HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một số kinh nghiệm huy động các nguồn lực trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu ở tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 09:33:36 04/12/2022 (GMT+7)869 lượt xem

 Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động Nhân dân để huy động nguồn lực, thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
cd.jpg
Ảnh sưu tầm
 
Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu là tâm nguyện của Bác lúc sinh thời, cũng là mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa luôn đặt ra và hướng đến. Để xây dựng thành công xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, một động lực quan trọng không thể thiếu là phải phát huy được nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân. Khai thác tối đa các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trên thực tế, nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết hợp lòng dân trong việc huy động các nguồn lực, từ đó tạo được sự đồng thuận và sự ủng hộ của nhân dân để xây dựng xã kiểu mẫu, phường, thị trấn kiểu mẫu. Nguồn lực huy động trong nhân dân bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần của người dân và các cá nhân, tổ chức trong và ngoài địa phương. Nguồn lực vật chất Nhà nước huy động gồm: tiền mặt (đóng góp theo sự thống nhất của tổ dân phố, thôn, bản và ủng hộ tự nguyện); hiện vật (gồm vật liệu xây dựng, trang thiết bị cho văn phòng, nhà văn hóa, cây xanh…); hiến đất ở để mở rộng đường, làm công trình công cộng của làng, xã; ngày công lao động. Nguồn lực tinh thần là sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thể hiện qua các hoạt động, như: ủng hộ và tham xây dựng những tiêu chí có liên quan; tuyên truyền vận động cho các thành viên trong gia đình và mọi người trong khu dân cư, trong địa phương hưởng ứng thực hiện; có ý kiến góp ý với cán bộ địa phương về cách làm để nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí và đạt kết quả cao. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh còn huy động được nguồn lực bên ngoài; đó là sự ủng hộ, đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương; của con em địa phương xa quê và các nhà hảo tâm…
Theo kết quả huy động nguồn lực cho xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, tính từ năm 2016 đến năm 2021, Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hoá đã vận động hơn 11.730 gia đình hội viên hiến 120.000m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn; tiếp tục nhân rộng các mô hình: xây bể thu gom rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng; lò tiêu hủy, đốt rác thải của các gia đình Cựu chiến binh; hàng cây Cựu chiến binh. Phối hợp tổ chức trên 2.000 lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên về kỹ thuật sản xuất, thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Phối hợp hỗ trợ làm mới và sửa chữa 270 nhà tình nghĩa trị giá 22,626 tỷ đồng; nhận ủy thác vốn vay của CCB toàn tỉnh đạt 1.761 tỷ 881 triệu đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng quỹ Mái ấm Công đoàn. Từ năm 2016 đến năm 2019 đã vận động xây dựng mới và sửa chữa được 355 căn nhà với số tiền 15,192 tỷ đồng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên toàn tỉnh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động, quyên góp, hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng trăm “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá gần 20 tỷ đồng; giúp 12.576 hộ thoát nghèo bằng ngày công, con giống, phân bón với tổng trị giá chục tỷ đồng; trao bò cái sinh sản cho phụ nữ nghèo; nhận ủy thác với các ngân hàng trên 8.069 tỷ đồng giúp 213.455 hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh đăng ký, đảm nhận 13.000 công trình, 19.350 phần việc thanh niên trị giá trên 200 tỷ đồng. Các hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo an sinh xã hội được tổ chức đa dạng, rộng khắp, đã huy động trên 35.000 lượt thanh niên tình nguyện giúp bà con nhân dân làm thuỷ lợi nội đồng, gieo trồng mùa vụ; vận động quyên góp gần 10 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết. Hằng năm tổ chức diễn đàn thanh niên khởi nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp cho hàng trăm nghìn đoàn viên thanh niên; tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho hơn 15 nghìn ĐVTN; tuyên truyền về tư vấn học nghề và việc làm cho gần 40 nghìn ĐVTN; nhận ủy thác vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế đạt 820 tỷ đồng.
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng, tín chấp cho gần 50 vạn lượt hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh đã tín chấp và ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội… cho hội viên nông dân vay với số tổng dư nợ 11.255 tỷ đồng với 5.509 tổ vay vốn cho 186.896 hộ. Năm 2019, số hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi 3 cấp là 209.017 hộ; số hộ đạt SXKD cấp xã, phường, thị trấn là 181.742 hộ, số hộ đạt SXKD giỏi cấp huyện là 25.264 hộ, số hộ đạt SXKD giỏi cấp tỉnh là 1867 hộ, số hộ đạt SXKD giỏi cấp Trung ương là 143 hộ. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy nội lực, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn; đồng thời các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã ủng hộ, đóng góp rất lớn nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới ở các xã.
