HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Mô hình xây dựng “Tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu” ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa”

Đăng lúc: 07:46:23 06/12/2019 (GMT+7)2321 lượt xem

ThS.Lê Thị Hương
Phó Trưởng phòng TCHC - TTTL
 
Từ năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Bác cũng chỉ ra cho Thanh Hóa những việc cần làm để trở thành “kiểu mẫu”. Trước hết, Người khẳng định tính toàn diện của nó: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu”.
Theo sự hiểu biết thông thường thì “kiểu mẫu” là cái (sự vật, sự việc hoặc con người) có đầy đủ nhất những đặc trưng tốt đẹp, có thể làm mẫu để những cái khác, người khác noi theo. “Kiểu mẫu” có tính mẫu mực, quy chuẩn. Bởi vậy, một tỉnh được gọi là “kiểu mẫu” thì chắc chắn phải là một mẫu mực phát triển (trên mọi lĩnh vực hoặc một lĩnh vực nào đó) đối với các địa phương khác.
Thể hiện quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn về “kiểu mẫu”. Ngày 17/02/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 488/2014/QĐ-UBND quy đinh các tiêu chí kiểu mẫu và trình tự, thủ tục công nhận các danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước giai đoạn 2014-  2020, để từng người, từng nhà, từng xã, phường, cơ quan, đơn vị thực hiện.
Thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực, nổi bật và xuyên suốt là: Từ phong trào thi đua 2 tốt "Dạy tốt, học tốt", năm học 2017-2018 đã phát triển thành phong trào thi đua 4 tốt "Nghiên cứu tốt, phục vụ tốt, quản lý tốt, dạy - học tốt", cuối năm 2018 và đến năm 2019 nâng lên thành phong trào thi đua 5 tốt "Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt". 
Đồng thời, hưởng ứng phong trào thi đua trong toàn tỉnh xây dựng“Công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát động và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng nhà trường kiểu mẫu”. Gắn với các phong trào thi đua, Nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điển hình như: xây dựng các tập thể kiểu mẫu và cá nhân gương mẫu; công nhận giảng viên giỏi theo 3 cấp độ (có giờ dạy giỏi, dạy giỏi và giỏi); mô hình xây dựng hình ảnh, tác phong người cán bộ, giảng viên; mô hình học tập 3 không, 3 có; mô hình giới thiệu sách trong chương trình phát triển văn hóa đọc; mô hình Câu lạc bộ giảng viên trẻ; mô hình bồi dưỡng 3-3-3; mô hình 3 tốt (định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt) trong xây dựng đội ngũ…
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của phong trào thi đua xây dựng các tập thể, cá nhân kiểu mẫu, Trường Chính trị tỉnh đã sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường; trong đó mô hình tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp và gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Với chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trong thời gian không quá 12 tháng nên Nhà trường đã cụ thể hóa Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa,theo đó Nhà trường đã ban hành Hướng dẫn số 115/HD-TrCT, ngày 15/4/2015 về bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu. Mục đích bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu nhằm biểu dương tập thể lớp, cá nhân học viên có thành tích tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở các lớp, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Việc bình chọn Tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu dựa trên các tiêu chí đó là: Về học tập, rèn luyện, về chấp hành nội quy ký túc xá, tiêu biểu tham gia các phong trào,ban cán sự lớp gương mẫu trong tổ chức, thực hiện hoạt động tự quản, cụ thể để bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu đảm bảo khách quan, công bằng Nhà trường đã xây dựng bộ tiêu chí như sau:
Đối với bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu dựa trên 5 tiêu chí sau:
Thứ nhất, về học tập:S số tham gia học tập các buổi học trên lớp đạt 95% trở lên, không có học viên đi học muộn, bỏ giờ, không có học viên phải học bổ sung, học lại.Có 95% trở lên học viên chủ động trong xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu bài trước khi lên lớp, lớp học sôi nổi, tích cực phát biểu ý kiến trong xây dựng bài. Số buổi học tập tốt trong tháng đạt từ 90% trở lên, không có buổi học tập trung bình. Kết quả thi kết thúc các phần học trong tháng, điểm khá, giỏi đạt 60% trở lên, không có điểm yếu, kém.
Thứ hai, về rèn luyện:Chấp hành nghiêm quy chế, quy định của Nhà trường.100% học viên có trang phục gọn gàng, lịch sự, đeo thẻ học viên khi đến lớp. Quan hệ, ứng xử trong lớp, trong trường lễ phép, đúng mực; có tác phong, lối sống lành mạnh. Tập thể lớp đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống.
Thứ ba, về chấp hành nội quy ký túc xá:100% học viên chấp hành nghiêm thời gian, giờ giấc tự học, xem tivi và nghỉ ngơi. Chấp hành nghiêm quy định trong sử dụng điện, nước, tài sản của Nhà trường; phòng ở gọn gàng, sạch sẽ.
Thứ tư, tiêu biểu trong tham gia các phong trào: Phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao; tham gia cuộc thi thuyết trình ý tưởng; phong trào phát triển văn hoá đọc; phong trào vệ sinh trường lớp; bảo vệ tài sản công, bảo vệ môi trường; các phong trào khác trong Nhà trường.
