HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Vị trí, vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam trong quy định của hiến pháp qua các thời kỳ cách mạng

Đăng lúc: 11:15:39 03/02/2018 (GMT+7)61510 lượt xem

Đào Thị Kim Thanh
Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Từ đó đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiến hành những cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ được xác lập trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của đất nước mà còn từng bước được ghi nhận trong các Hiến pháp - Đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của nhà nước ta. Cùng với thành quả cách mạng của dân tộc, theo chiều dài lịch sử, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam từng bước được khẳng định mang tính pháp lý ngày càng vững chắc qua các bản Hiến pháp.
Hiến pháp 1946 được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ II thông qua ngày 9/11/1946, là bản Hiến pháp dân chủ đẩu tiên ở Việt Nam. Do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ (Đảng rút vào hoạt động bí mật) nên chưa có quy định trực tiếp, nhưng đã gián tiếp ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, lời nói đầu của Hiến pháp quy định: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng”. Trên thực tế, những thành tích vẻ vang của cách mạng đều do nhân tố quyết định là vai trò lãnh đạo của Đảng. Như vậy, mặc dù trong Hiến pháp năm 1946, không có quy định nào về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng vai trò của Đảng đã được khẳng định bằng việc thông qua bản Hiến pháp lịch sử năm 1946 và những việc làm cụ thể khác.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng và thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Theo đó, Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Để có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng cần phải có một bản Hiến pháp mới. Ngày 31/12/1959 tại kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp 1959 tuy chưa có điều quy định riêng về Đảng nhưng vị trí, vai trò của Đảng đã được nhắc tới 3 lần trong lời nói đầu của Hiến pháp.
Lần thứ nhất, lời nói đầu khẳng định vai trò của Đảng ta trong lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, thiết lập nhà nước mới: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới”.
Lần thứ hai, tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong đánh giặc cứu nước sau khi giành chính quyền: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, toàn thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc cứu nước”.
Lần thứ ba, lời nói đầu của Hiến pháp khẳng định sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với đất nước và dân tộc trong giai đoạn tiếp theo: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà”.
 Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta đã làm nên đại thắng mùa xuân 1975 vĩ đại. Từ đây đất nước ta bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hoà bình thống nhất độc lập và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện mới, cần có một bản Hiến pháp mới để ghi nhận thành quả của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc đồng thời quy định nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam thống nhất. Kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa VI trong phiên họp ngày 18/12/1980 đã thông qua Hiến pháp năm 1980 nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh việc ghi nhận, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng ở lời nói đầu, Hiến pháp 1980 đã có một điều riêng quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng (Điều 4): Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”
 Việc quy định của Hiến pháp 1980 là sự thừa nhận của pháp luật về mặt thực tế vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của nhân dân. Đồng thời quy định của Hiến pháp tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Đảng thực hiện làm tròn bổn phận, trách nhiệm  của mình.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã ảnh hưởng lớn đến các nước trên thế giới, tạo ra cục diện thế giới thay đổi hoàn toàn không có lợi cho Việt Nam. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội trong nước có những diễn biến phức tạp; Đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI: “nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra sai lầm, yếu kém, nguyên nhân và giải pháp khắc phục”. Với tình hình đó, Hiến pháp 1980 không còn phù hợp với thực tế. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung,  Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ XI đã thông qua Hiến pháp 1992 trong phiên họp ngày 15/ 4/ 1992. Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được quy định trong lời nói đầu và ở Điều 4 của Hiến pháp. Điều 4, Hiến pháp 1992 quy định: Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”
Như vậy, mặc dù trên thế giới các nước xã hội chủ nghĩa đi vào thoái trào nhưng vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản việt Nam không những không bị bỏ ra ngoài quy định của Hiến pháp mà còn được quy định đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn. Nếu như ở Hiến pháp 1980 mới chỉ xác định Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam” thì Hiến pháp 1992 nâng lên và mở rộng thành “đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Điều này thể hiện sự kiện định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, nhà nước và nhân dân ta. Đồng thời khẳng định được niềm tin của toàn thể dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng.
Sau hơn 20 năm kể từ khi ban hành Hiến pháp 1992, đất nước ta đã có nhiều thay đổi. Cương lĩnh  xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết. Từ thực tiễn đó, Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ VI đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại phiên họp ngày 28/11/2013. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý  đặc biệt quan trọng đánh dấu một mốc mới trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam. Hiến pháp 2013 ra đời, trong đó có bổ sung, phát triển quan trọng việc khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài việc ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi thành quả cách mạng trong lời nói đầu,  điều 4 Hiến pháp quy định:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Với quy định này, Hiến pháp tiếp tục khẳng định và bảo đảm về mặt pháp lý vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội (khoản 1). Đồng thời, Hiến pháp đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Đảng phải “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (khoản 2). Quy định mới bổ sung này đã làm rõ trách nhiệm mang tính “Hiến định” của Đảng trong quan hệ với nhân dân. Đồng thời quy định: “Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” đặt ra trọng trách của Đảng trong việc đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, Hiến pháp nhấn mạnh không chỉ các tổ chức của Đảng mà tất cả đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.Nếu trong các Hiến pháp trước đây không quy định (Hiến pháp 1946, 1959)  hoặc chỉ quy định: “Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp” (Hiến pháp 1980) hay “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”  (Hiến pháp 1992), thì Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đây cũng là một bước tiến bộ, thể hiện đầy đủ hơn trong quy định về Đảng của Hiến pháp. Quy định trên vừa bảo đảm được tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tránh được hiện tượng lạm quyền, chuyên quyền của các tổ chức đảng và các cá nhân đảng viên.
Nhìn lại chặng đường dài của lịch sử cho thấy vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời không chỉ được xác lập trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của đất nước mà còn từng bước được ghi nhận, phát triển, nâng cao trong các Hiến pháp Việt Nam. Qua đó khẳng định mang tính pháp lý những thành quả lớn lao mà Đảng ta đã giành được. Đồng thời xác định rõ trọng trách, nhiệm vụ của Đảng trong những giai đoạn tiếp theo để xứng đáng với sự tin cậy, thừa nhận, tôn vinh của Nhà nước và của cả xã hội./. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1548
Hôm qua:
1929
Tuần này:
3477
Tháng này:
35123
Tất cả:
4.400.003