HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa phát huy tinh thần tự học tập theo tấm gương Bác Hồ

Đăng lúc: 15:39:36 30/05/2023 (GMT+7)481 lượt xem

 Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị; mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
1.png
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng tham gia Hội thi giảng viên giỏi năm 2022
 
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chính trong quá trình tìm tòi, khảo nghiệm ấy, ở Người toát lên một đặc điểm hết sức nổi bật - một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học. Tìm hiểu con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những góp phần làm sáng tỏ thêm tư tưởng của Bác mà còn có giá trị rất lớn đối với việc học tập, nghiên cứu, rèn luyện của đội ngũ giảng viên trẻ hiện nay.
Trong quan niệm về tự học, Người định nghĩa “tự học” bằng một câu ngắn gọn, súc tích nhưng đầy tính tư tưởng: tự học là “tự động học tập”, “tự động học tập” có nghĩa là việc học tập do chính bản thân người học quyết định, người học tự giác, tự chủ không cần sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của người khác, tự mình nhận thấy nhu cầu của bản thân để rồi từ đó tiến hành việc tự học. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”[1].
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học là rất lớn, có thể xác định trên các vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, xác định mục đích và xây dựng động cơ học tập đúng đắn; học ở mọi lúc, mọi nơi.
Trong hoạt động học tập cũng như trong bất cứ hoạt động nào thì vấn đề cơ bản là phải xác định được mục đích. Do đó, Hồ Chí Minh xác định mục đích của học tập dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”[2].
Cách xác định mục đích học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ vai trò của học tập đối với con người nói riêng và đối với sự nghiệp cách mạng nói chung. Chính vì vậy mà Người đưa ra tôn chỉ: “còn sống còn phải học”. Nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới ngày 14-5-1966, Hồ Chủ tịch tâm sự: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải đã già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng[3]. Thông qua quá trình tự học, tầm hiểu biết cũng như năng lực của mỗi cá nhân ngày càng được nâng cao. Việc xác định mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập không chỉ là vấn đề học tập mà còn là vấn đề đạo đức, là nhân cách của người học. Đây chính là vấn đề quyết định hiệu quả của người học.
Quá trình tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng gắn liền với quá trình lao động. Chính lao động là điều kiện để Người vươn lên trong quá trình tự học. Trong những ngày tháng bôn ba ở nước ngoài, làm thuê trong điều kiện hết sức khắc nghiệt: “Một viên gạch hồng Người chống cả mùa đông”, nhưng Người không bao giờ từ bỏ mục đích học tập. Chính vì vậy, Người luôn khuyên và nhắc nhở mọi người cố gắng học tập, học ở mọi lúc, mọi nơi. Nói chuyện về công tác huấn luyện và học tập, Bác nhấn mạnh: “Học tập ở trường của Đoàn thể không phải như học ở trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập. Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn[5].
Trong cách học, Bác luôn khuyên mọi người “Lấy tự học là cốt”[6]. Bởi thế giới luôn luôn thay đổi, nhân dân chúng ta ngày càng tiến bộ, cho nên người cán bộ phải tự học, tự nghiên cứu, học ở mọi lúc, mọi nơi thì mới bắt kịp với sự thay đổi của thời đại. Theo Người, muốn “học suốt đời” thì phải tự học.
Thứ hai, trong tự học phải có kế hoạch, sắp xếp thời gian học tập hợp lý, phải kiên trì bền bỉ để đạt được kế hoạch đề ra
Trong quá trình tự học của mình, Người luôn đề ra cho mình thời khóa biểu hợp lý và phấn đấu đạt được kế hoạch mà mình đã đề ra. Trong thời gian Người ở Pháp, sau khi biết được Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Người đã lên kế hoạch sang Nga. Tuy nhiên, muốn sang Nga thì phải qua Đức và phải đọc thông viết thạo tiếng Đức. Chỉ trong vòng ba tháng, mặc dù trong lúc bị theo dõi hết sức gắt gao của bọn mật thám Pháp, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã tự học tiếng Đức thành công. Với năng khiếu bẩm sinh, với tư duy sắc sảo, cộng với sự khổ luyện đã giúp Người thành công trong cách học ngoại ngữ. Chính Người kể lại: Sau khi hỏi được nghĩa, Bác viết vào một mảnh giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, có khi viết vào cánh tay để trong khi làm việc vẫn có thể học được. Có khi lúc đi đường Bác cũng nhẩm từ mới, ban đêm, khi chưa ngủ Bác lấy tay viết mò xuống chân những chữ khó cho nhớ mới thôi.
Thứ ba, học phải đi đôi với hành
Trong quá trình tự học Người có một nguyên tắc: Học đến đâu luyện tập và thực hành đến đó. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam lần thứ III, ngày 25-3-1961, Người nhắc nhở: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội còn hạn chế mà số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác – Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Cần phải học kinh nghiệm tốt của các đoàn thanh niên bạn. Học đi đôi với hành”[7].
Học đi đôi với hành là một vấn đề thời sự, thường xuyên, tất yếu đối với tất cả người học, tất cả các cấp học. Học và hành là hai mệnh đề có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bác từng dạy:“Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[8]. Với nguyên tắc học đến đâu thực hành đến đó, chính vì vậy trong cách học của Người, đặc biệt là học ngoại ngữ chỉ trong một thời gian ngắn đã thu được kết quả tốt.
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề tự học trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII nêu rõ, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học, bảo đảm thời gian tự học, tự nghiên cứu cho mọi người, và đặt ra một yêu cầu: “Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân nhất là trong thanh niên”[9]. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 24-8-1999 và Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, ngày 30-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[10]. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, và coi tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của người cán bộ, đảng viên. 
2.png
Cán bộ, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở tham gia hội thảo khoa học
 
