THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Hội nhập kinh tế quốc tế ở Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 14:38:10 29/12/2017 (GMT+7)4234 lượt xem

ThS. Dương Thị Bảo Anh
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng 

                      
Thanh Hoá là tỉnh nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km. Vị trí địa kinh tế của Thanh Hoá hết sức thuận lợi, nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ. Tổng diện tích tự nhiên của Thanh Hóa là 11.168 km2, đứng thứ 5 cả nước. Dân số tính đến năm 2015 là 3.512,1 nghìn người, đứng thứ ba cả nước, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 2.238,3 nghìn người, chiếm 63,7%. Những yếu tố này đã tạo nên tiềm năng, lợi thế trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước, Thanh Hóa đã từng bước chủ động, tích cực hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, kết quả đạt được cụ thể như sau:
Thứ nhất, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung tổ chức tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế; tuyên truyền tác động thực thi cam kết gia nhập WTO, cam kết thực hiện FTAs, các  quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, rào cản thương mại của các nước trong tổ chức WTO, các công ước quốc tế Việt Nam tham gia và các văn bản pháp luật đã ban hành như: Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại.... đến đông đảo các doanh nghiệp và cán bộ quản lý trên địa bàn; thực hiện quảng bá hình ảnh của Thanh Hóa ra bên ngoài, đặc biệt, năm 2016, đã gửi ấn phẩm tài liệu tham gia trưng bày triển lãm về công nghệ thông tin và truyền thông Communic Asia 2016 tại Singapore để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các khu công nghệ cao, khu công nghệ tập trung tập trung của tỉnh.
Thứ hai, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần tăng cường thu hút đầu tư; đồng thời xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển công thương, quy hoạch phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tạo đà cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh phát triển; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng đối ngoại, học tập kinh nghiệm nước ngoài và các địa phương khác trong cả nước…
Thứ ba, hoạt động xuất nhập khẩu được coi trọng, tính đến năm 2016, toàn tỉnh có 115 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu đến 43 thị trường, tăng 1 thị trường. Tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu ước đạt 1.737 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chủ yếu xuất sang một số thị trường lớn như: Mỹ chiếm 20,8% giá trị hàng hóa xuất khẩu, thị trường Nhật Bản chiếm 17,6%, thị trường Trung Quốc chiếm 14,0%, thị trường Hàn Quốc chiếm 8,2%. Tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu năm 2016 ước đạt 1.054,4 triệu USD, bằng 40,8% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược; vải may mặc; phụ liệu hàng may mặc; phụ liệu giầy dép; ô tô các loạ; máy móc thiết bị và phương tiện khác....
Riêng đối với tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào), trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa hai tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả. Hai bên đã triển khai thực hiện các văn bản được hai nhà nước ký kết, như: Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào (tháng 3/2015), Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào (tháng 6/2015)… Các cơ chế ưu đãi về thuế suất, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được áp dụng. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 13 doanh nghiệp đang hoạt động xuất – nhập khẩu sang tỉnh Hủa Phăn; các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Thanh Hóa tại tỉnh Hủa Phăn được triển khai thuận lợi, đóng góp cho ngân sách và góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hủa Phăn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương.
Thứ tư, công tác vận động, xúc tiến đầu tư và các hoạt động kinh tế đối ngoại được quan tâm đẩy mạnh. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của các nước, các cơ quan, các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đoàn công tác của Hoàng tử Vương quốc Brunei, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); tỉnh Gunna (Nhật Bản)…; tổ chức nhiều đoàn công tác tại Nhật Bản, Úc, Singapore để xúc tiến đầu tư dự án. Mở rộng quan hệ và ký kết thỏa thuận hợp tác với thành phố Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachen (CHLB Đức); tổ chức buổi làm việc với đại diện Văn phòng hợp tác GIZEF để trao đổi, thảo luận về các nội dung hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Mittelsachsen, trong đó tập trung vào các dự án hợp tác kinh tế, giáo dục, xây dựng trung tâm đào tạo tại tỉnh Thanh Hóa, xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, sản xuất vật liệu sinh khối... Giai đoạn 2011- 2015, đã thu hút 560 dự án đầu tư (có 25 dự án FDI), nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 59 dự án với tổng vốn đăng ký 12,8 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. Riêng dự án Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng đầu tư  9,3 tỷ USD, lớn nhất cả nước.
