THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC DÂN CHỦ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CẤP CƠ SỞ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đăng lúc: 17:19:28 22/01/2016 (GMT+7)3218 lượt xem


ThS. Lương Trọng Thành
TUV, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chế độ ta là chế độ “Dân là chủ”, “Dân làm chủ”  và khi dân là chủ và làm chủ thì cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ phải thực sự dân chủ. Bởi, chỉ có cách làm việc “dân chủ” mới làm cho cán bộ và quần chúng “đề ra sáng kiến” và “công việc mới chạy”, mới  có thể tập hợp được trí tuệ, tài năng của nhiều người, của tập thể phấn đấu vì mục tiêu chung. Theo đó, Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu đội ngũ cán bộ phải thường xuyên rèn luyện để có được phong cách này. Người cho rằng:"Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc"1. Phong cách làm việc dân chủ bao hàm nhiều nội dung, trong đó đòi hỏi “lối làm việc” phải tuân theo nguyên tắc làm việc dân chủ, tập thể; mục tiêu là phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân; phương châm là phải tin vào dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Đối lập với phong cách làm việc dân chủ là lối làm việc “quan chủ” - lối làm việc quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, xa rời nhân dân, không vì lợi ích của nhân dân.
Về cách làm việc phải tuân thủ nguyên tắc dân chủ, tập thể
Cấp cơ sở là cấp tổ chức thực hiện, cấp hành động, cấp thể hiện sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải có phong cách làm việc dân chủ, tập thể - nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng (nguyên tắc tập trung dân chủ)  thì mới có thể huy động được tối đa trí tuệ, sức mạnh của tập thể trong “đề ra sáng kiến”, trong kiến tạo cách thức tổ chức triển khai, đồng thời mới có thể đề cao vai trò cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, của tập thể. Theo Bác  một người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Gộp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề được thấy rõ mọi mặt. Những việc đã bàn kỹ, quyết định theo tập thể rồi thì phải giao cho cá nhân phụ trách, tránh sự đùn đẩy, tranh công đổ lỗi cho nhau. Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán cách làm thiếu dân chủ, tác phong độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền là mặt đối lập của dân chủ, là kẻ thù của dân chủ, nhưng lại là căn bệnh dễ mắc phải của lãnh đạo. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo không tập thể thì dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, mất dân chủ: "Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau".2 Người yêu cầu: “Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể, khi đã quyết định rồi thì phân công công tác rạch ròi, giao cho mấy đồng chí làm đến nơi, đến chốn.”3 .Thực tế cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc dân chủ, tập thể ở nhiều nơi còn bộc lộ hạn chế, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, khẳng định: “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân4. Chính sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Vì vậy, “Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau".
Về cách làm việc phải hướng vào mục tiêu “bao nhiêu  lợi ích đều vì dân”
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng5. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nhân dân nên tư tưởng nổi bật, cốt lõi và xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí minh đó chính là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, Người từng nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân"6. Bởi vậy, trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ các cấp, phải đặt lợi ích nhân dân dân lên trên hết: "Việc gì có lợi cho dân  phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh"7. Tư tưởng "Tất cả vì lợi ích của nhân dân" chính là kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cở sở, đối lập với tư tưởng này chính là chủ nghĩa cá nhân. Từ chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra "tham lam" vi phạm lợi ích của nhân dân, không quan tâm đến lợi ích của dân, chỉ mưu "vinh thân, phì gia", làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi vậy, mỗi cán bộ cấp cơ sở phải ghi tạc lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết"8 toàn tâm, toàn ý mưu cầu lợi ích cho nhân dân.  Mọi tác động lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải lấy việc đem lại lợi ích của nhân dân làm mục tiêu tối cao, tránh những khuynh hướng lệch lạc, khoa trương, hình thức, không vì lợi ích của nhân dân.
Về phương châm làm việc là phải tin vào dân, dựa vào dân và phát huy sức mạnh của nhân dân
Phong cách dân chủ đòi hỏi phải "Đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm cho dân". Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa, Người căn dặn: "Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem lại lợi ích cho dân"9. Đây là một triết lý vô cùng độc đáo và hết sức sâu sắc, đồng thời có ý nghĩa lớn với việc xây dựng phong cách làm việc dân chủ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đem tài dân, sức dân, của dân, tức là đem toàn bộ sức người, sức của, tinh thần, vật chất, tài năng, của cải, tài sản trong dân để làm lợi cho dân. Nói ngắn gọn, đây chính là triết lý phát huy nguồn lực của dân để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tin vào dân, dựa vào dân và phát huy sức mạnh của nhân dân là nguyên tắc xuất phát từ tư tưởng lấy dân làm gốc, điều đó có nghĩa là phải tin tưởng vững chắc vào sức mạnh to lớn và năng lực sáng tạo của nhân dân, phải đánh giá đúng vai trò của lực lượng nhân dân. Người viết: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra10. Theo đó, trong cách lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần tạo mọi điều kiện để dân dám nói, dám làm, để nhân dân thực sự “là chủ” và “làm chủ”, nhất là trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Để có phong cách làm việc đân chủ Người yêu cầu cán bộ phải: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng"11, thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm vững “dân tâm, dân tình,  dân ý”, phải “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phải rèn luyện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”  cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, sâu sát nhân dân, chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách làm việc dân chủ, xuất phát từ đặc điểm của cấp cơ sở, từ yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá vào năm 2020, tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định: “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất chinh trị, đạo đức, năng lực và phong cách làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh12. Xây dựng phong cách làm việc dân chủ là thành tố quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu cách mạng thời kỳ mới. Phong cách làm việc dân chủ không phải tự nhiên mà có, đó là thành quả của quá trình giáo dục của Đảng, chính quyền MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là quá trình giáo dục tự thân của mỗi cán bộ được thể hiện ở ba nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất,nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền cấp cơ sở
Xây dựng phong cách làm việc dân chủ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết là trách nhiệm của tổ chức đảng ở cơ sở. Theo đó, tổ chức đảng, cần thường xuyên coi trọng việc giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nâng cao chất lượng đại hội và hội nghị của cấp uỷ và tổ chức đảng, mở rộng sinh hoạt dân chủ trong nội bộ đảng; lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở xây dựng cơ chế, quy chế, quy định cụ thể để có sự ràng buộc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có hiệu quả;phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ mối quan hệ trong giải quyết công việc giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Tăng cường thẩm quyền, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị song cần có cơ chế giám sát quyền lực một cách chặt chẽ. Khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể hoặc độc đoán, chuyên quyền; cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, biểu dương, khen thưởng những người có phong cách làm việc tốt, có hiệu quả, ngăn chặn, uốn nắn kịp thời những người có phong cách làm việc chưa phù hợp, kém hiệu quả.
