HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Vận dụng kiến thức lý luận chính trị vào việc đổi mới tác phong làm việc của bí thư Đoàn cơ sở

Đăng lúc: 16:38:44 26/03/2023 (GMT+7)963 lượt xem

 Qua quá trình học tập và rèn luyện tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, nhờ các kiến thức được thầy cô truyền đạt, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn công tác Đoàn tại đơn vị, tôi thường xuyên liên hệ vào các bài học, bài thi; đồng thời, vận dụng trở lại vào thực tiễn công tác Đoàn của Ngân hàng Hợp tác, Chi nhánh Thanh Hóa.
Picture1 (1).jpg
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022-2027Ngân hàng Hợp tác, Chi nhánh Thanh Hóa
 
Mùa xuân năm 1946,mùa xuân đầu tiên của đất nước dưới chế độ mới, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng nhân dịp Tết Nguyên đán, Bác Hồ đã viết:
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Với trái tim đầy nhiệt huyết, với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi và khát vọng cháy bỏng, thanh niên luôn luôn là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên nước ta từ thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha tiên phong trong mọi lĩnh vực và có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh đuổi thực dân, phong kiến, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng với sự phát triển, trưởng thành của lớp lớp thanh niên, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vinh quang của Đảng và Nhà nước giao phó, thực sự trở thànhđội dự bị tin cậy của Đảng, là lực lượng xung kích của cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: dưới sự dìu dắt của Đảng, thanh niên phải tự thân vận động, phải “biết lo toan, gánh vác, không ỷ lại”; thường xuyên sáng tạo và đổi mới trong suy nghĩ và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh và cống hiến vì mục tiêu chung của đất nước. Muốn vậy, thế hệ trẻ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Thanh niên không chỉ “học văn hóa, chính trị kỹ thuật” mà còn phải học cả “lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”.
Quy định số 57-QĐ/TƯ năm 2022 đã xác định rõ: Học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Học tập lý luận chính trị giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng, đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng, củng cố niềm tin, bản lĩnh chính trị và tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên. Từ đó, thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện, hăng hái hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Mặt khác, việc học tập và nghiên cứu lý luận chính trị nhằm cung cấp cho mỗi cán bộ, đảng viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc, hoàn thiện tác phong làm việc sáng tạo, hiệu quả, sâu sát với Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ.
Là cán bộ Đoàn cơ sở, tôi vinh dự và tự hào được Đảng ủy quy hoạch và cử đi học Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, bởi lẽ, đây là sự ghi nhận của Cấp uỷ Đảng đối với quá trình tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn thể hiện qua kết quả, hiệu quả trong công tác của bản than tôi. Hơn thế nữa, tôi có cơ hội  được học tập và rèn luyện dưới mái trường giàu truyền thống, môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng vớinhiều mô hình đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, tham mưu, quản trị và dạy-học, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Qua quá trình học tập và rèn luyện tại Nhà trường, nhờ các kiến thức được thầy cô truyền đạt, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn tích lũy từ quá trình chỉ đạo công tác Đoàn tại đơn vị, tôi thường xuyên liên hệ vào các bài học, bài thi; đồng thời, vận dụng trở lại vào thực tiễn công tác Đoàn của Ngân hàng Hợp tác, Chi nhánh Thanh Hóa. Đặc biệt, tôi chú ý nghiên cứu về định hướng của Nhà trường là: nâng cao chất lượng là trung tâm; đổi mới quản lý là then chốt; đổi mới phương pháp dạy-học, thi, kiểm tra, đánh giá là đột phá; xây dựng môi trường giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để có thể hiểu hơn về các mục tiêu, phương châm đào tạo cán bộ của Nhà trường. Từ thực tiễn đổi mới sáng tạo, Nhà trường đang chuyển mạnh từ nhận thức giảng viên là trung tâm sang học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực; chuyển mạnh từ dạy-học kiến thức là chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực; chuyển mạnh từ dạy- học thụ động sang chủ động theo phương châm dạy- học hiểu, vận dụng và xử trí với mô hình “3 tăng” (tăng chủ động gắn kết; tăng trao đổi thảo luận; tăng xử lý tình huống và tổng kết); mô hình “3 giảm” (giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết); chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo và phục vụ.
Trong quá trình học tập tại Trường, cùng với nội dung chương trình được cải tiến, cập nhật theo hướng sáng rõ hơn về lý luận, sâu sắc hơn về nội dung và sát hợp hơn với đối tượng và thực tiễn, các mô hình, phương pháp dạy-học có nhiều đổi mới, phát huy vai trò chủ động, tích cực của học viên trong nghiên cứu, thảo luận, chuyển kiến thức từ sách vở của thầy cô thành nhận thức, niềm tin và tư duy, phương pháp luận của chính  mình.
Từ kiến thức các bài học của chương trình đào tạo, từ những nhận thức về định hướng, mục tiêu và phương pháp dạy-học của Nhà trường, có thể khẳng định, Khoá học đã mang lại cho tôi nhiều kết quả, làm hành trang giúp tôi vận dụng, xử trí trong công tác. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, kết quả học tập bước đầu giúp tôi nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của người bí thư Đoàn cơ sở.
Thứ hai, khoá học trang bị cho tôi tư duy khoa học, phát triển tầm nhìn để từ đó lựa chọn mục tiêu, nội dung, cách thức phù hợp để tập hợp, nâng cao chất lượng đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên; đồng hành và phát huy tốt vai trò của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng Đoàn, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị.
Thứ ba, chương trình đào tạo giúp tôi tích cực đổi mới, hoàn thiện hơn về tác phong lãnh đạo, quản lý theo hướng khoa học, dân chủ và nêu gương để luôn bám sát thực tiễn của đơn vị, từ đó chú tọng việc xây dựng kế hoạch, kết nối thực hiện, kịp thời điều chỉnh và thúc đẩy phát triển thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết. Đặc biệt, các kỹ năng trong chương trình giúp tôi luôn biết lắng nghe, tôn trọng và quyết định hoạt động dựa trên nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên; từ đó tập hợp thanh niên, phát huy sức lực, trí tuệ của đoàn viên, thanh niên đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Trong quá trình hoạt động, nhất là trước những việc mới, việc khó, là Bí thư Đoàn cơ sở, tôi luôn nêu gương làm trước, làm tốt để từ đó vừa định hướng, đồng hành, kiên trì thuyết phục, truyền cảm hứng và động lực cho đoàn viên, thanh niên tin tưởng làm theo.
Từ những kết quả thu lượm trong khoá học ở Trường Chính trị tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, bám sát định hướng của Đoàn cấp trên và vận dụng những đổi mới trong tác phong lãnh đạo, quản lý công tác Đoàn tại đơn vị, tổ chức Đoàn thanh niên Ngân hàng Hợp tác, Chi nhánh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Một là, tham mưu cho Đảng ủy về sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên; qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các chương trình an sinh-xã hội, tạo nên hiệu ứng, sức lan toả tốt và nâng cao hình ảnh của đơn vị.
Hai là, Đoàn thanh niên đóng góp với vai trò hạt nhân chính trị quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết thanh niên, cổ vũ thanh niên thi đua học tập, lao động sáng tạo trên nền tảng số.
Ba là, tổ chức Đoàn đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy được thế mạnh của sức trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện ở những việc mới, việc khó, góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kinh doanh tại đơn vị.
v1.jpg
Công đoàn Đoàn Thanh niên Ngân hàng Hợp tác, Chi nhánh Thanh Hóa phối hợp tổ chức hoạt động an sinh, xã hội tại huyện Lang Chánh
 
