Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đăng lúc: 11:02:12 01/03/2019 (GMT+7)1706 lượt xem
ThS. Bùi Thị Thu
Trưởng Khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
Trưởng Khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Trong huấn luyện cán bộ, công tác giáo dục nâng cao trình độ lý luận chính trị là một nội dung rất quan trọng. Bác căn dặn, cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, công chức, viên chức trong các cơ quan chuyên môn của nhà nướccần phải học tập lý luận chính trị, coi đó là nhiệm vụ. Người nói: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập lý luận chính trị, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình”[1]. Vì cán bộ là lực lượng trực tiếp đem chính sách, đường lối của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời cũng đem tình hình của quần chúng báo cáo cho Đảng để đặt chính sách cho đúng. Cán bộ được coi là gốc của mọi công việc. Công việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém. Để có cán bộ tốt, lý luận chính trị có vai trò rất to lớn, vì lý luận chính là bàn chỉ nam định hướng nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về con đường cách mạng tất yếu của Đảng và của dân tộc. Và Người còn trích câu nói bất hủ của Lênin đó là: “Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng mới làm nổi cách mệnh tiên phong”[2]để răn dạy. Bởi vậy, việc chăm lo đến việc giáo dục, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về việc học tập lý luận trong Đảng và của cán bộ, đảng viên là nội dung có giá trị thực tiễn trường tồn với mọi thời kỳ cách mạng và công tác xây dựng Đảng. Cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị vừa là nhằm làm chomỗi cán bộ, đảng viên tự giác dùi mài tư tưởng; đồng thời đó còn là việc chỉnh đốn tổ chức. Bởi vì, cán bộ, đảng viên là hạt nhân của tổ chức, nếu còn kém hay xem thường lý luận,.. thì khi gặp công việc không biết xem xét, cân nhắc cho đúng, không biết xử lý cho khéo; không biết nhận rõ điều kiện, hoàn cảnh khách quan, ví như đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Dẫn đến tuỳ tiện khi hành động, ý mình thế nào thì làm thế ấy,…thiếu tính thống nhất về hành động vì mục tiêu chung, dẫn tới sức mạnh của tổ chức không được phát huy. Ngược lại, cán bộ, đảng viên nếu vừa có kinh nghiệm, lại biết thêm lý luận và biết thực hành lý luận thì công việc tốt hơn rất nhiều. Người chỉ rõ: “Cán bộ có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”[3].
Không chỉ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải coi trọng nhiệm vụ học lý luận chính trị. Trong tư tưởng của Người, Bác còn chỉ rõ nội dung học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên trước hết là học lý luận Mác – Lênin. Nhưng, không phải là thuộc lòng từng câu, từng chữ lý luận Mác – Lênin, mà là học tập cái tinh thần xử trí với việc, với người và với bản thân mình; học những chân lý phổ biến để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương, đất nước trong điều kiện, hoàn cảnh rất cụ thể. Nghĩa là, cán bộ, đảng viên học lý luận là để thấm nhuần tư tưởng cách mạng, khoa học, từ đó vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn; phải gắn với nhiệm vụ thực tiễn địa phương, đơn vị và cá nhân mình, phải biết hướng tới mục tiêu cải tạo thực tiễn đó ngày càng tốt hơn. Đó là một yêu cầu nhằm rèn luyện tư tưởng, vì chỉ có tư tưởng chính trị tốt thì cán bộ, đảng viên mới chóng tiến bộ. Đề cập tới nội dung học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, Bác còn chỉ rõ, cán bộ, đảng viên phải học đường lối của Đảng. Vì, đường lối của Đảng là sự vận dụng lý luận khoa học Mác – Lênin vào thực tiễn nước ta, do vậy cán bộ, đảng viên có nắm vững đường lối của Đảng mới thấy rõ phương hướng của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì, theo phương hướng nào để đúng mục đích. Như vậy, theo Bác, cán bộ, đảng viên học lý luận chính trị phải gắn với thực hành lý luận; học lý luận chính trị chính là để áp dụng vào việc làm của mình và của tổ chức mình. Bác luôn phê phán lối học lý luận chính trị nhưng không áp dụng vào việc làm của mình và của tổ chức mình. Bác ví đó là lối học sai lầm, học môi mép, lối học suông. Vì biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông…
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, nội dung học và rèn luyện các chuẩn mực, các nguyên tắc đạo đức của người cách mạng hết sức quan trọng. Bác chỉ rõ, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, vì đó là tiền đề quan trọng để đi đến cái trí. Khi đã có cái trí, thì cái đức chính là cái để cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ vững được chủ nghĩa mình theo, lý tưởng mình chọn, con đường mình đi. Vì thế Bác căn dặn cán bộ, đảng viên học tập và làm theo chủ nghĩa Mác - Lênin thì phải“…sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được.”[4]. Nghĩa là, nội dung học tập lý luận chính trị phải thiết thực, kiến thức được học cần thực hành ngay trong công việc thực tế; học là để áp dụng vào công việc thực tế. Do đó, việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo lý luận chính trị cho các đối tượng cán bộ phải rất sát nhu cầu công việc, nhiệm vụ thực tiễn của họ, tránh giáo điều.