HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập và vận dụng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 14:33:22 12/06/2018 (GMT+7)1605 lượt xem

                                                                       Nguyễn Thị Kiều Trang
                                                                     Giảng viên Khoa Dân vận
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản hết sức quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người, phong cách đó thể hiện cái riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng lại rất gần gũi với người dân Việt Nam, vì vậy mang tính lan tỏa tích cực tới hành động của mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước, trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt là năm nội dung chủ yếu tạo thành hệ thống phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong cách diễn đạt là một trong những nét đẹp riêng, độc đáo và có giá trị to lớn đối với việc  rèn luyện phương pháp diễn đạt (nói và viết) của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ giảng viên trẻ của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
 Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), việc học tập, rèn luyện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, giảng viên Nhà trường đã trở thành thường xuyên. Trong đó, việc rèn luyện phong cách diễn đạt (nói và viết) của Người là một trong những yêu cầu để người giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bởi vì, giảng viên là người truyền tải kiến thức đến học viên, nếu không có kỹ năng diễn đạt thì việc thuyết phục học viên trong mỗi bài giảng sẽ rất hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết đối với giảng viên trẻ, từ đó vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào công tác giảng dạy sẽ mang lại hiệu quả cao.
1.     Đặc trưng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh
Một là, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể,  ngắn gọn, dễ hiểu.
Cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, tự nhiên, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết, cách suy nghĩ của từng người đọc, người nghe. Người dạy cán bộ phải nắm vững các nguyên tắc về chủ đề, đối tượng, mục đích, phương pháp: Nói, viết cái gì? (đối tượng phản ánh); Nói, viết cho ai? (đối tượng tiếp nhận); Nói, viết để làm gì? (mục tiêu phản ánh); Nói, viết như thế nào? (phương thức biểu đạt). Nói một từ, viết một câu, bao giờ Người cũng chú ý làm sao người bình thường nhất cũng hiểu và làm được. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để sao cho “lời ít, ý nhiều”, đặc biệt Người ưu tiên sử dụng những từ thuần Việt nhằm không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người rất thực tế, không khô khan và có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Hai là, cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao.
 Người viết ngắn, có khi rất ngắn, nhiều câu đúc kết như châm ngôn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; “Nước lấy dân làm gốc”… Nên tư tưởng lớn của Người dễ nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Đó là điều ước muốn của mọi nhà tư tưởng và lý luận chân chính mà không phải ai cũng đạt tới được.
Ba là, cách diễn đạt sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh, cụ thể.
 Khi nói, khi viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với quần chúng. Những lời kêu gọi hừng hực khí thế bao chứa quyết tâm chiến lược của cả một dân tộc; những lời chúc tết được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ của Người làm cho đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới thật thiêng liêng, ấm áp; những bức thư gửi cho các ngành, các em học sinh, các cháu thanh niên, thiếu niên nhi đồng đầy tình cảm thân thương, không “lên gân, lên cốt” trích dẫn nghị quyết này, chỉ thị nọ.
2. Giảng viên trẻ Trường Chính trị học tập và vận dụng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh
 Từ nhận thức về phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, giảng viên trẻ Trường Chính trị Thanh Hóa cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh bằng một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, không ngừng nâng cao nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách diễn đạt nói riêng là việc làm cần thiết, quan trọng để mỗi chúng ta sống tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn và làm gương cho học viên  noi theo. Bởi vì, có nhận thức đúng, sâu sắc, mới củng cố được niềm tin vững chắc và dẫn tới việc làm đúng đắn, khoa học của người giảng viên.
Trường Chính trị tỉnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối tượng học viên của nhà trường là các cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, họ là những người có trình độ, có kiến thức thực tiễn phong phú, đặc biệt là, đến từ các địa phương trong tỉnh nên mỗi giảng viên phải xây dựng phong cách diễn đạt của mình cho phù hợp đối tượng, đúng nội dung, sát thực tiễn.  
