HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một số giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

Đăng lúc: 15:01:13 19/11/2020 (GMT+7)1578 lượt xem

 Nguyễn Trần Bách Diệp
Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
          Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là “Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại chức danh cán bộ”. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy là nhiệm vụ cấp thiết đối với mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà.
          Đổi mới phương pháp giảng dạy là sự phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học; là việc khắc phục hạn chế của các phương pháp dạy học truyền thống, đồng thời sử dụng các phương pháp dạy học tích cực và kết hợp sử dụng các phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra. Phương pháp dạy học tích cực là phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, giúp người học tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn. Tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy chính là việc thường xuyên áp dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.
          Những phương pháp giảng dạy tích cực thường được đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh áp dụng trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay là: Phương pháp (PP) nêu ý kiến ghi lên bảng; PP tình huống; PP hỏi – đáp; PP làm việc nhóm; PP sàng lọc; PP phỏng vấn nhanh; PP hỏi ý kiến chuyên gia… Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực của đội ngũ giảng viên Nhà trường góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng, bước đầu tạo được hứng thú cho người học. Tuy nhiên, các phương pháp giảng dạy tích cực chưa được áp dụng thường xuyên; một bộ phận giảng viên trẻ hoặc những giảng viên chưa sử dụng thông thạo công nghệ thông tin còn ngại áp dụng; hoặc giảng viên áp dụng chưa linh hoạt, chưa phù hợp với đối tượng học viên và nội dung bài giảng…
          Để tăng cường đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường cần tập trung đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học bằng những giải pháp sau:
          Thứ nhất, Ban Giám hiệu cần tăng cường công tác chỉ đạo các khoa chuyên môn thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo khoa phải đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể để giảng viên thường xuyên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy. Công tác này phải trở thành nhiệm vụ, trách nhiệm bắt buộc đối với các lãnh đạo khoa chuyên môn; là tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ định kỳ. Các khoa chuyên môn cần trình Ban Giám hiệu kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này một cách cụ thể theo năm học, theo từng tháng và có báo cáo thường xuyên. Ban Giám hiệu cần kiểm tra, đánh giá khách quan trách nhiệm của trưởng, phó khoa chuyên môn đối với công tác này và có thể trực tiếp chỉ đạo việc tăng cường đổi mới phương pháp dạy học ở từng khoa; tăng cường quản lý chặt chẽ việc soạn giáo án và giảng dạy của giảng viên trên lớp; thường xuyên có kế hoạch tổ chức dự giờ của giảng viên, góp ý kiến, phân tích đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng bài giảng.
          Thứ hai, Nhà trường cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng giảng viên, trong đó việc đổi mới phương pháp dạy học là một tiêu chí quan trọng. Những tiêu chí cụ thể có thể là: Giảng viên phải nắm chắc nội dung môn học; giảng viên phải làm chủ được các chiến lược, các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; giảng viên phải có kế hoạch về việc học tập; giảng viên phải có hiểu biết về việc đánh giá học viên; giảng viên phải có hiểu biết về các nguồn chương trình và công nghệ; giảng viên phải có thái độ cộng tác với đồng nghiệp và học viên; giảng viên phải có khả năng phân tích và phản ánh trong thực tiễn giảng dạy… Bên cạnh những tiêu chí này, Nhà trường cần căn cứ vào Quy chế đào tạo và các nội quy, quy định khác để đánh giá giảng viên. Mỗi tiêu chí đánh giá cần được xác định qua việc lấy phiếu phản hồi từ học viên, từ nhận xét của lãnh đạo khoa chuyên môn và từ đồng nghiệp. Việc đánh giá có thể theo hình thức bỏ phiếu kín hoặc phản ánh qua các cuộc họp chuyên môn của khoa.