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên, Bác không chỉ đề cập đến nội dung học tập, mà còn chỉ ra cách dạy - học. Theo Bác, trong học tập lý luận chính trị phải lấy tự học làm cốt. Vì tự học là hoạt động có mục đích, cần thiết và thường xuyên của mỗi con người, trong quá trình tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm. Và, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Người học trong trường lớp không được nhiều, chủ yếu là tự học, đến đâu, ở đâu cũng tự giác tự học, tự nghiên cứu trau dồi tri thức hiểu biết nhằm thực hiện yêu cầu, mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Triết lý ấy đã căn dặn chúng ta rằng, trong giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên để có chất lượng và hiệu quả, ngoài cải tiến nội dung đổi mới cách dạy, điều quan trọng phải biết đổi mới cách thức tổ chức trong huấn luyện; phải xây dựng được động cơ, thái độ, mục tiêu và kế hoạch học tập của người học thực sự tích cực và đúng đắn. Hơn thế, quy trình đào tạo phải thực sự phát huy sức sáng tạo của người học; phải giúp người học biết vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn để từ thực tiễn ngay từ khi học.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới hoạt động đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính ở Thanh Hóa hiện nay
Thanh Hoá là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, có diện tích 11.133,4 km2 (đứng thứ 5 cả nước); có hơn 3,6 triệu người (đứng thứ 3 cả nước). Hiện tại, Thanh Hoá có 635 xã, phường, thị trấn (573 xã, 34 phường, 28 thị trấn). Đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn của tỉnh Thanh Hoá có 13.713 người (6.598 cán bộ và 7.115 công chức), trong đó, nữ chiếm 49,86%, trẻ dưới 35 tuổi 21,03%.
Hiện nay trong tổng số cán bộ, công chức cấp xã, số có trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên 0,87%, đại học, cao đẳng 57,04%, trung cấp 39,22%; chưa qua đào tạo 2,87%. Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 2,52%, trung cấp 66,29%, sơ cấp 9,07%, chưa qua đào tạo 22,12%.
Từ thống kê trên cho thấy, hiện nay yêu cầu chuẩn hoá trình độ trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh đặt ra cho công tác đào tạo của Trường chính trị tỉnh với một quy mô rất lớn. Nhưng, đáp ứng yêu cầu về quy mô nhằm bảo đảm yêu cầu chuẩn hoá trình độ trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh, đòi hỏi Trường chính trị tỉnh cần phải quan tâm giải quyết tốt quan hệ giữa quy mô với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để giải quyết tốt những yêu cầu trên, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng, nhà trường cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung, chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo hướng thiết thực, sát đối tượng với phương châm dạy cái người học cần
Hiện nay, nội dung chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành áp dụng chung cho các đối tượng cán bộ đào tạo trình độ Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính trên phạm vi cả nước đã có nhiều cải tiến so với các chương trình trước đây. Về cơ bản, nội dung chương trình đã bám sát mục tiêu đào tạo cán bộ gắn với vị trí việc làm; coi trọng rèn luyện kỹ năng hoạt động lãnh đạo quản lý tại cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế nội dung chương trình vẫn còn bộc lộ một số bất cập so với yêu cầu thực tiễn, nhất là mới gắn với vị trí việc làm của người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, bộ máy chính quyền và các tổ chức chính trị địa phương cấp xã (xã, phường, thị trấn). Nhiều nội dung còn chưa thật thiết thực với đối tượng cán bộ cấp trên cơ sở và cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp. Từ đó, trong học tập, nghiên cứu, nhiều nội dung chưa thật sát với vị trí, nhu cầu nhận thức của nhiều đối tượng có tính đặc thù nên không tạo thành động lực để học viên học tập, nghiên cứu vận dụng vào công việc.Để khắc phục bất cập đó, trước hết Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần nghiên cứu để biên soạn nội dung chương trình thực sự sát vị trí việc làm của các đối tượng người học nhưng không phải là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, bộ máy chính quyền và các tổ chức chính trị địa phương cấp xã (xã, phường, thị trấn) cả hiện tại và xu hướng bố trí công tác của cán bộ. Thứ nữa, cần thực hiện thí điểm một chương trình đào tạo khung nhưng với những cấu trúc nội dung khác nhau và nhiều giáo trình cho các trường chính trị thuận lợi trong tổ chức đào tạo. Ngoài ra, cần tăng cường chỉ đạo để trường chính trị cấp tỉnh nghiên cứu biên soạn tài liệu ở một số nội dung phần học, môn học của chương trình đào tạo trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính bảo đảm cho phù hợp với chương trình khung của Học viện và tính đặc thù của đối tượng người học có tính đặc thù. Tuy nhiên, phải được quản lý, giám sát chặt chẽ.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần tự học tập của học viên
Phương pháp giảng dạy của giáo viên có vai trò ảnh hưởng rất to lớn đến chất lượng đào tạo. Vì phương pháp giảng dạy giúp quá trình truyền tải tri thức đến người học hiệu quả nhất, trong đó phong cách giảng dạy chính là nguồn truyền cảm hứng giúp người học hứng thú hơn.
