HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng

Đăng lúc: 08:32:36 03/02/2020 (GMT+7)1778 lượt xem

 ThS. Lê Ái Bình 
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
         
Cách đây 90 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã đánh dấu bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã trải qua những chặng đường oanh liệt, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX và XXI mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, lịch sử 90 năm qua của Đảng phát triển không phải theo một đường thẳng tắp, trơn tru mà có những thời điểm đầy khúc khửu, gập ghềnh với những thử thách ngặt nghèo đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng và sự sáng tạo, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ thực tiễn quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam có thể thấy, bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện trước hết là sự kiên định con đường cách mạng, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Không bi quan, dao động trước những khó khăn thử thách, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó là sự kiên định con đường giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết, nhiệm vụ chống phong kiến rải ra từng bước, phục vụ cho nhiệm vụ chống đế quốc, thực hiện nhiệm vụ cơ bản, trước mắt của cách mạng. Đó là quyết định đồng thời tiến hai chiến lược cách mạng ở hai miền trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt...Đặc biệt, trong bối cảnh những năm đầu thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng trầm trọng của CNXH trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định con đường cách mạng mà Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã nêu: "Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng"[1].
Thứ hai, bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện ở những thời điểm khó khăn, cam go của cách mạng, Đảng đã có những quyết sách sáng suốt, kịp thời, chủ động chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thách thức.
Ngay sau khi Đảng mới vừa ra đời, Đảng đã phát động được phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng Nhân dân, với đỉnh cao là ở Nghệ An – Hà Tĩnh, nhưng ngay khi phong trào nổ ra, đặc biệt trong những năm 1932 – 1935, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách khủng bố trắng, hệ thống tổ chức của Đảng bị tan vỡ hoàn toàn từ trung ương đến địa phương, phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân giảm dần và lắng xuống. Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị vững vàng, các cán bộ, đảng viên của Đảng luôn giữ vững niềm tin tất thắng, ý chí kiên cường bất khuất, giữ vững ý thức tổ chức và kỷ luật, sắc bén và kịp thời trong công tác tư tưởng để lãnh đạo đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, khôi phục được hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng, tạo điều kiện đưa cách mạng bước vào giai đoạn mới và giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước nguy cơ mất còn của nền độc lập và chính quyền cách mạng do sự bao vây, can thiệp, xâm lược của các thế lực đế quốc, sự chống phá của bọn phản động trong nước, cùng với những khó khăn chồng chất cả về kinh tế, tài chính, văn hóa – xã hội, một lần nữa bản lĩnh, trí tuệ của Đảng lại được thể hiện trước những thử thách hiểm nghèo của lịch sử. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất và điều kiện lịch sử cụ thể, việc kiên quyết giữ vững nguyên tắc chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược ngoại giao thêm bạn bớt thù và sự nhân nhượng có nguyên tắc và với quyết định ra "Thông cáo giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương" ngày 11-11-1945 (thực chất là rút vào hoạt động bí mật) là một sách lược phù hợp với sự lãnh đạo trong thời kỳ đất nước đang diễn ra cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vô cùng gay gắt. Do đó đã hạn chế tới mức thấp nhất sự phá hoại của các lực lượng phản động, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trước cơn sóng gió.
Bản lĩnh chính trị vững vàng trước những khó khăn thử thách của Đảng với sự tự tin và chủ động trong những quyết sách đúng đắn tiếp tục thể hiện trong quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và quyết định của Nghị quyết Trung ương 15 (1959) khởi nghĩa từng phần, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách độc đáo, khéo léo, đáp ứng khát vọng của Nhân dân yêu nước và cán bộ miền Nam, được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt là với phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" để đi đến quyết sách đổi mới toàn diện trước sự khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 của thế kỷ XX.
 Thứ ba, bản lĩnh chính trị của Đảng còn thể hiện ở sự dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, thẳng thắn tự phê bình và phê bình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[2].
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã có những lúc phạm sai lầm khuyết điểm. Bản lĩnh chính trị của Đảng đã thể hiện trong phê và tự phê một cách nghiêm túc. Ngoài những văn kiện quan trọng về phê bình và tự phê bình trong các kỳ đại hội Đảng, ngay trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng đang phải hoạt động bí mật, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có tác phấm Tự chỉ trích. Những năm đầu toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người có bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong các tác phẩm ấy đã phản ánh tinh thần phê và tự phê của Đảng trong mọi hoàn cảnh.
 Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng đã dũng cảm, kịp thời chỉ rõ những hạn chế khiếm khuyết và tích cực sửa chữa khuyết điểm nên đã lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Chẳng hạn, Chỉ thị gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng ở Trung Kỳ, của BCH Trung ương Đảng, ngày 20-5-1931; Các nghị quyết trong Hội nghị lần thứ 10 khóa II (năm 1956) về sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức; Về Kết luận của Bộ Chính trị về một số khiếm khuyết trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ; Về những nhận định, đánh giá trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, trong Cương lĩnh năm 1991. Đặc biệt là trong các văn kiện của các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới, nhất là trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ tư, bản lĩnh chính trị còn là tinh thần đấu tranh để bảo vệ lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Bởi thựctế cách mạng Việt Nam cho thấy, sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc ngoài phải đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược hung bạo để giành độc lập, tự do, thì đồng thời lại phải chống lại cả sự phá hoại về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch hòng đưa cách mạng đi chệch hướng dẫn tới thất bại.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa Tờrốtxky và những phần tử tơrốtxkít phá hoại phong trào cách mạng các nước, trong đó có cách mạng Việt Nam.
Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, xuất hiện chủ nghĩa xét lại tiến công vào giá trị khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh, phê phán chủ nghĩa xét lại và mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và ở các nước xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa III (12-1963) của Đảng “Về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng” là đóng góp quan trọng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận. 
Cuối những năm 80 đầu những năm 90, chủ nghĩa xét lại và cơ hội một lần nữa gây ảnh hưởng xấu, tổn thất lớn trong các nước xã hội chủ nghĩa. Những người xét lại đã nắm quyền lãnh đạo ở các nước xã hội chủ nghĩa và dẫn các nước xã hội chủ nghĩa tới sự khủng hoảng toàn diện, sâu sắc chưa từng có và làm tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa  ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1989-1991. Vẫn thủ đoạn phủ định và coi chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời để xóa bỏ con đường XHCN, phá tan những thành quả to lớn của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng. Từ phá hoại nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng để phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, truyền bá chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng; đề cao dân chủ tư sản với chiêu bài dân chủ hóa, công khai hóa; phủ nhận những thành quả cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo và chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã sớm nhận thấy những diễn biến tiêu cực của các Đảng và các nước xã hội chủ nghĩa, nên đã chủ động phòng ngừa những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Sự chủ động trong đấu tranh và phòng ngừa thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) của Đảng đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đổi mới đúng hướng, đúng mục tiêu và có hiệu quả. Đại hội VII (6-1991) của Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định dứt khoát con đường xã hội chủ nghĩa và Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Sau 30 năm đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trong đó có thành tựu của công tác tư tưởng, lý luận, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, phát triển tư duy sáng tạo. Đại hội đánh giá: “Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[3].
Như vậy, có thể khẳng định rằng, ngay từ khi mới vừa được thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bản lĩnh chính trị của Đảng đã được hình thành, tôi luyện và thử thách. Đây chính một nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị ở các thời kỳ lịch sử trước đây và tiếp tục đặt ra trong thời kỳ hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước đang đặt Đảng ta đứng trước nhiều vấn đề mới và hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ; trình độ nhận thức, trí tuệ có mặt còn hạn chế; công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn những yếu kém; các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng, ra sức xuyên tạc, vu cáo, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, hòng làm tan rã Đảng từ bên trong. Bên cạnh đó, thực tiễn hơn 30 năm đổi mới và phát triển cũng làm xuất hiện những mối quan hệ lớn đòi hỏi Đảng phải nắm vững và giải quyết. Trong tình hình ấy, nếu Đảng không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không gương mẫu, trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ; không có cơ sở chính trị - xã hội vững chắc thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, toàn Đảng từ đảng viên thường đến lãnh đạo cấp cao phải không ngừng phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; không dao động trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức căn bản của Đảng; nâng cao cảnh giác cách mạng, ngăn ngừa và kiên quyết khắc phục những lệch lạc, sai lầm cả trong nhận thức và hành động để bảo vệ vai trò, uy tín chính trị của Đảng, nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, để Đảng luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2010, t51, tr 13-14
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr 301
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.186
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2034
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12347
Tháng này:
43993
Tất cả:
4.408.873