Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Đăng lúc: 09:27:58 24/10/2018 (GMT+7)8941 lượt xem
TS. Lương Trọng Thành
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta. Nghiên cứu học tập và vận dụng phong cách dân chủ Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Để học tập và làm theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh một cách thực chất có chất lượng, hiệu quả cần phải hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp; hiểu được những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, đặc biệt là những nét riêng đặc sắc trong phong cách dân chủ Hồ Chí Minh, đó là:
(1) Phong cách dân chủ trước hết là phải theo đúng đường lối nhân dân
Theo đúng đường lối nhân dân là một nét đặc sắc trong tư duy Hồ Chí Minh. Có thể coi đó là minh triết Hồ Chí Minh về phong cách dân chủ - triết lý “Từ Dân”. Có thể nhận thấy, điểm nhất quán trong tư duy cũng như trong hành động của Người, đó chính là “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Bác căn dặn: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng"(2), Dựa vào dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân là nguyên tắc bất di bất dịch, là điều nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh, nhất quán trong hành trình tư tưởng của Hồ Chí Minh, là điều sáng rõ trong tư duy của Hồ Chí Minh. Vì, như Bác đã chỉ rõ : “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”(3). Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn: mọi đường lối, chủ trương phải “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”(4). Thực tế đã chứng minh đó là nguyên nhân quyết định mọi thành công trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Hợp lòng dân, phản ánh được ý chí và nguyện vọng, nhu cầu của dân thì đường lối, nghị quyết của Đảng mới đi được vào cuộc sống, biến thành sức mạnh. Bài học khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đã minh chứng điều này, chính vì đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, biết đúc kết trí tuệ và sáng kiến của dân, từ "khoán chui" để rồi dẫn đến "khoán mười" (tức là Nghị quyết số 10 ngày 5.8.1988 của Bộ Chính trị về "Đổi mới quản lý nông nghiệp") ra đời, như nắng hạn gặp mưa rào, nông nghiệp, nông thôn bật dậy, xoay chuyển hẳn cục diện, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài, đột phá bứt lên. Thấm nhuần tư tưởng của Người, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay, đòi hỏi mọi quyết định, quyết sách phải Từ Dân - xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tập thể, nói rộng ra là nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Để mọi quyết định, quyết sách đều Từ Dân, đòi hỏi: i) cán bộ lãnh đạo, quản lý phải bám sát thực tiễn, cùng chung hơi thở và vận mệnh với tập thể, với nhân dân, thành tâm lắng nghe tập thể, lắng nghe nhân dân để thấu hiểu và đưa hơi thở cuộc sống từ thực tiễn phong phú vào trong các quyết sách, quyết định; ii) muốn lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của tập thể, của nhân dân, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở, phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để hỏi dân, học dân và hiểu dân. Qua đó mới có thể nắm được dân tâm, dân tình, dân ý; mới kiểm nghiệm được sự sát đúng của các quyết sách, quyết định; mới phát hiện được những nhân tố mới, điển hình tiên tiến để học tập, biểu dương và nhân rộng; iii) cán bộ lãnh đạo, quản lý không bao giờ được độc tôn chân lý, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới, của nhân dân và nghiêm túc tự phê bình sửa mình với tinh thần cầu thị. Làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng, sẵn sàng đóng góp sáng kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”(5).Tự mình làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo.
