NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Khắc khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị - Thực tiễn từ lớp Trung cấp Lý luận chính trị A6 K49

Đăng lúc: 14:13:31 17/08/2022 (GMT+7)495 lượt xem

 Muốn ngăn chặn,đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, phải chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị. Tuy nhiên, công việc này lại đang vấp phải một trở ngại là tình trạng lười học, ngại học lý luận đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Zalo_2022-08-17 14-07-33@2x.jpg
V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”. Người khẳng định: “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.
Muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên phải chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị. Tuy nhiên, công việc này lại đang vấp phải một trở ngại là tình trạng lười học, ngại học lý luận đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị xuất phát từ những lệch lạc trong nhu cầu, động cơ chính trị của cán bộ, đảng viên và những hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục lý luận chính trị của các cơ quan, đơn vị. Đánh giá về tình trạng này, ở biểu hiện thứ ba trong chín biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị được Đảng đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ: nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từ cấp trung ương cho đến cấp cơ sở. Thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cho thấy tình trạng học viên lười học lý luận chính trị được thể hiện ở một số biểu hiện sau:
Một là, một bộ phận không nhỏ học viên chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị. Họ chỉ chú tâm vào việc nhận thức cần thiết phải học tập chuyên môn, nghiệp vụ gắn với công việc mình đảm nhận, ít quan tâm hoặc không hề quan tâm đến học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Hai là, khi học tập lý luận chính trị, có những học viên chưa thực sự nghiêm túc, học qua loa, đại khái, chiếu lệ, hình thức, tình trạng đi học muộn, về sớm còn phổ biến, tình trạng xin nghỉ học tương đối nhiều. Có học viên đi học với tư tưởng học để có tấm bằng, học để đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm trong công tác cán bộ... Chính vì vậy, những hoc viên này chưa thật sự toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu, học tập. 
 Ba là, một số học viên ý thức học tập chưa tốt, chưa chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương trong nghiên cứu, học tập; chưa chuyên tâm học tập, hiện tượng mất tập trung, làm việc riêng, vừa học vừa điều hành hoặc giải quyết công việc của cơ quan. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng học viên đi muộn về sớm, xuất phát từ việc các học viên vừa đi học vừa đi làm nên vẫn tranh thủ thời gian qua cơ quan, đơn vị hoàn thiện công việc chuyên môn được giao nên diễn ra tình trạng này.
Bốn là, trong quá trình học tập trên giảng đường, vẫn còn có học viên chưa tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, không nghiên cứu tài liệu trước khi đến lớp; đi học không mang sách, vở; bài thi, bài thu hoạch thực tế không trên cơ sở tự tìm tòi, nghiên cứu, còn có tình trạng quay cóp, sao chép nên chất lượng học tập lý luận chính trị chưa cao.  
Năm là, học chưa đi đôi với hành; lý luận chưa gắn liền với thực tiễn. Nội dung, tri thức lý luận chính trị chưa được người học vận dụng thiết thực vào thực tiễn công tác với tư cách là “cẩm nang” định hướng giải quyết các vấn đề phát sinh, đòi hỏi của thực tiễn địa phương, đơn vị mình. Có học viên đi học trở về không nắm được nội dung phần học là gì, không sử dụng làm công cụ giải quyết cho công việc chuyên môn của mình.
Những tồn tại hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân sau:
Nguyên nhân từ chính bản thân người học. Có thể thấy thực trạng học viên chưa xác định đúng mục tiêu, động cơ học tập lý luận chính trị, chỉ coi học tập lý luận chính trị để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn về hồ sơ để đề bạt, cất nhắc, thăng tiến theo quy định của tổ chức; ý thức chính trị, ý thức đạo đức chưa cao nên chưa có được động cơ học tập trong sáng, chưa hình thành ý thức tự giác trong học tập.
Nguyên nhân từ nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, cùng với hệ thống các trường chính trị trong cả nước, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đang thực hiện chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chương trình này có đổi mới, bổ sung, cập nhật thông tin mới; song dung lượng kiến thức trong một bài còn quá lớn.
Nguyên nhân từ đội ngũ giảng viên giảng dạy. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá có số lượng đông với 100% có trình độ từ thạc sỹ trở lên. Về cơ bản, đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy tốt. Tuy nhiên, còn một số giảng viên trong áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực và truyền thống còn hạn chế, trong quá trình giảng dạy còn nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên.
