HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên - Một số kinh nghiệm rút ra ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 16:09:55 11/06/2019 (GMT+7)1577 lượt xem

ThS. Vũ Tất Thành 
GVC Khoa Xây dựng Đảng
 
         
Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên là một trong những nội dung của quá trình đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng và được coi là là khâu đột phá ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Từ kết quả của việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, rút ra một số kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo,bồi dưỡng đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong những năm tiếp theo.
Đánh giá kết quả học tập của học viên là một khâu trong quy trình đào tạo, bồi dưỡng, có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu đánh giá đúng sẽ là động lực thúc đẩy người học tiếp tục phấn đấu vươn lên; đồng thời sẽ tạo ra phong trào thi đua cho cả tập thể. Ngược lại nếu đánh giá không đúng, thiếu khách quan, thiên vị… sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của mỗi học viên, không tạo ra được phong trào thi đua học tập và rèn luyện chung. Vì vậy, cần phải xác định rõ mục tiêu, phương châm, nội dung đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá; đồng thời phải có cách tiếp cận và phương pháp đánh giá một cách khoa học, khách quan và chính xác.
           Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua luôn quán triệt phương châm “chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ”; lấy “hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh” làm mục tiêu phấn đấu. Với nội dung đánh giá toàn diện việc học tập của học viên; chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình.Về học tập, chính là năng lực tiếp thu kiến thức của học viên sau mỗi phần học, môn học và thi tốt nghiệp; khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết một vấn đề thực tiễn thông qua việc viết các báo cáo thực tế, bài thu hoạch trong các chuyến dã ngoại, nghiên cứu thực tế, viết khóa luận tốt nghiệp…
Để thực hiện tốt phương châm, mục tiêu và nội dung đánh giá trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã đề ra phương pháp và cách thức đánh giá phù hợp. Thực hiện đổi mới đồng bộ các khâu đánh giá kết quả học tập của học viên, xiết chặt kỷ cương trong coi thi, chấm thi hết phần học, thi tốt nghiệp; chú trọng chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình, tổ chức cho học viên báo cáo chuyên đề (gắn lý luận với thực tiễn) sau mỗi phần học. Nâng cao chất lượng viết tiểu luận, chấm tiểu luận theo hình thức học viên báo cáo tiểu luận trước hội đồng giám khảo; nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của học viên, gửi về cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác làm cơ sở cho việc sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.
Việc đánh giá kết quả học tập của học viên có nhiều cách, song hình thức cơ  bản và phổ biến nhất hiện nay vẫn là tổ chức thi. Trong những năm qua, công tác tổ chức thi hết môn học, phần học luôn được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm chỉ đạo một cách sát xao, nghiêm túc, về cơ bản đảm bảo đúng quy chế, quy định của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, góp phần cùng với các khâu khác nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ các năm học đã đề ra. Đặc biệt là bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, việc tổ chức thi và chấm thi đã được Ban Giám hiệu đổi mới một cách căn bản, tạo ra bước đột phá trong đánh giá kết quả học tập của học viên, trên tinh thần “3 không” (không đánh đố; không gây gây áp lực không cần thiết cho học viên; không tiêu cực trong quá trình tổ chức thi, chấm thi); Ban Giám hiệu nhà trường đã gửi trực tiếp định hướng ôn thi cho lớp thông qua giáo viên chủ nhiệm trước 7 – 10 ngày đối với thi hết môn học, phần học và 20 – 25 ngày đối với thi tốt nghiệp; với nội dung và quy mô lượng kiến thức phù hợp, sát với từng đối tượng người học và loại hình lớp học. Bên cạnh đó, công tác chấm thi cũng được đổi mới. Sau khi chấm xong bài thi của mỗi lớp, các cặp chấm có nhận xét, đánh giá những ưu điểm, hạn chế chung và riêng một cách cụ thể. Qua đó, giúp Ban Giám hiệu và Phòng Đào tạo nắm chắc tình hình học tập của học viên các lớp nói chung và từng lớp nói riêng; đồng thời cá biệt hóa cao hơn tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân và của các cặp chấm.