Thứ ba, Nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực. Hằng năm Nhà trường cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, đối với tất cả các môn học; trong đó chú trọng lựa chọn các giảng viên ở Trung ương có nhiều kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy học để truyền đạt cho giảng viên Nhà trường. Ngoài ra, Nhà trường cần lập kế hoạch cụ thể để lần lượt phân công giảng viên đi học tập kinh nghiệm về áp dụng các phương pháp dạy học tích cực ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoặc ở các trường chính trị trên cả nước. Để công tác này đạt hiệu quả, Nhà trường cần có những quy định cụ thể như: giảng viên sau khi đi học tập kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy phải tiến hành phổ biến lại cho khoa chuyên môn hoặc cho tập thể giảng viên; viết bài khoa học về những kinh nghiệm, bài học khi được phân công đi học tập về kỹ năng giảng dạy. Những biện pháp này có tác dụng giúp giảng viên luôn luôn ý thức về trách nhiệm trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Thứ tư, mỗi giảng viên cần nâng cao nhận thức và chủ động xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực chính là việc thực hiện các bước để chuyển chương trình học từ việc tiếp cận nội dung thành tiếp cận năng lực của học viên. Điều này có nghĩa là, thay vì giảng viên chú trọng đến việc học viên học được gì, thì sẽ quan tâm đến việc học viên sẽ vận dụng được những gì thông qua quá trình học tập. Muốn thực hiện được điều này, giảng viên cần phải thay đổi phương pháp dạy học từ thụ động sang chủ động; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Để đạt được mục tiêu này, trước hết, giảng viên phải thường xuyên cập nhật giáo trình, đổi mới phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và nội dung giảng dạy phải được áp dụng trong thực tiễn.   
          Trong giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên cần tập trung cải tiến phương pháp dạy học truyền thống như đàm thoại, thuyết trình; không nên loại bỏ phương pháp này, mà cần hạn chế các nhược điểm và nâng cao hiệu quả trong giảng dạy. Khi kết hợp phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, giảng viên cần vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học: Nêu vấn đề, Hỏi - đáp, Thảo luận nhóm, Tình huống, Nêu ý kiến lên bảng, Trực quan hóa. Ngoài ra, khi giảng bài, giảng viên cần chú trọng cách thức thuyết phục, âm lượng phù hợp, động tác thực hành chuẩn; trong quá trình thực hành phải chú trọng rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống của người học trên từng cương vị công tác. Sau khi giảng xong một bài, giảng viên phải tóm tắt kết luận nội dung, định hướng nhận thức, hướng dẫn liên hệ vận dụng, tổ chức luyện tập thực hành, nêu các vấn đề cần chú ý để người học tự nghiên cứu, học tập...
Để sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, giảng viên cần thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng thiết kế mục tiêu bài giảng, nội dung bài giảng; kỹ năng tổ chức, điều hành hoạt động của lớp học. Do đó, giảng viên phải thực sự có năng lực, trước hết phải sử dụng được các thiết bị dạy học, giáo án phải như một kịch bản được chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh đó, giảng viên cần rèn luyện kỹ năng thuyết trình, có nhiều thông tin và luôn chủ động về thời gian, có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, tạo sự tham gia của học viên.
Thực tế cho thấy, khi giảng viên sử dụng phù hợp các phương pháp giảng dạy tích cực với từng đối tượng học viên và nội dung bài giảng thì chất lượng giảng dạy được ghi nhận bằng chính sự hài lòng của học viên. Để làm được điều này, trước khi tiến hành giảng dạy trên lớp, giảng viên cần tìm hiểu để nắm chắc tình hình đặc điểm học viên bởi đối tượng học viên là cán bộ vừa học, vừa làm thường không đồng đều về lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác và thường có tâm lý ngại phát biểu; đó là trở ngại lớn khi áp dụng giảng dạy bằng các phương pháp tích cực. Nếu giảng viên nắm chắc đối tượng học và công việc ở cơ quan của học viên, thì sẽ có những “chiến lược” đúng đắn để phân chia nhóm học tập, cũng như phát huy được thế mạnh của mỗi học viên. Với phương châm dạy học “lấy người học làm trung tâm”, “học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn”, giảng viên phải khai thác tối đa kinh nghiệm của người học để kích thích chính học viên chủ động nêu và xử lý tình huống. Thực hiện phương châm này, giảng viên phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực để có thể tác động làm thay đổi, chuyển biến cách thức phối hợp hoạt động giữa giảng viên và học viên, nhằm giúp học viên không chỉ chiếm lĩnh hệ thống kiến thức là những khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật trừu tượng mà còn hình thành, rèn luyện cho học viên những kĩ năng, kĩ xảo thực hành sáng tạo để vận dụng vào hoạt động thực tiễn.
Áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay là một yêu cầu cấp bách và cần được đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy học. Đây là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà trường và khoa chuyên môn, sự tâm huyết, tài năng của mỗi giảng viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy nhất định sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2622
Hôm qua:
2230
Tuần này:
7480
Tháng này:
53854
Tất cả:
4.418.734