HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Vận dụng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay

Đăng lúc: 16:26:07 04/08/2016 (GMT+7)190291 lượt xem

 
ThS. Phạm Bá Thịnh – ThS. Nguyễn Thị Duyên
 Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
                                                                           
Một trong những cống hiến vĩ đại của C.Mác là phát hiện Chủ nghĩa duy vật lịch sử - đây là bước ngoặt có tính cách mạng trong lịch sử triết học của nhân loại. Bằng phương pháp biện chứng và lập trường duy vật về lịch sử, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội loài người qua các thời kỳ lịch sử. Với cống hiến này, lần đầu tiên lịch sử được nhận thức và lý giải đúng như bản thân nó, khách quan và chân thực.
Theo C.Mác, xã hội phát triển qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau từ thấp đến cao. Tương ứng với mỗi giai đoạn nhất định là một hình thái kinh tế - xã hội; sự vận động thay thế các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử do các quy luật khách quan chi phối - đó là một quá trình lịch sử tự nhiên, mà nguồn gốc sâu xa của sự vận động phát triển đó là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, C.Mác khẳng định: “Chỉ có đem những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”(1).
 
Theo C.Mác, trong phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt có mối quan hệ biện chứng với nhau làm cho sản xuất phát triển. Lực lượng sản xuất là sự thống nhất hữu cơ giữa người lao động với tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ lao động. Con người không thể sản xuất có hiệu quả nếu tiến hành riêng lẻ, mà phải liên kết, phối hợp với nhau, quan hệ tác động với nhau. Bởi vậy, thiếu một trong hai mối quan hệ này thì không thể có sản xuất vật chất.
Trong đó, vai trò quyết định thuộc về lực lượng sản xuất. Mỗi loại hình quan hệ sản xuất được xác lập trên cơ sở thích ứng với một trạng thái, trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Khi lực lượng sản xuất biến đổi thì quan hệ sản xuất cũng biến đổi theo, sự phát triển của lực lượng sản xuất là nguyên nhân sâu xa và là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển của lịch sử.
Mặc dù lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất nhưng do quan hệ sản xuất quy định mục đích của sản xuất, quy định cách thức tổ chức, quản lý, phân công sản xuất, quy định sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và cơ chế thực hiện lợi ích của con người vì vậy, tác động đến thái độ của con người trong sản xuất ... từ đó hình thành những yếu tố, khuynh hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Có thể thấy rằng, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật kinh tế cơ bản, phổ biến, chi phối mọi phương thức sản xuất, không loại trừ một quốc gia dân tộc nào. Điều đó, đòi hỏi chúng ta muốn phát triển kinh tế đất nước thì phải nhận thức đúng để hành động phù hợp với quy luật khách quan.
 
Ở nước ta, trước thời kỳ đổi mới thực hiện cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp. Mặc dù đã huy động được sức người, sức của cho kháng chiến và phát huy có hiệu quả trong thời kỳ, nhưng kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng. Do không thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, coi cơ chế thị trường chỉ là thứ yếu bổ sung cho kế hoạch hoá; thủ tiêu cạnh tranh, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, kìm hãm tiến bộ khoa học, công nghệ… quá nhấn mạnh một chiều cải tạo quan hệ sản xuất mà không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, coi nhẹ quan hệ quản lý, quan hệ phân phối.Trong xác lập quan hệ sản xuất, chúng ta tuyệt đối hoá vai trò của công hữu, làm cho quan hệ sản xuất chỉ còn tồn tại giản đơn dưới hai hình thức toàn dân và tập thể;kỳ thị, nóng vội xoá bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận các hình thức sở hữu hỗn hợp, sở hữu quá độ; xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân một cách ồ ạt, trong khi nó đang tạo điều kiện cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Dẫn đến lực lượng sản xuất không phát triển, tình trạng trì trệ kéo dài, sản xuất đình đốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hạn chế đó, có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là chúng ta đã chủ quan, nóng vội, duy ý chí dẫn đến việc nhận thức và vận dụng không đúng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Từ Đại hội Đảng lần thứ VI, khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu ra quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội, với nhiều chế độ sở hữu. Mặc dù, chưa đề cập đến cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế thị trường. Nhưng đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thể hiện sự nhận thức và vận dụng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; đồng thời đã đặt cơ sở, nền tảng quan trọng để các nhân tố mới ra đời, tạo tiền đề để từng bước phát triển nền kinh tế nước ta. Quá trình vận dụng quy luật và xuất phát từ thực tiễn đất nước, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989), Đảng đã khẳng định: “Thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, coi đây là chính sách có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội; trong đó mọi người được tự do làm ăn theo pháp luật; các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế vừa hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật”. (2)
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhìn tổng thể 30 năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đó, có thành tựu về nhận thức và vận dụng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, việc nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế đang càng là một yêu cầu cấp thiết.
Để thực hiện điều đó, Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ phải tiếp tục thống nhất nhận thức về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường. Đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Xác lập nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Việt nam “có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”(3); thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, biện pháp để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tạo “cốt vật chất” cho quan hệ sản xuất mới. Tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hoá dịch vụ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, tiếp thu những thành tựu về khoa học và công nghệ, về kinh tế tri thức. Xây dựng, hoàn thiện luật pháp và chính sách kinh tế để kiến tạo sự phát triển bền vững. Đào tạo nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài, nhất là trong bộ máy quản lý nhà nước. Đổi mới thể chế nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật và chính sách; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Tóm lại, có thể khẳng định công cuộc đổi mới là quá trình chúng ta ngày càng nhận thức và vận dụng đúng đắn hơn quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong điều kiện thực tiễn Việt Nam.
(1) V.I.Lênin Toàn tập,Nxb Tiến bộ, Macxcova, 1978, t1, tr.163;
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 06-NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương 6 khoá VI ngày 29 tháng 03 năm 1989 về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2016, tr 25;
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1104
Hôm qua:
2925
Tuần này:
8887
Tháng này:
55261
Tất cả:
4.420.141