(2) Phong cách dân chủ là phát huy trí dân, tài dân, sức dân
Phát huy “Trí dân”, “Tài dân”, “Sức dân” là một triết lý vô cùng độc đáo và hết sức sâu sắc, bởi vì người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, còn tất cả là Do Dân. Bác đã dạy: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân”(6), theo đó, chỉ có phát huy trí tuệ, tài năng, toàn bộ sức người, sức của, tinh thần, vật chất của dân góp vào sự nghiệp chung thì cách mạng mới dành được thắng lợi. Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã minh chứng rõ cho điều này. Chỉ lấy ví dụ trong xây dựng nông thôn mới hiện nay cho thấy, ở nơi nào, địa phương nào phát huy được trí dân, tài dân, sức dân thì nơi đó, địa phương đó xây dựng nông thôn mới thành công. Để phát huy được trí dân, tài dân, sức dân, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải: i) tận tậm, tận lực một lòng, một dạ phụng sự tập thể, phụng sự nhân dân vì sự phát triển toàn diện của tập thể, hạnh phúc của nhân dân. Bác dạy: “Chúng ta cần phải hiểu rằng các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đày tớ của dân, nghĩa là để gánh vác công việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu cưỡi cổ dân”(7); ii) phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của nhân dân, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bất kỳ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”(8).iii) phải luôn sâu sát quần chúng, xuất phát từ quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc sao cho phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phải phù hợp với quần chúng.
(3) Phong cách dân chủ là “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”
Theo Hồ Chí Minh, mọi cách lãnh đạo phải lấy khuôn phép đó là: phải xuất phát “Từ dân”; “Do dân” và quay trở lại “Vì dân”. Tư tưởng nổi bật, cốt lõi và xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí minh là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, Người từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(9). Bởi vậy, trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ các cấp, phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh"(10). Tư tưởng "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân" chính là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, đối lập với tư tưởng này chính là chủ nghĩa cá nhân. Từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra "tham lam" vi phạm lợi ích của nhân dân, không quan tâm đến lợi ích của dân, chỉ mưu "vinh thân, phì gia", làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi vậy, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải ghi tạc lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết"(11).
Thực tiễn đang vận động nhanh chóng, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi trong quá trình vận dụng người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về phong cách dân chủ Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và cần lưu ý một số điểm sau: i) lắng nghe dân nhưng không “theo đuôi” dân. Thực hành phong cách dân chủ, người cán bộ phải biết phân biệt đúng, sai; tránh lợi ích cá nhân, cục bộ. Bác dạy: “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”. Vì, “dân chúng trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn”(12). Hơn nữa “dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(13). Bởi vậy, cũng có ý kiến đúng, có ý kiến sai. Người căn dặn: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”(14); ii) dân chủ nhưng phải quyết đoán, chịu trách nhiệm cá nhân. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp thống nhất giữa cách làm việc dân chủ, tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, kịp thời đưa ra những quyết định đúng, tránh “cha chung không ai khóc”, đổ lỗi cho tập thể. Trong những thời điểm quyết định, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám quyết…, khi đã thấy đúng thì phải quyết liệt thực hiện cho kỳ được; điều đó còn liên quan trực tiếp đến việc tận dụng được thời cơ nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay. Bác từng dạy: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”. iii)“công bằng” nhưng không phải “cào bằng” trong đánh giá, ghi nhận sự tham gia, cống hiến của từng cá nhân trong tập thể, có như vậy mới có thể phát huy được “trí dân”, “tài dân” và “sức dân”. Mọi sự biểu hiện của sự cào bằng, tất yếu đều dẫn đến mất dân chủ, thui chột sức mạnh tập thể. Để thực hiện được ba điều đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải: Một là, bao quát nhưng sâu sát, cụ thể. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tư duy, tầm nhìn bao quát những vấn đề chung của tập thể, song phong cách dân chủ đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải quan tâm sâu sát, cụ thể rõ từng người, rõ từng việc phải đi tận nơi, rõ tận việc, thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết. Hai là, phụng sự, kiến tạo trong điều kiện người dân phải thực sự phát huy vai trò là chủ và làm chủ của mình. Ba là, phê bình phải đi đôi với tự phê bình và phê bình phải gắn liền với sửa chữa, với biểu dương, khen thưởng. Nếu chỉ phê bình người khác mà không tự phê bình thì chẳng khác nào “thầy thuốc chỉ đi chữa bệnh người khác mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”(15). Đây là phương thức tốt nhất để phát huy dân chủ, thực hành dân chủ.
