THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Ấn tượng từ nắng Quan Hoá

Đăng lúc: 15:53:26 25/06/2015 (GMT+7)2090 lượt xem

 
Phùng Bích Thuỷ
 
Quan Hoá là một huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hoá. Qua chặng đường 140km dọc theo quốc lộ 47 và 15A từ thành phố Thanh Hoá, bạn sẽ tới Quan Hoá, một huyện miền núi có diện tích gần 100.000 ha với 17 xã và 1 thị trấn với dân số khoảng 47.000 người, trong đó 67% là người dân tộc Thái[2]. Hồi Xuân là một huyện lị của Quan Hoá. Chưa đi chưa biết Hồi Xuân, đi về mới biết tại sao đài khí tượng thuỷ văn thường xuyên cập nhật tin tức thời tiết từ nơi này. Miền đất Quan Hoá chứa đựng trong nó biết bao điều thú vị, kỳ lạ và cũng rất nên thơ.
Nóng, oi bức, đó là cảm giác đầu tiên ập đến khi tôi bước ra khỏi xe ô tô. Đó là một buổi chiều đầu tháng 5/2015, mùa hè mới bắt đầu, trời chưa phải là đã rất nóng. Có thể coi là trận nắng đầu mùa hè, theo đúng nghĩa của nó. Nhìn từ trong xe, không khí không hề có biểu hiện của sự khó chịu. Những đồi, những núi luồng trải dài, chạy hút tầm mắt. Phía sau những cánh đồng dù không phải rộng thẳng cánh cò bay, nhưng một chút quanh co của núi đồi, vài nếp nhà sàn người Thái, ít bụi cây, chừng đó thôi cũng đủ khiến người ta tưởng rằng bầu không khí ngoài đó thật dễ chịu.
Xuống xe mới hiểu dù cái nắng không chói chang nhưng hơi từ những ngọn núi đá vôi phả xuống, quyện lấy những ngôi nhà, khiến cho cái nóng có phần tăng nhiệt không biết chừng nào giảm.
Luồng, màu xanh của nó thật đặc biệt. Không phải xanh xanh điểm chút vàng vàng như tre. Những bụi luồng lá to và dài hơn, xanh mướt hơn, ngọt ngào hơn. Những thân luồng thẳng và khoẻ, và mạnh mẽ nữa, nó cho ta cảm giác vững vàng, chắc chắn như những chàng trai mới lớn, 17 tuổi, đứng hiên ngang và quyến rũ đầy nam tính. Chẳng ở đâu nhiều luồng như đất Quan Sơn, Quan Hoá. Riêng ở Quan Hoá, đất trồng luồng đã chiếm gần 85% tổng diện tích của huyện[3]. Đất nghèo, chẳng có gì, ngoài những "chàng trai" luồng miền núi, cái chân chất ẩn mình trong sự giản dị mà chân quê. Tôi ngạc nhiên với chính suy nghĩ của mình, vì đó là điều người ta thường chỉ dành để khen tặng những thiếu nữ sinh ra phía sau luỹ tre làng.
Những đàn bướm, nhỏ, màu vàng chanh, bay ngập trời. Tôi hỏi người bạn đường, nhưng anh ấy cũng không biết chính xác đó là loại bướm gì. Bướm bay trên đường, trên những ruộng ngô, trên mái nhà, xuyên qua những khoảng sân và những bụi cây. Bướm ở khắp mọi nơi, làm cho bạn cảm giác mình đang ở trong rừng, chứ không phải là một nơi có đông dân cư. Cái cảm giác thiên nhiên trong lòng cuộc sống làm cho ấn tượng về Quan Hoá có phần đặc biệt hơn những vùng đất khác, có lẽ bởi những đàn bướm, hàng trăm ngàn con, nhỏ bé, rung rinh, lấp lánh xanh xanh, vàng vàng, cốm cốm, như hoà lẫn màu xanh của luồng. Và với tôi, đó là màu xanh Quan Hoá...
