HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tự sự về chuyến đi thực tế Đảo Mê

Đăng lúc: 10:10:22 13/05/2016 (GMT+7)1581 lượt xem

 
ThS. Lê Thị Hương
Phó trưởng phòng Nghiên cứu KH – TT – TL
 
          Thực hiện kế hoạch đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính Khóa 43 (2015 – 2016); nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2016) và kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong 02 ngày (23- 24/4/2016), đoàn nghiên cứu thực tế lớp A2, Trung cấp LLCT – HC K43 đã tới thăm, tặng quà và thực hiện chương trình giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Mê. Tham gia với đoàn có đồng chí Lê Công Quyền, Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo các khoa, phòng và đông đủ học viên lớp A2, Trung cấp LLCT – HC K43.
Theo lịch trình chuyến đi, chiều ngày 23 tháng 4 năm 2016, đoàn bắt đầu xuất phát từ Trường Chính trị tỉnh đến xã Hải Bình để đón chuyến tàu tới đảo Hoàn Mê. Đúng 15h30’cùng ngày, sau một tiếng đồng hồ trên biển, thuyền chúng tôi đã cập bờ đảo Mê.  Ấn tượng đầu tiên của tôi đó là tình cảm nồng nhiệt, sự chân thành, nồng thắm mà cán bộ, chiến sĩ Đảo Mê dành cho đoàn ngay giây phút đầu tiên đặt chân tới.
Làm việc với đoàn, thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo, Thiếu tá  Trịnh Văn Thịnh, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn hỗn hợp đồng thời cũng là Đảo trưởng báo cáo sơ lược về tình hình an ninh, công tác bảo vệ, trực chiến của đơn vị cũng như đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Theo đó, Quần đảo Hòn Mê nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, cách đất liền 11 km, Đảo thuộc xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, với 18 đảo lớn nhỏ, tổng diện tích 450 ha trong đó đảo chính là đảo Hòn Mê có diện tích lớn nhất (420 ha ). Đảo có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 175m, xung quanh đảo là những vách đá dựng đứng, hai bãi cát ở chân đảo phía Bắc và phía Nam có chiều dài 200m, rộng 100m, vì vậy rất thuận lợi cho tàu thuyền cập đảo, nhất là khi trời giông bão. 
         Sau buổi làm việc, đoàn được Ban Chỉ huy quân sự Đảo Mê đưa tham quan một vòng xung quanh đảo. Sau khi tham quan và được nghe giới thiệu, chúng tôi được biết, hiện đảo Mê mới phát triển an ninh quốc phòng, chưa có dân cư sinh sống, vì vậy đảo còn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dại của đất trời cùng với đó nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú. Toàn bộ đảo Mê được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hơn 400 loài thực vật và nhiều loại động vật cư trú, trong đó có nhiều cây gỗ quý như: Sến, kim giao, lim ...ngoài ra, Đảo còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm thuộc sách đỏ, đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, như khỉ vàng (LR); bào ngư chín lỗ (CR); ốc xà cừ (CR); trai bàn mai (EN);... Nhờ có những điều kiện tự nhiên hấp dẫn này,  đảo Mê còn là nơi rất có tiềm năng về du lịch. Theo đánh giá của các chuyên gia thì đảo Mê rất giống với đảo Yến, đảo Tằm ở Nha Trang, đây đang là những hòn đảo du lịch nổi tiếng trong nước và cả thế giới. Dự kiến trong tương lai, đảo Mê sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch trên cả nước, hứa hẹn hàng trăm lượt du khách mỗi năm.
Không chỉ dừng lại ở tham quan du lịch với một hệ sinh thái đa dạng rừng và biển, đảo còn là một địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây còn lưu giữ những dấu tích có giá trị lịch sử to lớn, đó là những địa điểm cán bộ và chiến sỹ đảo Mê đã bắn rơi, bắn cháy 33 máy bay, 18 tàu chiến của Mỹ. Đảo Hòn Mê đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Tiếp nối truyền thống cha anh, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đảo Mê luôn ra sức học tập, huấn luyện, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên Nhà trường, đồng chí Lê Công Quyền, Phó Hiệu trưởng đại diện trao quà với số tiền 10 triệu đồng; tập thể lớp A2- K43 trao tặng 60 đầu sách cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Công Quyền cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và đánh giá cao những thành tích xuất sắc mà cán bộ, chiến sỹ Đảo Mê đã đạt được trong những năm qua.
Theo kế hoạch chuyến đi, chiều cùng ngày, đoàn tổ chức dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ và xây dựng đảo trong chiến tranh cũng như trong thời bình; đồng thời đến thăm quan và động viên các cán bộ, nhân viên đang công tác tại Ngọn Hải đăng.
