HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Ý nghĩa và một số giải pháp nâng cao chất lượng “Báo cáo khóa luận tốt nghiệp đối với các lớp Trung cấp LLCT-HC không tập trung hiện nay”

Đăng lúc: 09:21:43 22/04/2020 (GMT+7)940 lượt xem

ThS. Vũ Tất Thành
 GVC Khoa Xây dựng Đảng
                                     
Trong những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh đổi mới toàn diện các khâu trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng (đổi mới công tác tuyển sinh; cải tiến nội dung, chương trình; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới công tác đánh giá kết quả học tập của học viên; đổi mới nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và tổng kết thực tiễn; đổi mới công tác quản lý và phục vụ).Báo cáo khóa luận tốt nghiệp đối với các lớp Trung cấp LLCT-HC là một trong những nội dung nhằm thực hiện chủ trương đổi mới đó.
Báo cáo khóa luận tốt nghiệp đối với các lớp Trung cấp LLCT-HC có ý nghĩa vai trò quan trọng đối với cả ba nhóm chủ thể cơ bản trong nhà trường (người thầy, người học, nhà quản lý) và địa phương cử cán bộ đi học.
- Trước hết, đối với học viên (người học), báo cáo khóa luận sẽ có ý nghĩa trên hai khía cạnh:
Thứ nhất, báo cáo khóa luận tốt nghiệp cuối khóa sẽ tác động mạnh mẽ theo hướng tích cực đến thái độ của học viên viết khóa luận. Mà “Thái độ tích cực là tài sản vô giá trong số những tài sản giá trị nhất... giúp chúng ta vượt qua thử thách”(1), đúng như Keith D. Harrell một trong số những diễn thuyết gia hàng đầu nước Mỹ đã đúc kết. Làm chủ nhiệm nhiều lớp Trung cấp LLCT-HC không tập trung, qua nắm bắt tình hình và trao đổi trực tiếp với các học viên viết khóa luận chúng tôi thấy, 100% các đồng chí học viên đều có chung một tâm lý là tự hào, phấn khởi đan xen sự lo lắng. Phấn khởi, tự hào vì kết quả học tập tốt hơn những đồng môn khác nên được nhà trường xét chọn viết khóa luận; song họ cũng thể hiện sự lo lắng vì làm thế nào để viết được một bản khóa luận tốt. Hơn nữa, sau khi viết xong, sẽ được Hội đồng báo cáo khóa luận (có cơ cấu gồm: về phía nhà trường là Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng và giảng viên chính; về phía huyện là các đồng chí trong Thường trực và Thường vụ cấp ủy cấp huyện) chấm và nghe học viên báo cáo về sản phẩm của mình. Do đó, ngoại trừ những học viên có tinh thần tự lập và ý thức tự giác thực sự, các học viên khác sẽ không dám và không thể sao chép khóa luận của người khác vì nếu sao chép sẽ bị Hội đồng phát hiện. Chính yếu tố tâm lý này sẽ là động lực giúp họ chủ động, tích cực, tự giác, cầu thị hơn trong quá trình từ khâu chuẩn bị, thu thập tư liệu đến viết, chỉnh sửa hoàn thiện khóa luận theo hướng dẫn của giảng viên.