Tới Quan Hoá, bạn không thể không tới thăm hang Phi (hang ma), hang Cáng, hang Ké, hang Co Phày hay động táng người ở hang Pó Cúng (hang Lũng Mu). Những hang động cheo leo trên đỉnh núi ở miền Tây xứ Thanh từng là nơi an táng hàng trăm quan tài theo nghi thức động táng. Chỉ tính riêng khu vực thị trấn Quan Hóa có đến gần 10 hang động lớn nhỏ chứa đựng hàng trăm quan tài cổ[4].
Trong ánh nắng của buổi chiều tà nơi phố núi, bước từng bậc thang lên đồi Pom Kéo, bạn sẽ thấy nơi đặt bia mộ thờ tướng quân Khằm Ban - một vị tướng văn võ song toàn, lập nhiều chiến công lớn, được vua Lê Thái Tổ sắc phong làm thượng tướng quân thống lĩnh toàn bộ vùng biên giới tây bắc từ Thanh Hóa - Nghệ An đến Lào Cai bây giờ[5].
Đứng bên bia mộ tướng quân Khằm Ban, trong ánh hoàng hôn chạng vạng, những ngọn gió nhẹ thổi qua với âm thanh như vang vọng tiếng của một buổi chiều 500 trăm năm trước, những ngọn cờ, như khuôn mặt hừng hực khí thế, sự quyết tâm và ý chí sắt đá của đoàn quân mà tướng Khằm Ban chỉ huy. Tôi như thấy một khuôn mặt rắn rỏi, một đôi mắt sáng ngời và một dáng đứng hiên ngang. Vùng đất này, không chỉ là nơi cư trú của người Việt Cổ hàng ngàn năm trước, không chỉ là nơi phong cảnh hữu tình, mà còn là nơi đặt dấu chân của những con người anh linh hiển hách.
Buổi tối giao lưu thật vui. Các cô giáo trẻ chiều lòng khách phương xa, mặc trang phục truyền thống của người Thái tới giao lưu văn nghệ với anh em trong đoàn. Bác Bí thư, Chủ tịch UBND huyện trông thật thà, đôn hậu và tiếp đoàn thật nồng ấm. Chén khách, chén chủ nhà, những nụ cười hoà trong tiếng hát và tiếng cổ vũ chân thành của tất cả mọi người. Tôi chợt nhớ câu nói của bác Chủ tịch Huyện "40-50 người đã chết ở đây, bây giờ thì đủ giáo viên rồi". Sốt rét... nghèo đói... cái chết.. việc thiếu giáo viên... những đứa trẻ con nhà nghèo... quần áo không đủ mặc... chân đi đất... đầu đội nguyên cả cái nắng chang chang để đến trường... những điều đó cứ chập chờn, va đi va lại trong căn phòng mà sự tưởng tượng dường như bị đập vào bức tường đá dày và sắc lạnh tạo ra những âm thanh chát chúa. Chỉ bốn từ "đủ giáo viên rồi", nhưng phải từ đầu tiệc liên hoan tới khi tiệc tàn, tôi mới tin là tôi hiểu được nó. Tự nhiên tôi nhớ tới câu "Cao su đi dễ khó về...". Trên đất nước này, khi chợt dừng chân ở những miền đất mà những người cho rằng mình biết và đi nhiều, bỗng nhiên lại cảm thấy xót xa, vì vẫn còn không phải là ít những điều mình chưa thực sự biết và thực sự hiểu. Cái mà hàng ngày chúng ta tưởng là "chuyện bình thường ở huyện", nhưng là một kỳ tích, mà để có được nó, những con người đây đã phải nỗ lực, phải vật lộn và phải hy sinh biết bao mới có được.
Sáng sớm thức dậy, bạn không thể tìm thấy một ngọn gió nào, dù là vắt vẻo hay len mình trên những rặng cây phía chân núi xa xa. Đi được một đoạn đường, tôi phát hiện mình đi về hướng Hà Nội. Vậy là tôi lại quay về hướng ngược lại. Chỉ vài trăm mét, nhưng đã là hết thị trấn của một xã với diện tích gần 70km².