Đối với việc giảng dạy các môn lý luận chính trị hiện nay, bên cạnh đáp ứng những yêu cầu chung của công tác giáo dục - đào tạo, do những yếu tố đặc thù về mục tiêu và đối tượng học tập, việc tự học và học tập suốt đời là vô cùng quan trọng. Mục tiêu của công tác giáo dục lý luận chính trị là góp phần bồi đắp tri thức lý luận, nâng cao bản lĩnh chính trị và lập trường cách mạng; hình thành kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, tham gia tổng kết để phát triển lý luận. Trong điều kiện hiện nay, công tác giáo dục lý luận chính trị còn góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục bệnh “lười” học, “ngại” học lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Mục tiêu đó cho thấy, việc hình thành các giá trị nhận thức, niềm tin, vận dụng các kỹ năng phụ thuộc một phần quan trọng vào quá trình tu dưỡng, rèn luyện và năng lực cá nhân của người học.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá luôn tích cực tự học tập, tự nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn giảng viên trường chính trị theo Quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Cụ thể như:
Đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ Nhà trường, nhìn chung đã thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới trong lĩnh vực giảng dạy. Đặc biệt, thâm nhập, nắm bắt thực tiễn, phát hiện những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, lấy đây làm cơ sở cho việc phân tích các vấn đề lý luận. Giảng viên đã luôn trăn trở để tìm ra cách thể hiện bài giảng một cách sáng tạo nhất, từ nội dung, đến phương pháp và sử dụng các phương tiện hiện đại.
Bên cạnh đó, đa số các giảng viên trẻ luôn nêu cao ý thức trong việc tự học, tự nghiên cứu, thông qua học từ sách vở, các tài liệu chính thống, từ đồng chí, đồng nghiệp, học viên của mình, từ đời sống thực tiễn; tham gia dự giờ, thao giảng cấp Khoa, cấp Trường, cấp Học viện; viết bài nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; tham gia các lớp học bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kỹ năng, phương pháp sư phạm…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ít giảng viên có phương pháp tự học, tự nghiên cứu chưa khoa học; nội dung tự học thiên về chuyên môn chính nên kiến thức, sự hiểu biết chưa được phong phú, toàn diện; đôi khi còn biểu hiện thụ động, trông chờ vào chương trình, kế hoạch của khoa, phòng; đôi lúc, việc học tập, nghiên cứu mang tính “thời vụ” khi cần thiết trong một công việc hoặc một thời gian nhất định…Thói quen, nếp nghĩ, cách làm “vừa đủ”, “cầm chừng” trong một số ít cán bộ, giảng viên trẻ đã và đang là rào cản lớn trong quá trình tự học, tự nghiên cứu của mỗi giảng viên, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển chung của Nhà trường.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học nhằm phát huy tinh thần nêu gương trong tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên trẻ Nhà trường, để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn, góp phần xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một làt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên trẻ trong việc tự học, tự nghiên cứu.
Để nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ học tập, công tác đúng đắn cho cán bộ, giảng viên trẻ, cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, giảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà trường. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao. Làm cho giảng viên nhận thức sâu sắc, tự học là nhu cầu thiết thực, tự thân, là con đường để hoàn thiện những phẩm chất, nhân cách của người giảng viên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin, hình thành xã hội học tập như hiện nay càng đòi hỏi mỗi con người phải tự mình tích cực tự học để vươn lên nếu như không muốn bị tụt hậu so với sự phát triển của văn minh và trí tuệ nhân loại. Đồng thời, cần đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhất là trong hoạt động giảng dạy, học tập, công tác của cán bộ, giảng viên và học viên.