Thứ hai, thông qua báo cáo khóa luận sẽ góp phần rèn luyện khả năng khái quát và kỹ năng thuyết trình cho học viên. Thời lượng cho mỗi báo cáo có hạn (không quá 10 phút); có thể nói, so với cả một khóa luận dài khoảng 20 – 30 trang đánh máy trên khổ giấy A4 theo quy định, thì thời gian không quá 10 phút là quá ngắn. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào vừa đảm bảo thời gian, vừa làm nổi bật được những nội dung cơ bản của khóa luận. Muốn vậy, học viên phải biết cách khái quát, tóm tắt từ một chuyên đề dài thành một bản tóm tắt ngắn gọn, đủ ý. Đồng thời học viên phải trình bày thế nào để thể hiện cho Hội đồng thấy mình biết cách thuyết trình, chứ không phải là đang đọc báo cáo tóm tắt. Để đạt được cả hai yêu cầu này, không có cách nào khác ngoài việc học viên phải tự rèn luyện để “tự thể hiện” và “tự khẳng định” mình trước không chỉ đồng môn, mà cả lãnh đạo huyện. Bằng cách này, tức là chúng ta đã tác động một cách gián tiếp, nhằm “khơi dậy một niềm ham muốn” được “tự thể hiện mình” ở học viên vì “tự thể hiện mình là một điều cần thiết tối cao của bản chất con người”(2).
- Bên cạnh đó, báo cáo khóa luận cũng có ý nghĩa tích cực đối với giảng viên (người thầy) hướng dẫn khóa luận.
Người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cho học viên viết khóa luận. Từ việc thống nhất chủ đề, bố cục của đề tài, lý do chọn đề tài, mục đích, giới hạn đến cơ sở lý luận và cách đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp cho vấn đề nghiên cứu cũng như đề xuất, kiến nghị và kết luận... Đồng thời, người thầy còn định hướng cho học viên tài liệu tham khảo, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu. Qua đó, giúp học viên cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tìm cách tóm tắt và báo cáo khóa luận trước Hội đồng. Thực tế qua trao đổi, chúng tôi thấy có đến hơn 90% học viên viết khóa luận của các lớp đều có chung suy nghĩ là: Khi mới chọn đề tài còn thấy mông lung không biết có thực hiện viết được không; nhưng khi được thầy cô hướng dẫn, bổ sung đề cương và các nội dung cụ thể khác, thì những mông lung đó không còn nữa; và nếu cố gắng sẽ hoàn thành tốt và đúng tiến độ. Những công việc trên đều thuộc nhiệm vụ chung của giảng viên hướng dẫn. Song, nếu có cả chấm và báo cáo khóa luận thì nhiệm vụ đó sẽ được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao hơn, chất lượng và hiệu quả hơn, vì ba lý do:
Thứ nhất, nếu chỉ có chấm mà không có báo cáo khóa luận, thì trong nhiều trường hợp sẽ dễ dẫn đến quan niệm “đều là đồng nghiệp với nhau cả”, “thầy chấm thầy”... Do đó, sẽ có tâm lý “nương nhẹ” các lỗi, thậm chí cả những lỗi nặng là sao chép đề tài của người khác.
 Thứ hai, nếu có cả chấm và báo cáo khóa luận, thì sự “nương nhẹ” sẽ không còn nữa; vì ngoài việc chấm, học viên còn phải báo cáo trước Hội đồng và cả đồng môn của mình. Vì vậy, để tiếp sức, động viên; tránh những lỗi và “rủi ro” đáng tiếc có thể xảy ra đối với học viên, đòi hỏi giảng viên phải hướng dẫn với tinh thần trách nhiệm cao hơn, cụ thể hơn; yêu cầu học viên hoàn thành khóa luận chất lượng hơn và đảm bảo tiến độ nhà trường đã đề ra.
Thứ ba, qua báo cáo khóa luận còn là dịp để giảng viên có thể khai thác thêm kiến thức thực tiễn từ phía học viên. Qua đó, giúp giảng viên bổ sung và nâng cao sự hiểu biết của mình về tình hình kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh... của các địa phương trong tỉnh nhằm phục vụ việc giảng dạy được tốt hơn.
- Đồng thời, báo cáo khóa luận còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả nhà quản lý - tức là Ban giám hiệu nhà trường.
