Khai thác tiềm năng, trí tuệ, tính sáng tạo của người học trong dạy-học Bộ môn Đường lối, chính sách kinh tế
Đăng lúc: 10:38:58 14/12/2021 (GMT+7)1383 lượt xem
Nguyễn Thị Loan
Khoa Xây Dựng Đảng
Khoa Xây Dựng Đảng
Dạy - học lý luận chính trị đóngvai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhậpquốc tế của đất nước. Nằm trong hệ thống các trường chính trị, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có chức năng đào tạo, bồi dưỡnglý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng giao phó, dù trong hoàn cảnh nào, Nhà trường luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và đã đào tạo số lượng lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho tỉnh nhà. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt mục tiêu và hiệu quả, để mỗi bài giảng lý luận chính trị đạt chất lượng, có tính thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn là việc làm không đơn giản đối với mỗi người giảng viên khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy môn học, trong đó có môn Đường lối, chính sách kinh tế.
Nhà văn Nhật Bản Kakura đã nói: “Con người là ngọn đèn được thắp sáng, chứ không phải là những cái bình nước cần được đổ đầy”. Chính vì vậy, dạy học được ví là một nghệ thuật; đó là nghệ thuật thức tỉnh trong tâm hồn người học tính sáng tạo, ham hiểu biết, giúp người học suy nghĩ và hành động tích cực; trong đó tính ham hiểu biết đúng đắn và sinh động chỉ có được khi người học có tinh thần thoải mái. Nếu nhồi nhét kiến thức một cách miễn cưỡng thì hiệu quả giáo dục khó đạt được như mong muốn. Ngày nay, trình độ học vấn của học viên ngày càng được nâng cao; số lượng học viên có trình độ từ đại học đến thạc sỹ, tiến sỹ ngày một nhiều.Chính vì vậy, cần coi trọng kỹ năng sư phạm của người giảng viên vì điều đó quyết định sự thành công hay thất bại của việc giảng dạy.Nếu người giảng viênkhéo léo, biết phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên thì chất lượng học tập sẽ được nâng cao, buổi học sẽ sôi nổi, tích cực, hiệu quả và đạt được mục tiêu bài giảng.
Một trong những điểm mới về mục tiêu giáo dục được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi Số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) là “phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. (Điều 2. Mục tiêu giáo dục).Như vậy, cùng với các yếu tố đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ, yếu tố sáng tạo sẽ góp phần xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Theo các nghiên cứu, con người có nhiều chỉ số thông minh như sau: Chỉ số thông minh (IQ- Intelligence Quotient), chỉ số cảm xúc (EQ- Emotional Quotient), trí thông minh xã hội (SQ- Social Quotient), trí thông minh sáng tạo (CQ – Creative Quotient), chỉ số vượt khó (AQ- Adversity Quotient), chỉ số đam mê (PQ – Passion Quotient), chỉ số đạo đức (MQ– Moral Quotient), khả năng biểu đạt ngôn ngữ (SQ- Speech Quotient). Mỗi chỉ số đều có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo đảm sự thành công của mỗicon người; trong đó trí thông minh sáng tạo là một giá trị cốt lõi để phân biệt năng lực trí tuệ giữa người này với người khác. Có thể thấy, mỗi một vấn đề khám phá trong cuộc sống đều không phải chỉ có một lối mòn, mà cần người đầu tiên khai phá, mở lối đi riêng. Tuy nhiên, năng lực này ở mỗi người mỗi khác, đây có thể nói là cốt lõi của trí thông minh. Khi người ta có thể đưa ra một khái niệm mới, một tiêu chí đánh giá khác biệt, thì đó gọi là trí thông minh sáng tạo.Những người có trí thông minh sáng tạo nổi trội so với những người bình thường được gọi là nhân tài. Trí sáng tạo của con người vừa là động lực, vừa là bệ đỡ cho những phát kiến ra đời, góp phần làm thay đổi, hơn thế là tạo ra những bước đột phá phát triển cho mỗi lĩnh vực, ngành nghề nói riêng và tạo ra những bước ngoặt phát triển cho lịch sử xã hội loài người nói chung.
