HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử huyện Thọ Xuân

Đăng lúc: 08:18:34 18/10/2019 (GMT+7)1230 lượt xem

ThS. Lê Đình Tư
Phòng QLĐT & NCKH
 
Thọ Xuân là huyện tiếp nối giữa các huyện đồng bằng và miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, diện tích tự nhiên trên 30.000 ha, dân số trên 240.000 người, điều kiện địa lý, tự nhiên tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Có 41 đơn vị hành chính gồm 38 xã và 3 thị trấn, Đảng bộ huyện có 76 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 13.000 đảng viên. Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê; nơi ra đời Chi bộ Yên Trường - 1 trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh và là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (tại Yên Trường - Thọ Lập, ngày 29/7/1930), vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là vấn đề cấp thiết và trở thành nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của huyện Thọ Xuân.
 Thực hiện Kết luận 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã xây dựng Kế hoạch số 98-KH/HU, ngày 30 tháng 10 năm 2017, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện của các ngành chức năng và các địa phương có các loại hình di sản. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 55 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp Quốc gia, 48 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 01 di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia. Trong số các di tích được xếp hạng, có 04 di tích lịch sử cách mạng (02 di tích cấp Quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh). Các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn huyện được quản lý và từng bước được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp nhằm khai thác giá trị văn hoá các di tích phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân và thu hút khách du lịch.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống. Các lễ hội đều gắn với các nhân vật lịch sử được thờ tại các di tích. Hàng năm các lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn nét văn hóa của địa phương, đồng thời tôn vinh công lao của các nhân vật lịch sử, tuyên truyền giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước, phát huy giá trị của di tích góp phần thu hút con em quê hương, Nhân dân và du khách trên khắp mọi miền tổ quốc về dâng hương, tìm hiểu lịch sử. Một số lễ hội thu hút lượng khách lớn như: Lễ hội Lam Kinh (diễn ra từ ngày 21-22/8 âm lịch), lễ hội Lê Hoàn (diễn ra từ ngày 07-08/3 âm lịch), lễ hội làng Xuân Phả (ngày 10/2 âm lịch)...
          Thọ Xuân cũng đang duy trì một số làng nghề với các sản phẩm nổi tiếng như: Bánh gai Tứ Trụ (Thọ Diên); Bánh lá răng bừa (Xuân Lập); Kẹo lạc (Xuân Yên); Nem chua (Xuân Bái); Nem nướng (thị trấn Thọ Xuân); Nghề làm nón lá (Thọ Lộc); Đồ Mỹ nghệ (Xuân Bái, Thọ Minh, Bắc Lương). Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm khác: Bưởi Luận văn; tranh đá, tranh gạo rang... Các làng nghề, sản phẩm trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay có tác dụng thu hút khách du lịch, có thể khai thác để phát triển du lịch.
Trong những năm qua, để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội, huyện Thọ Xuân đã có nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, nhằm tăng cường quảng bá, phát huy các giá trị của các di tích, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, như:
Biên soạn sách "Lịch sử - Văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa” (năm 2012) với mục tiêu làm tài liệu giảng dạy, tham khảo trong hệ thống trường học. Đây là tài liệu cơ bản, quan trọng giúp giáo viên tham khảo, dạy lồng ghép vào chương trình lịch sử địa phương; giúp học sinh học tập, tham khảo để có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng Thọ Xuân ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường.
Biên soạn sách “Thọ Xuân - Di tích và Danh thắng” (năm 2015). Đây một ấn phẩm được in màu toàn bộ, nguồn tư liệu đa dạng, nhiều tư liệu lần đầu được công bố. Sách giới thiệu những di tích và danh thắng tiêu biểu của huyện Thọ Xuân với hệ thống hình ảnh phong phú, chất lượng cao, khắc họa đậm nét truyền thống lịch sử, văn hóa của Thọ Xuân và góp phần quảng bá hình ảnh Thọ Xuân với du khách gần xa. Đây thực sự là một ấn phẩm quý - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015 và làm tài liệu tham khảo, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân.
Từ đầu năm 2016, Ban Thường vụ chỉ đạo mở thêm chuyên mục “Thọ Xuân trong tiến trình lịch sử dân tộc” trong cuốn “Thông tin nội bộ” làm tài liệu sinh hoạt ở các chi bộ. Trong chuyên mục này lần lượt giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương Thọ Xuân. Nội dung một vấn đề được chia làm nhiều phần, mỗi số biên tập, giới thiệu một phần thành một bài viết ngắn, phù hợp với thời lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở.
Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện xây dựng chương trình, đưa vào giảng dạy và hướng dẫn học viên thảo luận nội dung lịch sử - văn hóa, truyền thống của Đảng bộ huyện, truyền thống của quê hương Thọ Xuân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước ở các chương trình đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên của MTTQ và các đoàn thể, cán bộ lãnh đạo ở cơ sở…
Ban Thường vụ đã chỉ đạo Huyện đoàn tổ chức các hoạt động đẩy mạnh việc giáo dục lịch sử truyền thống với nhiều hình thức phong phú, tập trung vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, thành lập Đoàn, ngày sinh nhật Bác, ngày cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chung kết Hội thi “Khi tôi 18” cấp huyện năm học 2017 - 2018 với chủ đề “Tuổi trẻ Thọ Xuân học tập và làm theo lời Bác”; Hội thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa địa phương Thọ Xuân, Thanh Hóa” thông qua hình thức “Rung chuông vàng” tổ chức tại 83/83 Liên đội và chọn cử thiếu nhi xuất sắc nhất tham gia chung kết hội thi cấp huyện. Các câu hỏi của các hội thi đã lồng ghép, đan xen tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến thế hệ trẻ những kiến thức về lịch sử, văn hóa của quê hương.
   Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của Thọ Xuân còn một số khó khăn, như: Nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử chưa tương xứng; việc sản xuất đồ lưu niệm phục vụ khách tham quan chưa được chú trọng, chủ yếu mang tính tự phát, do dân nghĩ, dân làm; công tác tuyên truyền về các giá trị văn hóa – lịch sử của huyện chưa phong phú, thiếu chuyên nghiệp…
Nguyên nhân của những hạn chế trên, chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của những giá trị văn hóa – lịch sử chưa thực sự  sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi khi chưa quyết tâm, còn lúng túng; việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới; chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
   Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, huyện Thọ Xuân cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kiên trì và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa thông qua nhiều kênh khác nhau: Trong các nhà trường; trên cổng thông tin điện tử của huyện; qua cuốn “Thông tin nội bộ”; qua hệ thống Đài truyền thanh; qua hệ thống pano, áp phích, tờ rơi... Chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, học sinh các nhà trường; triển khai có hiệu quả khẩu hiệu “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO.
Hai là, triển khai thực hiện các chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng nhà trưng bày di tích, tài trợ cho những chương trình nghiên cứu, các hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử, về di tích... Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Ba là,tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của huyện.
Ba là, xây dựng và triển khai Đề án Du lịch huyện Thọ Xuân gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử. Xác định du lịch là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ... Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Bốn là, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, các di tích. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
          Các giá trị văn hóa, lịch sử, các di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử là nền tảng, là nguồn động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Thọ Xuân nói riêng trong thời gian tới, đồng thời góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và của cả cộng đồng./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1941
Hôm qua:
1836
Tuần này:
10271
Tháng này:
41917
Tất cả:
4.406.797