Là giảng viên trẻ Trường Chính trị, bên cạnh sự am hiểu sâu sắc lý luận, những tri thức khoa học liên quan đến chuyên môn cũng như am hiểu thực tiễn thì điều đặc biệt quan trọng đó là diễn đạt như thế nào để học viên dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng vào thực tiễn công tác… Theo đó, người giảng viên phải học hỏi nghiêm túc về khoa học sư phạm và rèn luyện phong cách diễn đạt theo phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai,  khi nói và viết cần xác định rõ và trả lời được đúng những yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nói và viết cho ai; Nói và viết cái gì; Nói và viết để làm gì; Nói và viết như thế nào. Đây là một yêu cầu bắt buộc mà giảng viên Trường Chính trị phải thực hiện. Đối tượng đọc và nghe chúng ta viết và nói chủ yếu là học viên, đồng nghiệp. Nội dung chuyển tải là Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và Nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể ở cơ sở… Do đó, chúng ta viết và nói như thế nào để họ đọc, nghe, hiểu, vận dụng tốt, biến lý luận thành việc làm trong thực tiễn công tác của mình. Trong đó, làm theo là một trong những trọng tâm của việc học tập phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.
Thứ ba, rèn luyện phong cách diễn đạt khi viết trong soạn giáo án, Tập san, đề tài nghiên cứu khoa học… Khi viết bài cho Tập san thì cần phải rèn sao để diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu và hấp dẫn người đọc nhưng thông tin phải có tính xác thực; có giá trị khoa học và thực tiễn cao để đồng nghiệp, học viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở cùng tham khảo, trao đổi.
Khi soạn giáo án càng cần phải rèn luyện cách diễn đạt sao cho rõ ràng, chính xác, lập luận cũng phải hết sức chặt chẽ, lôgic thể hiện được đầy đủ, cụ thể nội dung, xác định vấn đề trọng tâm của bài, lý luận gắn liền với thực tiễn và thực tiễn phải phong phú, sát với người học, sát với địa bàn, dùng từ ngữ diễn đạt khoa học, phổ thông, dễ hiểu… Theo tôi, một việc hết sức cần thiết là khi hoàn thành giáo án hoặc bài viết, giảng viên chủ động tham khảo ý kiến của Giám hiệu, lãnh đạo khoa, các đồng nghiệp góp ý cho bài giảng và bài viết của mình thì giảng viên lên lớp giảng bài càng tự tin, chuyển tải kiến thức tốt, chất lượng bài giảng cao.
Thứ tư, rèn luyện phong cách diễn đạt khi lên lớp giảng bài. Giảng viên vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà khoa học, vừa là nhà quản lý, đồng thời còn là một nhà diễn thuyết. Diễn thuyết như thế nào để đi vào lòng người đối với người giảng viên trẻ thực sự là khoa học và nghệ thuật đòi hỏi ở mỗi giảng viên tính tự học hỏi, sự kiên trì, chủ động sáng tạo trong việc tự rèn luyện phong cách diễn đạt.
Giảng viên tác động tới học viên trong giờ học thông qua ngôn ngữ nói kết hợp với ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, nét mặt, nụ cười,…). Trong quá trình diễn giảng bằng ngôn ngữ nói phải thể hiện ngữ điệu phong phú, biến hoá, lúc bổng, khi trầm, cường độ nói vừa phải. Nghệ thuật giảng bài là tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, cử chỉ, ngôn ngữ, diện mạo. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc, ấm áp truyền cảm, thuyết phục. Hết sức tránh lối nói đều đều. Giọng nói, âm lượng thay đổi theo nội dung, nhấn mạnh vào những điểm quan trọng để kích thích sự chú ý của học viên. Nói đủ, không dài dòng “lời ít, ý nhiều”. Tư thế tự nhiên, linh hoạt, ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, động tác… phù hợp có sự tương tác với học viên, nội dung, số liệu cụ thể, sự kiện chính xác để minh hoạ, nên đặt câu hỏi và khuyến khích học viên đặt câu hỏi để tăng sự chú ý của họ và cũng là cách giảng viên được thu thập thông tin thực tiễn từ học viên. Sử dụng hợp lý, chính xác ý từ, hình ảnh trong kinh điển, thơ văn, so sánh, ca dao, tục ngữ, kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các phương tiện trực quan vào bài giảng, từ đó giảng viên sẽ gieo được lòng tin, sự hào hứng vào tâm hồn, trí tuệ học viên.  
Tóm lại, nghiên cứu về phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân tôi càng nhận thấy những giá trị thực tiễn to lớn, sinh động đối với đội ngũ giảng viên trẻ trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là kho tàng tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và tài sản vô giá để mỗi chúng tôi học tập, rèn luyện góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của mình.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
303
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10481
Tháng này:
56855
Tất cả:
4.421.735