NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và vận dụng vào đẩy mạnh các phong trào thi đua của Công Đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 13:34:48 18/05/2020 (GMT+7)539 lượt xem

                             ThS. Phạm Bá Thịnh - Tổ công đoàn Khoa Lý luận cơ sở
 
          Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, phong trào thi đua yêu nước có tầm quan trọng đặc biệt góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng; động viên, tập hợp sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
           Vì vậy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ngày 11 tháng 6 năm 1948. Từ nội dung “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ những nét cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trên những phương diện sau: đối với quan điểm về thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất"1. V mục đích thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Nội dung thi đua yêu nước phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo, xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của Nhân dân và gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân"2; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp Nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng và phương châm thi đua yêu nước là thi đua chứ không phải ganh đua nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng…
           Đối với Công Đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là tổ chức trực thuộc Công Đoàn viên chức tỉnh Thanh Hóa, với 87 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt ở 5 tổ công đoàn. Thấm nhuần giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ của các khoa chuyên môn, phòng chức năng, đồng thời bám sát chức năng, nhiệm vụ và tính đặc thù của nhà trường, những năm qua, Công đoàn nhà trường đã phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua với những hình thức tổ chức, nội dung hoạt động đa dạng phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên Nhà trường. Tiêu biểu như: Phong trào thi đua dạy tốt, phục vụ tốt; phong trào thi đua trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phong trào xây dựng cơ quan văn hóa; phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao… Thông qua các phong trào thi đua đã giúp cho cán bộ, giảng viên và người lao động phát huy được khả năng, sức sáng tạo của mình, luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào xây dựng, đổi mới, phát triển Nhà trường, cụ thể:
           Đối với phong trào thi đua dạy tốt, phục vụ tốt: đoàn viên là giảng viên luôn chủ động, tích cực soạn bài, nâng cao chất lượng bài giảng ở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy; thường xuyên dự giờ, thao giảng, sinh hoạt chuyên môn, thông qua giáo án nhằm nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, giảng viên, trong thực thi nhiệm vụ theo định hướng: Nghiêm về giờ giấc; đẹp về trang phục; chuẩn trong phát ngôn; đúng mực trong ứng xử và sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giờ giảng, bài giảng theo phương châm dạy - học hiểu, dạy - học vận dụng và dạy - học xử trí với nguyên tắc 3 tăng, 3 giảm (3 tăng: Tăng chủ động, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống; 3 giảm: giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết) ... Đối với đoàn viên ở các phòng chức năng tích cực nêu cao ý thức trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, đổi mới lề lối, tác phong trong thực hiện nhiệm vụ, chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo.
Với phong trào thi đua trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn: Trên cơ sở bám sát chủ trương và phương châm hoạt động trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường: sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất giải pháp và tư duy nguồn lực: xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn đoàn viên nhà trường đã chủ độngtham giathực hiện các đề tài, đề án, hội thảo, tọa đàm, tổng kết thực tiễn. Kết quả, từ năm 2015 đến nay tổ chức thành công 09 hội thảo khoa học cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh; hàng trăm hội thảo cấp trường, hội thảo chuyên đề cấp khoa. Chủ trì, bảo vệ thành công 04 đề tài khoa học cấp bộ, 3 đề tài khoa học cấp tỉnh. Đặc biệt đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Nhà xuất bản Thanh Hóa biên tập trên 20 sách tham khảo, chuyên khảo; phát hành tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn với số lượng 2.500 cuốn/quý phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ, giảng viên và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh.
          Phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: bên cạnh việc đoàn viên luôn nêu cao ý thức trong học tập và tự học, Công đoàn nhà trường đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu thống nhất chủ trương về chế độ, chính sách khuyến khích, tạo động lực cũng như có ý kiến với chuyên môn bố trí lịch công tác phù hợp để đoàn viên có điều kiện tốt nhất đi nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã có 15 cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình độ lý luận chính trị, 07 đồng chí đào tạo trình độ thạc sĩ, 05 đồng chí là tiến sĩ và đang nghiên cứu sinh. Trong quá trình học tập và sau khóa đào tạo cán bộ, giảng viên đã phát huy được những kiến thức đã học vận dụng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
          Phong trào xây dựng cơ quan văn hóa: Phong trào này được duy trì thực hiện nghiêm túc và luôn nêu cao ý thức, thái độ, tác phong làm việc phù hợp với từng vị trí công tác của cán bộ, giảng viên; thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật chuyên môn, kỷ luật hội họp; kỷ luật phát ngôn; nề nếp làm việc. Nói, viết và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt Quy chế dân chủ, nếp sống văn minh, văn hoá công sở, ứng xử văn minh, lịch sự, đúng mực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí điện, nước; vệ sinh bảo vệ môi trường thường xuyên.Qua đó đã thúc đẩy ý thức đoàn viên và tạo được nề nếp, tác phong làm việc khoa học; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan. Các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao do Công đoàn nhà trường, Công đoàn cấp trên tổ chức cũng được đoàn viên tích cực hưởng ứng, nhiệt tình tham gia như: tổ chức sinh nhật hàng quý cho các đoàn viên, tham gia lớp học nhảy dancesport, lớp học múa Lăm - vông, hội thi cắm hoa của nữ công nhà trường, hội thi gói bánh chưng xanh, thi đấu bóng bàn, cầu lông, … đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường.
