Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Di chúc Bác Hồ
Đăng lúc: 14:27:24 02/03/2015 (GMT+7)1554 lượt xem
ThS. Lê Hải Yến
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử. Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa, tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người; là những lời căn dặn chứa chan tình cảm của Người cho toàn Đảng, toàn dân và cho muôn đời con cháu. Nhất là những suy nghĩ, trăn trở, tâm huyết của Người về vấn đề xây dựng Đảng, về quyền độc lập và thống nhất của dân tộc ta, về nhân dân lao động, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về đoàn kết quốc tế.
Là một người đã suốt đời vì dân nên Bác chỉ có vài dòng trong Di chúc để nói về việc riêng. Tuy là “Nói về việc riêng” nhưng lại là vì công việc chung của đất nước, vì tình thương yêu vô hạn đối với đồng bào, đồng chí. Đó chính là những lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có điện thì điện táng càng tốt hơn”. Đó là tư tưởng nền tảng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Theo Bác, thực hành cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng đạo đức của người cán bộ cách mạng. Người đã chỉ ra một cách cụ thể tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Và ai cần tiết kiệm? Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Bác dạy: “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to. Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi, nước mắt của dân nghèo mà ra”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”. Người luôn hiểu rằng “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì tiết kiệm nghĩa là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi; phải biết quý từng đồng tiền, hạt gạo của nhân dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì có lợi cho nước cho dân thi dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu. Tiết kiệm không chỉ là cho bản thân mình, mà còn là tiết kiệm cho gia đình, xã hội, Tổ quốc và nhân dân. Không chỉ là tiết kiệm tiền bạc, thời gian, mà còn là tiết kiệm sức lao động, chất xám và làm đúng kế hoạch.
Bác đã từng chỉ rõ: “Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm…mà lợi cho dân rất nhiều”. Như thế tức là từ những việc nhỏ mà góp lại thì sẽ thành được việc lớn.
Sinh thời, trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt; ở mọi lúc mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc … Trang phục hàng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ … Nhà ở của Bác cũng “không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam”.
Bác luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”. Và chính tấm gương sáng về tinh thần tiết kiệm của Bác đã làm nên uy tín, tạo dựng niềm tin và thuyết phục được nhân dân cả nước. Điều này đã lý giải vì sao nhân dân cả nước nô nức hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm. Chỉ tính riêng trong Tuần lễ vàng (17/9/1945 – 24/9/1945), nhân dân cả nước, từ những người lao động nghèo khổ cho đến những nhà tư sản, điền chủ giàu có đều hăng hái tham gia và quyên góp được 370 kg vàng cùng hơn 60 triệu đồng (tiền Đông dương lúc bấy giờ), giúp cho Chính phủ khắc phục được những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí, giữ vững được chính quyền cách mạng non trẻ trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc và tích cực chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ trước âm mưu và hành động xâm lược ngày càng hiện rõ của thực dân Pháp.
Nếu như lời kêu gọi tiết kiệm, ủng hộ tiền, vàng kia không phải từ Người, chắc chắn hiệu quả của Tuần lễ vàng có thể sẽ không đạt được thành công to lớn như thế. Đó cũng là minh chứng cụ thể cho giá trị của vấn đề tiết kiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc tới và luôn gương mẫu thực hiện: Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Từ những việc nhỏ góp lại thì sẽ thành được việc lớn.
Trường Chính trị tỉnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, mà như Bác đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém … Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, và: “Muốn người ta làm, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, cùng với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ thực hành có lý luận thì vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cũng là một nội dung cần được quan tâm và phải được thể hiện trong tất cả cả các bài giảng, các môn học, trong toàn bộ chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bởi lẽ “Người cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng. Sức có mạnh thì mới gánh được nặng và đi được xa. Muốn người ta làm thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” …
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, trong đó có nội dung về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trường chính trị tỉnh đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Thực hiện lời dạy của Bác, tiết kiệm nghĩa là lao động phải có năng suất, hiệu quả cao. Đội ngũ giảng viên luôn suy nghĩ tìm tòi cải tiến phương pháp giảng dạy, giúp cho người học nắm được nội dung bài học một cách nhanh nhất, chính xác nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tính chủ động, tích cực của học viên trong quá trình tự nghiên cứu và tiếp thu bài giảng trên lớp được đề cao. Câu lạc bộ giảng viên trẻ duy trì hoạt động thường xuyên, có sự giúp đỡ, phối hợp của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm đã có tác dụng giúp cho đội ngũ giảng viên trẻ không ngừng nâng cao trình độ, năng lực công tác và vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh có nội dung thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của nhà trường được triển khai thực hiện có chất lượng tốt cũng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Phối hợp với chuyên môn, các phong trào thi đua nâng cao chất lượng công tác trong toàn trường cũng như trong các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên Hội Cựu chiến binh, Hội luật gia thường xuyên được phát động. Đặc biệt là phong trào thi đua thao giảng cấp khoa, cấp trường được thực hiện đều đặn hàng năm đã lựa chọn được nhiều giảng viên có giờ dạy giỏi đi dự hội thi cấp tỉnh, cấp Học viện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn của nhà trường có chất lượng cao, xây dựng nên uy tín và vị thế của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh.
Cùng với bộ phận nội dung, bộ phận hành chính của nhà trường cũng thường xuyên phấn đấu thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ phận quản lý ký túc xá có nhiều sáng kiến trong quản lý học viên nội trú, không để thất thoát, lãng phí điện, nước. Kỷ luật lao động trong nhà trường được thực hiện nghiêm, không đi muộn về sớm, không bỏ giờ bỏ lớp. Các cuộc hội, họp đều có kế hoạch cụ thể, được chuẩn bị trước về nội dung để tránh lãng phí thời gian. Cảnh quan nhà trường được thường xuyên cải tạo theo hướng xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hàng năm nhà trường đã dành một phần kinh phí đáng kể để chống xuống cấp và mua sắm tài liệu nghiên cứu cũng như trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Phòng làm việc của cán bộ, giảng viên cũng như phòng học của học viên được bố trí, sắp xếp ngăn nắp tạo nên môi trường sư pham tốt cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, …
Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Đã 20 năm liền, Đảng bộ nhà trường đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể trong nhà trường cũng liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở vững mạnh. Cùng với nhiều phần thưởng cao quý đã được ghi nhận từ những năm trước, năm 2014 vừa qua, Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng III. Hầu hết học viên của nhà trường qua đào tạo và bồi dưỡng đã phát huy tác dụng tốt trong các phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở, được nhân dân tín nhiệm; có nhiều đồng chi trưởng thành được đề bạt, bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng ngày một trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, đây đó, lúc này lúc khác vẫn còn có những biểu hiện chưa tận dụng hết thời gian cho nghiên cứu và học tập, chưa thật sự thực hành tiết kiệm đúng theo như lời dạy của Bác. Những lời Bác dặn trong Di chúc và tấm gương sống của Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường phải tiếp tục suy nghĩ để phấn đấu xây dựng thành công một nhà trường kiểu mẫu, xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng cao của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ./.
Các tin khác
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay
- Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Tăng cường ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nhìn lại một năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1769
Hôm qua:
1669
Tuần này:
13061
Tháng này:
50251
Tất cả:
4.983.852