THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và sự vận dụng để xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 09:48:25 04/12/2021 (GMT+7)1153 lượt xem

 Th.S Lê Na
Khoa Xây dựng Đảng
 
          Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, có phẩm chất chính trị trung thực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt chú trọng, đặt lên hàng đầu ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, bởi nó được xem là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, đảm bảo cho Đảng ta giữ vữngvai trò tiên phong lãnh đạo trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã có bước đột phá về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Đây là quan điểm nổi bật, mang tính đột phá chiến lược, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tâm đắc và đánh giá cao. Bởi vì, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh… đã khó mà xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung còn khó khăn và phức tạp gấp bội lần.
            Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được hôm nay một phần bắt nguồn từ chính tinh thần dám thay đổi, dám kiên quyết đấu tranh của những cán bộ lãnh đạo vì lợi ích của nhân dân, vì sự lớn mạnh của Đảng, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình dù gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có thể nói đến đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người đã khởi xướng chủ trương “Khoán hộ”, hướng đi rất mới trong cách thức quản lý nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Có thể kể đến tấm gương của Tổng Bí thư Trường Chinh với tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc, là người khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người của “Những việc cần làm ngay”; Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại dấu ấn đậm nét với việc xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500 KV…
          Trong bối cảnh hiện nay, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, những tác động mặt trái của kinh tế thị trường đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên càng phải phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, cống hiến vì sự phát triển chung của đất nước. Chính vì vậy, ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” đã thể hiện sự tiếp tục kế thừa và phát triển trong tư duy của Đảng ta về cán bộ tạo thêm động lực rất lớn để cán bộ có thêm bản lĩnh dấn thân, mạnh dạn trong tư duy sáng tạo và đổi mới trong triển khai các phương pháp tổ chức quản lý để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách dám bước qua những lối mòn, những thách thức, có thêm những cơ hội để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị sẽ tạo mọi điều kiện cả về mặt tư duy, cơ chế, tổ chức, môi trường, phương tiện bảo đảm giúp cán bộ dám nghĩ về sự sáng tạo, dám khởi tạo sáng tạo và hiện thực hóa sự sáng tạo đó.
          Tuy nhiên, Kết luận số 14-KL/TW cũng chỉ rõ những nguyên tắc bất biến trong vận hành, hiện thực hóa ý tưởng, đột phá mới, táo bạo của cán bộ. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là làm liều, không có tính toán, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm. Ý tưởng, sự đột phá ấy phải bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tập thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Hay nói cách khác, sẽ không có bất kỳ ý tưởng mới nào được ghi nhận, nếu nó nằm ngoài tổ chức và sẽ không có bất kỳ cán bộ nào được tổ chức bảo vệ nếu ý tưởng phi thực tế, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, mang nặng chủ nghĩa cá nhân hoặc làm liều, làm ẩu.
          Cùng với công tác “khuyến khích cán bộ”, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những quan điểm mới trong bảo vệ cán bộ “6 dám”. Đây là vấn đề đặt ra rất cấp thiết và được giải quyết khá toàn diện, thỏa đáng. Tinh thần và thái độ “bảo vệ cán bộ” trong kết luận này cũng chính là giải phóng sức sáng tạo và giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho những “công bộc” thật sự tâm huyết, trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, tổ chức Đảng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hay chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
          Có thể khẳng đinh, đây là những quan điểm thể hiện tính nhân văn sâu sắc và chính sách khuyến khích tài năng, nhân tài; đồng thời cho thấy sự thấu hiểu, cảm thông của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ thông qua những quy định cụ thể trong việc chia sẻ rủi ro, xem xét trách nhiệm trên tinh thần bảo vệ các nhân tố mới, nhân tố tích cực. Có thể nói, tinh thần bảo vệ cán bộ là rất quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng nó chỉ hiện thực “khi và chỉ khi” cán bộ thật sự đề xuất đổi mới, sáng tạo “vì lợi ích chung”, chứ không phải sự sáng tạo vì lợi ích nhóm hay quyền bính cá nhân. Có nghĩa là những cán bộ sáng tạo, đột phá, “xé rào” vì nước, vì dân, vì lợi ích của tập thể, cộng đồng thì mới được Đảng, Nhà nước và khuôn khổ pháp lý, pháp luật bảo vệ đến tận cùng. Còn ngược lại, Đảng sẽ nghiêm khắc xử lý mạnh mẽ đúng như Kết luận số 14-KL/TW chỉ rõ: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Như vậy, Kết luận 14-KL/TW là sự cụ thể hóa những nội dung đã được Đại hội XIII quyết định. Một trong những phương hướng của nhiệm kỳ XIII được Đảng xác định là xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ “6 dám” đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây chính là một điểm tựa quan trọng để cán bộ tự tin hơn nữa trong việc dám đột phá những cản trở bất lợi trong quá trình thực thi công vụ mở đường để chủ trương được quy định trong pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để khuyến khích và bảo vệ cán bộ.
