NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Góp ý Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII

Đăng lúc: 06:48:58 16/03/2023 (GMT+7)1927 lượt xem

 Sau khi nghiên cứu Dự thảo, Công đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá cơ bản đồng tình với các nội dung trong Dự thảo. Trên cơ sở gợi ý nội dung góp ý của Tổng Liên đoàn lao động Việt nam vào Dự thảo, chúng tôi tham gia đóng góp một số ý kiến về: tiêu đề; đánh giá kết quả đạt được và những kiến nghị; thực tiễn từ hoạt động của công đoàn cơ sở
cd.jpg
Thí sinh Lê Thị Nga (áo dài đỏ bên trái), đoàn viên công đoàn Trường Chính trị tỉnh nhận giải thưởng tại Hội thi cán bộ công đoàn cơ sở giỏi năm 2019
 
Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam được chuẩn bị công phu, có bố cục hợp lý, trình bày khoa học, đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống từ đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm đến việc xác định mục tiêu, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, đánh giá được toàn diện công tác và những đổi mới của Công đoàn. Những kết quả nổi bật trên đã khẳng định: Công đoàn là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước.        
Sau khi nghiên cứu Dự thảo, Công đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá cơ bản đồng tình với các nội dung trong Dự thảo. Trên cơ sở gợi ý nội dung góp ý của Tổng Liên đoàn lao động Việt nam vào Dự thảo, chúng tôi tham gia đóng góp một số ý kiến sau:
1. Về tiêu đề báo cáo
Chúng tôi lựa chọn Phương án 1 :“Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh; tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tiên phong trong phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Bởi: Tiêu đề phương án 1 gồm 3 thành tố khái quát được đầy đủ, toàn diện những định hướng, phương châm quan trọng xuyên suốt cho tổ chức và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ mới phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bối cảnh hiện nay. 3 thành tố này có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau, tác động, bổ sung nhau để tạo thành tư duy chiến lược trong xây dựng, phát triển và khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Vì vậy, chúng tôi thống nhất cao với phương án 1 và có một số góp ý cụ thể như sau:                        
- Thành tố 1: “Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh”. Thành tố này đã bám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02- NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Hơn nữa thành tố này thể hiện sự quyết tâm chính trị của Công đoàn Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam mà Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị đã xác định. Nếu để phương án 1 thì chưa thể hiện rõ sự quyết tâm cao của các tổ chức công đoàn.
- Thành tố 2: “Tập trung thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”. Thành tố này tiếp cận trên nền tảng chức năng hoạt động của công đoàn. Theo chúng tôi cách tiếp cận này là rất phù hợp. Nếu để như phương án 2 thì chỉ là tham gia, dẫn đến, việc tham gia này chưa giải quyết được triệt để trong thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công đoàn đối với người lao động. Mà phải là chức năng thì phải làm triệt để, thấu đáo, trong trường hợp không giải quyết được các công việc theo chức năng, nhiệm vụ thì kiến nghị với Đảng, Nhà nước đề kịp thời có sự lãnh đạo và có sự phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động- một lực lượng quan trọng có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
- Thành tố 3: “góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tiên phong trong phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đối với thành tố này, chúng tôi đề nghị thay từ “góp phần” bằng từ “tham gia” và bổ sung từ “góp phần” vào cụm từ sau. Theo đó, diễn đạt lại là “tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tiên phong góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Lý do: dùng thuật ngữ tham gia thay cho thuật ngữ góp phần là hợp lý hơn, vì cần phải xác định rõ trách nhiệm của hệ thống tổ chức công đoàn trong vấn đề này. Bên cạnh đó, Công đoàn là tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động. Tuy nhiên, hiện nay tổng số lao động làm công hưởng lương là 26,23 triệu lao động, trong đó số lượng đoàn viên công đoàn là 11 triệu (chiếm tỷ lệ trên 42%). Thực tế này cần phải được làm rõ nguyên nhân và giải pháp để tiếp tục thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên công đoàn cùng tham gia xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Hơn nữa trong thành tố này có thêm cụm từ “tiên phong” (phương án 2 không có). Theo đó, việc tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tiên phong là rất xác đáng. Bởi lẽ, giai cấp công nhân thời kỳ nào cũng là giai cấp tiên phong trong ứng dụng khoa học- kỹ thuật hiện đại; tiên phong về kỷ luật lao động, có tác phong công nghiệp; tiên phong về giác ngộ chính trị và đấu tranh triệt để cho sự tiến bộ của xã hội. Theo đó, với sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, với tính hiện đại và là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo thì tất yếu thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, công đoàn tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tiên phong góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra cần phải giải quyết.
Như vậy, phương án 2 chưa thực sự đầy đủ và chưa hoàn toàn thể hiện được rõ tính chất, chức năng hoạt động của công đoàn. Từ sự phân tích trên, chúng tôi đề nghị tiêu đề báo cáo là: :“Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh; tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tiên phong góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
2. Về đánh giá kết quả đạt được và những kiến nghị
Chúng tôi tập trung vào Nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được quan tâm.
Công đoàn đại diện cho người lao động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là chức năng đầu tiên, đặc trưng và cốt lõi của tổ chức công đoàn. Dự thảo báo cáo đã đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và có nhiều số liệu minh họa cho kết quả đạt được của công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đặc biệt là tổ chức công đoàn đã có nhiều kiến nghị đề xuất để thực hiện tốt chức năng này. Song vấn đề này chúng tôi nhận thức cần phải phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong giải quyết một số vấn đề đặt ra.