Thứ năm, Ban cán sự lớp gương mẫu trong tổ chức, thực hiện hoạt động tự quản: Chủ động, sáng tạo trong xây dựng mô hình tự học, tự đọc, tự nghiên cứu. Xây dựng nội quy tự quản đầy đủ, rõ ràng và phù hợp với quy chế, điều kiện của Nhà trường, của lớp và học viên. Gương mẫu trong thực hiện nội quy, quy chế; đôn đốc học viên thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện, chấp hành nội quy, quy chế; tổ chức thực hiện nội quy tự quản hiệu quả, công khai, dân chủ. Tổ chức, động viên giúp đỡ các học viên gặp khó khăn trong học tập và rèn luyện. Thay mặt học viên của lớp liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, cán bộ, giảng viên các khoa, phòng và Ban Giám hiệu giải quyết những vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của học viên.Báo cáo đầy đủ, trung thực tình hình học tập, rèn luyện của học viên từng buổi, từng tháng học và những việc đột xuất của lớp với giáo viên chủ nhiệm, giảng viên lên lớp và các bộ phận có liên quan theo quy định của Nhà trường.
          Đối với việc bình chọn học viên gương mẫu dựa trên 5 tiêu chí sau:
Một là, thực hiện tốt phương châm “3 không- 3 có”; đó là: 3 không: Không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và không sử dụng điện thoại trong giờ học. 3 có: Có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học.
Hai là, kết quả học tập các môn học trong tháng đạt từ giỏi trở lên.
Ba là, gương mẫu trong các phong trào: Giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - trật tự, phong trào văn hóa - thể thao và các phong trào khác.
Bốn là, được tập thể tín nhiệm phải đạt 80% trở lên tổng số học viên của lớp tín nhiệm.
Dựa trên tiêu chí đánh giá trên, các lớp đã luôn nỗ lực, phấn đấu, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, vừa chấp hành tốt nội quy, quy chế, vừa tham gia tích cực vào các hoạt động chung của Nhà trường, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, kỷ cương, có phong trào học tập và rèn luyện tốt. Đặc biệt, các lớp đã rất chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua hoạt động vì cộng đồng, thăm và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên; tặng quà cho các gia đình chính sách; thực hiện tốt hoạt động tương thân, tương ái thông qua việc góp sức, góp tiền ủng hộ Nhân dân các vùng trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên taitổ chức có hiệu quả các hoạt động “ngày thứ 7 kết nối”; tổ chức giao lưu văn hóa - thể thao giữa học viên các lớp; tự nguyện tham gia vệ sinh môi trường; tham gia hội thi “Xây dựng tác phong cán bộ, học viên Trường Chính trị”thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội; hội thi “Xếp sách nghệ thuật”, “Giới thiệu sách” nhân Ngày sách Việt Nam 21/4…Dù tập luyện vất vả nhưng với lòng nhiệt huyết, sự quan tâm của giáo viên đã tiếp sức giúp học viên các lp giành được giải cao trong các hội thi; báo cáo sản phẩm nghiên cứu thực tế thông qua hình thức tọa đàm, hội thảo các vấn đề thực tiễn ở địa phương (về đạo đức, tác phong, phong cách, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính ở địa phương;phát triển sản xuất hàng hóa; công tác giảm nghèo ở địa phương…), trao đổi các chuyên đề rèn luyện kỹ năng: xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cá nhân, rèn luyện kỹ năng thuyết trình thông qua hình thức giới thiệu sách.
Trên cơ sở kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần, trách nhiệm xây dựng trường, lớp và tham gia các hoạt động phong trào, tính từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2018 -2019 có 49 lượt tập thể lớp kiểu mẫu, trong đó có 06 lớp đạt 02 lần, 02 lớp tiêu biểu đạt 03 lần danh hiệu này trong năm học; 290 học viên gương mẫu. Hoạt động tôn vinh, biểu dương tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu hàng tháng được thực hiện trang trọng tại các buổi chào cờ.
Với phương châm “Lấy mô hình để xây dựng mô hình, lấy điển hình để xây dựng điển hình”, thời gian tới, Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua góp phần thực hiện 1 trong 5 định hướng đổi mới là chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo. Đó cũng là những giải pháp quan trọng để xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng; tạo động lực phát triển để Nhà trường xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, ở khu vực và trong cả nước.
Từ thực tiễn xây dựng mô hình tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu ở Trường Chính trị Thanh Hóa, rút ra một số kinh nghiệm là:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của học viên một cách toàn diện, đầy đủ, đúng ý nghĩa về xây dựng mô hình tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu; nhằm phát huy tinh thần tập thể, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tham gia các hoạt động của Nhà trường.
Thứ hai, việc bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu đảm bảo khách quan, chính xác, dân chủ, công bằng là yêu cầu cần thiết tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua sôi nổi trong học tập, rèn luyện và tham gia phong trào “ngày thứ 7 kết nối”.
Thứ ba, Nhà trường tiếp tục duy trì thường xuyên và đổi mới hình thức khen thưởng, hoạt động tuyên dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong buổi lễ chào cờ để tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua của toàn trường.
Tóm lại, có thể khẳng định mô hình kiểu mẫu không phải là mới, nhưng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã làm mới “mô hình” với hoạt động tôn vinh, biểu dương tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu hàng tháng có ý nghĩa thiết thực, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khát vọng và quyết tâm xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành kiểu mẫu./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1195
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11373
Tháng này:
57747
Tất cả:
4.422.627