          Đối với tỉnh Thanh Hóa, đứng trước yêu cầu phát triển ngày càng cao theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thì Kết luận số 14-KL/TW chính là căn cứ vô cùng quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch có môi trường thực tiễn để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, nhất làcán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và những cán bộ được quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu xuyên suốt là phải thay đổi nhận thức, thái độ của từng cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác, cống hiến. Đây là việc làm cần thiết, vì hiện nay vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo có tư tưởng cho rằng chức năng, nhiệm vụ cơ quan mình chỉ có thế; lương của từng cán bộ cũng được định sẵn hệ số nên không thể bắt ép ai đó phải nỗ lực sáng tạo, đột phá hay làm việc một cách khác biệt, khác thường, thậm chí vẫn cổ hủ với lối nghĩ: Không sáng tạo thì chẳng “cháy nhà, chết người” gì, nhưng sáng tạo thì có khi... chết cả chính mình và gây hại cho cơ quan, đơn vị. Và do đó cứ “đến hẹn lại lên”, việc cũ ta làm; chẳng việc gì phải băn khoăn, trăn trở; miễn sao đến cuối năm cơ quan được cấp trên đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Bởi thế mới có tình trạng bộ máy hành chính ở một số nơi hoạt động trì trệ, kém chất lượng; nhiều vị trí cán bộ, công chức như thể “ăn bám” vào biên chế nhà nước để sáng tới, chiều về, đến tháng lĩnh lương.
          Chính vì vậy, để vận dụng và thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở tỉnh Thanh Hoá trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trước hết, các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn tỉnh cần phải triển khai quán triệt đầy đủ, sâu sắc Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó có sự thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị, đồng thời phát huy tinh thần, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu trong việc quyết định để cán bộ triển khai thực hiện ý tưởng đột phá, sáng tạo. Bên cạnh đó, người đứng đầu phải ý thức được sứ mệnh nêu gương, phải đi trước, làm trước và phải làm tốt, làm hiệu quả kết hợp với việc chủ động tạo môi trường thuận lợi để cán bộ thuộc quyền mình quản lý mạnh mẽ đề xuất, hiến kế, thể hiện năng lực, tài năng.
Thứ hai,Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, với nhiều cách làm mới; triển khai thận trọng, chặt chẽ, bài bản; kịp thời kiện toàn, bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. 
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và thiện cơ chế, chính sách bảo vệ đối những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo động lực cho những đột phá, sáng tạo của cán bộ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, trong đánh giá cán bộ, trước những ý tưởng mới, khó của cán bộ mà cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới chưa đủ năng lực thẩm định cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền cần kịp thời “tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung” hoặc có cơ chế cho cán bộ được “bảo lưu” đề xuất của mình để tiếp tục theo dõi, giám sát. Tuyệt đối tránh mọi biểu hiện trù dập, phỉ báng cán bộ, hoặc có tâm lý sợ cấp dưới giỏi hơn mình. Mặc khác, cũng hết sức chú ý phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng “tranh công, đổ lỗi”; ăn cắp ý tưởng, thành quả lao động sáng tạo của quần chúng... Đặc biệt, phải lấy hiệu quả hoàn thành các ý tưởng, giải pháp đột phá, kết quả hoàn thành việc khó, nhiệm vụ quan trọng để làm tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá, nhận xét, cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ.