Thứ hai, Phát huy trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội
 Phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tác động trực tiếp đến đời sống mọi mặt của nhân dân. Theo đó, một mặt nhân dân là người cảm nhận sâu sắc nhất về phong cách làm việc của cán bộ thông qua mối quan hệ của cán bộ với công việc, với tổ chức và với nhân dân. Mặt khác việc đóng góp về phong cách làm việc của cán bộ vừa là quyền và nghĩa vụ của nhân dân, nó đảm bảo cho việc xem xét, đánh giá đội ngũ cán bộ được đúng đắn và toàn diện hơn. Bởi vậy, cần tiếp tục thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Quy định số 165-QĐ/TW ngày 18/2/2003 của Bộ Chính trị. Qua đó, cán bộ xem xét, nhìn nhận đánh giá phong cách làm việc của mình phù hợp hay chưa phù hợp, từ đó đặt ra phương hướng học tập, rèn luyện để phong cách làm việc ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn; xây dựng và thực hiện đúng quy chế kiểm tra, giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở theo tinh thần Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về việc tham gia xây dựng Đảng xây dựng chính quyền của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba,Đề cao trách nhiệm tự thân của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở
Để xây dựng phong cách làm việc dân chủ đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cần tăng cường học tập, rèn luyện từ thực tiễn. Chính thực tiễn sôi động giúp cho người cán bộ cơ sở tự ý thức được sự hạn chế, thiếu hụt của bản thân để có kế hoạch học tập và rèn luyện. Đồng thời, giúp cán bộ cấp cơ sở bổ sung, bồi đắp thêm những thiếu hụt về kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng công tác đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.Nghiêm túc học tập và rèn luyện phong cách làm việc thông qua trường lớp - đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, trước hết và quan trọng là học tập, rèn luyện tại trường Chính trị tỉnh, thành phố. Công cuộc đổi mới luôn vận động, sự nghiệp đổi mới ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân, của cấp cơ sở đối với đội ngũ cán bộ ngày càng cao. Đòi hỏi, người cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên phải bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo quản lý, theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể rèn luyện, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Hơn ai hết, người cán bộ cấp cơ sở phải nêu tinh thần gương mẫu học tập, rèn luyện suốt đời theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo Người mỗi cán bộ cấp cơ sở phải thực sự: lời nói đi đôi với việc làm, dân chủ, sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân, quan tâm chăm lo đến lợi ích của nhân dân, có trách nhiệm với dân, tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội.
Tóm lại, cán bộ cấp cơ sở cần phải coi việc rèn luyện, xây dựng phong cách làm việc dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thường xuyên, tự giác và bền bỉ suốt đời. Thực tiễn luôn thay đổi, đặt ra những yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng và trước những tác động của nền kinh tế thị trường, nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện phong cách của bản thân, người cán bộ cấp cơ sở sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, rèn luyện không ngừng, học không chỉ là nghĩa vụ để chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng mà còn phải là nhu cầu tự thân, học tập thường xuyên, học tập suốt đời  để có phẩm chất tốt, đồng thời có nền tảng học vấn cần thiết. Chỉ khi nào học vấn trở thành công cụ nhận thức, công cụ hoạt động làm tăng lên giá trị của chính mình, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, khi đó học vấn mới trở thành văn hóa, trở thành thành tố quan trọng trong phong cách lãnh đạo, quản lý nói chung và phong cách làm việc dân chủ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở./.
 
Tài liệu tham khảo
(1), (8) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG - ST, H, t. 15, tr. 325, 547.
(2) ,(5),(9),(10),(11) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG - ST, H, t. 5, tr. 620, 286, 75, 335, 331.
(3) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG - ST, H, t. 12, tr. 438.
(4). Xem Nghị quyết TW 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
(6), (7). Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. CTQG - ST, H, t. 4, tr. 272, 51.
(12). Xem Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tại Đại hội Đai biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr. 49.
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1703
Hôm qua:
1669
Tuần này:
12995
Tháng này:
50185
Tất cả:
4.983.786