Đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình “ba trước, ba sau, ba sâu, ba sáng tạo” trong giảng dạy phần học “Quản lý hành chính nhà nước”
Đăng lúc: 16:56:27 21/06/2023 (GMT+7)1415 lượt xem
Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị, đảm bảo “gắn lý luận với thực tiễn”, quán triệt chỉ đạo của Nhà trường về việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình “ba trước, ba sau, ba sâu, ba sáng tạo”, các giảng viên Bộ môn quản lý hành chính nhà nước đã tăng cường áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực được thể hiện qua ba bước “trước, trong và sau khi lên lớp”.
Giảng viên chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp
Dạy học là một công việc vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật; do vậy, đòi hỏi giảng viên luôn phải có sự đổi mới, sáng tạo trong quá trình giảng dạy sao cho phù hợp với môn học, phần học được phân công đảm nhiệm.
Trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị, phần học “Quản lý hành chính nhà nước” trang bị cho người học những kiến thức lý luận về hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sỗng xã hội; về quản lý cán bộ, công chức; về cải cách hành chính; từ đó hình thành kỹ năng giải quyết tình huống quản lý phát sinh trong thực tiễn. Để đạt được mục tiêu của phần đặt ra, một trong những yếu tố quan trọng có tính quyết định đó là phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực; nghĩa là phải đổi mới cách thức giảng dạy phù hợp với quá trình nhận thức của người học, phát huy yếu tố chủ động, tích cực của người học. Điều này không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy học cũ, mà là sự chọn lọc, kế thừa, vận dụng linh hoạt những ưu điểm, kết quả tích cực vốn có của phương pháp dạy học truyền thống. Một phương pháp dạy học mới, tích cực phải là phương pháp mà trong đó, các chủ thể phải có những hoạt động mới, hoạt động tích cực, hoạt động hăng say, chuyên cần, sáng tạo để tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn; điều đó có nghĩa, cả người dạy và người học đều phải tham gia vào một quá trình nhận thức, quá trình vận động của sự vật, hiện tượng.
Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị, đảm bảo “gắn lý luận với thực tiễn”, quán triệt chỉ đạo của Nhà trường về việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo mô hình “ba trước, ba sau, ba sâu, ba sáng tạo”, các giảng viên Bộ môn quản lý hành chính nhà nước đã tăng cường áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực được thể hiện qua ba bước “trước, trong và sau khi lên lớp”. Cụ thể như sau:
Bước 1: chuẩn bị lên lớp (trước khi lên lớp)
Để làm chủ và chủ động được kiến thức của mình trong giờ lên lớp, giảng viên giảng dạy phần học “Quản lý hành chính nhà nước” cần phải:
Thứ nhất, chủ động “nghiên cứu trước” giáo trình để hiểu đầy đủ, hiểu chính xác, “hiểu sâu” nội dung từng bài học trong môn học, qua đó xác định mục tiêu, trọng tâm bài học, lượng hóa được xuất kiến thức cần phải làm rõ, tính logic giữa các phần và sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn của nội dung trong bài học. Thông qua việc “nghiên cứu sâu” nội dung giáo trình còn giúp giảng viên kịp thời cập nhật các văn bản, tài liệu để bổ sung những quy định mới, nội dung mới vào bài giảng mà giáo trình chưa đề cập tới. Bởi thực tiễn trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, xuất phát từ chính đặc điểm về đối tượng quản lý luôn có sự đa dạng, phức tạp và biến đổi không ngừng trong điều kiện các yếu tố tác động cũng luôn có sự biến động; vì vậy, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thường phải căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng đối tượng quản lý để đề ra các chủ trương, biện pháp quản lý thích hợp ở những thời điểm nhất định. Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu sâu nội dung bài học và các tài liệu có liên quan còn giúp giảng viên chủ động xác định trước được những kiến thức, kỹ năng, thái độ cơ bản cần hình thành và phát triển ở học viên và xác định được những kiến thức, kỹ năng mà học viên đã có và cần có; từ đó, dự kiến được phương pháp giảng dạy tối ưu cho từng nội dung trong bài học.