Thứ tư, nêu cao tinh thần tự học tập, rèn luyện, ý thức đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung của từng cán bộ, đảng viên. Theo đó, đối với từng cán bộ, đảng viên cần chủ động thực hiện nhiệm vụ; nhiệt huyết tìm tòi, khám phá thực tiễn; xung kích nghiên cứu, phát hiện những vấn đề nảy sinh, vướng mắc để tìm hướng xử lý, giải quyết; tự tin và không ngừng đặt ra các mục tiêu phấn đấu ngày càng cao trong học tập, công tác; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ. Cùng với đó, từng cá nhân trong tập thể phải mạnh mẽ đấu tranh với các biểu hiện lười nhác, sợ việc khó, ngại sáng tạo, không dám dấn thân vì lo sợ sai lầm dẫn đến thất bại, rồi bị đánh giá mất uy tín và bị ảnh hưởng đến vị trí, khả năng thăng tiến...
Thứ năm, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp cấp trên đối với các tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện Kết luận số 14.Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14 ở tất cả các cấp, các ngành đòi hỏi phải có sự vào cuộc hết sức trách nhiệm của cấp uỷ, sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của các tổ chức đảng, song việc tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ cấp trên, nhất là thông qua công tác kiểm tra, giám sát là yếu tố quan trọng giúp cho các cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập ngay tại cơ sở, tạo hành lang thông suốt cho việc thực hiện có hiệu quả việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, bởi vì một mặt, thông qua công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp cấp uỷ cấp trên kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, mặt khác sẽ giúp cấp uỷ, tổ chức đảng “chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”.
Thứ sáu, thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ban Thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Kịp thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
Là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Thanh Hóa luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên bám sát vào định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cụ thể hóa các Nghị quyết, quy định của Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ yêu cầu thực tiễn; đặc biệt, thực hiện theo đúng tinh thần của Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo. Điều này được thể hiện rõ nét trong thực tiễn giảng dạy và đào tạo. Đó là sự đổi mới, sáng tạo của giảng viên Nhà trường sẵn sàng  tiên phong làm những điều mới mẻ, khác biệt, chưa có thông lệ, tiền lệ và dám chịu trách nhiệm về sự đổi mới của mình. Cao hơn nữa, dám đối mặt và nhận trách nhiệm với những công việc khó khăn, phức tạp giúp tháo gỡ những nút thắt, khơi thông điểm nghẽn trong thực tiễn tạo thuận lợi cho việc bứt phá, mang lại những giá trị mới về lý luận và thực tiễn; góp phần hoàn thiện việc tuyên truyền cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đến học viên. Sự đổi mới, sáng tạo ở đây không có nghĩa là phủ định sạch trơn những nhận thức, cách làm trước, mà nó một lần nữa khẳng định những giá trị đúng đắn, phát triển lên cao hơn các thành tựu trong quá khứ. Tiêu biểu đó là quá trình chuyển đổi từ dạy học thụ động sang dạy học chủ động, dạy học hướng tới học viên, lấy học viên, người học làm trung tâm; lấy phục vụ là mục tiêu của nhà trường, từ đó, tạo tiền đề nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Với phương châm sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất giải pháp và tư duy nguồn lực xã hội hoá nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn, giảng viên của Nhà trường đã vận dụng độc lập, sáng tạo lý luận vào thực tiễn phát triển của tỉnh Thanh Hoá, bảo đảm phù hợp với xu thế vận động chung của cả nước. Việc xác định mục tiêu trọng tâm phù hợp đã giúp khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo bứt phá ấn tượng, phấn đấu đưa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá trở thành một trong những trường chính trị hàng đầu cả nước.
          Như vậy, có thể khẳng định, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành kịp thời, phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là chủ trương mang tính chất đột phá, góp phần quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, có uy tín cao và thật sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, trên cơ sở đó thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước- một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng, xây dựng tỉnh Thanh Hoá trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
268
Hôm qua:
2301
Tuần này:
4890
Tháng này:
12811
Tất cả:
5.105.320