Từ những kết quả đáng phấn khởi trong huy động nguồn lực mà các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương tham gia vận động, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho các tầng lớp Nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân hiểu được mục đích và lợi ích của việc xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Để đạt được xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, trước tiên phải đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và chuẩn đô thị văn minh. Việc xây dựng xã, phường, thị trấn dựa là tránh nhiệm của toàn Đảng, của hệ thống chính trị và của toàn thể Nhân dân; trong đó, Nhân dân là chủ thể trong xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.  Đặc biệt, thông qua thực tiễn xây dựng xã, phường thị trấn kiểu mẫu để tuyên truyền, chứng minh làm rõ việc “dân thụ hưởng” chính là lợi ích mà các hoạt động mang lại, bao gồm hưởng lợi ích trực tiếp và nhóm hưởng lợi gián tiếp. Đây là động lực để Nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực cho xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức trong tham gia đóng góp “xã hội hóa”, phát huy “sức dân” để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực vật chất và tinh thần trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đều được phân công tham gia đảm nhiệm các tiêu chí phù hợp với tính chất của tổ chức mình. Để huy động tốt các nguồn lực từ hội viên, đoàn viên của tổ chức mình, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội phải vững về nghiệp vụ đoàn thể và kỹ năng tuyên truyền vận động. Do đó, những cán bộ này cần tích cực nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền, vận động thông qua các chương trình tập huấn và các buổi quán triệt tinh thần của cấp trên; thông qua tham quan, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác thông qua tự học. Sự nhiệt tình, sâu sát với hội viên, đoàn viên và Nhân dân trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu đóng vai trò quyết định.
Thứ ba, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Trong quá trình xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu cần thực hiện và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân và vai trò chủ thể của Nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sự công khai minh bạch trong quá trình xây dựng xã, phường, thị trấn là một trong những yếu tố quan trọng để huy động các nguồn lực trong nhân dân, đặc biệt là việc huy động nguồn lực vật chất (tiền, vật liệu xây dựng, trang thiết bị…). Việc thực hiện các tiêu chí được triển khai cho Nhân dân nắm bắt, Nhân dân được bàn bạc, thống nhất. Trong đó, việc huy động nguồn lực từ Nhân dân phải tuân theo “Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, “Pháp lệnh người cao tuổi”, “Luật trẻ em” và đảm bảo vừa sức dân. Đặc biệt cần công khai, minh bạch và sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn huy động do đóng góp và ủng hộ.
Thứ tư, xây dựng điển hình, mô hình huy động nguồn lực và công tác biểu dương, khen thưởng.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại các thôn, bản, tổ dân phố lựa chọn những cá nhân, gia đình, dòng họ, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để tuyên truyền, vận động đi đầu, làm mẫu trong việc ủng hộ (tiền, hiện vật, hiến đất…) hoặc đăng ký nhận đảm nhiệm các công việc, như: đảm nhận vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đường phố; duy trì tự quản, đảm bảo an ninh, trật tự; đăng ký công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; chỉnh trang nhà cửa, sân vườn cổng ngõ theo quy hoạch chung. Qua đó, tuyên truyền vận động con em từ các gia đình, dòng họ làm ăn xa quê có điều kiện về vật chất đóng góp ủng hộ quê hương. Việc xây dựng các điển hình, mô hình là bước khởi điểm tạo ra các phong trào chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn, kiểu mẫu. Do đó, cần biểu dương, khen thưởng kịp trời, trang trọng các cá nhân, gia đình, dòng họ, tổ chức có đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu.
Thứ năm, tổ chức huy động nguồn lực một cách thống nhất, tránh chồng chéo.
Bên cạnh nghĩa vụ đóng góp xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu theo Nghị quyết của thôn, bản, tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thống nhất huy động nguồn lực trên tinh thần tự nguyện, vừa sức dân thông qua các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tránh huy động chồng chéo (một người ủng hộ nhiều nơi). Bên cạnh đó, cần huy động thông qua công tác tín dụng, nhận vay vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn để hội viên của các tổ chức tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội
Để huy động các nguồn lực trong Nhân dân ở tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục phát huy sự tận tâm, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo khơi dậy ý thức trách nhiệm của nhân dân trong chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn kiểu mẫu./.
     Vương Mạnh Toàn
GVC Khoa Lý luận cơ sở
---------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện cuộc vận động  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 – 2020 (Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hoá)
- Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Thông tri số 10/TTr-MTTW-BTT
về hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giai đoạn 2016 – 2021(Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hoá)
                                                                                       
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1656
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9439
Tháng này:
55813
Tất cả:
4.420.693