Từ thực tiễn vận dụng kết quả học tập, rèn luyện vào việc xây dựng tác phong làm việc của người cán bộ Đoàn, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Thực tiễn công tác đã và đang đặt ra cho bản thân nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là việc xử trí hài hòa với mọi việc, với mọi người và với chính bản thân mình. Trong quá trình tham gia học tập, học viên có thể đem những băn khoăn, trăn trở đó để hỏi thầy cô, gắn với từng chuyên đề học tập phù hợp; đặc biệt, học hỏi thêm kinh nghiệm của thầy cô thông qua các buổi seminar, diễn đàn và từ các mô hình đổi mới sáng tạo trong quản trị Nhà trường.
Hai là, “Học Thày không tày học bạn”. Bên cạnh việc học tập từ thầy cô giáo, trong lớp học B34-TCLLCT có nhiều anh, chị là cán bộ giỏi giang, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, lắng nghe những chia sẻ, học hỏi từ các anh, chị học viên trong lớp cũng là một kênh để tôi học tập, tích lũy thêm về kinh nghiệm và trưởng thành hơn.
Ba là,Trong cách học phải lấy tự học làm cốt”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi luôn tự rà soát bản thân xem mình còn yếu, còn thiếu những gì trong tác phong làm việc, từ đó đề ra mục tiêu để nỗ lực rèn luyện và kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện và phát triển năng lực bản thân.
Tác phong làm việc không tự nhiên mà có, đó là quá trình học tập, rèn luyện bền bỉ lâu dài mới thành. Thực tiễn vận dụng kết quả học tập lý luận chính trị vào xây dựng, đổi mới tác phong làm việc của bí thư Đoàn cơ sở giúp cho bản thân tôi trưởng thành hơn, công tác chỉ đạo hoạt động Đoàn đạt kết quả tốt đẹp hơn và kinh nghiệm bước đầu giúp bản thân có thêm động lực, niềm tin để nỗ lực học tập, gắn học với hành, gắn kết việc học lý luận chính trị với rèn luyện cán bộ trong thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định./.
Học viên: Nguyễn Thị Ánh Vân
Lớp phó Lớp TCLLCT- B34
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1157
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11470
Tháng này:
43116
Tất cả:
4.407.996