Đối với những học viên đủ điều kiện viết khóa luận tốt nghiệp, song song với việc tuân thủ đúng các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nhà trường còn thực hiện đổi mới, bổ sung thêm các khâu như: Bản nhận xét của cơ quan, của giảng viên đối với quá trình viết khóa luận của học viên và đối với đánh giá khóa luận được thực hiện qua hai khâu chấm bản viết và chấm thông qua “báo cáo khóa luận”. Những khâu bổ sung, đổi mới này có ý nghĩa quan trọng đối với cả ba chủ thể là Thầy, trò và cơ quan. Trước hết, nâng cao được tinh thần trách nhiệm trong hướng dẫn của thầy và sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình thu thập tài liệu và tiến hành viết khóa luận của học viên; đồng thời qua nhận xét bằng văn bản của cơ quan; nhất là trong chấm “Báo cáo khóa luận” của học viên, nhà trường mời cả các đồng chí lãnh đạo cấp huyện (Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện) cùng tham gia. Qua đó, đã giúp lãnh đạo địa phương, cơ quan nắm được phần nào tình hình học tập của học viên. Bên cạnh đó, còn khắc phục được tình trạng sao chép vốn khá phổ biến trong những năm trước đây; ngoài ra, còn là dịp giúp học viên trau dồi khả năng thuyết trình trước đám đông và trả lời các câu hỏi phản biện.
Ngoài một bài viết thu hoạch thực tế bắt buộc trong chương trình đào tạo, nhà trường bước đầu còn rèn luyện khả năng tổng kết thực tiễn (qua nghiên cứu thực tế, qua kinh nghiệm công tác …), khả năng thuyết trình cho học viên thông qua viết và báo cáo chuyên đề thu hoạch (đây là nội dung bổ sung và đổi mới của nhà trường) theo hướng phù hợp với phần học, sát thực tế. Trong cả khóa học, mỗi học viên phải viết và báo cáo bốn chuyên đề thực tế. Nghiên cứu thực tế và viết chuyên đề thực tế được gắn với “ngày thứ Bảy kết nối”. Báo cáo thực tế được giao cho các khoa, mỗi khoa phụ trách một báo cáo chuyên đề.
Sự đổi mới trên, đã có tác động tích cực và ý nghĩa quan trọng đối với cả ba nhóm chủ thể cơ bản trong nhà trường: Người thầy, người học và nhà quản lý. Thầy đã nỗ lực hơn trong quá trình giảng dạy; trò chuyên cần, tự giác hơn trong quá trình học tập, rèn luyện; đồng thời đã giúp Ban Giám hiệu Nhà trường đánh giá chất lượng giảng dạy của người thầy, cũng như cả hai quá trình học tập và rèn luyện của người học một cách sát hơn.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần số Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; từ kết quả và ý nghĩa của việc đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên, cho phép chúng ta rút ra một số kinh nghiệm bước đầu cho những năm tiếp theo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa như sau:
- Một là, đối với Ban Giám hiệu nhà trường:
Sự quan tâm, quản lý của Ban Giám hiệu trong việc chỉ đạo các khoa chuyên môn và các phòng chức năng làm tốt công tác tham mưu chuẩn bị các khâu trong quy trình thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; phê duyệt hệ thống đề thi; chủ đề thực tế; đề tài viết khóa luận; phân công giảng viên có đủ năng lực triển khai kế hoạch nghiên cứu thực tế và chủ trì trong buổi báo cáo chuyên đề; trong chấm thi; hướng dẫn học viên viết khóa luận tốt nghiệp và tham gia hội đồng báo cáo khóa luận tốt nghiệp; quản lý chặt chẽ và điều hành linh hoạt các khâu công việc trên đảm bảo đúng quy định, quy trình, tiến độ là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả sự thành công của các quá trình trên.
Việc ra đề và tổ chức thi có vai trò quan trọng. Vì vậy, tùy theo đối tượng, Ban Giám hiệu đã có hình thức ra đề, cũng như tổ chức thi cho phù hợp; kết hợp các hình thức thi tự luận (đóng và mở), vấn đáp, trắc nghiệm; thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế thi của Học viện. Bên cạnh đó, Nhà trường còn trang bị camera cho một số phòng học và bố trí lịch thi của các lớp vào các phòng này, với hình thức này, sẽ khắc phục được tình trạng gian lận như quay cóp, trao đổi… trong phòng thi. Ngoài ra, nhà trường đang có kế hoạch nâng cấp trang bị một phòng máy vi tính để thực hiện thí điểm hình thức thi trắc nghiệm để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Vì hình thức thi trắc nghiệm có nhiều ưu điểm như: đòi hỏi người học phải học thực sự để nắm vững kiến thức; hiệu quả hơn vì: tiết kiệm thời gian, công sức thi, chấm thi, lại cho kết quả chính xác và khách quan nếu chúng ta quản lý tốt.
Chỉ đạo bộ phận chức năng tham mưu, giúp Giám hiệu thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấm và báo cáo tiểu luận; trên cơ sở kết luận của Thanh tra về các sai phạm, Giám hiệu ra quyết định xử lý theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời biểu dương kịp thời những lớp và cá nhân thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ.