Trong dạy học nói chung và trong giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, người giảng viên cần biết khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, phát huy tính sáng tạo của người học;bởi, trí thông minh sáng tạo của mỗi người thường mang tố chất bẩm sinh nhưng khả năng sáng tạo trong mỗi tư duy con người đều có thể rèn luyện. Người giảng viên có thể “đánh thức” được tiềm năng, trí tuệ của người học nếu biết cách khơi dậy, phát huy đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm trong khi dạy học. Theo đó, việc khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, tính sáng tạo, ham hiểu biết của học viên phụ thuộc vào việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực của người giảng viên. Vì vậy, tiếp tục tập trung đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực sáng tạo là nhiệm vụ được Nhà trường hết sức quan tâm. Bên cạnh các nhiệm vụ mà người giảng viên phải thực hiện như: nâng cao nhận thức tư tưởng cho người học; áp dụng phương pháp dạy học tích cực; nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm; tham gia bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực; bổ sung kiến thức thực tế... thì việc đưa ra các thủ thuật để vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học tích cực sao cho phù hợp với từngđối tượng học viên là việc làm hết sức cần thiết đối với mỗi giảng viên trong giai đoạn hiện nay, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà.
Với kinh nghiệm giảng dạy Bộ môn Đường lối, chính sách kinh tế trong những năm qua, chúng tôi đề xuất một số cách thức nhằm phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ, tính năng động, sáng tạo của người học, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị như sau:
Một là, tìm hiểu kỹ đối tượng học trước khi lên lớp.Hiện nay, học viên Trường Chính trị tỉnhngày càng trẻ hóa, chuẩn về trình độ; có những lớp đối tượng học viên 100% trình độ từ đại học trở lên, thậm chí có cả tiến sĩ, làgiảng viên đại học. Đó là lợi thế cho các lớp học khi những đối tượng học viên nàyđược mời phát biểu ý kiến, chia sẻ thực tiễn. Việc tìm hiểu kỹ ngườihọc giúp giảng viên hiểu rõ hơn về đối tượng cần truyền đạt tri thức lý luận, hơn nữa còn giúp giảng viên lựa chọn được phương án tối ưu cho buổi giảng.
Hai là, nắm chắc nội dung, làm chủ bài giảng, chuyển tải tri thức đến người học một cách sinh động, dễ hiểu. Giảng viên cần nắm vững những nội dung trong giáo trình để có thể làm chủ bài giảng trong quá trình giảng dạy. Dạy học là một nghệ thuật. Vì vậy, để bài giảng thu hút được học viên và khai thác được tiềm năng, trí tuệ, tính sáng tạo của học viên đòi hỏi người dạy học phảigiống như người làm nghệ thuật, phải xác định và tìm ra điểm nhấn nghệ thuật. Điều đó là vô cùng quan trọng đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, đặc biệt trong điều kiện xã hội bùng nổ thông tin với nhiều tác động đa chiều đến học viên. Giảng viên cần xác định trọng tâm bài giảng, tránh tràn lan, cần tạo điểm nhấn trongbài giảng; từ đó tạo ra sức hút và lan tỏa đến người học nhằm phát huy tối đa trí tuệ và tính sáng tạo trong học tập. Một trong những thủ pháp nghệ thuật sư phạm quan trọng mà ngườigiảng viên cần chú ý khai thác và khai thác triệt để nhằm đạt hiệu quả cao nhất là kỹ năng xác định và sử dụng hợp lý, khoa học, sáng tạo các phương pháp, phương tiện dạy học trong. Thực tiễn đã chứng minh, nội dung vấn đề rất quan trọng, là điểm nút để thắt, mở vấn đề đối với người học nhưng nếu không cóphương pháp truyền thụ tốt thì sẽ không mang lại hiệu quả; thậm chí nếu không có phương pháp truyền thụ tốt, vấn đề quan trọng ấy lại trở nên nhàm chán, buồn tẻ với người học.
