NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa - Thực tế và vấn đề cần trao đổi

Đăng lúc: 07:09:05 01/05/2023 (GMT+7)992 lượt xem

 Có thể nói, công nghệ thông tin đã góp phần đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị. Vấn đề cơ bản và mấu chốt vẫn là kiến thức chuyên môn, năng lực giảng dạy và khả năng điều phối của người giảng viên trong mỗi giờ giảng.
t1.jpg
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã và đang áp dụng, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng công nghệ thông tin trong mỗi bài giảng, tiết giảng; xem đó là một yêu cầu đối với mỗi giảng viên trong quá trình lên lớp.
Trong quá trình đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng viên Nhà trường đã có nhiều bài giảng đạt kết quả cao nhờ việc sử dụng công nghệ thông tin. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng và giảng dạy của giảng viên Nhà trường trong những năm qua đã có những ưu điểm sau:
Một là, khi soạn giảng. Sử dụng công nghệ thông tin giúp giảng viên tận dụng được nguồn thông tin, hình ảnh trên mạng Internet, nguồn thông tin qua báo, tạp chí…; nhờ đó, giúp nâng cao trình độ tin học, mở rộng kiến thức cho bản thân và lòng yêu nghề; sự sáng tạo của mỗi người cũng được bồi đắp thêm.
Hai là, khi giảng dạy.Trong quá trình giảng trên lớp, giảng viên đưa những nội dung chính của bài học trên các trang slide một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng không mất nhiều thời gian. Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập, giảng viên có thể đưa ra các chủ đề, câu hỏi thảo luận…thông qua trình chiếu các slide và yêu cầu học viên nghiên cứu, thảo luận. Sau đó, giảng viên có thể đưa câu trả lời một cách ngắn gọn, đầy đủ, chính xác lên màn hình, làm như vậy giảng viên sẽ dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn học viên tự nghiên cứu, thảo luận…
Thông qua giáo án điện tử, giảng viên lồng ghép những hình ảnh hay những đoạn video liên quan đến nội dung bài học để làm sâu sắc thêm bài giảng và tạo sự thu hút, hứng thú từ người học.
Đối với việc kiểm tra đánh giá, củng cố bài, khi sử dụng giáo án điện tử giảng viên có thể cùng một lúc đưa nhiều câu hỏi ôn tập lên màn hình cho học viên trả lời mà không mất nhiều thời gian.
Ba là, đối với học viên trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy của giảng viên, giúp học viên cảm thấy hứng thú hơn và nhanh hiểu bài bằng việc sử dụng hình ảnh minh họa, những video clip sinh động, những hình ảnh đời thường… Ví dụ, khi giảng dạy nội dung sản xuất vật chất thuộc phần Triết học, giảng viên có thể sử dụng những hình ảnh quá trình sản xuất vật chất của con người bằng những hình ảnh chân thực, đời thường, sinh động; trong giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta có thể dùng những hình ảnh về quê hương, gia đình và những năm Bác bôn ba tìm đường cứu nước, có thể nhấn mạnh những nơi và những mốc thời gian quan trọng bằng những hình ảnh với những gam màu khác nhau phù hợp với từng nội dung bài…
t2.png
Như vậy, có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn Lý luận chính trị là một việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định việc sử dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy cũng có nghĩa là đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng, nếu chúng ta chỉ trình chiếu những trang ký tự thay cho viết bảng, đưa hình ảnh, bản đồ thay cho sử dụng những bản đồ, tranh vẽ bên ngoài và thuyết trình thì học viên vẫn chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, một chiều.
Thứ hai, có thể những gì mà phấn trắng, bảng đen làm được thì giáo án điện tử lại không thể hiện được. Ví dụ: sau mỗi bài giảng bằng phấn, bảng sẽ đọng lại bố cục của bài, nội dung chính của bài… nhưng nếu chúng ta giảng bằng giáo án điện tử trình chiếu qua những slide rồi lại trôi đi. Vì vậy, học viên khó có thể nắm được những kiến thức cốt lõi nhất của bài học.
Thứ ba, khi đưa ra những hình ảnh, những đoạn video clip hấp dẫn với những hình ảnh đẹp, lạ mà không có sự định hướng, của giảng viên trong việc hướng dẫn học viên nghiên cứu, tìm tòi kiến thức thì có thể làm cho học viên chỉ chú ý đến hình ảnh, âm thanh và sẽ dễ bị phân tán, không tập trung vào nội dung cần nghiên cứu, thảo luận.
Thứ tư, học viên sẽ khó ghi bài nếu chúng ta đưa ra quá nhiều chữ trong một slide, hoặc chúng ta lướt qua quá nhanh.
Thứ năm, xảy ra những sự cố bất thường, như: đang giảng dạy thì mất điện; máy tính trục trặc…
Để khắc phục những hạn chế trên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, giảng viên phải chủ động tự bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học của mình. Khi sử dụng máy chiếu phải kết hợp với việc sử dụng bảng phấn.
Hai là, mỗi nội dung bài giảng chỉ chọn lọc những hình ảnh thật sát, không nên đưa quá nhiều hình ảnh, quá nhiều chữ trên một slide khiến học viên cảm thấy rối mắt.
Ba là, nên quy định trang với hai nền màu khác nhau, hoặc hai loại màu chữ khác nhau để phân biệt phần cần cho học viên ghi và những nội dung khác.
Bốn là, khi chèn hình ảnh, video clip phải chọn màu cho phù hợp, tránh bị lỗi phông chữ…
Năm là, khi xảy ra sự cố mất điện trong giờ giảng phải bình tĩnh để sử dụng các phương pháp, thiết bị dự phòng.
Như vậy, chúng ta cần phải phát huy có hiệu quả những ưu điểm, đồng thời khắc phục tối đa những “sự cố” của việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, làm thế nào để đây thực sự là một phương tiện dạy học hỗ trợ tích cực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần tạo nên sự thành công của mỗi bài giảng.
Có thể nói, công nghệ thông tin đã góp phần đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công nghệ thông tin giữ vai trò quyết định đến chất lượng bộ môn, chất lượng bài giảng, tiết giảng. Vấn đề cơ bản và mấu chốt vẫn là kiến thức chuyên môn, năng lực giảng dạy và khả năng điều phối của người giảng viên trong mỗi giờ giảng. Các thiết bị dù hiện đại quan trọng cũng chỉ là phương tiện để hỗ trợ quá trình dạy học, do đó không nên cường điệu hóa vai trò của máy móc mà quên đi vai trò chủ động của người dạy và người học.
                                               ThS. Dương Bá Tiến
                Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Số lượt truy cập
Hôm nay:
197
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12379
Tháng này:
58753
Tất cả:
4.423.633