NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một số giải pháp khắc phục tình trạng ngại học lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là học viên Lớp Trung cấp Lý luận chính trị không tập trung huyện Quảng Xương, khoá học 2021 - 2022

Đăng lúc: 14:00:28 28/09/2022 (GMT+7)465 lượt xem

 c1.png
Toàn cảnh buổi toạ đàm khoa học
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của lý luận chính trị và giáo dục lý luận chính trị. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Người chỉ rõ: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.
Giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thói hư tật xấu, khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Lý luận chính trị cung cấp hệ thống tri thức, lý luận khoa học và quan điểm, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và mục tiêu, lý tưởng cho các lực lượng cách mạng; giúp người học có tư duy khoa học để nhận thức, nắm bắt được bản chất, tính tất yếu, tính quy luật vận động khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam; từ đó định hướng nhận thức và hành động thực tiễn cho bản thân đúng đắn, hạn chế và tránh vấp váp, sai lầm, mù quáng và thất bại; góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng, tính nhân văn, nhân đạo và tính khoa học. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, sao cho xứng đáng là những người tiêu biểu, tiền phong nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành trọng trách “kép” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng gửi gắm, đó là: vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Thực tiễn đã chứng minh, với sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đánh bại các thế lực xâm lược, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, tiến lên CNXH và ngày nay đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ tiếp tục đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; do đó, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị lại càng cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
c2.png
Từ thực tế học tập lý luận chính trị (LLCT) của 73 cán bộ, đảng viên là học viên lớp TCLLCT không tập trung huyện Quảng Xương và thông qua buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Khắc phục tình trạng ngại học lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là học viên Lớp Trung cấp lý luận chính trị không tập trung huyện Quảng Xương, khoá học 2021 - 2022 - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức vào sáng ngày 25/9/2022 tại Trung tâm Chính trị huyện Quảng Xương. Toạ đàm tập trung làm rõ một số nội dung chủ yếu, như: vai trò của LLCTvà học tập LLCT đối với cán bộ, đảng viên; biểu hiện của tình trạng ngại học, lười học LLCT, những tác động khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc học tập LLCT của học viên; các nguyên nhân và tác hại của bệnh ngại học, lười học LLCT; giải pháp khắc phục tình trạng ngại học LLCT của học viên trong lớp.Thông qua buổi tọa đàm khoa học có thể nhận thấy bệnh ngại học LLCT thể hiện ngay trong ý thức và phương pháp học tập của học viên; đó là: học thụ động; học không ghi chép; không nghiên cứu tài liệu, giáo trình trước khi đến lớp; học không tranh luận, ítphản biện; học và thi không liên hệ lý luận với thực tiễn; có biểu hiện xem nhẹ việc học LLCT và xao nhãng nghiên cứu các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Những hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là cơ bản, như: Một bộ phận học viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập LLCT, xem nhẹ việc học tập LLCT; không xác định được mục đích, động cơ đúng đắn của việc học tập LLCT, học không vì mục đích tự thân bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do thăng tiến, hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn; sắp xếp thời gian công việc, học tập chưa khoa học; phân tán mất nhiều thời gian giao lưu, chia sẻ trên mạng xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, thông qua buổi Tọa đàm khoa học, đồng chí Trưởng Ban tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Quảng Xương Lê Như Tuấn, đồng chủ tọa, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của học viên, đã đưa ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm, thái độ, động cơ học tập lý luận chính trị;
Hai là, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị;
Ba là, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu thực tế đối với chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị;
Bốn là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa đơn vị cử học viên đi học và cơ sở đào tạo;
Năm là, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những người học lý luận chính trị có thành tích nổi bật;
Sáu là, thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo - quy hoạch và sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp, ở trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang bộc lộ. Đó là những yêu cầu cấp bách đòi hỏi phải đổi mới công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới công tác giáo dục - học tập lý luận chính trị một cách toàn diện, sâu sắc.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Xương đang ra sức thi đua thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, học viên cần xác định đúng mục đích, động cơ học tập LLCT, xây dựng thái độ, phương pháp học tập nghiêm túc, khoa học; tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt; nắm chắc và vận dụng tốt các kiến thức lý luận chính trị vào trong thực tiễn công tác, hướng tới việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 huyện Quảng Xương đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đến năm 2030 trở thành thị xã./.
ThS. Nguyễn Thị Phương
                                                                        Khoa Lý luận cơ sở
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3568
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12386
Tháng này:
62543
Tất cả:
4.361.080