NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Cảm nhận sau khóa tập huấn tại Nhật Bản về phương pháp quản lý đào tạo

Đăng lúc: 16:14:32 23/05/2017 (GMT+7)1989 lượt xem

 ThS. Thịnh Văn Khoa
 Phó Hiệu trưởng
 
Chúng tôi đến với xứ sở hoa Anh đào vào một ngày đẹp trời tiết xuân ấm áp. Bàn chân của tôi đã được chạm đến miền đất của hiện đại và văn minh. Nơi đây, tôi đã từng mơ ước được đến để học hỏi và thỏa mãn những khát khao.
Đoàn chúng tôi gồm 16 cán bộ thuộc hệ thống Học viện đến Nhật Bản trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - The Japan International Cooperation Agency). Mười ngày học tập và trải nghiệm tại đất nước có nền công nghiệp đỉnh cao của thế giới là quãng thời gian vô cùng đáng giá với cá nhân tôi và đoàn công tác.
Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay, chúng tôi đã được đón nhận sự ấm nồng tình hữu nghị qua cách thức đón đoàn của Ban tổ chức khóa học. Ngày đầu tiên của khóa học, các cán bộ trong bộ phận tiếp sinh đã khiến chúng tôi thán phục về phương pháp hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng để học viên nhập học, phổ biến chương trình và nội quy học tập, làm thủ tục nhận hưởng các chế độ sinh hoạt trong thời gian học tập như làm thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế. Khi bước chân vào lớp học, tôi “giật mình” nhìn thấy tên mình được đặt ngay ngắn trên bàn cùng với tập tài liệu cũng được đặt rất gọn gàng. Ở vị trí bục giảng, giảng viên và trợ giảng đã có mặt trước khi chúng tôi đến để chuẩn bị chu đáo các phương tiện và công cụ giảng dạy. Ai trong chúng tôi cũng đều có chung một ấn tượng ban đầu, đó là, mình là những học viên được tôn trọng. Do vậy, tất cả các học viên trong đoàn Việt Nam đều quyết tâm cố gắng học tập để đáp lại sự trọng thị của Ban tổ chức lớp học cũng như của các giảng viên. Qua những giờ học trên lớp ở những địa điểm được di chuyển thường xuyên, tôi đã được các giảng viên truyền cảm hứng học tập bằng phương pháp trình bày rất rõ ràng, súc tích, rất ngắn gọn, rất dễ hiểu và cũng rất chi tiết.
Chúng tôi đã được cung cấp nội dung học tập rất thiết thực và có tính cập nhật cao về đào tạo công chức Trung ương và địa phương có so sánh với khu vực tư nhân ở Nhật Bản. Chúng tôi được yêu cầu suy nghĩ và thảo luận về các chính sách đã được thực hiện trong quá khứ, rút ra các bài học lịch sử để từ đó trao đổi về các vấn đề hiện tại của chính sách và đưa ra kế hoạch cho các chính sách mới.
