HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay

Đăng lúc: 08:48:38 13/06/2022 (GMT+7)887 lượt xem

 Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và thiết thực; khắc phục tình trạng học đối phó, lười học, ngại học lý luận chính trị; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo mô hình “5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới”, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá xác định đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trong những năm qua, Nhà trường đã quan tâm, chú trọng đổi mới đánh giá chất lượng học tập của học viên ở cả 3 giai đoạn: trước, trong và sau quá trình đào tạo.
Trước quá trình đào tạo.
Đánh giá chất lượng đầu vào củahọc viên làm cơ sở, tiền đề cho việc xác định các nội dung, phương thức và phương pháp đào tạo sao cho phù hợp, thiết thực, chất lượng và hiệu quả.
Nhà trường phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện công tác tuyển sinh đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, rõ nguồn quy hoạchthông qua hồ sơ tuyển sinh về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, chức danh, vị trí việc làm…; từ đó có căn cứ để phân chia theo nhóm lớpdành cho cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện hoặc dành cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.
Trên cơ sở đó, Nhà trường đổi mới phương thức tổ chức đào tạo có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm học viênyêu cầu rèn luyện, phát triển kỹ năng công tác, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho học viên; đồng thời, tổ chức mô hình đào tạo theo hướng học viên vừa học tập theo chương trình đào tạo, vừa nghiên cứu thực tế ở địa phương, cơ sở đảm bảo thực hiện tốt phương châm “học đi đôi với hành”, “gắn lý luận với thực tiễn”.
Từ việc đánh giá chất lượng đầu vào của học viên thông qua danh sách, bảng phân tích đặc điểm đối tượng học viên,giảng viên có thể chủ động xây dựng phương án giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong quá trình đào tạo.
Nhà trường chú trọng đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình, xây dựng kế hoạch học tập, quản lý mục tiêu, thái độ và phương pháp học tập, lấy chất lượng sản phẩm tự học, tự nghiên cứu làm một tiêu chí đánh giá kết quả học tập môn học, phần học.
Việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá của Nhà trường được thể hiện ở một số kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, đổi mới trong việc xây dựng ngân hàng đề thi
Hiện nay, Nhà trường tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi với đa dạng hóa các hình thức thi (thi tự luận, thi trắc nghiệm, thi vấn đáp); nhờ đó giúp Giám hiệu chủ động trong việc ra đề thi kết thúc học phần, môn học, thi tốt nghiệp; tạo đều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thi và quản lý đề thi của Nhà trường đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác trong việc đánh giá kết quả học tập của học viên.
Đặc biệt, với việc đổi mới cách ra đề thi tự luận mở theo hướng “học hiểu, học vận dụng, học xử trí”, học viên được sử dụng tài liệu như giáo trình, văn kiện của Đảng, sổ ghi chép bài học của học viên trong làm bài thi. Đề thi tự luận mở với mục tiêu đảm bảo vận dụng kiến thức tổng hợp của môn học, phần học để luận giải những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề thực tiễn đặt ra ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác của học viên. Với hình thức thi này, học viên từng bước đổi mới phương pháp học tập, nêu cao tinh thần tích cực, chủ động trong tự học, tự nghiên cứu,từng bước chuyển từ học thụ động sang học chủ động, vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác.
Bên cạnh việc đổi mới cách thức ra đề thi nêu trên, việc tổ chức coi thi, chấm thi hết phần học, môn học và thi tốt nghiệp thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo khách quan, công bằng. Việc đánh giá thực chất kết quả học tập của học viên, đã tạo động lực thúc đẩy học viên thi đua học tập tốt.
Thứ hai, đổi mới cách thức đánh giá khóa luận tốt nghiệp của học viên.
Học viên chọn đề tài khóa luận gắn với chức danh, vị trí việc làm, bước đầu khắc phục được tình trạng sao chép, chất lượng khóa luận được nâng lên, có tính ứng dụng vào công việc thực tiễn của học viên.
Việc tổ chức báo cáo khóa luận tốt nghiệp trước Ban Giám khảo đảm bảo khoa học, linh họat, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả; là dịp để học viên rèn luyện kỹ năng tư duy, kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phát hiện và xử lý vấn đề thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi học viên công tác, rèn luyện bản lĩnh và sự tự tin.
Điểm mới nổi bật là kết quả đánh giá khóa luận được giới hạn trong khung điểm quy định như:
- Nếu điểm trung bình các môn học từ 7.0 đến 8.0 điểm thì khoá luận chấm không quá 8.5 điểm;
- Nếu điểm trung bình các môn học trên 8.0 điểm thì khoá luận chấm không quá 9.0 điểm.
- Học viên có bài viết đăng trên báo, tạp chí Trung ương, địa phương; hoặc nội san, Webside của Nhà trường ở thời điểm trước khi báo cáo khoá luận và có bản phô tô nộp cùng khoá luận về Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học thì được cộng thêm 0,5 điểm vào kết quả chấm khoá luận.