Ba là, sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người học có cơ hội để thể hiện bản thân và phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ, tính sáng tạo. Có thể đề cập đến các phương pháp sau:
Phương pháp Hỏi – đáp. Đâylà phương pháp phổ biến trong giảng dạy, có thể triển khai bằng nhiều cách; đó là: giảng viên hỏi, học viên trả lời hoặc học viên hỏi, giảng viên trả lời. Theo hình thức này, giảng viên tạo cho học viên một môi trường học tập hoàn toàn chủ động và mang tính sáng tạo. Sau mỗi phần của bài giảng hoặc sau khi kết thúc một chuyên đề, thậm chí có thể để mở đầu bài giảng mới, giảng viên đề nghị học viên đưa ra những câu hỏi còn thắc mắc hay chưa rõ cóliên quan đến nội dung bài giảng hoặc những vấn đề mà học viên quan tâm cóliên quan đến chuyên đề này. Sau khi thu thập toàn bộ câu hỏi của học viên, giảng viên nên phân loại câu hỏi theo 2 nhóm: câu hỏi chung; câu hỏi theo nội dungphần học. Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ trả lời những vấn đề mà học viên đưa ra, đồng thời những câu trả lời phải có tính định hướng theo mục tiêu bài giảng mà giảng viên đã đặt ra.
Bằng phương pháp Hỏi – đáp, giảng viên và học viên có thể cùng trao đổi về nội dung vấn đề trong bài giảng. Đây được xem là hình thức đặc biệt trong phương pháp hỏi đáp, thường được áp dụng đối với loại câu hỏi mang tính phức tạp hơn, với những vấn đề cần thảo luận sâu. Hình thức này sẽ tạo được vòng thảo luận đa chiều, không chỉ trao đổi giữa giảng viên với học viên, mà còn giữa học viên với học viên. Cần lưu ý rằng, vai trò của giảng viên khi áp dụng hình thức này cầnkhéo léo và linh hoạt để điều khiển cuộc thảo luận đa chiều sao cho không được quá sôi nổi đến mức tranh cãi căng thẳng, mà không được để cuộc thảo luận rơi vào tình trạng tẻ nhạt và mau chóng kết thúc. Chính vì lý do này mà việc chọn lựa câu hỏi hay chủ đề đưa ra thảo luận phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Câu hỏi phải phù hợp với trình độ của học viên, đồng thời loại câu hỏi hay chủ đề đưa ra phải thuộc loại câu hỏi có nhiều phương án trả lời.
Với phương pháp Hỏi – đáp, học viên này hỏi - học viên khác trả lời chính là cách đưa học viên làm chủ phương pháp hỏi – đáp. Cụ thể, phương pháp này được thực hiện như sau: Chia lớp ra 2 nhóm (có thể giữ nguyên chỗ ngồi), giảng viên đưa ra yêu cầu về nội dung hoặc chủ đề, sau đó phân công nhóm 1 đặt câu hỏi, nhóm 2 có nhiệm vụ trả lời. (có thể đặt 1 hay 1 cụm câu hỏi). Giảng viên cần đưa ra thời gian suy nghĩ là3- 5 phút, yêu cầu trả lời ngắn gọn, đi vào nội dung chính. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này, yêu cầu giảng viên phải có vốn kiên thức sâu, rộng, khả năng phản xạ tốt.
Phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng. Cách tiến hành thông thường là cử 2 học viên lên bảng để luân phiên nhau ghi lại các ý kiến hoặc có thể vận dụng sáng tạo bằng những cách khác nhau tùy từng điều kiện cụ thể mà đạthiệu quả tốt hơn, như: giảngviên có thể ghi hộ các ý kiến của học viên để tiết kiệm thời gian đối với những bài giảng dài, nhiều kiến thức hoặc mỗi học viên (hoặc nhóm học viên) tự ghi ý kiến của mình lên giấy và găm lên bảng.(cách này sẽ có vẻ gây xáo trộn trật tự một chút nhưng ưu thế của nó là tạo được sự sôi nổi, phá tan sự cứng nhắc trong việc học tập lý luận chính trị).