Về cơ bản, hoạt động đào tạo công chức Trung ương được thực hiện tại Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản (do Viện Đào tạo công chức trực tiếp thực hiện), đây là đào tạo cho đối tượng cán bộ chuẩn bị được thăng chức vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Trong 2 loại đào tạo (gồm đào tạo trong công việc - OJT và đào tạo ngoài công việc - Off-JT), Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản chủ yếu thực hiện loại đào tạo ngoài công việc, tức là tập trung vào các nội dung như đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, xây dựng chính sách các kỹ năng lãnh đạo, quản lý nói chung…. Các nội dung chuyên môn sâu của từng lĩnh vực thường do đơn vị đào tạo của các bộ, ngành đảm nhiệm. Gần đây, Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản tổ chức một số khoá đào tạo dành riêng cho cán bộ nữ, trong đó nhấn mạnh trang bị cho học viên tri thức về những vấn đề đặc thù mà cán bộ nữ thường gặp phải cũng như gợi ý một số chiến lược xử lý vấn đề mà cán bộ nữ có thể gặp phải trong quá trình thực thi công vụ. Việc yêu cầu toàn bộ học viên ở nội trú trong thời gian học tập có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau giữa các học viên đến từ nhiều địa phương và lĩnh vực công việc khác nhau, giảm thiểu tính địa phương, cục bộ trong xử lý công việc. Việc gắn kết các hoạt động thực tế rất được coi trọng trong hoạt động đào tạo. Ví dụ, đối với khoá tập huấn dành cho đối tượng mới tham gia các vị trí lãnh đạo kéo dài 5 tuần, học viên thường có 3 tuần học tập tại cơ sở đào tạo và 2 tuần đi thực tế, trong đó 1 tuần đi thực tế tại chính quyền địa phương để trải nghiệm các hoạt động hành chính như thu thuế, thu gom rác, làm việc tại các trang trại…, và 1 tuần đi thực tế tại các trung tâm chăm sóc, bảo trợ xã hội để có trải nghiệm về các hoạt động chăm sóc người già, trẻ em khuyết tật…
Hoạt động đào tạo công chức địa phương do Trường Đại học tự trị thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện. Tuy nhiên, việc đào tạo này cũng được chia sẻ với khu vực tư nhân. Về nội dung học tập, các học viên chủ yếu học về luật và kinh tế, nhưng có thể phân chia ra thành nhiều khoá đào tạo chuyên sâu thuộc các lĩnh vực khác nhau như: nâng cao năng lực pháp vụ, nâng cao năng lực chính sách, nhân sự - lao động, quản lý khủng hoảng, cung cấp và quản lý tài chính - tài sản, quản lý chính quyền địa phương, giáo dục - nhân quyền - ngoại giao, tài chính - thuế vụ, v.v... Thông thường, thời gian đào tạo được phân bổ theo công thức 2/3 học tại giảng đường, 1/3 đi thực tế.
Đào tạo khu vực tư nhân do Hiệp hội năng suất Nhật Bản (Japan Management Association) thực hiện trên cơ sở nghiên cứu khảo sát nhu cầu đào tạo nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội còn thực hiện các hoạt động tìm hiểu về những khó khăn mà các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải để tư vấn về các hoạt động đào tạo nhằm tháo gỡ những khó khăn đó. Nội dung các khoá đào tạo bao gồm cả những vấn đề chuyên sâu của từng lĩnh vực ngành nghề và những vấn đề chung, phức hợp. Thời gian của các khoá đào tạo, bồi dưỡng khá đa dạng, có thể từ vài ngày đến nửa năm. Chi phí đào tạo do các tổ chức, doanh nghiệp tự chi trả (kinh phí cho các khoá bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 500 USD/ngày/học viên). Hiệp hội cũng thiết kế các khoá đào tạo dành riêng cho cán bộ nữ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc phân tích và xử lý các vấn đề nảy sinh đối với cán bộ nữ, nhất là các vấn đề liên quan đến hai sự kiện quan trọng của phụ nữ là kết hôn và sinh con, nhằm giúp cán bộ nữ phát triển năng lực cá nhân trong sự nghiệp.
Về phương pháp giảng dạy, các giảng viên thường xuyên dùng phương pháp phát vấn và làm việc theo nhóm. Chúng tôi được trải qua những giờ học tập thật nhẹ nhàng và sảng khoái bởi các giảng viên có một phông kiến thức rất sâu rộng và kiến thức thực tế là trí tuệ của những chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản.
