NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay

Đăng lúc: 16:41:40 16/05/2022 (GMT+7)1182 lượt xem

 TS. Dương Thị Hằng
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Theo Người, “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” và “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; hay: “Là người cán bộ của Đảngthì phải vừacó đức vừa có tài (vừa hồng vừa chuyên) mới lãnh đạo được nhân dân.
Từ những lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân Thanh Hóa những năm qua đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” trên cơ sở phát triển toàn diện, mọi mặt; trong đó đặc biệt chú trọng “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xem việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng, đảng viên để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, trở thành những “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”(1).
Xác định rõ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũđiều khiển, sắp đặt” xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu”, Trường Chính trị đã không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; đề cao yêu cầu về phẩm chất đạo đức và tác phong sư phạm của tất cả cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường. Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, nhà trường đã nghiên cứu, đề ra “5 tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa” để cán bộ, giảng viên, học viênNhà trường làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện. Những tiêu chuẩn đạo đức này là kết quả việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể, về chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Những nội dung này sát hợp, thiết thực và mang tính thực tiễn cao, là kim chỉ nam cho quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, giảng viên, học viênNhà trường.
Để thực hiện năm chuẩn mực đạo đức này, thời gian qua, tập thể cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường đã và đang cố gắng học tập, công tác và gặt hái được những kết quả nhất định, góp phần làm sáng tỏ nội dung và giá trị của các chuẩn mực này, trên cơ sở đó đẩy mạnh vận dụng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng chuẩn mực đạo đức mới: kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo. Trong đó:
Thứ nhất, về kiên định.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính kiên định thể hiện ở sự kiên quyết lựa chọn và đi theo Chủ nghĩa Mác – Lênin vì “Chủ nghĩa Lênin... là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (2); là sự nghiêm khắc với bản thân, kiên trì rèn luyện, học tập, không ngừng phấn đấu mỗi ngày dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp bất cứ khó khăn nào cũng nêu cao ý chí anh hùng, không bao giờ nản lòng, nhụt chí, theo tinh thần “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” (3); là bản lĩnh chính trị còn được thể hiện trong sự vững vàng, kiên định, không dao động trước mọi tình huống, sự quyết tâm phấn đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì lợi ích của Đảng và của Nhân dân.
Học tập tính kiên định của Người, tất cả cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay: Kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo về nền tảng lý luận của Đảng; Xây dựng niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên trì thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng; Nói, viết, làm theo đúng Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn; Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật nghị quyết mới, thông tin mới; đồng thời coi trọng tổng kết thực tiễn để hoàn thiện, phát triển lý luận; kiên trì nguyên tắc dạy học gắn với dạy hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; kiên quyết, kiên trì khắc phục bệnh ngại nghiên cứu, lười học tập lý luận chính trị; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hiệu quả; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức; toàn tâm, toàn ý, toàn tài, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng; Khơi dậy khát vọng chung xây môi trường đáng sống, sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng cống hiến; lấy hiệu quả phục vụ, thành công, hạnh phúc của học viên, phát triển của nhà trường, của quê hương, đất nước làm mục tiêu phấn đấu, tất cả vì sự nghiệp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhà trường kiên trì các nguyên tắc: tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất, kỷ luật kỷ cương, tự phê bình và phê bình; giữ mối liên hệ máu thịt với nhân dân trong sinh hoạt đảng, trong quản trị nhà trường và trong xử trí các mối quan hệ đối với công việc, với đồng chí, đồng nghiệp, với học viên và với chính mình; kiên trì hiện thực hoá mục tiêu lấy hiệu quả phục vụ, thành công, hạnh phúc của học viên, sự phát triển của nhà trường, phát triển thịnh vượng của quê hương, đất nước là khát vọng của mọi cán bộ, giảng viên và học viênNhà trường
Thứ hai, về kỷ cương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao tính kỷ luật trong Đảng, vì sức mạnh của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên. Theo đó, tất cả mọi đảng viên đều phải chấp hành Điều lệ Đảng, bình đẳng trước mọi Quyết định, Nghị quyết của Đảng. Uy tín chung của Đảng và của mỗi đảng viên trong Nhân dân bắt nguồn từ sự gương mẫu, tự giác tuân thủ kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của các tổ chức, đoàn thể Nhân dân mà đảng viên đó tham gia. Người cho rằng, nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Vì vậy, củng cố và tăng cường kỷ luật Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải là để kỷ luật cho nhiều đảng viên, mà chủ yếu là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị, Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng đòi hỏi các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành luật pháp, phải đi đầu trong cuộc đấu tranh tăng cường pháp chế XHCN. Người còn khẳng định, mọi đảng viên có quyền trình bày ý kiến riêng của mình, đề đạt kiến nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Song khi đã có nghị quyết của tập thể thì phải làm theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, nói và làm theo nghị quyết của Đảng.
Đối với Trường Chính trị tỉnh, việc đề cao tính kỷ cương chính là yêu cầu đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, nghiêm túc chấp hành qui chế, qui định của Đảng, Nhà nước, của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và của Nhà trường. Chấp hành sự chỉ đạo, điều hành phân công nhiệm vụ của tổ chức theo nguyên tắc: cá nhân tôn trọng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số; đồng chí, đồng nghiệp tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển. Thực hiện theo nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ uy tín, danh dự của đồng chí, đồng nghiệp, của cơ quan, đơn vị. Nói gắn liền với làm, thu hẹp khoảng cách giữa chủ trương, kế hoạch với tổ chức thực hiện; nói và làm đúng vị trí, đúng vai, đúng việc. Nghiên cứu thực chất; dạy- học thực chất; đánh giá thực chất; hiệu quả thực chất; cống hiến, phục vụ thực chất.