Thứ năm, hoạt động du lịch diễn ra sôi động, hạ tầng các khu, điểm du lịch, đặc biệt là khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến được quan tâm đầu tư, giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao. Thị trường khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ các nước Châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Ấn Độ; các nước Châu Âu như: Nga, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức; các nước thuộc khu vực khác như: Mỹ, Úc, Newzeland. Trong đó, thị trường khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ trên 34,7%, tiếp đến là Nhật Bản 32,8%. Năm 2016, ngành du lịch ước đón 6,3 triệu lượt khách, trong đó có 150 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 6.280 tỷ đồng.
Với những kết quả nêu trên, năm 2013, chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) của Thanh Hóa đứng thứ 6 cả nước. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng, phát triển. Giai đoạn 2010 -2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,4%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Năm 2015, GDP (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 34.891 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, xếp thứ 8 cả nước. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng gắn với khai thác có hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như:
- Công tác tuyên truyền về hệ thống văn bản liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế chưa được thường xuyên. Nhận thức về vị trí, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế ở một số ngành, địa phương chưa sâu. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, chưa nắm bắt được số lượng chính xác Việt kiều Thanh Hóa và người lao động Thanh Hóa tại nước ngoài để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Hiệu quả triển khai một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế đã ký kết chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế và mong muốn của các bên.
- Kinh phí cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng và các hoạt động về hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Môi trường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, miền núi và các lĩnh vực văn hoá - xã hội chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
 - Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững; chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; các loại hình dịch vụ cao cấp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có sức hấp dẫn du khách, nhiều dự án về du lịch triển khai chậm, kéo dài; xuất khẩu sản phẩm thô, hàng gia công chiếm tỷ trọng lớn.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh (có trình độ sơ cấp trở lên) chỉ chiếm 20,2%.Năng suất lao động thấp, chỉ bằng 60% so với bình quân chung của cả nước. Trong khí đó, nguồn nhân lực giá rẻ không còn được xem là lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Trong thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, nước ta tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đòi hỏi Thanh Hóa phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, vượt qua khó khăn thách thức, trong đó tập trung làm tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các nội dung và chính sách hội nhập của Chính phủ và của tỉnh về hội nhập kinh tế trên địa bàn tỉnh đến các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, truyền thống, lịch sử, văn hóa và con người xứ Thanh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hai là, tăng cường mối quan hệ hợp tác lâu dài, cùng có lợi giữa tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm phát huy vai trò hội nhập kinh tế thông qua các hoạt động đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ những quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo thích ứng với những thay đổi trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập.
Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, xây dựng và phát triển các tổ chức, cơ sở kinh doanh có khả năng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Có chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành kinh tế của tỉnh thông qua nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ hiện đại. đổi mới sản phẩm.
Năm là, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh cũng như việc nắm bắt các cơ hội mà hội nhập quốc tế có thể đem lại.
Sáu là, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt coi trọng năng lực của đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nxb Thanh Hóa.
        2. Tỉnh ủy Thanh Hóa: Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020”.
        3. Tỉnh ủy Thanh Hóa: Chương trình phát triên khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020.
        4. Tỉnh ủy Thanh Hóa: Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2020.
          5. UBND tỉnh Thanh Hóa: Kế hoạch hành động: “Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ thời cơ, vận hội mới để tái cơ cấu và phát triển bền vững”.
6. Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa: Báo cáo kết quả hội nhập của tỉnh Thanh Hóa năm 2016.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2084
Hôm qua:
1283
Tuần này:
15443
Tháng này:
66264
Tất cả:
4.999.865