-         Hai là, đối với giảng viên:
Phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao trách nhiệm trong hướng dẫn học viên viết các chuyên đề báo cáo thực tế; viết khóa luận tốt nghiệp. Như chúng ta đã biết, ngoại trừ các hành vi “tiêu cực”, “quay cóp”… là những hạt sạn trong quá trình thi cử, về mặt nguyên tắc người học muốn có kết quả thi tốt phải hiểu bài, nắm chắc bản chất, nội dung cơ bản của bài. Có thể nói, ngoài nỗ lực của học viên, việc truyền thụ tri thức của người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Để học viên hiểu bài, người thầy phải có phương pháp giảng dạy phù hợp, đây là hai mặt biện chứng của một vấn đề. Vì vậy, giảng viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng “3 tăng” (tăng thực hành, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống”, “3 giảm” (giảm lý thuyết suông, giảm độc thoại, giảm đọc, chép”. Cần khắc phục tình trạng “nhồi nhét”, “quá tải”… gây áp lực cho người học trong việc tiếp thu. Muốn vậy, giảng viên phải kết hợp tốt giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại. Đặc biệt là trong hướng dẫn học viên viết các chuyên đề báo cáo thực tế và viết khóa luận tốt nghiệp, giảng viên hướng dẫn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, giảng viên phải hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ hướng dẫn của mình theo đúng nghĩa đen của từ đó. Muốn vậy, cần phải khắc phục hai xu hướng sau:
Thứ nhất, giảng viên qua loa, đại khái, buông lỏng vai trò hướng dẫn của mình. Có thể do giảng viên quá bận, hoặc tinh thần, trách nhiệm không cao; do đó, chỉ thống nhất chủ đề, chỉnh sửa đề cương sơ lược, sau đó phó mặc cho học viên thực hiện mà không có thêm sự chỉ đạo, hướng dẫn gì.
Thứ hai, giảng viên bao biện, làm thay học viên. Xu hướng này xảy ra khi học viên nhờ và giảng viên chấp nhận; hoặc giảng viên cho rằng học viên không thực hiện được, hoặc có thực hiện cũng không có chất lượng; hoặc đã sửa và hướng dẫn một số lần, song học viên làm vẫn không tốt... dẫn đến vừa kém chất lượng, vừa không đúng tiến độ, sợ bị liên đới trách nhiệm, nhà trường đánh giá về tinh thần và trách nhiệm không cao, do đó giảng viên đành chấp nhận làm hộ cho học viên.
- Ba là, đối với học viên:
Học viên trong toàn trường nói chung phải xây dựng cho mình một động cơ, thái độ học tập đúng đắn, tự giác, tích cực; được coi là chìa khóa của thành công. Vì vậy, thời gian qua, nhà trường đã luôn coi trọng việc quán triệt ý nghĩa, vai trò quan trọng của vấn đề trên cho học viên. Việc quán triệt này thường được lồng ghép với các cuộc họp, giao ban, chào cờ… gắn với vai trò của các khoa, phòng chức năng và với giáo viên chủ nhiệm lớp và vai trò tự quản của ban cán sự lớp.
Trong quá trình học tập, mỗi học viên phải xác định học là để nắm vững tri thức, điểm số có được và xếp loại của văn bằng được cấp phải tương xứng với những gì mình tự tích lũy để có được trong quá trình đào tạo. Cái xã hội cần, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh mong đợi và chấp nhận đối với học viên sau khi ra trường là năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, khả năng tự hoàn thiện để vươn lên của chính mình. Vì vậy, mỗi học viên phải xây dựng cho mình một động cơ, thái độ học tập đúng đắn, tích cực; tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy cô, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của học viên, nhất là nhiệm vụ học tập theo đúng quy chế học viên của Học viện quốc gia Hồ Chí Minh; và theo hướng “ba không” (không vào lớp muộn, về sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học), “ba có” (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
Tóm lại, đánh giá kết quả học tập của học viên là một quá trình, bao gồm nhiều khâu, nhiều lực lượng tham gia. Đánh giá khách quan, khoa học, phù hợp có ý nghĩa tích cực, là động lực để người học phấn đấu vươn lên và ngược lại nếu đánh giá thiếu khách quan, thiếu công bằng sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của người học. Đối tượng khác nhau thì cũng phải có cách đánh giá khác nhau cho phù hợp. Phát huy những kết quả đạt được, vận dụng những kinh nghiệm đã nêu ở trên sẽ có ý nghĩa tích cực trong đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học tập của học viên hệ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2070
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12383
Tháng này:
44029
Tất cả:
4.408.909