Trên thực tế, học viên trường chính trị là cán bộ vừa làm, vừa học nên công việc chuyên môn ở cơ quan chi phối nhiều đến quá trình học tập. Đại đa số học viên ngoài giờ học tại lớp đều giành phần lớn thời gian còn lại cho công việc và cuộc sống, không tự học thêm, đọc thêm, nghiên cứu thêm. Do đó, nắm kiến thức không đầy đủ, sâu sắc. Cho nên, cần phải bồi dưỡng, khơi dậy, phát huy tinh thần tự học tập của học viên. Thực hiện điều đó, một mặt, Nhà trường cần tiếp tục tạo ra những điều kiện, phương tiện thuận lợi để học viên tự học, như đầu tư thêm vào thư viện, câu lạc bộ, tổ chức tọa đàm, hội thảo,… Mặt khác, bản thân học viên cần tận dụng thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong Nhà trường để tự học, tự tích lũy kiến thức. Ngoài ra, mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn của bạn bè, thầy cô. Nhất là trong tình hình hiện nay, nếu không tự học tập, liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực thì rất khó thích ứng với những biến đổi của xã hội, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực tế tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, đến nay một số giảng viên vẫn chưa thực sự làm chủ được phương pháp, chưa định hình được phong cách giảng dạy lý luận vững chắc, vì vậy chất lượng giảng dạy chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để thực hiện đổi mới phương pháp hiệu quả và tạo phong cách giảng dạy lý luận, theo chúng tôi, trước hết giảng viên cần quán triệt nguyên tắc nội dung nào, đối tượng nào thì phương pháp ấy. Nên, đổi mới phương pháp phải trên cơ sở am hiểu sâu, rộng nội dung kiến thức chuyên môn, kiến thức liên ngành và vốn sống thực tiễn. Đặc biệt cần sáng tạo áp dụng phương pháp thuyết trình truyền thống sang hướng tích cực để giảm độc thoại, thụ động, một chiều, tăng sự tương tác, đối thoại giữa giảng viên với học viên và học viên với nhau. Giảng viên chuyển từ vai trò truyền thụ tri thức sang tổ chức, kiến thiết, định hướng để học viên tiếp nhận kiến thức một cách tích cực.
Ba là, nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các khâu nghiên cứu thực tế của các lớp đào tạoTtrung cấp lý luận chính trị - hành chính
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, học lý luận chính trị là phải gắn với thực tiễn, phải đi đôi với hành. Muốn vậy, mỗi khóa học, lớp học phải tổ chức để người học được tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế. Nhất là phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm thực tiễn những mô hình mới, cách làm hay, cách làm sáng tạo trong thực tiễn ngay tại các đơn vị cơ sở. Trong nghiên cứu, phải chống qua loa hình thức, tránh nghiên cứu theo lối “cưỡi ngựa xem hoa”.
Hiện tại, trong quy trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, nghiên cứu thực tế đã được quy định thành một khâu bắt buộc. Nhưng, trên thực tế, ở Trường chính trị Thanh Hoá, bên cạnh những ưu điểm, chúng tôi cho rằng còn bộc lộ hạn chế nhất định. Như: nội dung, quy trình tiến hành hoạt động nghiên cứu,..Theo đó kết quả nghiên cứu thực tế chưa đạt như mong muốn. Hơn thế, nhiều vấn đề thực tiễn gắn liền với kiến thức môn học, phần học của chương trình chưa được quan tâm để tìm hiểu, nghiên cứu thật sự đầy đủ.
Để khắc phục những thiếu sót đó, chúng tôi cho rằng, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khâu tổ chức nghiên cứu thực tế của từng lớp đào tạo thực sự chất lượng và hiệu quả. Nhất là phải gắn trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn từ khâu nội dung, lựa chọn địa điểm nghiên cứu và các biện pháp tổ chức thực hiện đưa học viên về thực tế tại cơ sở... Chỉ khi thực hiện đúng, tốt khâu này mới phát huy tác dụng trong đổi mới đào tạo trung cấp chính trị, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đào tạo bậc học.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, xử lý học viên vi phạm quy định để làm gương
Nhà trường cần đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành quy định cụ thể về học tập lý luận chính trị, xem nhận xét của trường chính trị là kênh thông tin quan trọng trong công tác cán bộ, kiên quyết loại bỏ cán bộ thiếu gương mẫu trong học tập chính trị. Đối với Nhà trường cần tăng cường quản lý, kiểm tra, khi học viên vi phạm cần xử lý kỷ luật nghiêm, gửi nhận xét, đánh giá về cơ quan, đơn vị cử học viên đi học. Bên cạnh đó cần phát động phong trào nêu gương học tập lý luận chính trị ở học viên. Đó chính là biểu hiện sinh động, cụ thể nhất của việc học tập và làm theo Bác ở học viên trường chính trị ./.
Các tin khác
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay
- Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Tăng cường ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nhìn lại một năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
55
Hôm qua:
2428
Tuần này:
4760
Tháng này:
36981
Tất cả:
4.828.968