THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Xuân Thắng trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 06:41:43 26/06/2023 (GMT+7)618 lượt xem

 a7.jpg
Tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động Trường Mầm non Xuân Thắng,
Thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ xuân
Trong giáo dục, người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi, đây là lực lượng có nhiệm vụ xây dựng và phát triển con người. Để hoàn thành trọng trách cao cả đó, ngoài việc có trình độ, am hiểu tri thức khoa học sâu rộng, người thầy còn cần có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lòng yêu nghề.
Đối với cấp học mầm non, đạo đức của người giáo viên mầm non chính là lòng yêu trẻ; tinh thần tận tụy với công việc; thực hành tốt các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong công việc và cuộc sống hàng ngày; có tinh thần đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp, chấp hành tốt kỷ luật của ngành, của nhà trường, hoàn thành trách nhiệm công dân.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp với sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, trong những năm qua, đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân luôn phát huy trách nhiệm trong công tác. Trường hiện có 25 cán bộ, giáo viên, người lao động. Trường được thành lập năm 1975, nằm trên địa bàn một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thọ xuân. Trải qua 48 năm xây dựng, phát triển, Trường được sáp nhập vào Thị trấn Sao Vàng. Từ chỗ cơ sở vật chất còn đơn sơ, lớp học tranh tre, vách nứa tạm bợ, đến nay, Trường đã có cơ ngơi khang trang, gồm 2 khu với 10 lớp học và đầy đủ các phòng hiệu bộ, chức năng. Trường có khuôn viên rộng rãi, sạch đẹp với trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 300 trẻ. Trong những năm qua, Nhà trường đã đạt được những kết quả và thành tích đáng tự hào. Năm 2018 Trường vinh dự được công nhận là trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Trong những năm qua nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền; đặc biệt, Nhà trường nhậnđược sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thọ Xuân, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Ban đại diện Hội phụ huynh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động nghiêm túc thực hiện đủ các tiêu chí theo Điều lệ trường mầm non; có tư cách đạo đức tốt, phẩm chất chính trị vững vàng; nhiệt tình, có trách nhiệm; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giáo; năng động, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Bộ máy cán bộ lãnh đạo quản lý dưới sự chỉ đạo phân công của Hiệu trưởngcó sự phân công công việc rõ ràng theo năng lực, sở trường và theo lĩnh vực phụ trách chăm sóc và giáo dục trẻ, đảm bảo không có sự chồng chéo nhau trong công tác chỉ đạo quản lý.
Vớitinh thần “Tất cả vì các em học sinh thân yêu”, đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường đã chăm chút giữ gìn lương tâm, danh dự; với đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh và đồng nghiệp. Trong công tác chuyên môn, Nhà trường thực hiện công bằng trong giáo dục, đánh giá đúng thực chất chất lượng các mặt phát triển của học sinh; thực hiện đúng quy định của Điều lệ trường mầm non, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích. Bên cạnh đó, giáo viên Nhà trường luôn tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, nhất là những yêu cầu mới của Chương trình giáo dục mầm non mà Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.
Trong thời gian qua, đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Xuân Thắng đã thực hiện tốt phẩm chất đạo đức của người giáo viên mầm non trong giao tiếp, ứng xử với trẻ. Theo đó, các cô giáo luôn yêu thương trẻ như con, khéo léo và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của trẻ là: được ăn, được vui chơi và học tập; yêu thương từng trẻ; nhạy cảm và tinh tế trong chăm sóc và giáo dục trẻ tạo bầu không khí ấm cúng như gia đình; tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, các cô giáo luônđảm bảo cho trẻ phát triển tối đa những tiềm năng vốn có theo khoa học, theo mục tiêu đào tạo của ngành giáo dục mầm non.