Như chúng ta đã biết, việc hướng dẫn của giảng viên và viết khóa luận tốt nghiệp của học viên là một khâu trong quy trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC. Cùng với sự nỗ lực của cả thầy và trò, chất lượng và hiệu quả của quá trình này phụ thuộc một phần trong công tác quản lý của Ban Giám hiệu. Để quản lý chất lượng, hiệu quả quá trình hướng dẫn và viết khóa luận, Ban Giám hiệu sử dụng nhiều biện pháp; trong đó, kết hợp cả chấm và báo cáo khóa luận là biện pháp trực tiếp nhất, hiệu quả nhất. Bởi vì, thông qua kết quả chấm và báo cáo khóa luận, Giám hiệu sẽ giám sát được chất lượng trong hướng dẫn của thầy, cũng như viết, tóm tắt và báo cáo khóa luận của học viên. Bên cạnh đó, thông qua Hội đồng chấm và báo cáo khóa luận, Giám hiệu còn nắm được tình hình công tác chuẩn bị, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như sự chậm trễ, không kịp tiến độ trong triển khai và nộp khóa luận... cho đến những sai phạm, nhất là những gian lận như sao chép khóa luận của người khác... để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
- Ngoài ra, báo cáo khóa luận còn có nghĩa cả đối với địa phương cử cán bộ đi học trên các khía cạnh: (1) Thể hiện sự đa dạng và chặt chẽ hơn trong việc phối hợp giữa Trường với địa phương; (2) Đây là dịp để thông qua đại diện của mình cấp ủy địa phương trực tiếp thấy được phần nào năng lực của cán bộ tham gia lớp học.
Trong thời gian tới, để quá trình tổ chức hướng dẫn, viết và chấm báo cáo khóa luận tốt nghiệp cuối khóa cho các lớp Trung cấp LLCT-HC đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn; theo chúng tôi, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Một là, đối với Ban Giám hiệu: Sự quan tâm, quản lý của Ban Giám hiệu trong việc chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị; phê duyệt hệ thống đề tài phù hợp; phân công giảng viên có đủ năng lực hướng dẫn học viên; quản lý chặt chẽ và điều hành linh hoạt quá trình thực hiện viết và báo cáo khóa luận đảm bảo đúng quy trình, tiến độ là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của quá trình viết và báo cáo khóa luận tốt nghiệp cuối khóa. Chỉ đạo bộ phận chức năng tham mưu, giúp Giám hiệu thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấm và báo cáo khóa luận; trên cơ sở kết luận của Thanh tra về các sai phạm, Giám hiệu ra quyết định xử lý theo đúng quy định. Đồng thời biểu dương kịp thời những lớp và cá nhân thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ.
- Hai là, đối với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học: Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Giám hiệu về tổ chức cho học viên viết và báo cáo khóa luận. Muốn vậy, phải làm thật tốt công tác chuẩn bị; công tác hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời báo cáo với Ban Giám hiệu về những vấn đề phát sinh để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Trên cơ sở quy định tại Mục 2 (Khóa luận tốt nghiệp), Chương V (Đánh giá kết quả học tập, rèn luyện) thuộc“Quy chế đào tạo tạo” (ban hành kèm theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG, ngày 02/5/2019, của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); căn cứ vào thực tế đội ngũ giảng viên và học viên viết khóa luận của nhà trường, Phòng phải chủ trì phối hợp với các khoa chuyên môn trong việc lựa chọn hệ thống đề tài sát với thực tiễn của các ngành và các địa phương trong tỉnh, phù hợp với học viên viết khóa luận của từng lớp; xây dựng kế hoạch dự kiến giảng viên có đủ năng lực hướng dẫn... trình Ban Giám hiệu phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, Phòng phải đôn đốc việc triển khai thực hiện, đảm bảo quy trình, tiến độ.