Phong cách dân chủ không phải là cái có sẵn, không phải là bẩm sinh. Phong cách dân chủ là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó, chỉ có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện thực sự nghiêm túc và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Theo đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có phong cách lãnh đạo, quản lý dân chủ, trên cơ sở thái độ cầu thị, trách nhiệm cao đối với bản thân, với Đảng với nhân dân; trên cơ sở sự chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, thấm sâu giữa lời nói với việc làm, sự thống nhất giữa cách nghĩ, cách làm và cách sống. Bởi vậy, để xây dựng phong cách dân chủ người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần: i) nghiêm túc học tập và rèn luyện thông qua trường lớp để cập nhật kiến thức mới, phương pháp mới; ii) tự học tập, rèn luyện ngay từ tổng kết thực tiễn công việc hàng ngày, học từ sự góp ý của đồng chí, đồng nghiệp và của nhân dân. Đó chính là trường học rộng lớn mà người cán bộ phải vừa lăn lộn chỉ đạo thực tiễn vừa đúc rút những kinh nghiệm quý cho chính mình, thực tiễn là người thầy nghiêm khắc nhất rèn luyện phong cách dân chủ; iii) cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu phải đề cao tính gương mẫu “thực hành trước”, “làm trước”, “làm mẫu” về phong cách dân chủ trên tinh thần thương yêu đồng chí từ đó hướng dẫn để cán bộ cấp dưới và quần chúng noi theo.
Cùng với việc học tập, rèn luyện, phong cách dân chủ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ được hình thành trong môi trường (gia đình, cơ quan, đơn vị…) giàu động lực, theo đó cần: i) xây dựng, hoàn thiện thể chế: các quy chế, quy định, nhất là tiêu chí đánh giá phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý để tập thể, người dân có thể tham gia giám sát và đánh giá; ii) hoàn thiện các thiết chế: quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống hóa hồ sơ công khai, minh bạch: việc đăng ký, cam kết; kết quả rèn luyện; nhận xét đánh giá của tổ chức và nhân dân về quá trình rèn luyện của cán bộ lãnh đạo, quản lý; iii) xây dựng hệ thống các giá trị chuẩn mực về phong cách dân chủ, như: tôn trọng quần chúng, lắng nghe quần chúng, yêu thương quần chúng, học hỏi quần chúng,..., từ đó tạo cơ sở, tiêu chí, động lực thi đua xây dựng phong cách làm việc dân chủ của mỗi cán bộ và tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tóm lại, Phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh thực chất là cách tư duy, hành động, ứng xử, sinh hoạt…đậm chất nhân văn của vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Theo đó, hiểu được giá trị cốt lõi của phong cách làm việc dân chủ Hồ Chí Minh sẽ là tiêu chí, cơ sở, động lực, nền tảng tư tưởng quan trọng để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý học tập, làm theo. Muốn xây dựng và hoàn thiện phong cách làm việc dân chủ thì mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có nhu cầu tự thân, biết gắn mình vào thực tiễn đời sống nhân dân, đề cao trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe, tôn trọng và yêu thương nhân dân. Làm được như thế thì hình ảnh của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ đẹp hơn, có sức lan tỏa hơn, tạo mối liên hệ bền chặt, niềm tin son sắt giữa người cán bộ lãnh đạo, quản lý với quần chúng, giữa nhân dân với Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 232.
2,3,4,5,7,8,12,13,14,15,16. Hồ Chí Minh (20011) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr.333,335,268,335,56,288,326,336,338,271,317.
6. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 232.
9,10 Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr. 272, 51.
11. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập15, Nxb CTQG, Hà Nội, Tr.542
Các tin khác
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay
- Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Tăng cường ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nhìn lại một năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
788
Hôm qua:
1677
Tuần này:
12767
Tháng này:
52827
Tất cả:
4.921.476