Trong giao tiếp ứng xử với trẻ, các cô giáo luôn bằng những cử chỉ dịu hiền, tận tụy, khéo léo, nhẹ nhàng, cởi mở, vui tươi; tôn trọng trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, đã tạo ra bầu không khí thân thiện, cởi mở trong suốt quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ nên đã mang đến cho trẻ cảm giác an toàn, bình yên, dễ chịu khi được đến trường.Trước mỗi tình huống, giáo viên đã bình tĩnh, không vội vàng, nóng nảy để có hướng giải quyết hợp lý nhất; linh hoạt trong cách xử lý tình huống với trẻ, không cứng nhắc; tạo nhiều cơ hội để trẻ được thể hiện trong các tình huống khác nhau; luôn ứng xử công bằng với tất cả trẻ, không phân biệt so sánh trẻ này với trẻ khác; dành tình yêu và sự  quan tâm với tất cả các trẻ như nhau; luôn quan tâm để hiểu trẻ, tìm những điểm tốt điểm tích cực của trẻ, để nêu gương khích lệ tạo cho trẻ có được sự tự  tin, phấn khởi.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong thời gian qua, do mặt trái của cơ chế thị trường với những yếu tố tiêu cực, đã xâm nhập, tác động tới nhận thức của một số ít giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non ngoài biên chế (hợp đồng xã, trường). Một bộ phận giáo viên chưa hiểu trẻ và nhu cầu của trẻ, chưa thật sự chú ý, tập trung, lôi cuốn trẻ, khích lệ trẻ tham gia vào các hoạt động chung, chưa tạo được không khí thật sự vui tươi và kích thích những ham thích, hứng khởi cần có ở trẻ. Một số ít giáo viên đôi khi không kiềm chế được cảm xúc nên vẫn còn hiện tượng nóng giận, bực bội, la mắng, trách móc trẻ nên ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Trước những yêu cầu mới về nâng cao phẩm chất đạo đức của người giáo viên, Trường Mầm non Xuân Thắng đề ra các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức về thái độ, đạo đức củangười giáo viên mầm non trong giao tiếp, ứng xử với trẻ. Theo đó, Nhà trường cần tăng cường nhận thức cho đội ngũ giáo viên thông qua hiểu biết về kiến thức pháp luật, về yêu cầuchuẩn mực đạo đức của giáo viên mầm non, về đặc điểm tâm sinh lí của trẻ em. Việc tăng cường tổ chức các hội nghị, toạ đàm, học tập chuyên đề, mời diễn giả về nói chuyện là các hình thức hiệu quả để nâng cao nhận thức cho giáo viên Nhà trường về ý nghĩa, tầm quan trọng của nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai,rèn luyện hành vi đạo đức của người giáo viên mầm non. Theo đó, Nhà trường cần tổ chức rèn luyện hành vi, thói quen đạo đức của giáo viên mầm non trong các tình huống giao tiếp, ứng xử với trẻ mầm non; đồng thời, cần tăng cường giám sát, hỗ trợ và điều chỉnh giáo viên mầm non trong giao tiếp ứng xử với trẻ mầm non.
Thứ ba,đảm bảo các điều kiện để giáo viên mầm non nâng cao đạo đức trong giao tiếp, ứng xử với trẻ. Nhà trường cần tăng cường đầu tư đảm bảo điều kiện làm việc, môi trường làm việc để giảm áp lực đối với giáo viên mầm non; động viên, đãi ngộ và tôn vinh những giáo viên được đánh giá cao của phụ huynh và học sinh.
Đạo đức nghề nghiệp là vô cùng quan trọng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Mỗi cô giáo Trường Mầm non Xuân Thắng cần phát huy tình yêu nghề nghiệp, chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học để hấp dẫn trẻ; khi đó, trong trái tim trẻ thơ, mỗi cô giáo sẽ là những người mẹ hiền thực sự, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Thọ Xuân nói riêng, của đất nước nói chung, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.
Học viên: Lê Thị Thành
Lớp: TCLLCT A7-K50
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non Hạng III (NXBGD) - Hoàng Đức Minh. Nguyễn Thị Mỹ Chinh.
2. Báo cáo tổng kết công tác Đảng Trường Mầm non Xuân Thắng năm 2022.
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
731
Hôm qua:
1732
Tuần này:
5975
Tháng này:
53659
Tất cả:
5.058.532