Nguyên nhân từ các đơn vị cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Thực tế cho thấy, còn có tình trạng chưa chọn, cử đúng, trúng đối tượng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ cử đi học ở một số nơi còn biểu hiện thiếu dân chủ, không khách quan. Còn có sự chồng chéo trong sử dụng cán bộ thực hiện công việc tại cơ quan, đơn vị với tạo điều kiện để học viên toàn tâm, toàn ý trong học tập đối với những cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng. Chưa có các biện pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng, vận dụng tri thức, kỹ năng, tư tưởng của người được chọn, cử đi học sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng vào phục vụ công việc thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Để khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị của học viên, trong thời gian tới, Nhà trường cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt với một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho học viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị. Theo đó, Nhà trường cần tuyên truyền để học viên thấy được vai trò trung tâm của mình trong việc học tập, bồi dưỡng; giúp họ nhận thức được việc nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ; kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để và đưa ra những biện pháp mạnh tay để thay đổi cách nhìn nhận học lý luận chính trị vì lý do thăng tiến, lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên Nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học tích cực. Ngoài ra, giảng viên cần bổ sung và cập nhật những kết quả nghiên cứu từ thực tiễn, tổng kết thực tiễn của địa phương vào bài giảng, làm cho bài giảng có thêm nhiều kiến thức sinh động, tạo cho học viên chăm chú, hứng thú, say mê.
 Thứ ba, người học cần phải xác định đúng động cơ, mục đích của việc học tập lý luận chính trị; tích cực đóng góp ý kiến trong xây dựng bài học, tiếp thu bài giảng của giảng viên, ý kiến của bạn bè để có thêm những bài học kinh nghiệm cho bản thân; gắn những tri thức thu được vào thực tiễn công tác; không ngừng phấn đấu, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trình độ lý luận chính trị, kỹ năng, phương pháp luận thông qua con đường tự học tập, tự nghiên cứu gắn với sự định hướng, dẫn dắt của các thầy, cô giáo.
Thứ tư, tổ chức học tập, nghiên cứu lý luận chính trị theo nhóm. Nhóm học tập rất cần thiết trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Khi học theo nhóm, học viên được chia sẻ ý kiến cho nhau, được hỗ trợ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ nhằm phát triển năng lực và phẩm chất, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập. Việc học nhóm phải đảm bảo điều kiện thuận lợi; chỗ ngồi của nhóm phải dễ trao đổi thảo luận với nhau để cùng nhau học tập, xây dựng bài học. Nhóm học tập có thể từ 5 -7 học viên. Thông qua hoạt động nhóm trong học tập lý luận chính trị, học viên sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội.
Thứ năm, tăng cường phát triển kỹ năng đọc. Người học lý luận chính trị phải siêng đọc sách, báo nói chung, nhất là những tài liệu về lý luận chính trị nói riêng. Hiện nay, thư viện của Trường có rất nhiều đầu sách các loại; hội tụ khá đầy đủ các sách, báo, tạp chí lý luận giúp cho việc học tập sẽ tốt hơn. Ngoài kiến thức đã được giảng viên truyền đạt tại lớp, học viên có thể mượn, đọc và nghiên cứu tài liệu trong các giờ giải lao hoặc dành thời gian nghiên cứu để nắm bắt, tiếp thu nhiều hơn, trang bị khối kiến thức lý luận cần thiết phục vụ tốt cho môn học và phần học đó. 
Thứ sáu, các cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ đi học cần chọn, cử cán bộ đi đào tạo đúng đối tượng, thiết thực, tránh tràn lan, gây tốn kém, lãng phí; cần xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị đào tạo tiến hành nghiêm túc kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập của cán bộ, đảng viên được cử đi học; coi trọng và có kế hoạch bố trí, tạo điều kiện để cán bộ vận dụng kết quả học tập vào thực tiễn công tác; lấy kết quả học tập, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.
 Có thể khẳng định, khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị là góp phần giải quyết chín biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị được Đảng đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tích cực học tập lý luận chính trị, nâng cao trình độ là thể hiện trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, có tâm, tầm, trí tuệ, đạo đức để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới./.
Học viên: Trần Thị Mai Chi
 Lớp: TCLLCTA6K49
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1104
Hôm qua:
2022
Tuần này:
9175
Tháng này:
4447
Tất cả:
4.435.735