NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của nữ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 14:44:05 18/10/2013 (GMT+7)1314 lượt xem

Nhận thức rõ vai trò của lao động nữ trong thời kỳ đổi mới, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để nữ giảng viên của nhà trường không ngừng phát triển, nâng cao năng lực, vừa “giỏi việc nước” lại “đảm việc nhà”

 Th.S. Nguyễn Thị Duyên

                                       Khoa LL Mác – Lênin,  tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Những ngày của tháng 10, chúng ta lại rạo rực đón mừng một sự kiện đặc biệt: Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20 – 10. Đây là ngày hội của phụ nữ Việt Nam, cũng là ngày hội của toàn xã hội. Bởi, phụ nữ là một nửa của thế giới, đóng góp một phần quan trọng vào sự tồn tại và phát triển của đất nước. Ngày nay chị em phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò của mình cùng với sự phát triển của xã hội, được đề cao, tôn vinh, được Đảng và Nhà nước quan tâm về mọi mặt. Những công lao đóng góp của chị em trên nhiều lĩnh vực khác nhau và ở lĩnh vực nào chị em cũng phát huy được thế mạnh của mình.

Nhận thức rõ vai trò của lao động nữ trong thời kỳ đổi mới, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã luôn quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để nữ giảng viên của nhà trường không ngừng phát triển, nâng cao năng lực, vừa “giỏi việc nước” lại “đảm việc nhà”, được cụ thể hoá bằng giỏi việc trường, giỏi việc lớp, đảm việc nhà, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ chính trị của nhà trường, đồng thời phù hợp với 4 phẩm chất về người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước mà Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đề ra: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” hàng năm luôn được phát động với tiêu chí cơ bản, như: Phải luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của cơ quan; thi đua lao động, công tác giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực học tập nâng cao trình độ, rèn luyện sức khỏe. Đồng thờichăm lo, bảo vệ và giữ gìn gia đình hoà thuận, hạnh phúc, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, học giỏi; thực hiện tốt chính sách dân số -  kế hoạch hóa gia đình… Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã trở thành mục tiêu thi đua, động cơ phấn đấu của từng nữ giảng viên, góp phần quan trọng vào sự phát triển đi lên của nhà trường.

Chính từ phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đến nay, trong tổng số 30 nữ giảng viên, có 16 nữ giảng viên có trình độ thạc sỹ và 8 nữ giảng viên đang theo chương trình cao học. Đây là điều kiện thuận lợi của tập thể nữ giảng viên nhà trường trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Tất cả nữ giảng viên đều xác định nhiệm vụ chính là đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giảng dạy; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy một cách có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng học viên.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động giảng dạy, các nữ giảng viên đã áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, chú ý phát huy khả năng sáng tạo của học viên, nhất là việc vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn ở địa phương, ngành, lĩnh vực công tác. Đồng thời nữ giảng viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin...nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy; luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, xây dựng công sở, cơ quan văn hóa.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, 100% nữ giảng viên đã tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, viết bài đăng website, bài nội san với tinh thần trách nhiệm cao. Các đề tài nghiên cứu đã đi sâu vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống xã hội ở địa phương, đề xuất các giải pháp có tính khả thi. Trong quá trình nghiên cứu khoa học đã giúp cho nữ giảng viên mở rộng kiến thức thực tiễn, có những tư liệu cụ thể minh họa bài giảng sinh động, phong phú.

Nhẹ nhàng, gần gũi là lợi thế của phụ nữ, nhưng cũng có nhiều chị em mạnh mẽ, quyết đoán trong công việc. Dù bận nhiều việc nhưng các nữ giảng viên cũng tranh thủ thời gian tham gia các phong trào thể dục - thể thao, văn nghệ trong những dịp như: Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, hay chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11… Tự tin giúp chị em vượt lên chính mình, giúp công việc được thuận lợi và trôi chảy hơn.

Đối với công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo như: Đóng góp ủng hộ các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, ủng hộ bão lụt....luôn được các nữ giảng viên nhà trường tham gia với số lượng 100%. Bên cạnh đó, các hoạt động như: Công tác hội, thăm hỏi, động viên nhau khi đau ốm, thai sản, việc hiếu, hỷ, ma chay luôn được các nữ giảng viên trong tổ nữ công tham gia nhiệt tình.

Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, nữ giảng viên nhà trường còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các nữ giảng viên đã nhận thức sâu sắc quan điểm: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Do đó, dù bận rộn công việc chuyên môn đến đâu, chị em đều dành thời gian chăm sóc, vun vén cho tổ ấm gia đình.

Phát huy truyền thống tám chữ vàng của phụ nữ Việt Nam, nữ giảng viên nhà trường đã nỗ lực không mệt mỏi để đạt được danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.“Đảm việc nhà” là nuôi dạy con khỏe, chăm ngoan, học giỏi; quán xuyến, lo toan từ hiếu, hỉ, phụng dưỡng cha mẹ... được các chị em thực hiện bằng tình yêu thương, trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong gia đình. Các chị em đã biết tổ chức, sắp xếp để các thành viên cùng tham gia, vừa tạo không khí đầm ấm, đoàn kết, vừa rèn luyện các con kỹ năng sống làm hành trang vào đời. Như vậy, bên cạnh nhiệm vụ đối với xã hội, chị em còn phải làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu trong gia đình. Thông qua các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề...do Công đoàn, Ban Nữ công tổ chức đã giúp chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm và có thể học tập, trao đổi lẫn nhau trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc, nuôi dạy con và chính bản thân mình.

 Có thể nói, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ giảng viên là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới. Ghi nhận những thành tích ấy, năm 2013, trong số 55 nữ cán bộ, giảng viên đạt danh hiệu“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” có 12 chị được Công đoàn trường biểu dương, khen thưởng.

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của nhà trường và thực trạng trong xã hội hiện nay, nữ giảng viên cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi thực hiện những thiên chức của mình trong gia đình. Nhưng, với lòng yêu nghề, với ý thức trách nhiệm của mình, nữ giảng viên trong nhà trường sẽ vượt qua khó khăn của bản thân, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, phấn đấu là những phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Số lượt truy cập
Hôm nay:
3847
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12665
Tháng này:
62822
Tất cả:
4.361.359