THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 10:16:10 20/05/2022 (GMT+7)2029 lượt xem

Th.s Lê Ái Bình
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết, từ đoàn kết trong Đảng, đến đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Trong đó, đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc – đại đoàn kết toàn dân luôn được Người khẳng định đây chính là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng, là sức mạnh quyết định sự thành công của cách mạng. Bởi như Người từng đúc kết:“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[1]. Chính vì vậy, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh thì riêng về vấn đề đoàn kết toàn dân tộc – đại đoàn kết toàn dân được Người đề cập khá nhiều. Đặc biệt, trong những lần về thăm Thanh Hóa, Người đã nhiều lần dặn dò Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải quan tâm xây dựng khối đoàn kết thống nhất và trong yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu thì về chính trị, Người cũng đặt ra yêu cầu trước hết là phải đoàn kết.
Trongtư tưởng Hồ Chí Minh, khi đề cập đến đại đoàn kết toàn dân tộc– đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn cụ thể về lực lượng đoàn kết, về nguyên tắc và phương pháp thực hiện đại đoàn kết. Trong đó, về lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng phải đoàn kết tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân như Người đã từng căn dặn:“Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”[2].
Về nguyên tắc thực hiện đại đoàn kết, Người nhấn mạnh trước hếtphải biết “cầu đồng, tồn dị”, lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết. Hai là, phải tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Ba là, đoàn kết rộng rãi, lâu dài, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức và lãnh đạo. Bốn là, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình.
Về phương pháp thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân, trong đó nội dung tuyên truyền phải đáp ứng đúng nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn cách mạng; cách thức tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Phải xử lý và giải quyết các mối quan hệ để mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến thù địch. Phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để tổ chức và phát huy sức mạnh đại đoàn kết.
Những quan điểm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc – đại đoàn kết toàn dân chính là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam để Đảng thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng và vẫn còn nguyên giá trị đến hiện nay.
Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, thực tiễn quá trình hơn 70 năm xây dựng và phát triển cho thấy, đoàn kết thống nhất chính là một trong những truyền thống tốt đẹp và là một trong những giá trị nổi bật ở nhà trường trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và sự đoàn kết thống nhất trong nhà trường những năm gần đây và ngay cả hiện nay được thể hiện rất rõ đó là: Sự đồng lòng, quyết tâm từ tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các khoa, phòng và toàn thể giảng viên, viên chức, học viên của trường trong thực hiện đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để không ngừng nâng cao vị thế của nhà trường. Sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của tập thể các khoa, phòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả trong công việc, trong cuộc sống của cá nhân các cán bộ, giảng viên, viên chức, học viên trong trường. Sự đồng hành, hỗ trợ của giảng viên đối với học viên trong quá trình học tập, rèn luyện và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của học viên đối với sự nghiệp đổi mới của nhà trường. Chính những thành công này đã góp phần quan trọng để tạo nên sức mạnh, thành công và những giá trị nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với nhà trường ngày càng nặng nề và cũng có nhiều khó khăn mới đang đặt ra, đòi hỏi nhà trường phải tiếp tục củng cố hơn nữa sức mạnh đoàn kết thống nhất thì mới có thể đưa nhà trường tiếp tục phát triển hơn nữa và sớm hoàn thành tiêu chí Trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 và 2. Trong đó, trước hết phải thống nhất nhận thức từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, học viên về những nội dung cốt lõi trong giá trị đoàn kết và các giải pháp chủ yếu trong xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Từ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Nhà trường trong thời gian qua và hiện nay đang tiếp tục thực hiện, có thể rút ra những nội dung cốt lõi trong giá trị đoàn kết ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần tập trung xây dựng đó là: Thứ nhất, đó là sự gắn kết, đồng lòng, quyết tâm của các cá nhân, tập thể từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các khoa, phòng và toàn thể giảng viên, viên chức, học viên trong kiên quyết, kiên trì thực hiện đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để không ngừng xây dựng, phát triển và nâng cao vị thế của nhà trường. Thứ hai, đó là sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các khoa, phòng, các bộ phận trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo nguyên tắc đúng chức trách, nhiệm vụ; công bằng, hài hòa về lợi ích và vì mục tiêu chung của nhà trường. Thứ ba, đó là sư yêu thương, quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong cuộc sống của cá nhân cán bộ, giảng viên, viên chức, học viên trong từng đơn vị khoa, phòng, lớp và trong toàn trường. Thứ tư, đó là sự đồng hành, hỗ trợ của cán bộ, giảng viên, viên chức đối với học viên và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của học viên trong quá trình thực hiện đổi mới mạnh mẽ và toàn diện của nhà trường; trong thực hiện các chương trình vì học viên và các hoạt động kết nối.
Để hiện thực hóa được những giá trị nêu trên trong xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Nhà trường, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó cần tập các giải pháp chủ yếu đó là: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, viên chức và học viên về tầm quan trọng của việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất và trách nhiệm của từng cá nhân đối với việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong từng đơn vị khoa, phòng, lớp và trong toàn trường. Xây dựng tinh thần tự phê bình và phê bình đúng đắn, chân thành, thẳng thắn, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để giúp nhau cùng phát triển. Thực hiện tốt vấn đề dân chủ, xây dựng môi trường làm việc thân thiện cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung, rộng lượng, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội phát triển. Quan tâm chăm lo nâng cao nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần và giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong nhà trường. Tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnhđể làm hạt nhân chính trị, đồng thời chú trọng phát huy vai trò của Công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Nhà trường.
Tóm lại, xây dựng khối đoàn kết thống nhất là một trong những vấn đề quan trọng đối với mọi quốc gia – dân tộc, mọi cơ quan, đơn vị và đây cũng là một trong những nội dung cốt lõi trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, thực tiễn quá trình hơn 70 năm xây dựng và phát triển cho thấy, đoàn kết thống nhất chính là một trong những truyền thống tốt đẹp, là nguồn sức mạnh đưa Nhà trường vượt qua được mọi khó khăn trong mọi thời kỳ và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Trong thời gian tới, mặc dù nhiệm vụ đặt ra đối với công cuộc đổi mới toàn diện ở nhà trường tiếp tục có nhiều những việc mới và khó, nhưng tin tưởng rằng với sức mạnh đoàn kết thống nhất – một trong những giá trị nổi bật đã được tạo dựng trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của Nhà trường nói chung, trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói riêng, thì Nhà trường sẽ vẫn tiếp tục là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có uy tín của tỉnh và trong cả hệ thống các trường chính trị của cả nước./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, H.2011, t3, tr.256
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, H.2011, t9, tr244
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
925
Hôm qua:
2081
Tuần này:
11227
Tháng này:
51287
Tất cả:
4.919.936