Điều này thể hiện rõ việc đánh giá kết quả học tập của học viên là cả một quá trình học tập của học viên trong suốt khóa học.
Thứ ba, đổi mới đánh giá và tính điểm rèn luyện của học viên.
Bên cạnh hình thức đánh giá kết quả học tập thông qua thi, kiểm tra, viết khóa luận tốt nghiệp, Nhà trường còn đánh giá ý thức, thái độ học tập, rèn luyện của học viên. Từ năm 2019, trên cơ sở bám sát Quy chế quản lý đào tạo của Học viện, Nhà trường đã ban hành Hướng dẫn các tiêu chí đánh giá và tính điểm rèn luyện của học viên trong khóa học, gồm:tính chuyên cần trong học tập; chấp hành nội quy, quy chế, quy định của Nhà trường; ý thức học tập qua kiểm tra bài cũ, phát biểu xây dựng bài. Đây là căn cứ xét điều kiện thi hết môn, hết phần học; thực hiện nghiêm túc quy định học bù, học lại.
Kết quả đánh giá và xếp loại rèn luyện của học viên cũng là một trong những tiêu chí bình chọn danh hiệu học viên gương mẫu; bình xét khen thưởng cuối khóa.
Ngoài ra, trong khoá học, Nhà trường thực hiện gửi 02 lần nhận xét đánh giá tình hình học tập và rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác, giúp lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị nắm bắt kịp thời tình hình của cán bộ được cử đi học; đề xuất với các cơ quan, đơn vị lấy kết quả học tập, rèn luyện là tiêu chí, xếp loại cán bộ; đồng thời, lấy kết quả xếp loại cán bộ, công chức của địa phương, đơn vị làm một tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện cuối khoá của học viên.
Ba là, sau quá trình đào tạo.
Chất lượng, hiệu quả sau đào tạo là mục đích cao nhất mà các cơ sở giáo dục nói chung, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng hướng tới. Thực chất đánh giá hiệu quả sau đào tạo là việc đánh giá khả năng vận dụng tri thức của học viên đã tiếp thu, lĩnh hội được ở nhà trường vào thực tiễn công tác của bản thân.
Công tác này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ sau đào tạo; hoặc chính bản thân các học viên khi quay trở lại trường tham gia các khóa bồi dưỡng với mục đích vừa lĩnh hội, cập nhật kiến thức mới, vừa là cơ hội để kiểm tra lại kiến thức đã tiếp thu được trước đây ở Nhà trường và đã vận dụng kiến thức đó trong thực tiễn công tác.
Công tác đánh giá hiệu quả sau đào tạo không chỉ đặt ra đối với Nhà trường mà phải được thực hiện đồng bộ trong các khâu của công tác cán bộ.
Từ thực tiễn đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:
Một là, phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của Ban Giám hiệu trong việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá một cách quyết liệt, thống nhất, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là,phát huy vai trò chủ độngcủa Nhà trườngtiếp tục đổi mới công tác phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương để thực hiện việc đánh giá trước, trong và sau quá trình đào tạo; tiếp tục phối hợp đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, phương thức đào tạo; thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng đào tạo. Đặc biệt là phối hợp đánh giá cán bộ sau đào tạo về phẩm chất, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác, kết quả công tác làm cơ sở cho việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ.
Ba là, phát huy trách nhiệm, sự phối hợp đồng bộ giữa các khoa, phòng trong thực hiện công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên là yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các khoa, bộ môn cầncoi trọng việc đổi mới cách thức ra đề thi đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo và phù hợp đối tượng học viên. Trong đánh giá phải đảm bảo khách quan, công tâm, bình đẳng và thực chất, góp phần tạo động lực thúc đẩy học viên học tập và rèn luyện.
Bốnlà, phát huy vai trò chủ động, tích cực của giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm 3 tăng, 3 giảm (tăng chủ động - tăng đối thoại - tăng xử lý tình huống; giảm thụ động - giảm độc thoại - giảm lý thuyết); đồng thời, phát huy tính chủ động của người học, tạo diễn đàn cho học viên trao đổi, thảo luận kiến thức các môn học, phần học; qua đó, vừa củng cố kiến thức, vừa hình thành, phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho học viên.
Năm là, phát huy vai trò là chủ, làm chủ của học viên trong việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, tăng cường trao đổi, thảo luận; thực hiện tốt phương châm “học đi đôi với hành” “lý luận gắn với thực tiễn”; cầu thị tìm ra phương pháp học tập, phương pháp làm bài thi, phương pháp nghiên cứu, biết vận dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề thực tiễn ở cơ sở đang đặt ra.
Việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên Trung cấp Lý luận chính trị hiện nay là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và thiết thực; khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, học đối phó; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; từ đó góp phần xây dựng, phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá sớm đạt chuẩn theo Quy định 11/QĐ-TW, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Lê Thị Hương; Hoàng Thị Hiền
PhòngQLĐT&NCKH
Số lượt truy cập
Hôm nay:
32
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10345
Tháng này:
41991
Tất cả:
4.406.871