Chẳng hạn: tình trạng nợ, chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động trong doanh nghiệp hiện nay trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động (ví dụ ở Thanh Hóa, tính đến hết ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh có 3.383mã đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền nợ là 466.621.140.705đồng). Khi nợ tiền bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên thì thẻ bảo hiểm y tế của người lao động bị khóa lại; nợ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng đến chế độ của người lao động như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Nhất là trong những trường hợp một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo Luật định (chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội), ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Từ thực tiễn trên, xét từ giác độ công đoàn, việc phát huy vai trò của công Công đoàn cơ sở chưa thực sự phát huy trên 3 phương diện: (1) trong việc tuyên truyền, phản biện, yêu cầu người sử dụng lao động phải nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trong doanh nghiệp; (2) tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng cam kết trong HĐLĐ đã được ký kết; (3) việc thu BHXH là trách nhiệm của cơ quan BHXH. Do đó, việc cơ quan BHXH không tổ chức thu BHXH, không xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng lao động không đóng, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH là vi phạm Luật BHXH năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Công đoàn, nên tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại tòa khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Nhưng trên thực tế việc này rất ít được thực hiện. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị:
- Tổ chức công đoàn cơ sở phải kịp thời nghiên cứu, tập hợp ý kiến của các cán bộ công đoàn và người lao động, phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHTN đến công đoàn cấp trên, đến các cơ quan quản lý nhà nước để cùng phối hợp giải đáp, tháo gỡ và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn;
- Công đoàn cấp trên cơ sở cần quan tâm, tăng cường hơn nữa hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, góp ý, phản biện, bổ sung hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
3. Thực tiễn từ hoạt động của công đoàn cơ sở
Đối với nhóm công đoàn khối hành chính, sự nghiệp thuộc công đoàn Viên chức tỉnh, thời gian qua, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Viên chức, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ quan, đơn vị và sự quan tâm phối hợp của chuyên môn, công đoàn các cơ quan hành chính, sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới, phát huy vai trò thực hiện tốt hoạt động công đoàn. Trong đó:
- Chú trọng thực hiện chức năng bảo vệ, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên công đoàn như: chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; có ý kiến về công tác quy hoạchh, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; tham gia các hội đồng bình xét thi đua, xét nâng lương trước thời hạn, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức…tất cả mọi hoạt động này khi triển khai thực hiện ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp đều thực hiện tốt, không có đơn thư, kiến nghị, khiếu nại.
- Quan tâm chăm lo tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên có môi trường làm việc tốt bằng việc tổ chức nhiều các hoạt động, nhiều mô hình như: tổ chức các hội thi: cắm học, thi nấu ăn, thi gói bánh trưng xanh; tổ chức giao lưu văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao, các diễn đàn gặp mặt các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động…kịp thời tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, đoàn viên và gia đình có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn…
- Phối hợp với chuyên môn rà soát và thực hiện tốt quy chế dân chủ theo Nghị định 04 của Chính phủ; tham gia thảo luận các chủ trương lãnh đạo của cấp ủy, các quy chế, quy định chuyên môn; tổ chức các mô hình, các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ và cung cấp dịch vụ công.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, chúng tôi nhận thấy còn có những vấn đề đặt ra: (1) chưa có nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức và chưa có cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo; (2) việc học tập, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp công tác trong đội ngũ công chức, viên chức còn bất cập về ý thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm; (3) cán bộ công đoàn trong khối hành chính, sự nghiệp còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm hoạt động công đoàn. Từ đó, chúng tôi đề xuất bổ sung vào Dự thảo báo cáo (ở trang 28) một số ý sau: ở khổ thứ hai từ trên xuống trang 28, ngoài những nhiệm vụ đã xác định trong Dự thảo báo cáo đối với nhóm công đoàn trong cơ quan hành chính, sự nghiệp thì cần bổ sung ý: xây dựng môi trường tạo động lực để đoàn viên công đoàn học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức hoạt động công đoàn và khuyến khích đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức.  
Tóm lại, để tập hợp. thu hút đoàn viên công đoàn và phát triển tổ chức công đoàn thì một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp, chính đáng của người lao động. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là quá trình tham gia và thực thi cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới áp dụng tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong khi đó, tại Điều 170 Bộ luật Lao động (2019) quy định nội dung về “Tổ chức đại diện người lao động”. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện NLĐ bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động. Việc cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp độc lập với hệ thống Công đoàn Việt Nam là vấn đề mới, chưa có tiền lệ là một thách thức rất lớn đối với Công đoàn Việt Nam và hệ thống chính trị nước ta. Nếu Công đoàn không đổi mới tổ chức và hoạt động, không thực hiện tốt chức năng của mình sẽ là mảnh đất cho tổ chức đại diện của người lao động phát triển.
ThS. Trần Thị Ngọc Diệp
 Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn
 
 
 
 
 
 
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
613
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12795
Tháng này:
59169
Tất cả:
4.424.049