Hai là, tạo các diễn đàn trao đổi về phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Việc tạo các diễn đàn trao đổi về phương pháp tự học, tự nghiên cứu, giúp cán bộ, giảng viên chia sẻ bí quyết học tập, cách thức, phương pháp, kỹ năng trong quá trình tự nghiên cứu, các mô hình tự học cá nhân và tập thể tiêu biểu để cùng nhau học hỏi, đặc biệt là sự chia sẻ từ những cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm.
Ba là, xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu
Để tự học thành công phải có kế hoạch, đồng thời phải kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại. Căn cứ kế hoạch chung của Nhà trường, của Khoa chuyên môn, mỗi giảng viên cần xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, phù hợp với điều kiện, trình độ, năng lực của bản thân; trong đó bao gồm cả kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch lâu dài. Phải có thái độ học tập đúng đắn, nghiêm túc, cầu thị; tự học mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, mọi hình thức. Đặc biệt, cần khắc phục tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại nghiên cứu cái mới. Thực hiện học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn một cách kiên trì, bền bỉ, sáng tạo. Quá trình thực hiện kế hoạch tự học cần thường xuyên đối chiếu với mục tiêu đề ra, tự giám sát, đánh giá kết quả của bản thân để có sự điều chỉnh kịp thời.
Bốn là, tiếp tục tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đội ngũ giảng viên trẻ tự học, tự nghiên cứu.
Nhà trường tiếp tục tạo điều kiện cho giảng viên trẻ có môi trường tự học thuận lợi, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, am hiểu thực tiễnSong hành với việc quan tâm nâng cao trình độ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiếp tục chú trọng bồi dưỡng đội ngũ thông qua các hoạt động thực hành - trải nghiệm thực tiễn như: giao chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa, các hoạt động lãnh đạo, quản lý…; quan tâm tạo động lực và áp lực trong công tác tổng kết thực tiễn, biên tập tài liệu, sách chuyên khảo, tham khảo, các hoạt động thao giảng, dự giờ, hội thi giảng viên dạy giỏi; kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ quản lý tiêu biểu, các danh hiệu giảng viên, các công trình khoa học tiêu biểu, vinh danh các tập thể kiểu mẫu, giảng viên gương mẫu. Đồng thời, tấm gương tự học, tự nghiên cứu của các thành viên trong Ban Giám hiệu, của lãnh đạo các khoa, phòng và những giảng viên lâu năm chính là động lực thúc đẩy sự vươn lên của thế hệ trẻ.
Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị; mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
                                                                   ThS. Nguyễn Thị Duyên
          Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
 
Chú thích
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.44
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.178-189
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.133
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.98
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.6, tr.360
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.312
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.90
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.Chính trị quốc gia, H.2011, t.6, tr.361 
[9] Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, H.1997, tr.41
[10] Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.28
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1287
Hôm qua:
1836
Tuần này:
9617
Tháng này:
41263
Tất cả:
4.406.143