Giá trị to lớn của khóa học mà chúng tôi thu được là lĩnh hội thêm kinh nghiệm về việc thiết kế và tổ chức triển khai thực hiện các khoá đào tạo dành cho cán bộ quản lý. Chúng tôi không những được nghe những vấn đề về lý thuyết mà còn có cơ hội trải nghiệm với các ví dụ cụ thể về thiết kế chương trình đào tạo, đóng vai thực hành các công đoạn trong khoá đào tạo, rút kinh nghiệm về những vấn đề quan trọng cần chú ý trong tổ chức triển khai các khoá tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý đào tạo. Trong nội dung đào tạo cần chú ý vấn đề đạo đức công vụ, tính cập nhật của tri thức và tầm nhìn bao quát nhằm nâng cao khả năng của người cán bộ trong thích nghi, đáp ứng với sự thay đổi và yêu cầu của người dân. Để công tác đào tạo cán bộ có hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ; nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc cho cán bộ; tăng cường hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau giữa người học là cán bộ lãnh đạo của các địa phương.
Một trong những nội dung mà tôi tâm huyết nhất khi được các giáo sư truyền thụ tại Nhật Bản, đó là lý thuyết Đường truyền Lãnh đạo (Leadeship Pipeline). Theo lý thuyết này, vấn đề quan trọng là phải tạo ra một đường truyền vận hành thông suốt trong hệ thống lãnh đạo mà các mắt khâu quan trọng chính là các vị trí lãnh đạo chủ chốt, sắp xếp theo thứ bậc. Để công tác lãnh đạo chuyển động tốt trong tổ chức, mỗi cá nhân nhà lãnh đạo đều phải thấu hiểu vai trò của họ tại vị trí lãnh đạo đó, họ cần làm gì (có sứ mệnh gì) và làm thế nào (cần những kỹ năng gì) để thực hiện tốt vai trò của mình. Bên cạnh việc tự ý thức và trau dồi kỹ năng lãnh đạo của bản thân, mỗi người lãnh đạo cũng cần thực hiện vai trò bồi dưỡng, rèn luyện cho cán bộ cấp dưới của mình, nhất là những cán bộ cấp dưới cũng giữ vai trò lãnh đạo, quản lý.
Vừa học tập, vừa trải nghiệm, tôi luôn liên tưởng đến công tác đào tạo tại ngôi trường chính trị tỉnh thân yêu của mình, lòng quyết tâm khi về sẽ phổ biến những kinh nghiệm quý giá của nước bạn cho nhà trường để chất lượng công việc được tốt hơn.
Say sưa với học tập trong và ngoài lớp học bao nhiêu, chúng tôi cũng háo hức như những cô cậu sinh viên khi tan học được sổ lồng tung cánh trải nghiệm cuộc sống tại đất nước của những chú Rô bốt bấy nhiêu. Câu chuyện về văn hóa Xếp hàng ở Nhật bản là những kỷ niệm không bao giờ quên trong tôi với những trải nghiệm thực tế rất ngây ngô của nhóm học viên người Việt có ý thức cao về văn hóa Xếp hàng như chúng tôi tại những nơi công cộng của Nhật Bản. Những trải nghiệm này chỉ thực sự thú vị khi chính mình được đặt chân vào những siêu thị, cửa hàng hay những nơi công cộng của Nhật Bản, những nơi được quản lý bằng sự tối tân của công nghệ tự động.
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chúng tôi tạm biệt khóa học với sự xúc động chân thành từ chính trái tim của người học. Bài phát biểu trang nghiêm mà thấm tình hữu nghị, giản dị tình “thầy trò”, không cần giấy bút của đại diện JICA trong Lễ bế giảng càng làm chúng tôi thêm cảm phục trình độ đào tạo và thái độ phục vụ của nước bạn. Sự đón tiếp trọng thị, thân tình và cởi mở mà các tổ chức, cá nhân phía Nhật Bản đã dành cho chúng tôi là những gì minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai đất nước đang ngày càng nở hoa.
Tạm biệt xứ sở hoa Anh đào, chúng tôi mong sẽ có thêm cơ hội được tiếp tục tham gia những khóa học bổ ích như vậy. Tạm biệt những cây Anh đào đang sắp sửa rộ hoa, chúng tôi sẽ rất nhớ và sẽ quyết tâm trở lại!
Số lượt truy cập
Hôm nay:
4124
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12942
Tháng này:
63099
Tất cả:
4.361.636