên cơ sở đường lối chiến lược của cách mạng mà Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã nêu, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ cách mạng.  
Trong thời kỳ lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), tinh thần chủ động, sáng tạothể hiện ở chủ trương của Đảng về giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng, dân chủ trên thế giới, không ỷ lại, trông chờ ở bất cứ thế lực nào. Vì vậy, trên cơ sở quán triệt quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về thời cơ cách mạng, theo sát và nắm chắc diễn biến tình hình, khi thời cơ đến, Đảng đã phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại. Đây chính là thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng được thành lập (1930 - 1945), là tổng hợp của cả nhân tố khách quan và chủ quan, nhưng trước hết và chủ yếu do Đảng ta có đường lối cách mạng đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng tám năm 1945, đất nước lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”,  nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo vệ chính quyền Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Thành công lớn của Đảng từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946 là đã tăng cường thực lực cách mạng để có thể tự bảo vệ trong điều kiện chưa có sự giúp đỡ quốc tế. Sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở sự thành công trong sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, một yếu tố quyết định đến khả năng tự bảo vệ của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đứng lên tự giải phóng, nay lại tự bảo vệ thành quả cách mạng bằng những phương sách giàu tính sáng tạo, đưa cách mạng tiếp tục phát triển.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng thể hiện ngay chính từ quyết tâm phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi Đảng phát động toàn quốc kháng chiến, tương quan so sánh lực lượng ban đầu giữa ta và thực dân Pháp đang có sự chênh lệch rất lớn, thực dân Pháp mạnh hơn ta cả về tiềm lực kinh tế và quân sự, nhưng trên cơ sở phân tích tình hình, tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân và sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp vào ngày 19-12-1946.
Xuất phát từ thực tế tương quan so sánh lực lượng giữa ta và thực dân Pháp, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin về chiến tranh và cách mạng, kế thừa kinh nghiệm đánh giặc của cha ông ta, học tập có chọn lọc kinh nghiệm các cuộc chiến tranh chống xâm lược trên thế giới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn: Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Đường lối đó đã giúp cho Đảng huy động được sức mạnh của toàn dân tộc tham gia vào cuộc kháng chiến với niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi và chúng ta đã giành thắng lợi.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, nhưng cách mạng nước ta lại đứng trước khó khăn mới khi đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Mặc dù phải đối phó với kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất thế giới, tình hình quốc tế cũng có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng vẫn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ khi quyết tâm dám đánh Mỹ và thắng Mỹ, từng bước hoạch định đường lối và lãnh đạo Nhân dân kháng chiến, từng bước đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ để đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1959, tại Hội nghị Trung ương 15 khóa II, Đảng hoạch định được đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ một cách toàn diện và cơ bản. Nghị quyết Trung ương 15 là một dấu mốc lịch sử về độc lập, tự chủ, sáng tạo, khai phá con đường kháng chiến chống Mỹ phù hợp với điều kiện thực tế lịch sử, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân; thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong những thời điểm khó khăn của cách mạng. Đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ được hoạch định trong hội nghị này đã chính thức được ghi nhận trong Đại hội III của Đảng (1960). Đặc biệt, trên cơ sở căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại hội III của Đảng chính thức thông qua đường lối cách mạng cả nước là tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.Đây chính là nét độc đáo chưa có tiền lệ trong lịch sử và là thành công lớn của Đảng ta trong vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác –Lênin vào điều kiện thực tế của đất nước. Với đường lối đó đã giúp cho Đảng xử lý được hàng loạt các mối quan hệ trong chiến tranh cách mạng như: mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương; giữa kháng chiến và kiến quốc; giữa dân tộc và thời đại,.... để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Cùng với sự chủ động, sáng tạo trong đề ra đường lối, trong quá trình lãnh đạo  kháng chiến, Đảng đã sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh và các lực lượng cách mạng;  kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng đểgiành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Sau năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trước những thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước, đặc biệt là những khó khăn của đất nước khi lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội, Đảng đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, từng bước tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, thực hiện đổi mới từng phần để đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) Đảng đã đề ra được đường lối đổi mới toàn diện và lãnh đạo Nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo cả nước thực hiện, phát triển đường lối đổi mới toàn diện theo định hướng XHCN từ năm 1986 đến nay là thời kỳ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng được phát triển lên một tầm cao mới. Trong thời kỳ này, Đảng ta, Nhân dân ta đã phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhất là khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu bị sụp đổ, trong khi nước ta vẫn bị Mỹ bao vây cấm vận và các thế lực thù địch tấn công từ nhiều phía mưu toan phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xó bỏ chủ nghĩa xã hội. Trong những thời khắc lịch sử ấy, với bản lĩnh độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng kịp thời đưa ra những nguyên tắc đổi mới, kết hợp chặt chẽ lập trường kiên định với tính sáng tạo, mềm dẻo, thông thoáng trong sách lược, đảm bảo đường lối đổi mới được thực hiện và phát triển đúng hướng, giành nhiều thành tựu rất quan trọng. Cũng từ những thành tựu ấy, Đảng ta củng cố thêm niềm tin vững chắc rằng: nếu biết phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách, dù là những thử thách gay go nhất.
            Hiện nay, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, phức tạp đan xen. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ; các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng, ra sức xuyên tạc, vu cáo, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, hòng làm tan rã Đảng từ bên trong, trong khi đó, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn còn những yếu kém, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao tầm vóc trí tuệ và bản lĩnh chính trị, luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và lãnh đạo trong thực tiễn, không giáo điều, máy móc, lệ thuộc. Theo đó, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong thời kỳ hiện nay đòi hỏi Đảng phải luôn kiên định với mục tiêu lý tưởng cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại, tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các nước để lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Xây dựng Đảng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ tâm, đủ tầm để đảm đương nhiệm vụ cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế./. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2249
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12562
Tháng này:
44208
Tất cả:
4.409.088