Thứ hai, chủđộng kết nối trước với học viên thông qua việc tìm hiểu thông tin về: độ tuổi, trình độ, vị trí, cơ quan công tác; về phong trào, kết quả học tập, rèn luyện (ở các môn học trước); về thái độđặc điểm tâm lý chung của học viên trong lớp…trên cơ sở đó đề ra những yêu cầu hợp lý đối với học viên như giao nhiệm vụ “nghiên cứu trước” giáo trình, các tài liệu có liên quan để “tìm hiểu trước” mục tiêu, nội dung của bài học và sự gắn kết giữa nội dung các bài học (trong môn học hoặc với môn học trước); tìm hiêu sự gắn kết giữa lý luận trong bài học với thực tiễn giải quyết các vấn đề diễn ra trong quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị đang công tác; từ đó sớm hình thành được “câu hỏi trước” về những nội dung chưa rõ, chưa hiểu qua hoạt động tự nghiên cứu để trao đổi với giảng viên trong giờ lên lớp; đây chính là tiền để học viên chủ động lĩnh hội được những kiến thức mình “cần” thông qua hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên.
Bước 2: trong giờ lên lớp
Lên lớp là hoạt động cụ thể của giảng viên nhằm thực hiện toàn bộ giáo án đã xây dựng; đây là thời điểm giảng viên và học viên tương tác với nhau thông qua các nội dung đã được chuẩn bị. Để đạt được hiệu quả nâng cao chất lương dạy - học theo mô hình “ba sâu”, “ba sáng tạo”, khi giảng dạy nội dung phần học “Quản lý hành chính nhà nước” giảng viên phải sử dụng tích hợp các phương pháp giảng dạy tích cực để làm rõ được nội hàm các khái niệm, những quy định của Nhà nước về nội dung quản lý trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với mục đích là giúp học viên chủ động nắm kiến thức lý luận để áp dụng sáng tạo vào giải quyết những vấn đề thực tiễn gắn với vị trí công tác đang đảm nhiệm.
Tuy nhiên, theo nguyên lý trong dạy-học, việc lựa chọn phương pháp giảng dạy phải xuất phát từ nội dung kiến thức được chuyển tải đến cho người học; tức là nội dung nào thì áp dụng phương pháp đấy. Ví dụ: khi giảng dạy nội dung “Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước” có thể lựa chọn phương pháp hỏi – đáp để giảng viên hỏi, học viên trả lời hoặc học viên hỏi, giảng viên trả lời, tạo ra tính đa chiều trong trao đổi thông tin, như: “Vì sao trong quản lý hành chính nhà nước phải sử dụng phương pháp kinh tế?” hay “Việc sử dụng phương pháp kinh tế sẽ đem lại hiệu quả gì trong quản lý hành chính nhà nước”.
Với phương pháp này, giảng viên tạo cho học viên một môi trường học tập hoàn toàn chủ động, mang tính sáng tạo và cơ hội được thể hiện kiến thức, sự hiểu biết của bản thân để “hiểu sâu” hơn nội dung được đặt ra và trao đổi. Nhưng khi giảng dạy nội dung “Quản lý nhà nước về văn hóa ở cơ sở”, giảng viên có thể sử dụng phương pháp tình huống về thực trạng những vi phạm trong trùng tu di tích lịch sử ở cơ sở để yêu cầu học viên vận dụng kiến thức lý luận vừa được trang bị hoặc được trang bị ở các phần học trước (phần học Nhà nước và pháp luật, phần học Đường lối, chính sách về văn hóa) kết hợp với vốn kiến thức thực tiễn của bản thân để thảo luận, phân tích, đánh giá tính chất vi phạm, xác định hướng giải quyết thông qua những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm… Với phương pháp dạy học bằng tình huống, đã phát huy được khả năng tư duy, khuyến khích học viên phát triển cách tự học, tự nghiên cứu, có khả năng độc lập giải quyết vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, để một bài giảng trên lớp đạt hiệu quả theo phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, giảng viên không thể sử dụng đơn thuần một phương pháp giảng dạy xuyên suốt mọi nội dung, mà phải có sự “sáng tạo” trong lồng ghép, đan xen các phương pháp giảng dạy để phân tích sâu một vấn đề, một sự việc, có như vậy mới tránh được sự đơn điệu trong truyền đạt tri thức và sự nhàm chán trong lĩnh hội tri thức. Trong đó, việc lựa chọn để kết hợp “sáng tạo” các phương pháp giảng dạy phải xuất phát từ mục tiêu bài học, xuất kiến thức cần trao đổi, đối tượng người học và quy mô, cách thức tổ chức lớp học để giảng viên dự kiến các phương pháp giảng dạy phù hợp.
