HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

GIỚI THIỆU KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP TỈNH “NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA”

Đăng lúc: 16:46:38 05/04/2017 (GMT+7)1760 lượt xem

 
Th.S Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng
 Th.S Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Khoa
LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh

TÓM TẮT
Kinh tế hợp tác (KTHT) trong nông nghiệp bao gồm khu vực kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã của người sản xuất, chủ yếu là nông dân, các chủ trang trại nông nghiệp) và các liên kết kinh tế thông qua hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp với người sản xuất (cá nhân, nông dân, chủ trang trại) hoặc doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã của người sản xuất, hoặc giữa tổ chức kinh tế tập thể với người sản xuất để cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra của sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, thương mại nông sản, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trong các chuỗi giá trị. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp là loại hình cơ bản nhất.
Với những hình thức như vậy, KTHT trong nông nghiệp có vị trí rất quan trọng không chỉ trong nội bộ ngành nông nghiệp mà còn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, và hơn nữa, còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sự hợp tác mang lại cho kinh tế hộ nông dân thêm vốn, nhân lực, kinh nghiệm sản xuất, từ đó tạo ra thuận lợi để áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường. KTHT sẽ là nhịp cầu đưa kinh tế hộ nông dân từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc phát triển KTHT  không chỉ vì mục đích kinh tế, mà còn có mục đích xã hội là tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới theo định hướng XHCN... Chính vì vậy, trong quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển KTHT trong nông nghiệp.
Cùng với sự phát triển KTHT trong nông nghiệp của cả nước, KTHT trong nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hoá cũng được chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phát triển, mở rộng về quy mô và đa dạng về ngành nghề. Thời gian qua, KTHT trong nông nghiệp ở Thanh Hóa góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của các địa phương, như: huy động được các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống người dân nông thôn, đóng góp phần quan trọng cho quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.Bước đầu tạo tiền đề cho sự liên kết kinh tế giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển…
Tuy nhiên, bên cạnh đó KTHT trong nông nghiệp ở Thanh Hóa còn gặp những hạn chế nhất định, như: quy mô sản xuất của còn nhỏ; công nghệ sản xuất lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, vốn ít; trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp; gây ô nhiễm môi trường sinh thái… Ở một số nơi, việc nhận thức chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền về KTHT trong nông nghiệp vẫn đang diễn ra. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động không đúng luật, hoặc thành lập để tranh thủ, trông chờ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với KTHT trong nông nghiệp chưa có sự phân công rạch ròi giữa các cơ quan đơn vị. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Luật HTX, thực hiện các chính sách đối với HTX, THT và các loại LKKT trong nông nghiệp chưa được các địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với KTHT trong nông nghiệp nhiều nhưng chưa thực sự tạo động lực phát triển, hơn nữa việc thể chế hoá các chính sách chậm và chưa đồng bộ. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Do đó, cần phải có những giải pháp đồng bộ để khuyến khích kinh tế hợp tác ở Thanh Hóa phát triển đúng hướng và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
        Đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” do ThS. Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị - chủ nhiệm đề tài; Th.S Nguyễn Thị Lan Hương, Phó trưởng Khoa LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh - Thư ký và các thành viên nghiên cứu thực hiện đã góp phần hoàn thiện lý luận về phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp; đánh giá một cách khoa học, toàn diện, khách quan thực trạng phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá cao, kết quả nghiệm thu đạt loại xuất sắc, với kết quả cụ thể:
1. Đề tài đã tập trung nghiên cứu làm rõ, sâu sắc hơn cơ sở lý luận về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Trong đó đã phân tích và làm rõ nội hàm các khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu: về kinh tế hợp tác, kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, kinh tế tập thể trong nông nghiệp và liên kết kinh tế trong nông nghiệp; đề cập đến quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; làm rõ sự phát triển của kinh tế tập thể trong nông nghiệp qua các giai đoạn phát triển khác nhau và các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Cũng như làm rõ tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả liên kết kinh tế trong nông nghiệp và các nhân tố ảnh hưởngđến hoạt động của các loại hình liên kết kinh tế trong nông nghiệp, là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp hiện nay.
2. Đề tài đã đánh giá một cách khách quan thực trạng phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 – 2015 thông qua hoạt động điều tra khảo sát, tổ chức hội thảo khoa học, bao gồm:  thực trạng hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thực trạng hoạt động của tổ hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Thực trạng hoạt động của các loại hình liên kết trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và những vấn đề đặt ra.
3. Đề tài đã đề ra các giải pháp nhằm phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm: (1)Giải pháp về cơ chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; (2) Giải pháp về  tổ chức và hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (3)Giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp đối với kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, đề tài đã có những đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
          4. Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề tài cũng có những kiến nghị quan trọng, sau:
 
