Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá - Góc nhìn từ học viên lớp TCLLCT A2K49
Đăng lúc: 13:54:09 28/09/2022 (GMT+7)1040 lượt xem
Ảnh: Giao diện Trang thông tin điện tử
TrườngChính trị tỉnh Thanh Hoá
Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Việc ứng dụng CNTT cũng nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, theo đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Với xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là CMCN 4.0, công nghệ số hóa sẽ tạo ra những bước đột phá, thay đổi cách sống, cách làm việc và xác định lại các giá trị trong một tương lai không xa.
Có thể nhận thấy, trong bối cảnh ngày nay, trang thông tin điện tử thể hiện vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội, đối ngoại, định hướng dư luận, đồng thời đấu tranh trực diện, phản biện nhanh nhạy, kịp thời ngăn chặn những luận điệu sai trái, xuyên tạc... Có thể khẳng định, trang thông tin điện tử ngày càng khẳng định được vị trí trong công tác tuyên giáo nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng.
Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (Truongchinhtrithanhhoa.gov.vn) vừa là kênh cung cấp những thông tin lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực công tác, vừa là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, kiến thức chuyên môn nhằm nâng cao trình độ của mỗi cán bộ, viên chức Nhà trường; đặc biệt còn là cầu nối giữa Nhà trường với học viên, là nơi để học viên tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thông tin.
Những năm qua, hoạt động của Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (Website) ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Website có nhiều chuyên mục, tin, bài, hình ảnh đa dạng, phong phú. Các tin, bài đã phản ánh một cách đa dạng trên nhiều lĩnh vực của Nhà trường, như: Tin tức – Sự kiện, Đào tạo – Bồi dưỡng, Nghiên cứu khoa học, Hành chính - Quản trị, Tư liệu thư viện… Nhiều bài viết có cách viết lôi cuốn, hấp dẫn và được đầu tư kỹ lưỡng.
Ngoài sự tham gia đóng góp tin, bài của giảng viên Nhà trường, còn có các “cộng tác viên” là những học viên đã và đang học tập tại trường với những bài viết chất lượng, phong phú về nội dung, có chiều sâu về tính liên hệ thực tiễn. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, Trang thông tin điện tử đã trở thành một kênh kết nối hữu hiệu giữa Nhà trường và người học trong học tập trực tuyến, chia sẻ tin bài. Đây chính là công cụ hữu ích, góp phần truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, giáo dục lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo dục lý luận chính trị hữu hiệu đối với học viên.
Lợi ích đem lại là như vậy, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học viên chưa tiếp cận, tìm hiểu tới kênh thông tin này. Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ thực trạng: hiện nay có nhiều phương tiện giải trí mới mẻ; một bộ phận học viên ngại nghiên cứu, học tập lý luận chính trị. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan từ phía Trang thông tin điện tử vẫn còn thiếu những nội dung đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người đọc. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử Nhà trường, trong thời gian tới, dưới góc nhìn của học viên đang học tập Trung cấp Lý luận chính trị tại trường, thiết nghĩ, Nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:
Một là, cần tăng cường, đẩy mạnh giới thiệu Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá cho học viên đã và đang học tại Nhà trường để Website này trở thành “món ăn tinh thần” bên cạnh các “món ăn giải trí” khác trong thời kì công nghệ 4.0 hiện nay. Theo đó, hình thức giới thiệu cần phong phú, đa dạng như: giảng viên lên lớp trực tiếp giới thiệu cho học viên về Website Nhà trường; giới thiệu, chia sẻ các tác phẩm, tin, phóng sự, bài viết hay, đặc sắc trên các trang báo chính thống; tạo, lập trang thông tin trên Zalo, Facebook có liên kết tới Website Nhà trường nhằm kịp thời chia sẻ những tin, bàig tin đặc sắc, chất lượng.
Hai là, Ban Giám hiệu nhà trường, các khoa chuyên môn và phòng chức năng cần tiếp tục chỉ đạo, phân công, giao nhiệm vụ cho các lớp trong việc tập trung đầu tư thời gian và trí tuệ để viết tin, bài có chất lượng gửi về Ban Biên tập Website đều đặn hàng tháng với tỷ lệ hoặc số lượng nhất định. Nhà trường cần coi đây là một trong số những hoạt động rèn luyện kỹ năng xây dựng tin, bài cho học viên. Bên cạnh đó, Ban Biên tập Website cần phân công khoa học, hợp lý, tránh trùng lặp trong việc lựa chọn chủ đề bài viết; cần gắn với các hoạt động chuyên môn, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của tỉnh, của đất nước…
Ba là, Nhà trường cần nâng cấp, bổ sung các tính năng hoạt động của Trang thông tin nhằm lôi cuốn người đọc, như: nâng cấp hiệu ứng hình ảnh; tạo thêm mục “Bình chọn chất lượng bài viết“, “Bình luận bài viết” để người đọc có cơ hội chia sẻ cảm xúc, ý kiến cá nhân về bài viết, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các bài viết. Đồng thời, Ban quản trị nên xem xét nâng cấp, chuyển đổi Trang thông tin điện tử hiện nay thành “Báo điện tử”, là địa chỉ tin cậy, khuyến khích người đọc trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, thực hiện các chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Bốn là, để mỗi bài viết thực sự có giá trị truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, mỗi tác giả phải xác định được nội dung, chủ đề của bài viết chính xác, rõ ràng, tiếp cận vấn đề một cách khoa học, hợp lý; đồng thời cần được thể hiện bằng văn phong ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với ngôn ngữ phù hợp với từng chủ đề bài viết.
Năm là, thúc đẩy tinh thần tự học, tự sáng tạo trong mỗi học viên, “xóa bỏ” những tư tưởng, biểu hiện của việc ngại học lý luận chính trị. Đồng thời, Nhà trường tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế, chế tài khuyến khích giảng viên, học viên đóng góp các bài viết hay, có chất lượng cao, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng Trang thông tin điện tử.
Từ khi ra đời cho đến nay, Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa vẫn đã, đang và sẽ là một kênh thông tin đáng tin cậy đối với cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường. Hy vọng rằng, những giải pháp đề xuất nêu trên sẽ đóng góp được phần nào trong việc đổi mới hoạt động của Website Nhà trường, thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước trong thời kỳ mới./.
Lê Chí Vinh - Cao Thùy Hân
Lớp TCLLCTA2-K49
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1496
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6988
Tháng này:
59044
Tất cả:
4.992.645