Ví dụ: khi giảng dạy nội dung “Quản lý hành chính - tư pháp ở cơ sở” ở các lớp không tập trung tại trường (lớp B) và các lớp không tập trung tại huyện, do thường là đông học viên và học viên chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm một vị trí công tác tại các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp (về cơ bản đạt chuẩn về trình độ và trình độ tương đối đồng đều), giảng viên có thể sử dụng phương pháp bài tập tình huống kết hợp với phương pháp chuyên gia để học viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng hoạt động đồng thời có thể trao đổi, phản biện làm sáng tỏ vấn đề, cách thức giải quyết vấn đề trong tình huống đặt ra.
Giảng viên sử dụng phương pháp làm việc nhóm
Nhưng, cũng giảng dạy nội dung “Quản lý hành chính - tư pháp ở cơ sở” ở các lớp tập trung (lớp A), do quy mô của lớp học nhỏ (thường khoảng 40 học viên), giảng viên vẫn có thể sử dụng phương pháp bài tập tình huống nhưng lại linh hoạt kết hợp với phương pháp làm việc nhóm (mỗi nhóm có thể là một tổ của lớp học), các thành viên trong cùng một nhóm sẽ trao đổi, thảo luận với nhau theo từng vấn đề của tình huống, sau đó đại diện các nhóm trình bày kết quả làm việc của mình và các nhóm khác có ý kiến trao đổi bổ sung thêm, sẽ tạo được không khí tích cực, sôi nổi trong lớp học, góp phần giúp học viên chủ động hơn trong việc nghiên cứu, rèn luyện phương pháp, kỹ năng làm việc, tăng sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm, giữa giảng viên với học viên, tạo nguồn cảm hứng để học viên tích cực tham gia học tập, lĩnh hội những tri thức mà học viên “cần”.
Từ thực tiễn cho thấy, mỗi phương pháp giảng dạy đều có điểm mạnh riêng, nếu giảng viên biết vận dụng linh hoạt, hợp lý, “sáng tạo” các phương pháp phù hợp với nội dung cụ thể của bài giảng và đối tượng học viên, chắc chắn sẽ nâng cao được chất lượng của bài giảng.
Bước 3: sau giờ lên lớp
Sau khi thực hiện xong nội dung bài giảng, giảng viên phải hệ thống hóa kiến thức lý luận gắn kết với thực tiễn về các vấn đề vừa trao đổi, giúp học viên củng cố lại kiến thức được lĩnh hội, qua đó góp phần hình thành, pháttriển năng lực cá nhân trong giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đồng thời, giảng viên tự đánh giá giờ giảng thông qua chất lượng của việc tích cực hoá tri thức lý luận và thực tiễn, khả năng hình thành kỹ năng tự học - tự đào tạo của học viên, qua đó để nhận biết giờ giảng đạt hay chưa đạt, rút ra kinh nghiệm để những giờ giảng sau được tiến hành với kết quả cao hơn.
Ngoài ra, sau mỗi bài giảng, giảng viên cần phải gợi mở các vấn đề tiếp tục được nghiên cứu có tính kết nối với bài giảng sau, môn học sau, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong việc nghiên cứu trước tài liệu để chuẩn bị các “câu hỏi trước” trao đổi với giảng viên trong giờ học sau.
Ví dụ: Sau khi giảng dạy xong bài “Quản lý đất đai, địa giới hành chính và xây dựng ở cơ sở”, giảng viên có thể gợi mở nội dung để yêu cầu học viên xác định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; với nội dung gợi mở này, học viên phải “nghiên cứu sâu” nội dung Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước đất đai…; qua đó học viên tự củng cố được kiến thức đã được lĩnh hội để “hiểu sâu” hơn nội dung phần học trước (phần học Nhà nước và Pháp luật), đồng thời kết nối được với bài học tiếp theo trong phần học “Quản lý hành chính nhà nước” (bài “Kiểm tra, cưỡng chế hành chính”), từ đó tự tin trao đổi với giảng viên trong giờ lên lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng của giờ học.
Trên đây là những nội dung mang tính định hướng trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương pháp giảng dạy theo mô hình “ba trước, ba sau, ba sâu, ba sáng tạo” của các giảng viên Bộ môn Quản lý hành chính nhà nước; rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp để sớm thực hiện có hiệu quả mô hình, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học theo phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn” tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay./.
ThS. Tống Thị Lan
P.Tr.Khoa Nhà nước & Pháp luật
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1406
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6898
Tháng này:
58954
Tất cả:
4.992.555