Địa phận này trở về với cái tên Hồi Xuân. Vùng đất Hồi Xuân (và huyện Quan Hóa nói chung) trước kia có tên gọi là Mường Ca Da. Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là một trong bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của người Thái ở miền núi phía Tây xứ Thanh.  “Ca da” trong tiếng Thái có nghĩa là “quạ chữa thuốc”[6].
Những rìa đường đất hoà mình vào trong lòng đường nhựa, màu đất vàng vàng đó chạy mãi theo con đường bạn đi, ra tới bờ sông. Đâu là nơi ba sông hợp lại nhỉ? Sông Mã, Sông Luồng và Sông Lò, liệu đứng từ trên này có thể nhìn thấy con cá nhỏ bé nào đó không? Nước sông nhiều phù sa, màu nước điển hình của miền Tây Bắc, một màu vàng nâu, len lỏi giữa những bờ đầy đá phiến, đá cuội, với bờ sông đôi chỗ nằm sát thành núi dựng đứng, làm cho người tham quan cảm thấy họ đang đi xuyên thời gian nhiều ngàn năm trước. Nó tách rời với nền văn minh, điều thường cảm nhận được khi bạn đứng bên một dòng sông trong vắt và hiền hoà, nép mình bên các thành phố và đô thị phồn hoa.
Hít thở một hơi thật dài, không khí ban mai nơi miền núi trong lành, dù cảm nhận rõ sự ẩm ướt không bao giờ có thể nhầm lẫn của khí hậu miền nhiệt đới, ta vẫn cảm thấy vô cùng khoan khoái. Tìm một chiếc cầu, để có thể chụp vài kiểu ảnh giữa lòng sông, "check in" tại một mốc tỉnh lộ với nụ cười thật tươi.
Tạm biệt Quan Hoá với mấy quả xoài xanh hái từ cây trồng trong Ban quản lý rừng quốc gia Pù Hu. Tôi không biết mùi vị của những quả xoài này có khác biệt gì so với những quả xoài dưới xuôi không, nhưng có lẽ sẽ phải rất khác, vì nó lớn lên trên đất Quan Hoá, nóng ẩm, khắc nghiệt và xa xôi, trên đất của luồng, của cá ba sông, của những người Thái thật thà và nhân hậu./.


[1] Giảng viên Khoa Xã hội học-Khoa học Lãnh đạo, Quản lý - Học viện Chính trị KVI.
[2]UBND Huyện Quan Hoá. (2014). Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh năm. UBND Huyện Quan Hoá.
[3]Dự án 600. (2013, Sep 19). Huyện Quan Hoá. Retrieved Jun 3, 2015, from Duan600.vn: http://duan600.vn/huyen-ngheo/Huyen-Quan-Hoa-Thanh-Hoa-3/
[4]Vy, A. (2013, Oct 18). Động táng người ở Quan Hóa, xứ Thanh. Retrieved Jun 3, 2015, from Dulich.vnexpress.net: http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/thanh-hoa/dong-tang-nguoi-o-quan-hoa-xu-thanh-2895508.html
[5]Hà, Đ. (2011, Feb 17). Khám phá vùng đất Mường Ca Da. Retrieved May 30, 2015, from Dulich.tuoitre.vn: http://dulich.tuoitre.vn/tin/trai-nghiem-kham-pha/20110217/kham-pha-vung-dat-muong-ca-da/424836.html
[6]Hoàng, S., & Phạm, H. (2012, Jun 5). Kỳ bí Hang Ma: Hé mở những bí ẩn về những cỗ quan tài "bay" (kỳ 2). Retrieved Jun 3, 2015, from Giaoduc.net.vn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ky-bi-Hang-Ma-He-mo-nhung-bi-an-ve-nhung-co-quan-tai-bay-ky-2-post64998.gd
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1116
Hôm qua:
1497
Tuần này:
7235
Tháng này:
15156
Tất cả:
5.107.665