HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay

Đăng lúc: 10:19:50 06/03/2020 (GMT+7)2263 lượt xem

  
                                  Giảng viên: Nguyễn Thị Kiều Trang
                                        Khoa Xây dựng Đảng
 
Trong suốt chặng đường cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, quyền bình đẳng nam - nữ đã được đề cập tới như là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt, Đảng luôn chú trọng đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội, có phẩm chất, trình độ và năng lực tham gia mọi lĩnh vực của đời sống. Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “…Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”[1]
 Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội, trong quản lý nhà nước và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, như Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới chỉ rõ: "Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là một yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ"[2]; Luật Bình đẳng giới (năm 2006); Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định nhiệm vụ, giải pháp “Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ chủ chốt lãnh đạo là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”[3]; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước…”[4]. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”[5]. Quan điểm, chủ trương của Đảng đã tạo cơ hội thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; bảo đảm sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của phụ nữ trong suốt tiến trình phát triển, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, động viên, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia chính trị. Nhiều văn bản được ban hành như: Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới giai đoạn 2012 – 2020; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 12/6/2017 của UBND tỉnh về Thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 505/2017/QĐ-UBND ngày 17/02/2017 về việc Quy định việc hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư theo Nghị Quyết 36/2016/NQ –HĐND ngày 08/12/2016, trong đó có chính sách quan tâm và ưu đãi phụ nữ các dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, vùng sâu vùng xa, có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao… Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng, quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hội, đoàn thể từng bước được quan tâm.
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, kết quả bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng: Trong bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ trúng cử tham gia vào đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và cấp ủy đã được tăng lên so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: Nữ đại biểu Quốc hội: 04/14, đạt 28,57% (tăng 9,82%); Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 17/95, đạt 17,89% (tăng 4,07%);  Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 257/993, đạt 25,88% (tăng 4,22%); Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 3.798/16.031, đạt 23,69% (tăng 3,4%)[6].
Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và giữ các chức vụ chủ chốt ngày càng tăng. Tính đến 12/2019, toàn tỉnh có 44.267/68.813 cán bộ công chức, viên chức nữ chiếm 64,3%; trong đó có 78 đồng chí là nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (chiếm 21% tổng số cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý), số cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên là 809 đồng chí[6].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ nữ ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo quản lý ở các cấp, các ngành vẫn còn thấp, cụ thể: Cán bộ nữ cấp ủy cấp xã: 1.622 (18,68%); cấp huyện: 178 (15,03%); cấp tỉnh: 07 (9,8%)[7]; một số chức danh chủ chốt tỷ lệ cán bộ nữ được giới thiệu quy hoạch dưới 10%[8].
Vì vậy, để nâng cao và đảm bảo tỷ lệ nữ giới tham gia vào lĩnh vực chính trị góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể. Để có một người phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nhiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn.
Hai là, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân, cộng đồng và xã hội thông qua công tác tuyên truyền về giới góp phần thay đổi nhận thức về giới. Những hình ảnh phụ nữ gắn với vai trò xã hội, nam giới làm công việc gia đình đang dần làm thay đổi nhận thức trong công chúng rằng, nam hoặc nữ đều có thể làm bất cứ công việc gì phù hợp với khả năng của họ nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội mà không có sự phân định rõ ràng cho một giới nào khác. Từ nhận thức giới được thay đổi thông qua hình tượng giới, hành vi giới sẽ thay đổi dần theo hướng tiến bộ bình đẳng nam nữ. Một mặt chúng ta khẳng định khả năng trí tuệ của hai giới như nhau nhưng mặt khác chúng ta cũng thừa nhận sự khác biệt về giới tính để đưa phụ nữ vào đúng vị trí, làm tốt chức năng của mình. Phụ nữ ngày nay trong xu thế phát triển sẽ ngày càng bộc lộ những phẩm chất mới. Tất cả những phẩm chất ấy cần được phát huy, nếu không bị định kiến trói buộc thì sẽ trở thành sự tiến bộ, phát triển và họ sẽ đóng góp được rất nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Ba là, phụ nữ cần được giảm bớt gánh nặng gia đình. Muốn vậy, không chỉ chia sẻ, nam giới cần phải tham gia vào công việc gia đình cùng với phụ nữ. Trong khi bình đẳng giới đang là một quá trình thì việc nam giới chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ cũng có một ý nghĩa to lớn. Chính sự chia sẻ và cảm thông của người chồng sẽ giúp cho chị em có thời gian dành cho công việc, tham gia vào các hoạt động xã hội và đạt được thành công trong sự nghiệp.
Bốn là, bản thân phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình. Do đó, bản thân phụ nữ trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình mới có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới. Để làm được điều đó, phụ nữ cần rèn luyện đức tính tự tin để có bản lĩnh vượt qua định kiến giới và hướng đến mục tiêu tự khẳng định mình. Phụ nữ phải thể hiện mình thật sự có vai trò trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội; tự đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những thiếu hụt của bản thân, để đảm bảo điều kiện cần và đủ sẵn sàng nhận giữ trọng trách mới. Không thể ỉ lại mình là phụ nữ để an phận, thủ thường, cho phép bằng lòng với hiện tại, phải vượt qua được tâm lý an phận, luôn có ý thức cầu tiến, độc lập trong tư duy; sống có mục đích và lý tưởng. Thế kỷ XXI đã và đang đề cao vai trò của người phụ nữ, điều đó đòi hỏi phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao vai trò của mình.
Năm là, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm trong công tác bình đẳng giới, có những tham mưu tích cực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; về vị trí, vai trò và đóng góp của nữ cán bộ trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Tóm lại, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là vấn đề rất quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cơ hội để tiếp cận quyền, cống hiến và tự tin phấn đấu vươn lên. Tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa và đạt được những thành tựu nhất định. Song trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, cần thực hiện tốt những biện pháp nêu trên để thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự phát triển của xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Hồ Chí Minh - Toàn tập (2011), Nxb CTQG, t.15, tr.619.
[2]. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.
[3]. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[4]. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
[5]. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XII.
[6],[8] Báo cáo tình hình công tác thực hiện bình đẳng giới năm 2019, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
[7]. Báo cáo số 18 của Tỉnh ủy ngày 03/02/2015 về việc Tổng kết Chỉ thị 36 của Trung ương về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1436
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11749
Tháng này:
43395
Tất cả:
4.408.275