- Đối với Trung ương:  Đề nghị Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Đề nghị thành lập bộ máy quản lý nhà nước chuyên trách đối với kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hiện có.  Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ hợp tác xã nông nghiệp. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động của các loại hình liên kết kinh tế trong nông nghiệp. Chính phủ cần xây dựng đề án về truyền thông để tuyên truyền rộng rãi về KTHTNN. Chính phủ xem xét thành lập cơ quan quản lý nhà nước về KTHT trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương.
- Đối với cấp tỉnh:Đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về kinh tế hợp tác tr ong nông nghiệp. Sở Nội vụ chủ trì xây dựng và thí điểm “Đề án đưa trí thức trẻ về làm cán bộ HTXNN”. LMHTX tỉnh Thanh Hóa tập trung nhân rộng các mô hình HTXNN, THTNN có cách làm hay và hoạt động hiệu quả. Trường Chính trị phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã dưới hình thức mở các lớp bồi dưỡng từ 3 đến 5 ngày. Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KTHTNN.  Sở Công thương Thanh Hóa xây dựng đề án hỗ trợ các HTXNN xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng bá sản phẩm nông sản và chế biến từ nông sản. Sớm thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã” của tỉnh nhằm tạo thêm một kênh vay vốn thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp hiện nay.
- Đối với cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện rà soát và báo cáo UBND huyện số lượng các HTX chưa chuyển đổi hoặc tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 để có phương án hỗ trợ tiếp tục chuyển đổi, tổ chức lại hoặc chấm dứt hoạt động. Đề nghị Sở Nội vụ xem xét bổ sung chức danh cán bộ chuyên trách về kinh tế HTX nông, lâm, ngư nghiệp; kinh tế trang trại và kinh tế hộ ở cấp huyện.
          -  Đối với cấp xã: Cấp ủy, chính quyền phải có kế hoạch quản lý, đôn đốc thường xuyên hoạt động của KTHTNN. UBND xã rà soát và tuyên truyền, vận động cho các tổ viên tham gia các THTNN lập hợp đồng kinh tế và chứng thực tại UBND xã.  Hệ thống chính trị phát huy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các loại hình KTHTNN.
-  Đối với các HTX: Các HTX cần rà soát, đánh giá lại, xác định rõ nguồn gốc tài sản hình thành, giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài, xem xét lại xã viên thực sự có nhu cầu hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, góp vốn vào HTX, giảm bớt số thành viên sản xuất tự cấp, tự túc, nhu cầu hợp tác không cao. Các HTX cần tăng cường công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán, ghi chép chứng từ sổ sách đúng quy định. Xây dựng Điều lệ đúng với Luật hợp tác xã, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, .. Tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ của  đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các HTX nông nghiệp
          KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu đề tài tiếp tục khẳng định vai trò của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và việc phát triển các loại hình kinh tế trong nông nghiệp ở Thanh Hóa hiện nay là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.  Kết quả đó không những có khả năng ứng dụng trong công tác đào tạo cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh; mà còn là cơ sở tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII.
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
281
Hôm qua:
1836
Tuần này:
8611
Tháng này:
40257
Tất cả:
4.405.137