HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ -Từ thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 11:03:16 19/11/2020 (GMT+7)512 lượt xem

                                                                TS. Lương Trọng Thành
                                                               Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng

          Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các ban, sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả về công tác đào tạo, bồi dưỡng với các Học viện khu vực và các cơ sở liên kết đào tạo trên toàn quốc, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, giữvững bản chất trường Đảng của địa phương và xây dựng Nhà trường đạt chuẩn kiểu mẫu.
Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chủ trương của tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Nhà trường đã chủ động phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 238-QĐ/TU ngày 28/7/2011, Quyết định số 877-QĐ/TU ngày 05/9/2017, Quyết định số 2943-QĐ/TU ngày 13/5/2019 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Trường Chính trị tỉnh; Quyết định số 308-QĐ/TU ngày 19/11/2011 về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 1254QĐ/TU ngày 24/10/2013 về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ, quản lý các cấp và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số5550/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành chính cho công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, công tác tham mưu đã tạo cơ chế, thể chế hoàn thiện nhất cho đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện; quy mô đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Công tác tuyển sinh được chú trọng theo phương châm: đúng, đủ, rõ. Công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm. Mục tiêu, thái độ, động cơ học tập được quán xuyến. Phương thức, mô hình tổ chức lớp đa dạng, sáng tạo. Nội dung chương trình được cải tiến theo hướng rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn. Tạo được đột phá trong đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá. Kết quả từ năm 2010 đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng trên 10.000 học viên/năm. Đặc biệt, Nhà trường tạo dấu ấn trong đào tạo hợp tác quốc tế, đã đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính (2017 - 2020) cho 150 cán bộ lãnh đạo cấp phòng tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; phối hợp với các huyện, thị, thành ủy mở các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện và các chức danh chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026. Qua đào tạo, bồi dưỡng, vừa góp phần chuẩn hóa, vừa nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước mắt và phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài của tỉnh.
Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý. Với phương châm: sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất giải pháp và tư duy nguồn lực; xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn; đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường đã nỗ lực vượt khó để thi đua nghiên cứu tốt, phục vụ công tác tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt và tư vấn tốt. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã tổ chức thành công 15 hội thảo khoa học cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh; hàng trăm hội thảo cấp trường, hội thảo chuyên đề cấp khoa; chủ trì, bảo vệ thành công 04 đề tài khoa học cấp bộ, 10 đề tài khoa học cấp tỉnh. Đặc biệt, đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - sự thật, Nhà xuất bản Thanh Hóa biên tập và xuất bản 35 đầu sách tham khảo, chuyên khảo; phát hành 40 số Tập san Nghiên cứu lý luận và thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ, giảng viên và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh.
Với phương châm 3 tốt "Định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt", Nhà trường đã tập trung nguồn lực xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín thông qua việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ. Trong đó, quan tâm công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích đào tạo nghiên cứu sinh, chú trọng đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn, phát triển tư duy, tầm nhìn, năng lực lãnh đạo, quản lý, nuôi dưỡng khát vọng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Kết quả đến nay 100% giảng viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ phương pháp sư phạm; trong đó, hầu hết giảng viên có trình độ Thạc sỹ, một số là Tiến sỹ và đang nghiên cứu sinh.
Chú trọng xây dựng môi trường học tập kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng. Nhà trường tập trung vào xây dựng mô hình học tập 3 không, 3 có (3 không: Không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học. 3 có: Có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập và rèn luyện khoa học), nhằm góp phần xây dựng tác phong, hình ảnh đúng đắn của học viên trường Đảng. Cùng với đó là tổ chức bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu gắn với tuyên dương trong Lễ chào cờ hằng tháng. Mục đích bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu nhằm biểu dương tập thể lớp, cá nhân học viên có thành tích tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở các lớp, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trong thời gian tới, cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trường Chính trị tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quyết tâm xây dựng Nhà trường đạt chuẩn, trong nhóm các trường chính trị dẫn đầu cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, góp phần “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, có tư tưởng đột phá, dám xả thân vì sự phát triển của tỉnh”1. Cụ thể đó là:

Về thực hiện 5 nhất: (1) Có thể chế hoàn thiện nhất về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; (2) Có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn và chất lượng tốt nhất; (3) Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phát triển toàn diện nhất; (4) Đội ngũ giảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín nhất; (5) Có môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng nhất.
Về 4 trụ cột phát triển: (1) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộlàtrung tâm; (2) Đổi mới công tác quản lý là then chốt; (3) Đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá là đột phá; (4) Xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọngthường xuyên.
 Về 05 định hướng đổi mới: (1) Chuyển mạnh nhận thức từ người thầy là trung tâm sang người thầy và học viên là trung tâm; (2) Chuyển mạnh từ dạy - học kiến thức là chủ yếu sang dạy - học phát triển phẩm chất và năng lực; (3) Chuyển mạnh từ dạy - học thụ động sang dạy - học chủ động theo phương châm dạy - học hiểu, dạy - học vận dụng, dạy - học xử trí theo nguyên tắc 3 tăng (chủ động, trao đổi, xử trí), 3 giảm (thụ động, đọc thoại, lý thuyết); (4) Chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; (5) Chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo). Đồng thời giải quyết hài hòa 03 mối quan hệ, đó là: Giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ; giữa quy mô với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; giữa đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. 
Theo đó, chủ thể của sự nghiệp đổi mới là phát huy vị thế là chủ và vai trò làm chủ của cán bộ, giảng viên, học viên, trong đó tập trung huy động và phát huy cao nhất trí lực, tâm lực, sức lực đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua 5 tốt: Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy- học tốt, tư vấn tốt nhằm hiện thực hóa 5 mục tiêu là: Lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao vị thế Nhà trường, tín nhiệm của xã hội; 5 giá trị cốt lõi trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo; 5 chương trình vì học viên: Phát triển tư duy, tầm nhìn; phát triển kỹ năng lãnh đạo quản lý; phát triển văn hóa đọc; xây dựng hình ảnh của học viên; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng.
Với khát vọng thịnh vượng, xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước2,  ý thức, trách nhiệm cao trước Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh, với sứ mệnh vinh quang “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và tầm nhìn xây dựng Trường Chính trị Thanh Hoá trở thành trung tâm đạt chuẩn kiểu mẫu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh, Nhà trường đã và đang quyết liệt hành động, làm giàu thêm truyền thống với tinh thần kỹ cương hơn, thực tiễn hơn, sáng tạo hơn, nâng tầm vị thế cao hơn. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện: thể chế, thiết chế và phương pháp, cách thức quản trị Nhà trường khoa học, dân chủ, đúng pháp luật, khơi dựng khát vọng vươn lên chung xây môi trường đáng sống, sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng cống hiến, quyết tâm xây dựng Nhà trường đạt chuẩn kiểu mẫu góp phần xây dựng Thanh Hoá giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu./.
 
----------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1930
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9713
Tháng này:
56087
Tất cả:
4.420.967