Phương pháp thảo luận nhóm. Có thể chú trọng đến hoạt động độc lập, hướng vào học viên, phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Vì các lớp học của Trung cấp LLCT thường có khoảng 70 học viên, phòng học thường không rộng lắm cho nên việc chia nhóm có một số khó khăn nhất định. Giảng viên có thể chia lớp học thành các nhóm nhỏ gồm5 đến 8 học viên một nhómđể thảo luận một vấn đề cụ thể nào đó và nhanh chóng đưa ra kết luận tập thể về các vấn đề đó. Bên cạnh đó, giảng viên có thể chia lớp thành3-4 nhóm; mỗi nhóm thảo luận 1 vấn đề và phân công phản biện chéo giữa các nhóm. Nhóm thứ nhất có nhiệm vụ thảo luận và phản biện, góp ý cho nhóm 2; nhóm 2 trình bày vấn đề được giao và phản biện, góp ý cho nhóm 3; nhóm 3 phản biện, góp ý cho nhóm 4; nhóm 4 thảo luận, phản biện, góp ý cho nhóm 1. Hình thức nhóm này giúp học viên rất tích cực chuẩn bị câu hỏi thảo luận và trình bày trước lớp; giúp lớp học sôi nổi; giúp học viên rèn luyện tốt các kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản biện, kỹ năng đặt câu hỏi…
Phương pháp chuyên gia. Tùy vào đối tượng học, giảng viên có thể sử dụng phương pháp chuyên gia trong giảng dạy lý luận chính trị. Học viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau nên tùy thuộc vào nội dung giảng dạy để mời chuyên gia chia sẻ về các vấn đề có liên quan đến bài học. Ví dụ, trong Bộ môn Đường lối, chính sách kinh tế, những nội dung cần trao đổi sâu có thể mời chínhhọc viên trong lớp làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hoặc là giảng viên đại học giảng dạy lĩnh vực này thuộc Hồng Đức hoặc các giáo viên các trường THTP có am hiểu kiến thức này kèm theo khả năng thuyết trình tốt. Đây là phương pháp giúp phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của học viên trong học tập; đồng thời qua đó, giảng viên có thể khai thác được những ý kiến thú vị, mở rộng vấn đề đang giảng dạy. Để thực hiện được phương pháp này, giảng viên cần có kiến thức rộng và cần làm chủ buổi học để không bịquá giờ trong một nội dung giảng dạy.
Bốn là, thường xuyên bám sát, cập nhật những văn kiện, nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực tiễn cuộc sống đang diễn ra một cách hợp lý, phù hợp với nội dung bài giảng.Do đó, giảng viên Bộ môn Đường lối, chính sách kinh tế không chỉ cầnnắm vững tri thức nguồn trong giáo trình để chuyển tải chohọc viên một cách tốt nhất mà còn phải nắm vững đường lối, chính sách để phát hiện và đưa vào bài giảng những vấn đề nóng hổi mang tính thời sự của cuộc sốngmột cách hợp lý, phù hợp với nội dung bài giảng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để bài giảng thực sự hấp dẫn, lối cuốn và thuyết phục cao đối với người học, làm cho người học không cảm thấy bị gò bó, nặng nề trong các tiết học.
Khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, tính sáng tạo của người học là vấn đề vô cùng quan trọng trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Để thực hiện được điều đó, ngườigiảng viên cần tích cực áp dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đạiđể tạo được sự thay đổi về chất trong quá trình dạy học. Mặc dù việc chuyển từ phương pháp dạy - học cũ sang phương pháp dạy học mới là không dễ dàng, song nếu mỗi giảng viên nỗ lực đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ trong giảng dạy, chắc chắnmỗibài giảng lý luận chính trị tưởng như khô khan sẽ tạo nênbầu không khí học tập sôi nổi, bổ ích và hiệu quả; đặc biệt sẽ trang bị, cung cấp kiến thức lý luận cho học viên với tinh thần, thái độ học tập tích cực, say mê, biết suy nghĩ sáng tạo, biết phát huy ưu điểm, sở trường, thế mạnh của bản thân để giành kết quả cao nhất và có nhiều sáng kiến hữu ích phục vụ công cuộc đổi mới đất nước./.
---------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo Như: Khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân (qđnd.vn)
2. Phương pháp giảng dạy tích cực – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019)
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
275
Hôm qua:
2301
Tuần này:
4897
Tháng này:
12818
Tất cả:
5.105.327