NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên hiện nay

Đăng lúc: 13:34:55 06/04/2018 (GMT+7)10030 lượt xem

TS. Thịnh Văn Khoa
Phó Hiệu trưởng
 
          Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt.
          Diễn đạt (gồm nói và viết) là hoạt động hằng ngày của mỗi người chúng ta. Đây là hai kỹ năng quan trọng của con người, muốn làm chủ quá trình tư duy và nâng cao hiệu quả giao tiếp, mỗi người chúng ta đều phải trau dồi khả năng nói và viết. Đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thì kỹ năng nói và viết càng cần thiết hơn bao giờ hết. Vì mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nếu không có kỹ năng diễn đạt thì công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đó sẽ rất hạn chế. Hơn thế, người lãnh đạo, quản lý nếu có ý tưởng tốt mà không làm cho quần chúng nhân dân hiểu được thì sẽ gặp khó khăn trong điều hành, quản lý, không triển khai được kế hoạch và không tạo được sức mạnh tập thể thực hiện kế hoạch trong thực tiễn. Vì vậy, việc học tập, rèn luyện phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết và hết sức quan trọng, từ đó cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác và cuộc sống.
          Có thể nhận thấy, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh có các đặc trưng cơ bản sau đây:
          - Chân thực. Mỗi bài nói, bài viết của Người đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết của Người đối với người nghe, người đọc. Chân thực cũng là yêu cầu đầu tiên Người đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Người thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”…
          - Ngắn gọn là một đặc trưng rất nổi bật trong cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không thừa lời, thừa chữ. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Người là sự kế thừa và phát triển phong cách phương Đông. Đó cũng là kết quả công phu rèn luyện của Người từ những ngày đầu tham gia hoạt động chính trị, tham gia làm báo cách mạng. Người nhiều lần phê bình nhắc nhở cán bộ về mặt ba hoa, viết vừa dài, vừa rỗng. Người thường khuyên cán bộ nói viết đều phải ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề. Nói dài, viết dài và sáo rỗng đều hoàn toàn xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh.
          - Trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Toàn bộ các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất trong sáng về ý tưởng và văn phong, giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.
          - Phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe.Phải thực sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Người phê phán rất gay gắt những cán bộ đem “giá trị thặng dư” ra nhồi sọ cho bà con nông dân; đem “tân dân chủ nghĩa” ra giáo dục các em nhi đồng; mang “biện chứng pháp” ra nói với anh em công nhân đang học chữ quốc ngữ…(!). Trong cách nói cách viết của mình, Người thường giản dị hoá mọi vấn đề khó hiểu mà không phải là sự đơn giản tầm thường. Sự giản dị, trong sáng trong phong cách diễn đạt của Người bắt đầu từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống văn hóa dân tộc.
          Từ nhận thức về các đặc trưng của phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, việc rèn luyện của cán bộ, đang viên hiện nay cần tập trung vào các nội dung sau:
          Thứ nhất, xác định đối tượng, chủ đề và mục đích của diễn đạt.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn chúng ta, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nói/viết để làm gì? và “Nói/viết cái gì?”. Trước khi thực hiện một bài nói, bài viết nào đó, Người luôn xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích, từ đó tìm cách nói, cách viết cho đúng, cho phù hợp với đối tượng nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Hơn thế, chúng ta còn thấy trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm tính chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Những thông tin trong bài nói, bài viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”, đặc biệt Người ưu tiên lựa chọn và sử dụng những từ thuần Việt nhằm không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Ví như khi nói về chủ nghĩa xã hội - một vấn đề lý luận rất cao siêu và trừu tượng, nhưng lại được Người viết và giải thích rất dễ hiểu. Người thường đặt câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì” và Người trả lời “là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”; "là đoàn kết, vui khỏe”. Sau này khi trình độ dân trí đã được nâng cao, Người giải thích thêm “chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”. Hay như bài “Dân vận”, Người cũng đặt vấn đề: dận vận là gì? ai phụ trách dân vận? dân vận phải thế nào? Cuối bài báo Người kết luận: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công…
         
          Thứ hai, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý của mọi người.
          Trong quá trình chuẩn bị bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể nhằm phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể. Người cho rằng, không ai có thể hiểu được mọi thứ, làm được mọi việc. Lãnh đạo giỏi không phải tự mình nghĩ ra, tự mình làm lấy mà điều quan trọng là phải biết tạo điều kiện cho mọi người được đóng góp sức lực và trí tuệ của mình vào công việc chung, có như vậy mới phát huy hết sức mạnh và trí tuệ của tập thể. Người thường xuyên trao đổi bài viết, bài phát biểu của mình cho nhiều người, lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh bài viết, bài phát biểu sao cho thật phù hợp với đối tượng người đọc, người nghe. Khi viết bài nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Người nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu ngắn, gọn, tập trung vào chủ đề “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”, Người sửa chữa và cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia góp ý, rồi Người bổ sung vào bản thảo những ý kiến góp ý và thay đổi chủ đề thành “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Không chỉ cẩn thận trong bài viết mà ngay trong các bài phát biểu, Người cũng chuẩn bị rất kỹ và thường trao đổi với mọi người về những điều mình sẽ nói. Trong lần về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách, sáng ngày mai nói chuyện với nhân dân, tối hôm trước Người đã thức khuya chuẩn bị bài phát biểu đến 10 giờ tối. Người cầm tờ giấy có nội dung ý kiến phát biểu gặp các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An trao đổi, Người nói: mai Bác gặp đồng bào, Bác nói mấy vấn đề này, các chú xem có được không?... Tất cả điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất cẩn thận trong cách nói và viết. Người thường nhắc nhở và khuyên mọi người: Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng. Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại…
          Thứ ba, chống bệnh ham dùng chữ, sính dùng từ nước ngoài; chống nói dài, viết rỗng.
          Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh  còn chỉ ra rằng phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Người dạy, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta… Còn đối với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã có hại, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại lại càng to…
          Theo Người nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Và Người còn nhắc nhở: viết dài mà rỗng thì không tốt; viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài. Tục ngữ nói: "Đo bò làm chuồng, đo người may áo". Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống là chống nói dài, viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt.
          Tóm lại, những lời chỉ bảo cũng như phong cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe. Đây chính là những bài học quý báu mà Người đã để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, học tập và rèn luyện phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cho chúng ta nâng cao trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó./.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3977
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12795
Tháng này:
62952
Tất cả:
4.361.489