NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015

Đăng lúc: 15:08:13 27/10/2016 (GMT+7)5143 lượt xem

 
ThS. Phùng Thị Quyên  
GVC Khoa Nhà nước và Pháp luật
Ngân sách nhà nước (NSNN) là bộ phận chủ yếu của hệ thống tài chính quốc gia, do Luật NSNN điều chỉnh, là cơ sở pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả NSNN.  Qua hơn 10 năm thực hiện, dưới sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ và sự tham gia đóng góp tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đã phát huy những mặt tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Luật NSNN năm 2002 đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cùng với những khó khăn chung của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam thời gian qua đang đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Luật NSNN sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, ngày 25 tháng 6 năm 2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật NSNN có hiệu lực từ năm ngân sách 2017 với nhiều thay đổi nhằmtăng cường kỷ cương ngân sách và tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý NSNN. Trong bài viết này chúng tôi trao đổi một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung.
          1. Về phạm vi thu NSNN
So với Luật NSNN hiện hành, Luật NSNN (sửa đổi) quy định phạm vi thu NSNN đầy đủ và cụ thể hơn về các khoản thu thuế, phí, lệ phí. Theo đó, chỉ thu vào NSNN phần chênh lệch giữa thu và chi của một số loại phí do doanh nghiệp được giao cung cấp dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thu. Đối với các khoản thu từ học phí, viện phí và khoảng hơn 19 loại phí khác dự kiến chuyển sang giá dịch vụ, là doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ công không thuộc NSNN (Điều5).
Các khoản thu từ sản xuất kinh doanh và sử dụng đất đều phải đưa vào cân đối NSNN (như quy định hiện hành) nhưng không sử dụng để xác định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hoặc xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
2. Về bội chi ngân sách và mức dư nợ vay của chính quyền địa phương
(a) Về khái niệm bội chi: Luật NSNN (sửa đổi) đã bổ sung quy định về bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh. Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh (khoản 1 Điều 4).
          (b) Về cách tính bội chi: Luật NSNN (sửa đổi) quy định bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương (không bao gồm chi trả nợ gốc) và tổng thu ngân sách trung ương; bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh được xác định bằng chênh lệch lơn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh (không bao gồm chi trả nợ gốc) và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương. Quy định này nhằm mục đích để tránh việc quyết toán NSNN hai lần và phù hợp với thông lệ quốc tế trong hạch toán NSNN khi có bội chi, đồng thời quy định rõ khi NSNN có thu, vượt thu, kết dư thì ưu tiên chi trả nợ gốc và lãi của NSNN các cấp.
(c) Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định mới là không vượt qúa 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); không vượt quá 30% (đối với các tỉnh có điều tiết còn lại) và không vượt qúa 20% (đối với các tỉnh nhận bổ sung cân đối ngân sách) tính theo số thu phân cấp thay vì  mức 30% của vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của tỉnh như trước đây (khoản 6 Điều 7).
          3. Về thu bổ sung có mục tiêu
Để bảo đảm sự minh bạch trong quản lý NSNN, Luật NSNN (sửa đổi) quy định rõ 4 trường hợp được Trung ương bổ sung có mục tiêu (khoản 3 Điều 40). Trong đó, quy định rõ tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Trung ương.
          4. Về thời kỳ ổn định ngân sách
Luật NSNN (sửa đổi) có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, không trùng với thời kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Vì vậy, để có thời gian chuẩn bị cho lập dự toán và quyết toán các năm tiếp theo, thời kỳ ổn định ngân sách 2011 - 2015 được kéo dài đến hết năm 2016. Thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo được tính từ năm 2017 đến năm 2020.
          Riêng năm 2016, dự toán ngân sách chi thường xuyên, áp dụng mức phân bổ theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; đối với dự toán chi đầu tư phát triển, áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà mước giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
          Ngoài ra, Luật NSNN (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về: kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch ngân sách tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm; công khai và giám sát thực hiện NSNN của cộng đồng; đánh giá theo kết quả đầu ra; quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách.
5. Về dự phòng ngân sách
          Dự phòng NSNN là một khoản mục trong dự toán chi ngân sách chưa phân bổ đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định ở từng cấp ngân sách. Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp (khoản 1 Điều 10). Dự phòng NSNN sử dụng để: Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của cấp mình mà chưa được dự toán; hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; chi hỗ trợ các địa phương khác để khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng (khoản 2 Điều 10).Với quy định trên đã khắc phục được tình trạng lãng phí ngân sách vì trên thực tế nhiều đơn vị sử dụng ngân sách không dùng hết quỹ dự phòng trong khi ngân sách nhà nước đang thực sự khó khăn.
          6. Một số quy định mới liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương
          (a) Về nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách các cấp ở địa phương
          Luật NSNN năm 2015 bổ sung 2 quy định mới đó là: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỉ lệ phân chia 5 khoản thu của ngân sách xã, thị trấn (không quy định thấp hơn 70% cho cấp xã và không phân cấp nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cấp huyện, xã).
          (b) Về bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh và kế hoạch tài chính 5 năm
 Luật NSNN (sửa đổi) bổ sung quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền trong việc quyết định kế hoạch tài chính 5 năm; bội chi ngân sách cấp tỉnh và nguồn bù đắp bội chi ngân sách địa phương hằng năm (khoản 9 Điều 30).
 Đồng thời, Luật cũng quy định về thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân trong việc báo cáo, công khai ngân sách (khoản 7 Điều 31); thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (khoản 8 Điều 31); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm để tham khảo khi thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách hàng năm (khoản 5 Điều 43).
          (c) Về phân cấp nhiệm vụ
Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định rõ ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ (Điều 39), nhiệm vụ này chỉ thuộc về Trung ương và cấp tỉnh.
 Quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại, bảo đảm không thấp hơn dự toán thu NSNN được cấp trên giao (khoản 1 Điều 30).
Luật NSNN năm 2015, là sự kiện quan trọngtạo bước ngoặt mới trong quản lý NSNN theo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tài chính công theo hướng hiện đại. Để Luật NSNN sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải khẩn trương tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
80
Hôm qua:
2605
Tuần này:
8898
Tháng này:
59055
Tất cả:
4.357.592