Học tập, rèn luyện phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
Đăng lúc: 06:36:08 19/05/2017 (GMT+7)29191 lượt xem
ThS. Dương Thị Hằng
Phó Trưởng Khoa LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
Phó Trưởng Khoa LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ; nhấn mạnh trong hoạt động thực tiễn, người cán bộ cần chú ý rèn luyện phong cách làm việc, diễn đạt, ứng xử. Bản thân Người đã rèn luyện và xây dựng nên một chuẩn mực phong cách, trong đó, phong cách ứng xử của Người được thể hiện ở tầm nghệ thuật gần như hoàn thiện, làm cho mọi người có thể cảm nhận đầy đủ cái đẹp của cuộc sống cũng như cái cao thượng nhân cách của một con người. Học tập và làm theo phong cách ứng xử của Người, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên khắc phục được những hạn chế, yếu kém khi ứng xử trong công tác và cuộc sống đời thường, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với việc làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và nhân dân.
1. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tác phong ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người, được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Người trên một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, sự chân thành, bình dị và khiêm tốn.
Đây không phải là một “nghệ thuật xã giao” mà là sự phản ánh trung thực tâm hồn, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh. Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường thể hiện sự khiêm tốn, chân thành, Người không bao giờ đặt mình cao hơn người khác mà trái lại luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người xung quanh. Với một lời chào chân tình, một nụ cười niềm nở, một cử chỉ thân thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xóa bỏ mọi sự cách biệt về chức vụ, địa vị, giữa cấp trên cấp dưới, giữa lãnh tụ với nhân dân, đem đến cho mọi người ý thức về sự bình đẳng hoàn toàn giữa những con người tự do và dân chủ trên cơ sở tôn trọng giá trị nhân phẩm con người. Suốt đời đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của con người nhưng đối với bản thân, Người thực hành một triết lý sống thanh khiết, giản dị, gắn bó với nhân dân. Khi đi chỉ đạo kháng chiến phải hành quân trong rừng sâu, Người sống hòa mình với nhân dân, chiến sĩ; cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động cách mạng với bộ đội. Khi về Thủ đô Hà Nội, Người làm việc trong căn nhà sàn đơn sơ, bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su và những vật dụng sinh hoạt như của một người bình thường. Tất cả cử chỉ, hành động của Người đều toát lên sự chân thành, bình dị và khiêm tốn của một bậc vĩ nhân.
Thứ hai, yêu thương, tôn trọng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ứng xử dựa trên cơ sở của tình người, yêu thương con người. Đó là lòng nhân đạo, tính nhân văn, là sự khoan dung, độ lượng trong hành xử ở cuộc sống. Với Người, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp đều phải đi đến giải phóng con người thì mới có ý nghĩa thiết thực. Tình yêu thương của Người không giới hạn ở một đối tượng cụ thể, một tầng lớp, thành phần nào trong xã hội. Từ các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, các chiến sĩ ngoài mặt trận, các đoàn dân công…tất cả đều nhận được tình cảm ấm áp và sự quan tâm chu đáo của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại vô vàn những câu chuyện cảm động về tình cảm, ứng xử văn hóa đối với nhân dân, với lớp người bị thiệt thòi do hậu quả quan niệm không đúng của xã hội thực dân, phong kiến. Trong Di chúc để lại, Người đã “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”[i](1), nhắn nhủ toàn Đảng, toàn dân ta “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (2) và căn dặn Đảng: “đầu tiên là công việc đối với con người” (3).
Thứ ba, khoan dung, độ lượng với mọi người.
Từ lòng yêu thương và tôn trọng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tấm lòng khoan dung, độ lượng với tất cả mọi người. Đối với cán bộ và quần chúng nhân dân, Người luôn ân cần, niềm nở; vừa thân ái, lại nhiệt tình; khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình nghiêm khắc, nhưng nghiêm khắc mà vẫn độ lượng, khoan dung để nâng con người lên chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người. Trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Người chỉ rõ khi tự phê bình và phê bình phải góp ý cho nhau một cách thẳng thắn, có tính xây dựng, vì mục đích, lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, công kích, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau. Đối với cán bộ, đảng viên có lỗi, Hồ Chí Minh bao giờ cũng mong muốn và tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, vì theo Người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(4).
2. Học tập và rèn luyện phong cách ứng xử Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên hiện nay
Những năm qua, trên cơ sở quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, gần đây nhất là Chỉ thị 05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc; đặc biệt chú trọng đến phong cách ứng xử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện đạo đức; có sự nhìn nhận toàn diện, cụ thể hơn về đạo đức, lối sống ứng xử của mình, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thành tốt công việc mình phụ trách, xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang thay đổi tác phong làm việc theo phương châm: đúng giờ giấc, công tác đúng mực, đổi mới phương pháp làm việc; thay đổi thái độ phục vụ nhân dân theo phương châm hòa nhã, tận tụy, gắn bó và gần gủi với nhân dân; cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, gây mất thời gian, tiền của của nhân dân… Tuy nhiên, trong tác phong ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số cán bộ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, vẫn còn tình trạng quan liêu, xa rời dân, “nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo”(5); trong hoạt động hành chính còn có hiện tượng phiền hà, gây khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, thiếu tinh thần phục vụ làm cho dân, ngại gặp cán bộ, từ đó tạo nên sự mặc cảm, không thân thiện giữa cán bộ và nhân dân. Năng lực làm việc của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước; chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với cán bộ, và chính quyền…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện phong cách ứng xử Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là, cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt Nghị Quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng trong “thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên.”(6)
Hai là, yêu cầu tất cả các cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phong cách ứng xử chân tình, thân thiện, tôn trọng đồng chí đồng nghiệp, biết thương yêu và hướng tới việc thiện, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Ba là, xây dựng phong cách ứng xử có văn hóa ở các cơ quan, đơn vị; đặc biệt chú trọng quan hệ ứng xử với nhân dân trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng nhân dân.
Bốn là, Đảng ủy, các cấp chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tác phong ứng xử của cán bộ, đảng viên, lấy đó làm một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá, kiểm điểm Đảng viên hàng năm.
Có thể nói, phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, của dân tộc, hướng mọi người đến với cuộc sống chân, thiện, mỹ. Học tập, rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử nói riêng là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đã và đang phấn đấu học tập, rèn luyện phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng cách ứng xử có văn hóa với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em; xuất phát từ thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người.
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 613
(2) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 611
(3) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr.616
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr.558
(5), (6) Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Các tin khác
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các phẩm chất kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay
- Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Học tập di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Tăng cường ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số trao đổi về việc đổi mới đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cơ sở tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nhìn lại một năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
- Học tập phong cách Hồ Chí Minh vào việc rèn luyện tác phong làm việc khoa học của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay
- Rèn luyện tác phong làm việc dân chủ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1520
Hôm qua:
1669
Tuần này:
12812
Tháng này:
50002
Tất cả:
4.983.603