         Tại đây, tôi rất vui mừng được Đại úy Bùi Văn Hùng - Đảo phó chia sẻ: Để đảo giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có, hơn 50 năm qua cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê đã có công lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn đảo. Đồng chí cho biết: Mặc dù cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn, khó khăn về vật chất nhưng chính vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của đảo đã làm say lòng các chiến sĩ, khiến họ mến yêu mà vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong tâm trí những cán bộ, chiến sĩ đều coi đảo là người bạn tâm giao cùng sống và canh giữ biển trời bên nhau. Có lẽ vì thế mà tôi cảm nhận được trên Đảo không một ngọn cỏ, cành cây hay một con chim nào bị xâm hại. Con người và thiên nhiên sống chan hòa cùng nhau giữa biển trời bao la.
          Đại úy Bùi Văn Hùng – Đảo phó cho biết thêm, cuộc sống của những người lính trên đảo trước đây vất vả hơn nhiều, nhưng các chiến sỹ luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mỗi  tuần, đất liền tiếp tế lương thực, thực phẩm ra đảo, thường là: 1-2 con lợn sống, cá khô, rau muống và kèm theo thư từ. Ngoài ra các chiến sỹ còn tranh thủ vào rừng hái rau tàu bay, lá chân chim, bắt cua đá ở chân đảo để tăng thêm bữa ăn. Bây giờ để cuộc sống sinh hoạt vừa được đảm bảo mà không ảnh hưởng thiên nhiên, cán bộ, chiến sĩ đảo Mê đã tự xây dựng các mô hình VAC hiệu quả. Và để minh chứng cho điều đó Đại uý Bùi Văn  Hùng đã dẫn chúng tôi đi tham quan những ruộng rau xanh với đàn gà, đàn dê, đàn bò trên đảo. Theo đồng chí để ươm được những ruộng rau xanh tốt tươi như ngày nay đó là nhờ sự quyết tâm nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ. Trước đây Đảo Mê chỉ một màu nâu, màu của đất đá, bộ đội huấn luyện dưới cái nắng gay gắt nhưng khổ nhất vẫn là thiếu rau xanh trong bữa ăn. Vào những tháng mưa bão, biển động, mấy tuần liền không có tàu ra đảo, anh em chỉ ăn lương khô và đồ hộp. Bây giờ vào những lúc không phải tập luyện anh em chiến sĩ lại thay nhau người vỡ đất, người cuốc xới, xếp đá thành tường ngăn trôi đất… cứ thế ngày qua ngày, tháng qua tháng, những vườn rau ra đời và tươi tốt đến bây giờ, các chiến sĩ đã tự túc được 100% rau xanh và 80% thịt gia súc gia cầm các loại. Chính bữa cơm với nhiều ra xanh và thịt lợn, gà mà đoàn chúng tôi được ăn vào tối ngày 23/4/2016 là sản phẩm của những người làm ra.
Có đến đây, được gặp gỡ, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính trên đảo luôn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, phải chống chọi với những đợt biển động kéo dài, những năm tháng sống trên đảo tuy gian khổ, thiếu thốn nhưng càng làm tăng tinh thần đoàn kết, tình cảm đồng chí, đồng đội, sự khó khăn đó không hề làm nao núng ý chí chiến đấu vì Tổ quốc thiêng liêng của họ chúng tôi mới thật sự thấu hiểu, cảm phục và tin yêu những người lính cụ Hồ, càng thêm yêu biển đảo quê hương.
Tối ngày 23/4, Chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra thật xúc động giữa những người lính và cán bộ, giảng viên, học viên A2- K43. Điều để ấn tượng nhất đối với tôi là những  người lính và học viên họ là “diễn viên chuyên nghiệp” trên sân khấu. Kết thúc giao lưu văn nghệ là hoạt động đốt lửa trại thật sôi động hào hứng. Những người lính, những con người trong đoàn thực tế như cháy hết mình trong đêm lửa trại, vì tất cả biết rằng sáng ngày mai chúng ta phải chia tay...
          Chào từ biệt hòn đảo yêu thương - nơi có những con người anh hùng đang xả thân mình để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng giữa biển cả mênh mông của Tổ quốc Việt Nam - đảo Hòn Mê. Tiếng còi tàu đã vang lên chào đảo Mê đưa chúng tôi về đất liền, để lại khơi xa đảo Mê tươi đẹp, hoang dã và người lính. Không ít người trong chúng tôi còn quay lại nhìn đảo trong niềm tiếc nuối. Còn tôi thầm mong sẽ có một ngày trở lại đảo Mê, vào ngày hòn đảo này được kết hợp phát triển kinh tế du lịch gắn với quốc phòng an ninh sẽ nườm nượp du khách tới thăm. Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhưng có động lực ở Khu kinh tế Nghi Sơn, cùng với vị trí cách không xa khu du lịch Sầm Sơn, có sự chung tay của những người lính và chính quyền địa phương, chủ trương phát triển du lịch đảo Mê sẽ hiện hữu và người dân xứ Thanh có quyền hy vọng trong tương lai gần với những cách làm hiệu quả đảo Mê sẽ được “đánh thức” xứng với tiềm năng của nó.
Chuyến nghiên cứu thực tế (đợt 2) của lớp A2- K43 Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính thực sự giàu ý nghĩa và cảm xúc. Qua chuyến đi nghiên cứu này tôi mới thật sự thấu hiểu sự vất vả, khó khăn và thiếu thốn, sự hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ Đảo Mê đang ngày đêm canh giữ biển đảo. Đồng thời càng biết ơn đối với những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tôi tin tưởng rằng với sự cố gắng, quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, Thanh Hóa phải trở thành tỉnh kiểu mẫu, như  mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vì cả những người đã và đang cống hiến hết mình để xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
469
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10647
Tháng này:
57021
Tất cả:
4.421.901