NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một số giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 17:52:24 19/10/2018 (GMT+7)15666 lượt xem

ThS. Phạm Bá Thịnh – ThS.Nguyễn Thị Duyên 
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gìn giữ và phát huy sức mạnh văn hóa. “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Lát luôn quan tâm  bảo tồn và phát huy những  giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; trong đó tập trung  xây dựng đời sống văn hoáở khu dân cư, xây dựng phong trào thi đuanhư: bảo tồn những giá trị, sắc thái văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng nông thôn mới; đền ơn đáp nghĩa; xoá đói, giảm nghèo; tương thân, tương ái; hòa nhập nếp sống văn hóa mới ở cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Mường lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên là 81.461,44 ha, địa hình đồi núi hiểm trở giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Dân số hiện nay khoảng 37.107 người, bao gồm các thành phần dân tộc: Thái chiếm 46,6% tổng dân số, dân tộc H’Mông chiếm 40,2%, dân tộc Dao chiếm 2%, dân tộc Khơ mú chiếm 2,4%, dân tộc Mường chiếm 4,3% và dân tộc Kinh chiếm 4,5%. Đa số nhân dân trong huyện có tín ngưỡng dân gian là thờ cúng ông bà, tổ tiên và người có công với nước; sinh hoạt nghi lễ tương đối đơn giản, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Qua thống kê, rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện có 02 di tích là Đền Tư Mã Hai Đào ( xã Tén Tằn) và địa danh đoàn quân Tây Tiến (xã Mường Lý); có khoảng 9- 10 lễ hội, nghi lễ lớn nhỏ khác nhau cùng những làn điệu dân ca, dân vũ, trò vui diễn ra trong các lễ hội, ngày vui. Các nghi lễ trong đám cưới (dân tộc Dao), các trò chơi dân gian như: Tung còn, đánh quay (dân tộc Thái), nén Pao, đánh cù (dân tộc Mông), các nghề truyền thống như: nhuộm chàm, thêu, dệt thổ cẩm, nghề rèn, chế tác các loại nhạc cụ tuy vẫn tồn tại ở một số địa phương, gia đình, nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên cần được quan tâm đầu tư để khôi phục lại. Bên cạnh đó còn có các lễ hội: Lễ Xên bản (dân tộc Khơ Mú); Lễ hội tết, lễ cưới (dân tộc Mông); Lễ hội Tén Tằn (dân tộc Thái xã Tén Tằn (hiện nay gần như không còn). Mỗi dân tộc tuy không hình thành nên những địa bàn định cư riêng biệt nhưng có sự tập trung ở một số vùng nhất định, với những bản sắc văn hóa riêng, nhưng  nhìn chung đại bộ phận các dân tộc trên địa bàn sinh sống hòa thuận, quây quần bên nhau tạo nên sự giao thoa văn hóa hết sức đa dạng.
“Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộctrên địa bàn huyện chưa được khai thác và phát huy hiệu quả, vấn đề quan tâm đầu tư cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp chưa nhiều; việc trùng tu các di tích lịch sử chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một; hoạt động của các tổ, đội văn nghệ ở cơ sở chủ yếu còn mang tính phong trào, dựa trên tinh thần tự nguyện, lòng nhiệt tình của nhân dân. Vấn đề sưu tầm, xây dựng và duy trì các loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian đặc sắc còn mang tính tự phát.
Nguyên nhân của những hạn chế trên, chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹpchưa thực sự  sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi khi chưa quyết tâm, còn lúng túng; việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới; chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”2.
Để phát huy có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, cần cập trung vào những vấn đề sau:
Một là,đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá du lịch. Từ đó khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc đối với di sản văn hóa tốt đẹp của cộng đồng mình như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóaở khu dân cư, nếp sống văn hoá mới các bản, làng,gia đình, dòng họ; xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, các tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng; xây dựng các tổ, đội văn nghệ ở các xã, thị trấn,các cơ quan, đơn vị, trường học, điểm dân cư tại các bản; thường xuyên tổ chức, giao lưu văn hoá các dân tộc nhân các ngày lễ, hội.
Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy sự chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thốngtốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, thống toàn bộ các loại hình văn hóa, như văn hóa vật thể như: kiến trúc nhà ở, dụng cụ lao động sản xuất, đồ gia dụng, phương tiện vận chuyển, nhạc cụ,...); văn hóa phi vật thểnhư: truyện kể, văn thơ (truyền miệng, chữ viết…), địa chí, hương ước, ca dao, tục ngữ, câu đố, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, ca múa nhạc, dân ca, trò chơi, ẩm thực, các nghề thủ công truyền thống, lịch sử của địa phương và từng địa danh... Xác định giá trị lịch sử của Đền Tư Mã (Tư Mã Hai Đào) xã Tén Tằn và di tích đoàn quân Tây Tiến xã Mường Lý, Tam Chung.
Bốn là, tập trung quy hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hoá gắn với xây dựng hệ thống du lịch ở các địa phương một cách đồng bộ và khoa học, để các hoạt động này nhanh chóng trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, làng, bản, làm cho đời sống văn hoá của huyện ngày càng phong phú.
Năm là, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, cộng đồng dân cư, nguồn hỗ trợ để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa, gắn với sản phẩm đặc trưng du lịch, kêu gọi các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh các điểm thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở huyện Mường Lát vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; tạosức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Mường Lát; đồng thời là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, nhất là việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Đại hội XII của Đảng./
 
(1) ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.126.
        (2) Nghị quyết số 02 – NQ/HU ngày 23 tháng 12 năm 2015 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Mường Lát giai đoạn 2015 – 2020.
        - Báo cáo Số 06/BC-VHTTĐánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát”.
        - Dự thảo “Báo cáo Sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Mường Lát”.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2431
Hôm qua:
2270
Tuần này:
8644
Tháng này:
58801
Tất cả:
4.357.338