HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Điểm mới trong Quy định 96/QĐ-TW về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị

Đăng lúc: 13:33:50 02/03/2023 (GMT+7)340 lượt xem

 Nguồn: Baothanhhoa.vn
 Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (thay thế cho Quy định 262/QĐ-TW 2014 đã được ban hành năm 2014).
p.jpg
Quy định số 96-QĐ/TW đã có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút. Theo đó, Quy định 96-QĐ/TW có những điểm mới quan trọng sau:
Điểm mới thứ nhất, Quy định 96 -QĐ/TW đã nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm không còn đơn thuần là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ như tại Quy định 262-QĐ/TW. Theo đó, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Tại quy định cũ, những cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những cán bộ có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Như vậy, trong quy định mới, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ...Đây có thể coi là một trong những bước thay đổi quyết liệt, trở thành thước đo quan trọng phản ánh năng lực cũng như quá trình hoạt động của cán bộ quản lý, lãnh đạo.
Điểm mới thứ hai, Quy định 96 -QĐ/TW nêu rõ hai tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).
Trong phần này cũng đã bổ sung thêm tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Cùng đó là sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú (Quy định 262-QĐ/TW chỉ quy định hai nội dung lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn).
Điểm mới đáng chú ý tại quy định này là việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ - đây được xem là năm “bản lề” – có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đánh giá cán bộ…
Điểm mới thứ ba là về quy trình lấy phiếu. Nếu như quy định cũ chia làm ba nhóm cán bộ lấy phiếu tín nhiệm (gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ khác) thì quy định mới chỉ chia làm hai nhóm. Cụ thể, nhóm một là các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị, và nhóm hai là các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Quy định 96 -QĐ/TW đã cập nhật bối cảnh mới, tình hình mới, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị đã quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo 20/TB-TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật... Quy định 96 -QĐ/TW thể hiện cụ thể hóa hơn, với các quy định mạnh hơn, mở rộng hơn, chặt chẽ hơn trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đồng thời, Quy định số 96-QĐ/TW còn thể hiện tính quyết liệt, nghiêm minh hơn đối với sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Nếu như ở Quy định số 262-QĐ/TW dùng những cụm từ mang tính chất định tính như “tham khảo”, “xem xét cho thôi” hay “đợi đến rà soát, bổ sung quy hoạch”. Còn theo Quy định số 96-QĐ/TW, sau khi lấy phiếu nếu tín nhiệm thấp sẽ xử lý ngay và đưa ra từng khung rất cụ thể. Việc quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp các cấp ủy, đơn vị khi tổ chức lấy phiếu sẽ dễ dàng thực hiện. Cùng với đó, từ việc khẳng định đây là biện pháp nhằm đánh giá cán bộ chứ không phải tham khảo sẽ tránh được tâm lý của người được lấy phiếu và người bỏ phiếu là lấy phiếu chỉ là hình thức, chỉ là tham khảo.
Bên cạnh đó, các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm đã được cụ thể hóa hơn. Quy định số 262-QĐ/TW trước đây chỉ đề cập phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực thực tiễn. Quy định lần này quy định rõ kết quả lãnh đạo, quản lý của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, Quy định số 96-QĐ/TW có những nội dung rất cụ thể, như quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng ở các đơn vị; quy định về kết quả lãnh đạo, quản lý của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm hay quy định về sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con cũng được xem là tiêu chí đánh giá… Các tiêu chí cụ thể này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình ghi phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ các cấp.
Trong Quy định số 96-QĐ/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò của người ghi phiếu. Muốn vậy, vấn đề cung cấp, thu thập thông tin cần coi trọng. Cán bộ trong diện được lấy phiếu phải cung cấp đầy đủ thông tin, như vậy sẽ phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của người bỏ phiếu. Mặt khác, cũng có nhiều kênh thông tin ở từng cấp độ khác nhau. Cơ quan quản lý cần có những nhận xét, đánh giá về kết quả lãnh đạo quản lý, đồng thời có sự phân loại đối với cán bộ trong diện được lấy phiếu, để làm cơ sở cho việc đánh giá tín nhiệm. Người bỏ phiếu cũng có thể căn cứ vào nhiều kênh thông tin khác từ sự giám sát của dư luận xã hội, trên báo chí, của đảng viên nơi sinh sống...
Lấy phiếu tín nhiệm là một bước tiến rõ rệt trong đổi mới công tác cán bộ, thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị và nêu cao trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Với các quy định cụ thể, toàn diện của Quy định số 96-QĐ/TW, lá phiếu tín nhiệm sẽ thực sự là thước đo uy tín, tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực thôi thúc cán bộ tự soi, tự sửa, ngăn ngừa, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở vị trí chiến lược, cầu nối giữa Bắc bộ và Bắc Trung bộ, giữ vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm lực lượng đông đảo. Đảng bộ tỉnh có 32 đảng bộ trực thuộc, với 27 đảng bộ huyện, thị, thành phố và 5 đảng bộ cơ quan, đơn vị; có 1.727 tổ chức cơ sở đảng với tổng số trên 222 nghìn đảng viên (đứng thứ 2 cả nước, sau Đảng bộ Thành phố Hà Nội). Theo đó, công tác đánh giá cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 96-QĐ/TW về lấy phiếu tín nhiệm, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ các cấp. Muốn vậy, các cấp ủy đảng phải tiếp tục chăm lo hơn nữa đến công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, để đội ngũ cán bộ là những tấm gương về lập trường chính trị và đạo đức cách mạng, có tri thức và trình độ lý luận, tư duy và tầm nhìn chiến lược, có năng lực hoạt động thực tiễn, hướng hoạt động vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, qua đó thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc và tích cực cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về công tác cán bộ và nội dung Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Theo đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên về mục tiêu, yêu cầu và tầm quan trọng của công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực, phong cách làm việc hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và các địa phương trong giai đoạn tới.
Thứ ba, Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí, chức danh công việc, nhằm bảo đảm cho đội ngũ đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, dày dạn thực tiễn, có bản lĩnh trong xây dựng và hoạch định các chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
                                                                                                ThS. Lê Đình Tư
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
35
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10348
Tháng này:
41994
Tất cả:
4.406.874