Thứ ba, về dân chủ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” (4), vì có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Người yêu cầu: “Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể, khi đã quyết định rồi thì phân công công tác rạch ròi, giao cho mấy đồng chí làm đến nơi, đến chốn” (5).  Dân chủ phải theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, vì “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”(6). 
Vận dụng quan điểm của Người, Nhà trường phải xây dựng quy chế dân chủ tạo môi trường làm việc dân chủ, khích lệ tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên. Tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, giảng viên và học viên để quyết định hoạt động quản trị nhà trường. Dựa vào địa phương, cơ sở; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và học viên để xây dựng Đảng bộ và phát triển Nhà trường. Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua của Nhà trường. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần theo phương châm cán bộ, giảng viên, học viên là chủ thể cống hiến, đồng thời là chủ thể thụ hưởng theo nguyên tắc công bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học viên. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với học viên.
Thứ tư, về đoàn kết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần đoàn kết, Người từng khẳng định: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi” (7), “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công” (8), đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Do đó, cần phải đoàn kết toàn dân trên tình thần thương yêu, kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau để mưu hạnh phúc chung của cả dân tộc. Chính Người đã giương cao ngọn cờ đoàn kết trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, kiến thiết nước nhà.
Học tập và tiếp thu quan điểm của Người, tất cả cán bộ, giảng viên Nhà trường xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhà trường, giảng viên và học viên; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài cùng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển Nhà trường; hợp tác thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo nguyên tắc 5 rõ: rõ việc, rõ người (chủ trì, phối hợp), rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ về điều kiện, tiến độ; rõ sản phẩm. Đồng hành, hỗ trợ học viên thực hiện chuyển từ dạy học kiến thức sang phát triển năng lực, thực hiện có hiệu quả 5 chương trình vì học viênNgày thứ 7 kết nối; có tinh thần chia sẻ, phối hợp, giúp đỡ học viên, đồng chí, đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống; bao dung, độ lượng, sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; kiên quyết chống các biểu hiện gây chia rẽ, bè phái, đố kỵ, cục bộ, lợi ích nhóm; thẳng thắn tự phê bình và phê bình trên tinh thần cầu thị, cùng tiến bộ; tôn trọng tập thể, mình vì mọi người.
Thứ năm, về nêu gương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu cán bộ đảng viên phải “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (9). Theo đó, trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên phải là tấm gương để nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu; luôn thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa xỉ. Để rèn luyện tác phong nêu gương, Người yêu cầu cán bộ phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, “mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt tinh thần, vật chất và văn hoá” (10); nêu gương trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người đối với việc, trong đó đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn; đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm,  gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Từ bài học về sự nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh đặt ra yêu cầu phải phát huy tinh thần nêu gương của toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức trong Nhà trường. Đó là, cán bộ, giảng viên, học viên phải nêu gương thực hành các giá trị chuẩn mực về đạo đức: kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương, đổi mới sáng tạo; nêu gương về tinh thần học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nêu gương về chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, tạo ra sự thay đổi tích cực của bản thân, tập thể, nhà trường; dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ giảng viên và học viên Nhà trường; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; có trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất và thực hiện nhiệm vụ; làm việc tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả.
Thứ sáu, về đổi mới, sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn đề cao và thực hành sáng tạo, tư duy độc lập, sáng tạo của Người thể hiện trong lựa chọn con đường cứu nước, trong tiếp thu, vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong vận dụng các phương pháp cách mạng. Người xem đổi mới, sáng tạo “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” (11). Theo Người, để sáng tạo cái mới, không rơi vào máy móc và giáo điều cần phải đổi mới từ tư duy, nhận thức tới tổ chức và hành động. Có như vậy, mới có thể tìm ra phương pháp, biện pháp, bước đi đúng đắn cho cách mạng; giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để phát huy tính sáng tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên phải luôn chủ động đổi mới sáng tạo, cải tiến các khâu quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua 5 tốt; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời kiến tạo ra mô hình, sản phẩm, giá trị mới trong quản trị nhà trường chưa có tiền lệ, nâng cao hình ảnh vị thế Nhà trường; linh hoạt, chủ động thích ứng với công việc mới, việc khó, tạo ra sự nổi trội và khác biệt, xứng đáng là trường trong nhóm dẫn đầu cả nước; toàn tâm, toàn ý, toàn tài cống hiến cho sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng; khơi dậy khát vọng chung xây môi trường đáng sống, sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng cống hiến; lấy hiệu quả phục vụ, thành công, hạnh phúc của học viên, phát triển của Nhà trường, của quê hương, đất nước làm mục tiêu phấn đấu, tất cả vì sự nghiệp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có thể thấy, những lời dạy về kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới, sáng tạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trở thành những bài học quý giá cho toàn Đảng, toàn dân Thanh Hóa học tập và vận dụng nhằm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Là nơiđào tạo, bồi dưỡng đội ngũđiều khiển, sắp đặt” xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu”, Trường Chính trị tỉnh trước hếtphải là nơi học tập và quán triệt sâu sắc nhất tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng một cách sáng tạo vào trong lãnh đạo, quản lý cũng như giảng dạy cho đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao phẩm chất đạo đức và tác phong sư phạm của tất cả cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường./.
-----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.128
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50
(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 254, tr. 438.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 620,
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.177
(8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.186, tr.157
(10) Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ủy ban khoa học xã hội, 1990, tr 97.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.617
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2540
Hôm qua:
2605
Tuần này:
11358
Tháng này:
61515
Tất cả:
4.360.052