Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá - 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
Đăng lúc: 16:55:05 30/05/2023 (GMT+7)1012 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác huấn luyện cán bộ và Người đã khái quát: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Chiến lược cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đề cập đến những quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chế độ học tập, nội dung chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…
Ngày 01/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 164-QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là yêu cầu bắt buộc, trở thành nền nếp và phải được thực hiện hằng năm trong vòng từ 5-7 ngày.
Trong 10 năm qua, từ năm 2013 đến năm 2022, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và bám sát định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các ban, sở, ngành và các huyện, thị, thành ủy trên địa bàn tỉnh triển khai tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 60 lớp với 6.168 học viên và đạt được những kết quả nổi bật, đó là: chủ động trong tham mưu; chặt chẽ trong phối hợp; khoa học, đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Qua 10 năm thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1254-QĐ/TU, ngày 24/10/2013 quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; ban hành Quyết định về việc công nhận giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thanh Hóa là tỉnh sớm cụ thể hóa Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị; điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cụ thể hóa, bảo đảm đồng bộ với đổi mới công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, đảm bảo cho công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thường xuyên, chất lượng, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu, trên cơ sở đó tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt kế hoạch, nội dung, chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hằng năm. Với mục tiêu bồi dưỡng là cập nhật kiến thức mới và kỹ năng, phương pháp công tác để nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trên cơ sở bám sát nội dung theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị; chương trình, tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng 4 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nội dung chương trình được Nhà trường thiết kế với 03 nhóm kiến thức, gồm: nhóm kiến thức mới (những vấn đề mới trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…); nhóm kiến thức về kỹ năng (các chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng gắn với từng chức danh vị trí việc làm); nhóm kiến thức thực tiễn (các báo cáo thực tiễn về tình hình kinh tế - xã hội trong nước, trong tỉnh, ở địa phương và nghiên cứu thực tế các mô hình) và được đổi mới theo hướng làm sáng rõ hơn về lý luận, sâu sát hơn về chức danh, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, chương trình được đông đảo học viên đánh giá cao, đó là: phù hợp với đối tượng, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của học viên…
Thứ ba, cách thức tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ, đổi mới sáng tạo theo mô hình 3-3-3 (3 mục tiêu: nâng cao nhận thức, niềm tin và trách nhiệm chính trị; phát triển tư duy, tầm nhìn, văn hóa lãnh đạo, quản lý; hoàn thiện phương pháp luận khoa học, kỹ năng xử trí những vấn đề thực tiễn. 3 nội dung: cập nhật kiến thức mới về lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm mới của Đảng, chính sách của Nhà nước; trang bị kiến thức về khoa học lãnh đạo quản lý; kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế xã hội, xử lý các tình huống chính trị ở các địa phương, cơ sở. 3 hoạt động: học chuyên đề tại lớp; đi nghiên cứu thực tế; tọa đàm, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn). Qua đó, đã góp phần gắn kết giữa học với hành, lý luận với thực tiễn; giữa bồi dưỡng lý luận với rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. Bên cạnh đó, phương pháp dạy - học được Nhà trường quan tâm đổi mới theo mô hình “3 tăng, 3 giảm” (3 tăng: tăng chủ động, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống; 3 giảm: giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết), qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Qua thực tế tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 1254-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, trong tổ chức thực hiện cần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu của Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về bồi dưỡng cán bộ; bám sát nội dung chương trình bồi dưỡng, kịp thời cập nhật kiến thức mới; linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn nội dung, phương pháp dạy - học, định hướng nghiên gắn với các diễn đàn xêmina, thảo luận, tọa đàm, hội thảo…nâng cao chất lượng bồi dưỡng.
Hai là, quá trình tổ chức thực hiện phải đồng bộ các khâu từ xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn tài liệu; xây dựng phương án, giáo án bài giảng... Đặc biệt là phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ từ khâu chiêu sinh mở lớp cho đến quản lý đánh giá hiệu quả bồi dưỡng; đồng thời, tạo được sự gắn kết giữa người dạy với người học trước, trong và sau đào tạo, bồi dưỡng.
Ba là, phát huy vai trò của các chủ thể trong bồi dưỡng, cập nhật kiến thức với phương châm “Học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”, nhờ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện, đem lại chất lượng, hiệu quả cao trong bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Những kết quả đạt được và những kinh nghiệm trên là những động lực để Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới, góp phần chăm lo “công việc gốc” của Đảng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và bối cảnh mới./.
ThS. Nguyễn Ngọc Thắng, ThS. Lê Thị Nga
Giảng viên chính Phòng QLĐT&NCKH
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí MinhToàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.5, tr. 280.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1,tr.2.
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1240
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6732
Tháng này:
58788
Tất cả:
4.992.389