          Có thể khẳng định, những kết quả của các phong trào thi đua đã có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm, lôi cuốn, động viên, tập hợp cán bộ, viên chức trong nhà trường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tập trung trí tuệ, sức lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các phòng trào thi đua cũng còn những tồn tại như: việc tham gia các phong trào thi đua của đoàn viên chưa đồng đều, một bộ phận đoàn viên chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phong trào; công tác phối hợp giữa các khoa chuyên môn, phòng chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội với công đoàn nhà Trường có lúc chưa chặt chẽ, thống nhất; kinh phí cho hoạt động Công đoàn còn hạn hẹp, dẫn đến khó khăn trong tổ chức các phong trào thi đua. Nguyên nhân là Ban Chấp hành Công Đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh hóa đều là hoạt động kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn; một số tổ trưởng Công đoàn còn lúng túng trong triển khai phong trào thi đua; một bộ phận đoàn viên chưa nhận thức đầy đủ về việc tham gia các phong trào thi đua của công đoàn...
Để nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua trong thời gian tới, Công Đoàn Trường Chính trị cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn cấp trên về các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức thực hiện cho phù hợp với thực tiễn nhà trường và địa phương (lồng ghép ở các hội nghị chủ chốt, trong các cuộc họp chi bộ, họp chuyên môn của các khoa, phòng; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các khoa, phòng trong nhà trường thực hiện các phong trào thi đua như tổ chức các cuộc thi, giao lưu…). Qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đoàn viên trong tổ chức, góp phần xây dựng phát triển Công đoàn nói riêng và Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Thứ hai,kịp thời xây dựng kế hoạch và có biện pháp thực hiện cụ thể hằng năm để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua; hướng công tác thi đua vào thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, những nhiệm vụ khó, mới của nhà trường. Trong thời gian tới, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của nhà trường theo mô hình 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới tiếp tục là nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức Công đoàn cụ thể hóa thành các phong trào thi đua trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hiện văn hóa công sở… Muốn vậy, mỗi đoàn viên công đoàn cần phát huy trách nhiệm bằng những việc làm cụ thể như: chủ động đăng ký nội dung công việc (thao giảng, soạn giảng chuyên đề mới, chủ nhiệm các đề tài khoa học, chủ trì hội thảo, tọa đàm, thực hiện tốt các quy định về văn hóa công sở và rèn luyện 5 giá trị chuẩn mực đạo đức của cán bộ viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa “kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo”…).
Thứ ba, tăng cường phối hợp với các chi bộ, khoa chuyên môn, phòng chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường tổ chức, triển khai các phong trào thi đua, cũng như việc theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện phong trào thi đua của các tổ công đoàn, đoàn viên công đoàn nhà trường; tiếp tục bổ sung, điều chỉnh bộ quy chế quản lý cán bộ, viên chức Trường Chính trị nói chung, cũng như quy chế hoạt động công đoàn và bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đoàn viên công đoàn Trường Chính trị nói riêng; tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ công tác biểu dương, lấy kết quả khen thưởng để đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua và kênh bình xét các danh hiệu thi đua cuối năm; bên cạnh đó thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, xử lý kịp thời đoàn viên chưa thực hiện tốt các phong trào thi đua, làm ảnh hưởng tới uy tín, vị thế Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Thứ tư, tăng cường tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy; Giám Hiệu nhà trường các quy chế, quy định của tỉnh và nhà trường, nhất là quy chế dân chủ và các quy định bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn Trường Chính trị. Từ đó, tạo động lực và môi trường làm việc tốt để mỗi đoàn viên công đoàn phát huy được năng lực, có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như đẩy mạnh và thực hiện tốt các phong trào thi đua trong nhà trường.
Có thể khẳng định, những giá trị cốt lõi về phong trào thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua của Công Đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay đã tác động đến mỗi cán bộ, viên chức, người lao động trong nhà trườngnâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, sự tự giác trong nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, linh hoạt việc tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua sát với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường Chính trị tỉnh; mặt khác đảm bảo việc làm, tiền lương, phúc lợi, môi trường làm việc tốt hơn cho mỗi cán bộ, viên chức, người lao động và tạo nền tảng cho sự ổn định, phát triển lâu dài, bền vững, góp phần tô thắm trang sử hơn 70 năm Truyền thống Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa./.
 
       Tài liệu tham khảo
      (1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.270, 473.
     (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.5, tr. 556.
      Chú thích
     5 nhất là: i) có thể chế tốt nhất; ii) có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn và chất lượng cao nhất; iii) công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phát triển toàn diện nhất; iv) có đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín nhất; v) có môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng nhất. 4 trụ cột: i) nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học là trung tâm; ii) đổi mới quản lý là then chốt; iii) đổi mới phương pháp dạy- học, thi, kiểm tra, đánh giá là đột phá; iv) xây dựng môi trường giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. 5 định hướng đổi mới là: i) chuyển nhận thức từ người thầy là trung tâm sang người thầy và học viên là trung tâm; ii) chuyển từ học kiến thức là chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực; iii) chuyển từ học thông qua giáo trình là chủ yếu sang cập nhật kiến thức mới và tổng kết thực tiễn; iv) chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; v) chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
305
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12487
Tháng này:
58861
Tất cả:
4.423.741