- Ba là, đối với chủ nhiệm lớp: Ngay sau khi kế hoạch viết khóa luận của lớp được Ban Giám hiệu phê duyệt, để đảm bảo không bị chậm tiến độ, chủ nhiệm lớp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng triển khai ngay kế hoạch đó cho lớp thông qua hộp thư điện tử chung của cả lớp để học viên có thể truy cập được ngay. Muốn vậy, cần chủ động phối hợp với đồng chủ nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các học viên viết khóa luận của lớp nhanh chóng liên hệ với các thầy cô hướng dẫn. Chủ nhiệm phải cung cấp số điện thoại của cả thầy cô hướng dẫn và học viên viết khóa luận để Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đưa vào kế hoạch, nhằm tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho việc liên hệ trên. Chậm nhất là sau một ngày các học viên phải bắt liên lạc được với các thầy cô hướng dẫn để xin ý kiến chỉ đạo cách thức tiến hành.
- Bốn là, đối với học viên viết khóa luận: Phải xây dựng cho mình một động cơ, thái độ tích cực, tranh thủ sự hướng dẫn của thầy, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt khóa luận theo đúng quy định. Thời gian qua, về cơ bản đa số học viên viết và nộp khóa luận đảm bảo chất lượng và tiến độ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tiến độ nộp báo cáo khóa luận về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học của một số lớp chưa đảm bảo thời gian, một số đồng chí còn nộp chậm, làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của toàn trường, cũng như tiến độ báo cáo khóa luận của lớp. Nguyên nhân có nhiều, như công tác triển khai đến học viên còn chậm, v.v.. Song nguyên nhân chính vẫn là do sự nỗ lực chủ quan của học viên còn hạn chế. Để khóa luận hoàn thành có chất lượng và đúng tiến độ, đòi hỏi mỗi học viên cần khắc phục tâm lý tự ty, tư tưởng trông chờ ỷ lại giảng viên hướng dẫn; trái lại phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực, tự giác, thực sự cầu thị tiếp thu ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của giảng viên, cũng như góp ý của đồng chí, đồng nghiệp trong quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp của mình.
- Năm là, đối với giảng viên hướng dẫn: Như đã trình bày ở trên, giảng viên hướng dẫn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình học viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, giảng viên phải hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ hướng dẫn của mình theo đúng nghĩa đen của từ đó. Muốn vậy, cần phải khắc phục hai xu hướng sau:
Thứ nhất, giảng viên qua loa, đại khái, buông lỏng vai trò hướng dẫn của mình. Có thể do giảng viên quá bận, hoặc tinh thần, trách nhiệm không cao; do đó, chỉ thống nhất chủ đề, chỉnh sửa đề cương sơ lược, sau đó phó mặc cho học viên thực hiện mà không có thêm sự chỉ đạo, hướng dẫn gì.
Thứ hai, giảng viên bao biện, làm thay học viên. Xu hướng này xảy ra khi học viên nhờ và giảng viên chấp nhận; hoặc giảng viên cho rằng học viên không thực hiện được; hoặc có thực hiện cũng không có chất lượng; hoặc đã sửa và hướng dẫn một số lần, song học viên làm vẫn không tốt... Dẫn đến vừa kém chất lượng, vừa không đúng tiến độ, sợ bị liên đới trách nhiệm, nhà trường đánh giá về tinh thần và trách nhiệm không cao, do đó giảng viên đành chấp nhận làm hộ cho học viên.
- Sáu là, đối với địa phương cấp huyện (cử học viên đi học): Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với Trường Chính trị trong việc cử các chức danh lãnh đạo (ba chức danh là: Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Tổ chức và Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện) tham gia Hội đồng báo cáo khóa luận. Đồng thời tích cực tham gia góp ý kiến, rút kinh nghiệm với Trường Chính trị để việc báo cáo khóa luận tốt nghiệp đối với các lớp hệ Trung cấp LLCT-HC không ngừng được đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả./.
 
Chú thích:
(1) Keith D. Harrell: Thay thái độ - Đổi cuộc đời, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 2009, tr.9.
(2) Dale Carnegie: Đắc nhân tâm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà nội. 2012, Tr.92.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
327
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10505
Tháng này:
56879
Tất cả:
4.421.759